Mỹ tiết lộ kế hoạch rút gọn quân đội

Thứ Tư, 18/01/2012, 14:40

Trong tuần lễ đầu năm 2012, trong chuyến thăm hiếm hoi lầu năm góc, tổng thống Barack Obama tiết lộ kế hoạch về một quân đội tinh gọn và ít tốn kém hơn nhằm hưởng ứng chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Bóng gió về việc kết thúc vai trò của Mỹ ở Iraq và kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, ông Obama không úp mở rằng "làn sóng chiến tranh đang giảm bớt". Ông nói: "Câu hỏi đặt ra cho lời giải chiến lược này là chúng ta sẽ cần tới kiểu quân đội nào sau bao cuộc chiến dai dẳng trong một thập niên gần đây. Quân đội của chúng ta sẽ gọn gàng hơn, nhưng thế giới nên biết rằng nước Mỹ sẽ giữ vững sức mạnh quân sự với các lực lượng tinh nhuệ và linh động sẵn sàng chống lại mọi đe dọa và những cuộc tấn công bất ngờ từ các thế lực thù địch".

Bài phát biểu của Tổng thống Obama đã nhận được sự ủng hộ từ các quan chức hàng đầu Lầu Năm góc, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và tướng Martin Demsey, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ. Đảng Cộng hòa lập tức lên án kế hoạch của ông Obama và mô tả nó như sự trốn tránh thực tế trách nhiệm toàn cầu của Mỹ. Buck McKeon, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, gọi kế hoạch này là "chiến lược giật dây làm cho nước Mỹ bị bỏ rơi". Ông này nói: "Tổng thống đã 'đóng gói' sự rút lui của chúng ta khỏi thế giới bằng vỏ bọc của một chiến lược mới. Nó làm cho người Mỹ trượt dốc và kéo theo nhiều chương trình trong nước bị thất bại".

Trong khi trình bày chiến lược mới, ông Obama cam kết giữ các tuyến đường biển quan trọng chiến lược và chống lại các mối đe dọa từ tên lửa, điện tử, không gian điều khiển… Ông Obama gọi đây là thời kỳ chuyển hóa và nhắc lại thành công trong cuộc săn lùng và tiêu diệt Osama bin Laden, kết thúc cuộc chiến ở Iraq và diễn biến tại Afghanistan.

Tổng thống Obama còn đưa ra đánh giá trên cơ sở thực tế: "Chúng ta đang đối mặt với những lựa chọn tài chính khó khăn nhất, nhưng dù ở bất cứ đâu, chúng ta sẽ giữ quân đội được đào tạo và trang bị tốt nhất trong lịch sử". Đây là quan điểm của ông Obama trong tài liệu - có tựa là "Sustaining U.S. Global Leadership: Priorities for 21st Century Defense" (tạm dịch là: "Củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ: Những ưu tiên trong quốc phòng thế kỷ XXI"- nêu những điều cốt lõi trong chính sách quốc phòng sẽ được liệt kê chi tiết khi Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ phân bổ ngân sách năm 2013.

Chính quyền Obama đã đặc biệt thận trọng sắp xếp cho thông báo này trong bối cảnh tài chính khó khăn và trong năm bầu cử. Người có quyền cao nhất trong quân đội Mỹ cũng tỏ ra ủng hộ những cải tổ này. Tướng Dempsey cho biết: "Nghe có vẻ là một chiến lược tốt. Nó bảo đảm quân đội Mỹ vẫn là lực lượng kiệt xuất trên thế giới, duy trì năng lực của mọi lực lượng tình nguyện. Chiến lược của chúng ta luôn thể hiện khả năng phản ứng với những bất ngờ xảy ra trên toàn cầu dù ở bất cứ đâu và khi nào". Theo ông này, điển hình 2 cuộc chiến kéo dài 10 năm nay là kinh nghiệm để Mỹ đúc kết cho tương lai. Ông này cũng nhấn mạnh rằng rất hài lòng với bản sơ lược mới công bố. Ông Dempsey nói: "Nó chưa hoàn hảo, nhưng nó đem lại điều mà quân đội Mỹ cần có trong tình trạng thế giới và tài chính hiện nay".

Tổng thống Obama phát biểu trong chuyến viếng thăm hiếm có tại Lầu Năm Góc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng đồng tình với phần nhận xét "mối đe dọa không ngừng của chủ nghĩa cực đoan, sự phát triển nhanh chóng của các vật liệu và vũ khí hủy diệt, tình hình bất ổn ở Iran và Trung Đông, sự nổi lên của nhiều thế lực mới ở châu Á và những thay đổi đáng kể ở Trung Đông". Panetta nói: "Liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ thu gọn lại, nhưng sẽ nhanh nhẹn hơn, linh động và sẵn sàng triển khai bất cứ lúc nào với trang bị tiên tiến nhất". Panetta hưởng ứng với tướng Dempsey trong phản biện với những chỉ trích từ phe bảo thủ đang phản đối chính sách của chính quyền Obama.

Ash Carter, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, nói trong cuộc họp báo rằng chiến lược mới giúp cắt giảm nhân lực sau này nhờ tránh những chiến dịch lớn kéo dài - như 2 cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Carter từ chối nêu chi tiết về những cắt giảm quốc phòng, nhưng hứa sẽ liệt kê sau khi chính quyền Obama công bố văn bản bổ sung về ngân sách.

Khi được hỏi về tương lai của một trong số hệ thống vũ khí đắt giá nhất của Mỹ - máy bay chiến đấu F-35 - Carter cho biết: "Đó là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 cần thiết cho quân đội Mỹ". Văn bản công bố hôm 5/1/2012, có đề cập tới cái giá phải trả cho cuộc chiến kéo dài 10 năm là quá cao, với hơn 46.000 người bị thương tật và hơn 6.200 binh lính liên quân thiệt mạng.

Trong khi thừa nhận những khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, chiến lược mới còn hứa hẹn giúp đỡ các cựu chiến binh tìm việc làm trong nền kinh tế dân sự. Theo tài liệu, khi Bộ Quốc phòng cắt giảm lực lượng, chính phủ sẽ hỗ trợ mọi thứ cho những ai giải ngũ, gồm cả những chương trình hỗ trợ để giúp cựu quân nhân sử dụng kỹ năng quân sự trong lực lượng lao động dân sự và giúp họ tìm việc làm ổn định.

Các nhà thầu quốc phòng và công nhân dân sự cũng sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng bởi công bố hôm 5/1/2012 và hiện có không ít tranh luận về những hợp đồng quốc phòng trong những năm sắp tới. Hãng Boeing vừa công bố sẽ đóng cửa nhà máy sản xuất máy bay B-52 và máy bay vận tải hành khách 767. Mark Bass, Phó chủ tịch Boeing, cho biết: "Quyết định đóng cửa cơ sở ở Wichita (bang Kansas) là rất khó khăn, nhưng suy cho cùng thì việc này chịu ảnh hưởng nặng bởi bối cảnh thị trường hiện nay và trong tương lai".

Được biết, Panetta đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond trong chuyến viếng thăm chính thức gần đây tại Washington. George Little, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, cho biết: "Họ đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về những phát minh ứng dụng cho quốc phòng trong kỷ nguyên tài chính khó khăn, và cùng đồng ý rằng NATO sẽ tiếp tục tăng cường khả năng quân sự". Hai quan chức cấp cao này cũng thảo luận về vấn đề Afghanistan, Pakistan và Iran. Cuối cùng, họ đã ký kết văn bản qua đó Mỹ sẽ hỗ trợ cho Hải quân Hoàng gia Anh trong việc phát triển thế hệ tàu sân bay mới

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.