Nạn bắt cóc tống tiền ở Vennezuela

Thứ Năm, 07/01/2010, 08:50
Tháng 12 thường là tháng lễ hội cuối năm ở thủ đô Caracas của Venezuela, quốc gia miền đông bắc Nam Mỹ. Nhưng tháng 12/2009 có lẽ là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với “bệnh dịch” bắt cóc tống tiền ở Venezuela: bé gái 10 tuổi ở Palos Grandes bị bắt cóc ngay trong chiếc xe do tài xế gia đình cầm lái và bị cầm giữ suốt 10 giờ cho đến khi cha mẹ cô bé trả khoản tiền chuộc hơn 25 triệu USD.

Hai chuyên gia của Công ty An ninh tư nhân Beyond Risk là David Rappe và Andy Chelini, được nhà trường ở Palos Grandes mời đến để tư vấn cho những bậc cha mẹ, không thể bỏ qua phần trích dẫn bộ phim về đề tài bắt cóc tống tiền "Secuestro Express" (Bắt cóc tốc hành - năm 2005). Bộ phim đề cập đến vụ bắt cóc tống tiền của một cặp vợ chồng ở Caracas - trở thành bộ phim thu hút người xem nhất trong lịch sử Venezuela.

Theo hai chuyên gia an ninh Rappe và Chelini, bộ phim là công cụ giáo dục hiệu quả bởi vì câu chuyện trong phim phân tách từng giai đoạn của một vụ bắt cóc tống tiền. Hình ảnh trong phim cũng cho thấy sự đối đầu căng thẳng giữa tên bắt cóc và người thương lượng. Rappe cảnh báo với những bậc cha mẹ: "Bọn chúng sẽ tìm đến các bạn với lời đe dọa bạo lực và cái chết".

Tuy nhiên, Rappe cũng chỉ ra rằng 98% những vụ bắt cóc được kết thúc bằng việc thả con tin ra, và phần nhiều những cái chết xảy đến do nạn nhân đã mắc bệnh từ trước đó. Những buổi thuyết trình tư vấn như thế này hiện đang ngày càng phổ biến ở Venezuela, quốc gia được coi là có tỉ lệ bắt cóc cao nhất khu vực Tây bán cầu cùng với sự lan tràn của tội phạm bạo lực.

Các giáo viên đang hướng dẫn cho học viên cách chế ngự bọn tội phạm trong khóa học vệ sĩ tư ở thủ đô Caracas, Venezuela.

Chỉ riêng thủ đô Caracas, mỗi ngày xảy ra ít nhất 5 vụ bắt cóc tống tiền, và người ta ước tính có khoảng 4 trong 10 vụ bắt cóc xảy ra trên toàn quốc không hề được báo cáo bởi vì - cũng như tại các quốc gia Mỹ Latinh khác - dân địa phương lo sợ rằng cảnh sát tham nhũng cũng có liên quan đến loại tội phạm này.

Các nguồn nội bộ của Cơ quan Điều tra tội phạm liên bang Venezuela (CICPC) thừa nhận rằng lực lượng cảnh sát cũng dính líu đến bọn tội phạm bắt cóc và thậm chí còn cho biết thêm 2 sĩ quan thuộc đơn vị chống bắt cóc tống tiền của CICPC đang bị điều tra về sự cáo buộc tham nhũng.

Theo đánh giá của cuộc điều tra mới đây do tổ chức độc lập điều tra bạo lực ở Caracas của Venezuela, VOVC, mỗi năm có đến 9.000 vụ bắt cóc xảy ra trên khắp quốc gia Nam Mỹ này. Thậm chí một vài chuyên gia an ninh cũng tỏ ra chán chường trước thực trạng này của Venezuela, như trường hợp của Marshal Valentine - Cố vấn an ninh ở Caracas có đứa con gái bị bắt cóc cách đây 2 năm.

Valentine nói: "Con bé lãnh một viên đạn vào lưng và đến năm 2009 bọn chúng lại muốn bắt cóc nó lần nữa!". Theo thống kê của tổ chức quyền con người của Venezuela, NGO Provea, có 518 vụ bắt cóc tống tiền xảy ra giữa tháng 9/2008 theo báo cáo chính thức thì đến tháng 9/2009 tăng 41% so với năm 2008. Nhưng các nhà phân tích và quan chức thực thi pháp luật tin rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Năm 2009, Quốc hội Venezuela đã thông qua một đạo luật cấm tổ chức thương lượng tiền chuộc giữa cá nhân và yêu cầu các gia đình nạn nhân phải báo cáo vụ việc bắt cóc để chính quyền có thể cho đóng băng tài sản của họ và ngăn ngừa hành vi trả tiền chuộc. Một nguồn thám tử liên bang ở Venezuela cho biết trong khi những nhà thương lượng cá nhân có thể thành công trong việc giảm mức tiền chuộc, thì mục đích của luật pháp là ưu tiên ngăn cản những cuộc bắt cóc.

Nguồn cho biết: "Càng được trả tiền chuộc thì bọn bắt cóc càng lấn tới". Nhưng, trong khi luật pháp chỉ căn cứ trên cơ sở lý thuyết phòng chống tội phạm, thì trong thực tế chính điều càng khiến các gia đình nạn nhân kín đáo hơn vì họ thiếu lòng tin vào hệ thống tư pháp Venezuela.

Đối với các chuyên gia an ninh như David Rappe, cựu sĩ quan biệt kích quân đội Mỹ đến Venezuela sống từ năm 1996, biện pháp chống bắt cóc hữu hiệu nhất là cố gắng tránh né bọn bắt cóc - tức là, thường xuyên thay đổi lề lối sinh hoạt hàng ngày, giảm thiểu sự lộ diện và cảnh giác với những người làm việc cho mình.

Cảnh sát Caracas cho biết, có một trường hợp mà họ đang điều tra tài xế riêng của một gia đình vì nghi có dính líu đến vụ bắt cóc cô bé 10 tuổi học trường tư ở Palos Grandes như đã nói. Bọn tội phạm bắt cóc tống tiền ở Venezuela hiện nay nghiên cứu con mồi khá cẩn thận.

Bọn chúng điều tra các tài khoản trên Facebook hay thậm chí tạo tài khoản giả để nắm rõ hơn về tài sản và thói quen sinh hoạt của nạn nhân mà chúng đang nhắm đến. David Rappe còn cho biết thêm, "không chỉ người giàu có là mục tiêu của bọn chúng, mà vẻ ngoài như là giàu có cũng thu hút sự chú ý của chúng".

Rappe cũng nhận định một vấn đề lớn ở Venezuela - đó là một quốc gia rủng rỉnh tiền từ dầu hỏa và nổi tiếng với lối sống phô trương sự giàu sang. Phần lớn những vụ bắt cóc ở Venezuela là những vụ tốc hành - đúng như tên của phim "Bắt cóc tốc hành" - do diễn biến quá nhanh của vụ việc. Những trường hợp chỉ kéo dài chưa đến 48 giờ, do đó bọn tội phạm ít có nguy cơ bị lần ra dấu vết và vây bắt.

Và nạn nhân không chỉ gói gọn ở những người giàu có: người dân thu nhập thấp sống trong những khu nghèo, như là khu vực sườn núi quanh Caracas, cũng trở thành mục tiêu, dù rằng khoản tiền chuộc nhỏ hơn rất nhiều.

Trở lại vụ bắt cóc bé gái 10 tuổi ở Palos Grandes, Rappe cho biết những vụ như thế này vẫn còn khá hiếm ở Venezuela. Bởi vì, bọn tội phạm chủ yếu nhắm vào đối tượng nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40

Trần Thanh Phong (theo Time)
.
.