Nạn bắt nạt trực tuyến dẫn đến những cái chết thương tâm

Thứ Sáu, 11/11/2016, 13:35
Nữ sinh 17 tuổi Emilie tự kết liễu đời mình bằng cách lao đầu xuống đường từ cửa sổ nhà mình hồi tháng 1-2016. Vừa qua, nhật ký của cô gái xuất hiện trên một tờ báo dẫn đến sự tranh cãi sôi nổi về nạn bắt nạt thường xuyên xảy ra trong các trường học ở Pháp.

Cha mẹ Emilie cho biết con gái họ là học sinh giỏi trong một trường tư ở thành phố Lille miền bắc nước Pháp. Do bị bắt nạt liên tục cho nên Emilie mắc phải chứng sợ trường học và cha mẹ tin chắc con gái họ tìm đến cái chết vì trầm uất.

Ngay sau đó, câu chuyện bi kịch của nữ sinh Marion Fraisse tự sát cách đây 3 năm cũng được kênh truyền hình Pháp France 3 phát sóng dưới tựa đề "Marion, 13 ans pour toujours" (tạm dịch: Marion, mãi mãi tuổi 13).

Trong bộ phim dài 90 phút, Marion được đánh giá là một trong những nữ sinh có hạnh kiểm tốt trong lớp nhưng cô bé từng bị một nhóm nam sinh tấn công trong hành lang từ đó cô biến thành nạn nhân của những tin đồn nhảm, sự lăng nhục và sự xa lánh. Bi kịch trong nhà trường khiến cho Marion rơi vào trầm uất, tuyệt vọng và cuối cùng cô bé đã tự sát.

Bộ phim được xây dựng dựa theo một cuốn sách của Nora Fraisse (mẹ của Marion), người tìm thấy bức thư của con gái sau khi chết và quyết định kể câu chuyện đau lòng này.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, nữ diễn viên Julie Gayet (thủ vai Nora) cho biết bộ phim trình bày 2 quan điểm: một của Marion và một của người mẹ. nhưng nó cho thấy một sự thật là các bậc cha mẹ hầu như không hề hiểu biết con cái mình. Hơn 4 triệu người Pháp chăm chú theo dõi diễn tiến của bộ phim và sau đó là cuộc tranh luận hết sức sôi nổi. Nhiều người chia sẻ những câu chuyện của riêng họ trên nền tảng xã hội và tỏ thái độ tức giận.

"Đó không phải là vụ tự sát, mà chính là một vụ giết người" - người dùng tên Sara bày tỏ bức xúc trên trang Twitter. Người dùng khác đề nghị bộ phim nên được chiếu rộng rãi trong các trường học ở Pháp.

Hình ảnh trong bộ phim về Marion.

Theo số liệu thống kê chính thức, mỗi năm ở Pháp có đến 700.000 học sinh bị bắt nạt. Chính quyền Pháp cũng có nỗ lực cảnh báo về nạn bắt nạt trong trường học đồng thời có chính sách  hỗ trợ những nạn nhân.

Năm 2014, một luật chống nạn bắt nạt mới được ban hành và một đường dây nóng cũng được thành lập để tiếp nhận xử lý những vụ việc liên quan đến học sinh. Nhưng các nhà hoạt động xã hội vẫn chỉ trích chính quyền Pháp thực sự chưa giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.

Nhà hoạt động và nữ chuyên gia tâm lý học Catherine Verdier bình luận: "Phản ứng của chính quyền được cải thiện một cách quá chậm chạp. Nước Pháp đang bước đi quá chậm so với những nước khác. Nhìn vào Phần Lan và Thụy Điển sẽ thấy sự thay đổi rõ rệt trong giải quyết vấn đề".

Willy Pierre, người điều hành "You Are Heroes" - phong trào được thành lập sau cái chết của Marion để phá vỡ sự im lặng về nạn bắt nạt trong trường học - nhận xét: "Một vài trường học ở Pháp có sự cải thiện tình hình song vẫn chưa đủ. Đường dây nóng cũng chỉ hoạt động vào những giờ học và phải mất đến vài tuần hay vài tháng mới tìm được một người lớn chịu trách nhiệm xử lý vụ việc".

Vấn nạn bắt nạt và quấy rối không chỉ xảy ra bên trong mà còn cả bên ngoài cổng trường học. Theo Willy Pierre, giải pháp là cha mẹ cũng như giáo viên và học sinh phải trò chuyện công khai về vấn đề này.

Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cách đây 3 năm, nạn bắt nạt và quấy rối là vấn đề lớn trên toàn thế giới và "tồn tại ở mọi cấp độ, dưới mọi hình thức tại mỗi quốc gia".

Theo nội dung báo cáo, những trẻ em nạn nhân có xu hướng rơi vào những trạng thái tiêu cực "bao gồm trầm uất, lo sợ và nghĩ đến tự sát". Một bà mẹ Pháp tiết lộ nhà trường của con gái họ thậm chí phản ứng với nạn bắt nạt bằng "thái độ im lặng" đáng sợ.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.