Nam Phi: Phóng thích kẻ giết người tàn bạo nhất chế độ Apartheid
Tên tuổi của De Kock đi vào lịch sử Nam Phi như là "tên đồ tể số 1", hay "kẻ thủ ác" bởi những tội lỗi tày trời mà hắn đã gây ra với người da đen, trong vai trò là chỉ huy lực lượng cảnh sát mật của chế độ Apartheid. Đó là Biệt đội Vlakplaas, mang tên một khu trang trại nằm cách thủ đô Pretoria 20km về phía tây, cũng là đại bản doanh của đội cảnh sát mật chuyên nhiệm với sứ mạng trấn áp các cuộc bạo động nổi dậy của người da màu.
Dưới thời viên chỉ huy đầu tiên Dirk Coetzee (1945-2013), Biệt đội Vlakplaas mang mật danh là C10, đến khi đại tá De Kock được điều về thay thế D. Coetzee đổi phiên hiệu thành C1, trực thuộc Cục Cảnh sát Quốc gia Nam Phi (SAP).
Sau khi chế độ Apartheid bị xóa bỏ vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước, D. Coetzee được Ủy ban Chân lý và Hòa giải (TRC) là cơ quan tư pháp tối cao của chế độ mới, ra quyết định ân xá vào đầu tháng 8/1997 do đã đào nhiệm khỏi Biệt đội C10 năm 1989, rồi gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của thủ lĩnh Nelson Mandela, trở thành một trong những cố vấn chủ chốt của Tổng thống Nam Phi kiêm Chủ tịch ANC Jacob Zuma. Riêng De Kock bị chính quyền mới bắt giữ rồi bị điệu ra trước vành móng ngựa, xét xử những tội ác đã phạm phải trong 4 năm trực tiếp chỉ huy lực lượng cảnh sát mật Vlakplaas.
Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi M. Massu bất ngờ thông báo quyết định trả tự do cho De Kock. |
Trước Hội đồng Thẩm phán của TRC, De Kock đã buộc phải thừa nhận các hành vi tội phạm của mình.
Cụ thể hắn giải thích rằng Vlakplaas là một lực lượng cảnh sát bán quân sự, với chức năng chính là bắt giữ bất kỳ ai có thái độ chống đối lại chế độ Apartheid. "Những người bị C1 tống giam, sau một thời gian dày công cải huấn vẫn không lay chuyển, sẽ được đem đi thủ tiêu ở một nơi bí mật", "tên đồ tể số 1" cho biết. Trong lời khai chi tiết trước TRC, De Kock thừa nhận có hơn 100 trường hợp bị hành hạ, tra tấn, thậm chí bị giết chết trong thời gian hắn chỉ huy Biệt đội Vlakplaas.
Ngoài ra, De Kock cũng cho biết thêm, C1 còn tham gia các chiến dịch ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan mật vụ tại Kenya, Rhodesia (nay là Zimbabwe), Angola... trong khuôn khổ tiễu trừ các phong trào giải phóng dân tộc của người da đen trên lục địa châu Phi.
Sau hơn một năm xét xử, cuối cùng tòa đã tuyên phạt "kẻ thủ ác" De Kock 2 bản án chung thân vì liên quan đến cái chết của 89 nạn nhân, cộng thêm các hình phạt khác như tội âm mưu giết người, hành hung, bắt cóc... với tổng cộng 212 năm tù giam. Ngay sau khi tòa tuyên án, lực lượng Cảnh sát Tư pháp liền dẫn giải "tên đồ tể số 1" De Kock về nơi biệt giam tại Nhà tù Trung tâm ở Pretoria, nơi được coi là có biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất Nam Phi.
“Tên đồ tể số 1" De Kock đang cung cấp lời khai trước tòa. |
Đột nhiên sau gần 10 năm “nằm ấp” nghĩa là chưa đầy 1/20 số thời gian thụ án nếu như hắn có thể sống đến... 270 tuổi, De Kock lại nhận được quyết định phóng thích vô điều kiện. Lên tiếng về sự kiện chưa từng có này, ông Michael Massu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Nam Phi giải thích với báo giới: "Trong quá trình giam giữ De Kock đã thực tâm hối cải, chủ động xin gặp gia đình các nạn nhân để tạ lỗi và xin họ tha thứ.
Thậm chí bà vợ góa của một nạn nhân chết dưới bàn tay của đội hành quyết C1, đã viết đơn xin cho De Kock vì đương sự chỉ thừa hành mệnh lệnh từ cấp trên. "Là một thành viên trong quân ngũ của bất cứ chế độ nào cũng vậy, bổn phận trước hết của người lính là phải tuân thủ mọi chỉ thị từ cấp chỉ huy.
Ngay cả viên Tổng thống cuối cùng của thể chế phân biệt chủng tộc là Frederik Willem de Klerk, người chịu trách nhiệm chính về đường lối tàn sát người da màu vẫn nhởn nhơ sống tự do đó thôi", bức thư nhấn mạnh. Để góp phần tăng cường khối đoàn kết toàn dân cùng sống chan hòa giữa các màu da, Bộ Tư pháp đã thỉnh thị xin ý kiến của Tổng thống J. Zuma về trường hợp của De Kock, rồi được ông nhất trí ân xá cho đương sự".
Chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid từng tồn tại suốt gần nửa thế kỷ, từ năm 1948-1994 ở Cộng hòa Nam Phi nhằm duy trì sự thống trị tuyệt đối của nhóm thiểu số người da trắng với đại đa số dân da màu, cũng là một trang đen tối nhất trong lịch sử Cộng hòa Nam Phi. Quyết định bất ngờ trả tự do cho De Kock đã gây ra những phản ứng trái ngược trong dư luận... Tuy nhiên đa phần những người am hiểu thời cuộc đều ủng hộ động thái của cơ quan tư pháp nhà nước, bởi sự tha thứ là một phần không thể thiếu để Nam Phi có thể thoát khỏi quá khứ đau thương.
"Do việc tha bổng tù nhân De Kock là vấn đề hết sức nhạy cảm, nên Bộ Tư pháp không thể cho báo giới biết ngày giờ đương sự được phóng thích, cũng như nơi cư ngụ sau khi rời trại giam. Có thể De Kock sẽ được chính quyền Namibia cấp quy chế tị nạn, nhưng chúng tôi không thể xác nhận nguồn tin này vì lý do an toàn của bản thân đương sự", Bộ trưởng M. Massu giãi bày.