Nạn buôn lậu thú hoang dã lộng hành khắp nơi
- Nhức nhối tình trạng buôn bán động vật hoang dã
- Khi internet thành "chợ đen" buôn bán động vật hoang dã
- Hành động của báo chí trong phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã
Giới tiêu thụ thường "nhắm mắt làm ngơ" trước nguồn gốc cùng cách thức xuất xứ của dã thú do bọn buôn lậu cung cấp; cho dù hơn 15.000 loại động vật trên thế giới đã được liệt vào Sách đỏ - có nguy cơ tuyệt chủng và cần được bảo vệ.
Bọn buôn lậu thường sử dụng "áo - vẹt", một loại áo đi săn thông dụng, bên trong đính dày móc cho vẹt bám chân vào. Nhiều khi chúng còn dán mỏ chim lại bằng băng keo, bởi vẹt là giống "ưa ba hoa". Đó là một cách đơn giản nhất để mang vẹt tới các chợ trời quốc tế. Đôi khi chúng còn nhét lẫn trong lần áo từng đống ống cưa ngắn vừa kích thước của các loài rắn quý.
Hải quan thường ít chịu công bố các trò bịp của bọn buôn lậu dã thú, họ sợ những kẻ khác bắt chước - nhất là lực lượng Hải quan tại phi cảng Roissy ở Paris, bởi thú hoang tới Pháp một cách phi pháp chủ yếu là theo đường hàng không. Ở Pháp cũng như tại một loạt các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), sự khéo léo tài tình của lực lượng hải quan, cũng như các điều lệ nghiêm khắc của pháp luật vẫn chưa đủ để chặn đứng tệ nạn buôn lậu dã thú.
Những mánh khóe buôn lậu dã thú bị khám phá ở phi trường Roissy. |
"Mạng lưới buôn lậu dã thú thậm chí còn vượt hẳn hệ thống buôn lậu thuốc phiện trên trường quốc tế ! - Tiến sĩ Alexander W. Wiseman, nhà động vật học nổi tiếng người Thụy Sĩ khẳng định - Nó bao trùm lên tất cả các quốc gia, với những nước giàu là nơi tiêu thụ, còn nước nghèo - nguồn cung cấp.
Bỏ tiền ra để cứu vãn sự tuyệt chủng của thú hiếm tại một quốc gia nào đó thực sự là một hành động anh hùng, trong khi việc buôn bán động vật đem lại nguồn thu nhập béo bở cho các tay thương lái. Như có thời kỳ dưới sự hỗ trợ tích cực của tổ chức LHQ, Cộng hòa Kenya ở Phi châu đã được chọn làm thí điểm. Nhưng thật khó mà thành công, khó vô cùng, cực khó… khi mà một cặp ngà voi có giá trị ngang với nhiều năm lương của một viên chức công lực, thì dĩ nhiên sẽ có kẻ nào đó sẵn sàng "lãng quên" trách nhiệm của mình…".
Trong năm 1973, một hội nghị chuyên đề quốc tế nhóm họp tại Washington D.C (Mỹ), được hơn 80 nước tham gia ký bản thỏa thuận Bảo vệ và nghiêm cấm việc săn bắn cũng như mua bán bất hợp pháp tới hơn 15.000 loài động vật. Nhưng bọn buôn lậu chẳng đếm xỉa gì đến các bộ luật cũng như sự tuyệt chủng dần của các dã thú, miễn sao chúng có lời là được.
Một cách vận chuyển giống nhím quý hiếm của bọn gian thương. |
Ví như loài hổ chẳng hạn: năm 1920 có khoảng 100.000 con hổ trên hành tinh này, 4 thập niên sau còn 20.000 và tới năm 1970 chỉ còn chừng 1.800 con… Từ đó đến nay số lượng của chúng không hao hụt mấy nhờ sự can thiệp có hiệu quả của Chính phủ Ấn Độ, cũng như sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF).
Còn báo gấm thì sao? Ở EU người ta có thể mua một con báo cùng cái chuồng chắc chắn với giá 15.000 euro. Thú sẽ được chuyển tải quá cảnh qua phi trường Frankfurt bên Đức. Nếu như bạn chê đắt, sẽ có ngay những kẻ sẵn sàng bán chỉ với giá chưa đầy… 3.000 euro thôi, dĩ nhiên là không kèm theo giấy tờ. Cách này cũng qua ngả Frankfurt, nhưng bạn không thể biết được lối "biến hóa lắt léo". Thường là các đường dây phi pháp luôn đi kèm với những thương vụ hợp pháp.
Trong rừng rậm Amazon ở châu Mỹ Latinh bọn thợ săn bắn tất cả những vật nào "đang di động" (nhiều khi là cả những tay thợ săn đối thủ của chúng nữa). Chúng bắt những cá thể vẹt con, nuôi đủ độ lớn để "xuất khẩu". Chính quyền thường "làm ngơ" giả đui giả điếc, giới chức hải quan tại các nước vùng Trung Mỹ cũng vậy. Những chữ ký giả trong mớ giấy tờ giả nghiễm nhiên thành… đồ thật, khó mà phát hiện nổi.
Tờ tuần báo Criterios phát hành tại Bolivia từng ước tính, rằng bọn buôn lậu động vật ở nước này kiếm được tới 25 triệu USD mỗi năm. "Để một chú khỉ đặt chân tới được trời Tây, cần phải "xuất" đi 4 con - một tên thợ săn trộm chuyên nghiệp người Bolivia kể lại - Còn muốn có giống thú con, trước hết phải giết các thú lớn là cha mẹ chúng, hoặc chí ít cũng phải "khử" được con mẹ mới mong đạt được mục đích một cách an toàn.
Với những thú lớn có bộ lông quý hiếm cũng vậy, phải chịu "hy sinh" một con mồi - khỉ càng tốt. Khi thú mắc bẫy, để giữ trọn vẹn bộ da, người ta phải dùng dây xiết cổ thú cho tới khi chết ngạt. Chẳng còn cách nào khác cả! Có những chiếc áo khoác lông thời thượng cần tới 20 bộ da thú mới đủ, như với gấu mèo chẳng hạn…".
Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước ở châu Phi có tới 4 triệu con voi. Bây giờ còn khoảng 700.000 con sống rải rác tại 36 quốc gia, trong đó chỉ có chừng 15% diện tích là khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ; còn lại 85% tha hồ cho tụi "quản tượng biến chất" lộng hành. Voi con chúng cũng không tha. Nếu như trước đây một con voi lớn trung bình cho tới 45kg ngà, thì loại voi nhỏ bây giờ chỉ có chừng từ 10 - 15kg ngà mà thôi, vậy cần phải "thu hoạch" với số lượng voi nhiều hơn.
Săn bắn tê giác lấy sừng tại Cộng hòa Nam Phi. |
Mặc dù có nhiều áp lực của các giới xã hội ở EU, đặc biệt là tại Pháp nơi từng dấy lên phong trào bảo vệ dã thú, tiêu biểu là nữ siêu minh tinh màn bạc Brigitte Bardot, người đã cống hiến cả gia sản cho công việc cao cả này nhưng "cơn sốt" các sản phẩm từ ngà voi nguyên chất vẫn không lắng xuống. Mỗi tháng ở Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) người ta sơ chế phi pháp tới 2.500 cặp ngà, nghĩa là một năm trung bình có 30.000 chú voi đã "hy sinh" cho nhu cầu của riêng thị trường này.
Ngoài ra nhiều người còn muốn "giữ nguyên" các cặp ngà tốt không bán lại, họ hy vọng đàn voi sau này tuyệt chủng khiến giá ngà sẽ đẩy lên tới mức cực đại.
Loài tê giác đang gặp hiểm họa đáng báo động nhất. Hơn 7 triệu năm nay chúng sống yên ổn trong rừng rậm Phi châu. Năm 1970 tê giác có tổng số là 65.000 con, đến nay chỉ còn không đầy… 4.500 con. Cớ sao vậy? Tại vì y học phương Đông xếp loại bột cán từ sừng tê giác là thứ thuốc quý giúp tăng lực và… cường dương, nhờ chất creatine - hợp chất cũng có trong móng tay chân và tóc của con người. Nhưng thực ra tác dụng "tráng dương bổ thận" như lời đồn của chất creatine rất yếu…
Màng lưới buôn bán dã thú sống cũng phát triển không ngừng, bất chấp tỉ lệ thú chết trên đường vận chuyển rất cao, một phần vì điều kiện chuyên chở, phần khác do phải trốn tránh pháp luật. Ngay cả các phương tiện lưu thông bằng con đường chính thức cũng vậy.
Ông Alain Bugren De Bruges, người phụ trách chương trình nổi tiếng "Truyền hình với động vật", được phát hàng tuần trên kênh 1 của Đài Truyền hình Pháp, lên tiếng than vãn: "Mỗi loài thú sống được chở tới, có loại chết đến 90% trên đường đi. Thường người ta nhốt chúng trong những chuồng kín không có đồ ăn thức uống. Đôi khi trong cái lồng chính chứa chim, là một cái lồng nhỏ hơn nhốt những giống chim quý khác bị cấm, nên mật độ chim lên tới mức ngột ngạt. Chẳng anh hải quan nào dám mở lồng khám, để hàng trăm con chim bay ra mất à?!".
Đó là một trong những cách buôn lậu của bọn gian thương. Nhưng tỷ lệ động vật chết có nghĩa lý gì, khi có người sẵn lòng bỏ ra cả nghìn euro tùy theo loại vẹt. Giống vẹt xuất xứ từ Togo ở Tây Phi có giá "bèo" nhất - chừng 300 euro/con.
Hải quan Đặc khu Hồng Kông tịch thu lượng ngà voi kỷ lục. |
Một trong những trung tâm cung cấp dã thú cho EU hiện nay là vùng Mayotte ở Ấn Độ Dương, bởi được hưởng quy chế lãnh thổ hải ngoại của Pháp nên càng dễ cho việc chuyển tải dã thú từ thủ phủ Mamoudzou tới phi trường Roissy. Chỉ cần có dấu kiểm dịch là đủ, một việc quá dễ với bất kỳ viên thú y sĩ nào tại Mayotte.
Còn nếu nói về "đường biên giới", thực ra điều kiện tại đó rất khó mà thực thi nổi các quy chế ngặt nghèo. Trong một văn bản cấp bộ ban hành ngày 25-6-2006 người ta đã nêu ra bản danh sách các động vật cấm nhập khầu từ Mayotte. Nhưng liệu có đem lại hiệu quả thiết thực không?
Tổng thư ký của Liên đoàn bảo vệ thiên nhiên Pháp (FNE), ngài Jean-Patrick Lioduc nói với vẻ bi quan: "Hải quan hầu như bất lực trước đám gian thương. Một nhúm người "chọi" với cả biển người dày đặc đổ xuống Roissy mỗi ngày. Ở đó chỉ có một bác sĩ và 3 nhân viên lo về khoản y tế nói chung, kể cả thú y, làm sao họ có thể kiểm tra hết được những người mới đến? Ai dám thò tay vào những lồng đựng đầy rắn để mà phân loại, xem chúng có đáng được nhập vào Pháp không? Ai đếm nổi số chim vừa tới trong những cái lồng khổng lồ?".
Tại văn phòng về đường lối nông nghiệp chung của EU người ta cũng thừa nhận các khó khăn đang tồn tại. Viên đại diện của phòng này cho biết: "Chúng tôi cố tạo sự hiểu biết và niềm tin giữa chúng tôi với các nhà xuất nhập khẩu động vật, hơn là vào hệ thống kiểm tra mà trong thực tế là không thể thực hiện nổi. Có rất nhiều đạo luật nghiêm khắc, chúng tôi sẽ giám sát xem họ có chấp hành đúng không? Nếu như có sự gian lận, chúng tôi không nương tay!.
Các biện pháp được áp dụng chặt chẽ từng khiến một hãng chuyên kinh doanh động vật sống buộc phải đóng cửa. Nhưng lại "mọc" ra ngay một hãng mới vẫn với đám nhân viên cũ cùng nguồn vốn không đổi(!). Luật pháp thì quy định những điều gắt gao, nhưng kinh phí để thực thi chúng lại quá hạn hẹp và bọn buôn lậu thừa hiểu điều đó".
"Nếu các du khách chỉ thích những bông hoa ướp khô ở nước tôi thôi thì đã đành. Đằng này họ lại khoái những hình vẽ quái quỷ trên mu rùa, buộc chúng tôi phải giết rùa lấy mai bán cho họ - một kẻ từng buôn lậu dã thú ở vùng Caribe, thổ lộ - Tự thân tôi cũng rất mãn nguyện, nếu họ chỉ mê hoa ướp không thôi thì đơn giản quá. Chẳng hay ho gì cái nghề giết rùa sống oan uổng này cả, tôi nói chân thành đấy".
Bất chấp tất cả, bọn người buôn lậu thú hoang dã lại lên đường cho các mục đích làm giàu trên sự tuyệt chủng của muôn loài. Đó là một tệ nạn đáng lo ngại, nhân loại có lương tri đòi hỏi một sự lên án gay gắt, cùng các mức xử phạt nghiêm minh nhất nhằm chặn đứng nạn buôn bán đầy tội ác.