Nạn cướp giật điện thoại di động ở Mỹ

Thứ Ba, 21/05/2013, 20:40

Thị trường điện thoại di động thông minh vô cùng béo bở, với doanh thu đạt mức 69 tỉ USD ở Mỹ vào năm 2012 - theo đánh giá của Công ty nghiên cứu IDC. Tuy nhiên, nạn đánh cắp điện thoại ngày càng gia tăng và các nạn nhân cũng luôn mua mới thiết bị cầm tay vô cùng tiện lợi này.

Vào năm 2012, gần một nửa các vụ cướp giật ở San Francisco liên quan đến điện thoại, chiếm 36% so với năm trước đó; còn ở Washington chiếm đến mức kỷ lục là 42%. Trong cùng năm, nạn cướp giật iPhone và iPad chiếm 14% trong tổng số các vụ ở New York.

Khi một thằng nhóc giật chiếc điện thoại iPhone ngay trên tay của Rose Cha tại một trạm xe buýt ở khu phố Bronx của New York vào tháng 3/2013, cô liền báo với cảnh sát và nhà mạng - giải pháp xử lý như 2 lần bị giật trước đó. Nhưng, một lần nữa Rosa chỉ nhận được từ cảnh sát sự... cảm thông vì họ không làm gì hơn được để giúp cô.

Chiếc iPhone của Cha được nhập vào cơ sở dữ liệu toàn quốc dành cho điện thoại di động thông minh do các sở cảnh sát, Ủy ban Viễn thông liên bang (FCC) và ngành công nghiệp điện thoại không dây thành lập nhằm mục đích truy tìm những chiếc điện thoại bị đánh cắp và ngăn chặn chúng được tái sử dụng.

Rose Cha đã bị giật mất 3 chiếc điện thoại thông minh iPhone.

Về mặt lý thuyết, biện pháp này sẽ gây nản chí cho bọn cướp giật. Nhưng, cảnh sát thú nhận cơ sở dữ liệu không giúp hạn chế nạn cướp giật đang gia tăng, một phần do nhiều điện thoại được chuyển ra nước ngoài - tức ra khỏi tầm kiểm soát của cơ sở dữ liệu. Mặt khác, do các mã số dễ dàng thay đổi. George Gascon, công tố viên Tòa án khu vực San Francisco, nhận định các công ty sản xuất điện thoại di động nổi tiếng thế giới như Apple có thể phát triển các công nghệ mới giúp ngăn chặn tình trạng cướp giật.

Vào tháng 3/2013, Gascon đã có cuộc gặp Giám đốc điều hành Apple là Michael Foulkes để bàn luận về vấn đề cải thiện công nghệ chống cướp giật. Nhưng, Foulkes chỉ cho biết Apple không hứa hẹn gì về giải pháp này.

Chuck Wexler, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về cải thiện các kỹ thuật của cảnh sát (PERF), trình bày: "Ví dụ như những vụ đánh cắp ôtô thật sự đã giảm mạnh ở Mỹ nhờ công nghệ tiến bộ rất nhiều và các công ty sản xuất cũng nhận thức được tầm quan trọng của nó. Nhưng, bất kể vì lý do gì, ngành công nghiệp thiết bị cầm tay thông minh rất chậm chạp trong vấn đề này".

Nạn cướp giật rộ lên khủng khiếp ở thành phố New York đông dân. Những thiết bị đắt tiền như iPhone hay iPad bị giật trắng trợn trên những tuyến xe điện ngầm, trong các công viên vắng người, tại những góc phố đông người qua lại hay cả trong những quán bar chật nêm.

Chợ trời điện thoại di động ở Oakland, bang California, nơi tiêu thụ nhiều thiết bị cầm tay bị cướp giật.

Vào khoảng 16h ngày 23/11/2012, một cô gái 16 tuổi đang đi bộ trong công viên Prospect gần nhà đã bị giật mất chiếc iPhone 4S đang cầm trên tay. Cô báo ngay cho các sĩ quan cảnh sát có mặt gần đó nhưng họ không tìm thấy tên cướp. Loại iPhone thường gây chú ý cho bọn tội phạm do thiết bị dễ được tái lập trình và sau đó bán ra chợ đen.

Hãng Apple cung cấp sự hỗ trợ định vị iPhone bị mất cắp bằng phần mềm miễn phí gọi là "Find My iPhone" với tính năng phát hiện thiết bị rồi xóa sạch dữ liệu nhạy cảm từ xa do nhiều người sử dụng điện thoại thông minh để tiến hành những giao dịch tài chính. Nhưng, trên thực tế, phần mềm trở nên vô hiệu khi chiếc iPhone bị tắt nguồn hay ngắt kết nối Internet! Còn Google không có bất cứ phần mềm nào trong hệ điều hành Android giúp người sử dụng định vị chiếc điện thoại bị mất cắp.

Ở San Francisco, chợ đen điện thoại thông minh đang nở rộ, với một chiếc iPhone mới bán được từ 400 đến 500 USD tiền mặt - theo báo cáo của Edward Santos Jr., trung úy cảnh sát phụ trách điều tra những vụ cướp giật tài sản công dân. Cảnh sát cũng gặp khó khăn rất nhiều trong chiếc điện thoại bị đánh cắp để trả lại cho chủ sở hữu.

Trong vòng 6 tháng qua, Cảnh sát San Francisco đã tiến hành nhiều chiến dịch điều tra thiết bị điện tử di động, phát hiện hàng ngàn chiếc điện thoại thông minh cũng như laptop được cất giấu tại các căn nhà ở khu Bay Area.

Trong một cuộc đột kích vào tháng 11/2011, cảnh sát đã thu giữ được một thiết bị điện tử cầm tay trị giá đến 500.000 USD và tên tội phạm bị bắt giữ khai rằng, những thiết bị iPhone và iPad chúng cướp giật được chuyển ra nước ngoài để tiêu thụ. Cảnh sát cho biết nhiều chiếc điện thoại bị giật ở San Francisco được bán ở Mexico hay Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, do lợi nhuận cao nên nạn cướp giật và tiêu thụ các thiết bị điện tử cầm tay thông minh thường có sự nhúng tay của các mạng lưới tội phạm quốc tế. Để chứng tỏ có trách nhiệm, vào năm 2012 các nhà mạng lớn ở Mỹ - như là Verizon Wireless, AT&T, Sprint và T-Mobile phát triển chương trình vô hiệu hóa những chiếc điện thoại được báo cáo bị mất cắp nhằm ngăn không cho chúng được sử dụng trở lại trên mạng của họ.

Verizon cho biết họ cũng có cơ sở dữ liệu riêng về những chiếc điện thoại được khai báo mất cắp để xử lý theo chương trình chống cướp giật. Julius Genachowski, Chủ tịch FCC, khẳng định: "Do bọn tội phạm rất dễ giật một chiếc điện thoại rồi đem nó bán ra chợ đen cho nên chương trình này khiến chúng gặp khó khăn nhiều hơn khi muốn hành động như thế"

Duy Minh (tổng hợp)
.
.