Nạn săn trộm đe dọa sư tử châu Phi

Thứ Bảy, 30/03/2019, 09:41
Quần thể sư tử của Công viên quốc gia Limpopo (LNP) đang sụt giảm đáng kể. Những cuộc tấn công có mục tiêu của bọn săn trộm là mối nguy hiểm mới và khủng khiếp đối với sư tử và chúng bị đe dọa nghiêm trọng trên khắp châu Phi do môi trường sống bị hủy hoại.

Kris Everatt tuyên bố: “Nạn săn trộm hoành hành gây tổn hại vô cùng nghiêm trọng cho đời sống hoang dã châu Phi. Đây chính là thách thức to lớn cho chúng tôi. Điều đó xảy ra rất nhanh ở Mozambique và có thể còn nhanh hơn nữa ở phần còn lại của châu Phi”.

Số lượng sư tử sụt giảm mạnh

“Dấu vết còn mới lắm, có lẽ chỉ mới vài giờ”, Kris Everatt nói và chỉ vào một dấu vết thấy rất rõ ràng của một con sư tử móng vuốt trong bụi rậm, “đó là niềm kiêu hãnh không còn tồn tại ở châu Phi”. Đó là dấu vết của một con sư tử cái. Không lâu sau đó, dấu vết con sư tử đực lớn hơn được phát hiện. “Đó là sư tử con chưa đầy 2 tuổi”, Kris Everatt - chuyên gia tổ chức bảo tồn mèo rừng hoang dã toàn cầu Panthera - đánh giá.

Sư tử hoang dã ở Công viên quốc gia Kruger, Nam Phi.

Đội tuần tra chống săn trộm tiếp tục theo dõi cẩn thận trên toàn cảnh khô cằn của Công viên quốc gia Limpopo (LNP) ở Mozambique. Những con hà mã đầm mình trong nước gần đó, cá sấu phơi nắng và khỉ đầu chó giật mình hét lên khi nhìn thấy đội kiểm lâm đi tuần tra. Kris Everatt nói: “Tôi rất hạnh phúc - ít nhất vẫn còn những con sư tử ở đây”.

Nạn săn trộm sư tử được báo cáo từ Zimbabwe, Nam Phi, Tanzania và Uganda. Nơi duy nhất còn lại dành cho những con sư tử hoang dã ở châu Phi là Công viên quốc gia Kruger - một nơi ẩn náu được bảo vệ tốt ở Nam Phi. Vấn nạn săn trộm đặc biệt đáng lo ngại vì loài này dễ bị tấn công hơn nhiều so với voi hay tê giác. Sư tử luôn săn mồi tìm kiếm thức ăn, vì vậy những kẻ săn trộm chỉ cần bẫy một con linh dương rồi đầu độc xác chết bằng thuốc trừ sâu. Sau đó bọn chúng chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi.

Xác chết của 2 con sư tử đực và một con sư tử cái nhỏ trong Công viên quốc gia Limpopo.

Kris Everatt thú nhận: “Tôi cảm thấy như mình đang chạy đua với những kẻ săn trộm để tìm kiếm dấu vết những con sư tử. Tuy nhiên, bọn tội phạm có lợi thế vì không cần phải nhìn thấy những con sư tử”.

Trên đường trở về từ cuộc tuần tra, Everatt dừng chiếc xe địa hình của mình để xem những con kền kền lưng trắng châu Phi cách xa vài trăm mét - có thể chúng báo hiệu sự xuất hiện của một con sư tử. Kris Everatt sải bước và đá phải một cái bát men màu xanh rỉ sét vứt đi trên đất – đó là dấu vết tố cáo bọn săn trộm. Có từ 20 con kền kền trở lên đang đậu trên một cái cây cao, cho thấy một con vật to lớn đã bị giết gần đó. Everatt đi theo hướng gió

“Tôi lúc nào cũng sử dụng khứu giác, đến nỗi mùi của một con vật thối thực sự rất tốt với tôi bây giờ. Tôi phát hiện rất nhiều vụ săn trộm cũng theo cách này”. Nhưng, một lần nữa, không có con sư tử nào được tìm thấy. Ngay cả công nghệ cũng không đảm bảo tìm kiếm thành công. Những kẻ săn trộm đông hơn hơn các kiểm lâm viên. Trong khi đó, LNP có diện tích gấp 7 lần Greater London – một hạt của Anh có diện tích 1.572km2  - mà chỉ có 100 kiểm lâm viên thực thi nhiệm vụ.

Thời gian đang chống lại những con sư tử Limpopo. Số lượng sư tử sụt giảm mạnh từ 66 chỉ còn 21 con trong vòng 5 năm, theo dữ liệu khảo sát của Kris Everatt. Căn cứ vào số con mồi có sẵn, khu vực này phải bảo vệ tới 200 con sư tử. Kris Everatt đánh giá: “Bọn săn trộm xuất hiện trong vài năm qua chính là mối đe dọa số 1 đối với khả năng sống sót của những con sư tử này. Sự sụt giảm quần thể quá mạnh đến nỗi chúng ta sẽ không mong đợi sư tử con xuất hiện ở công viên trong một vài năm nữa”.

Khó có thể xác định chính xác những kẻ tiêu thụ răng và móng vuốt sư tử vì buôn bán bất hợp pháp vốn là vấn đề rất khó thống kê chính xác. Nhưng, người ta có thể nhận thấy răng và móng vuốt sư tử xuất hiện cùng với ngà voi và sừng tê giác trong các chuyến hàng hướng đến khu vực Đông Á.

Nhà nghiên cứu Kris Everatt của Panthera.

Ngoài ra còn có một thị trường địa phương ở miền Nam châu Phi để sử dụng trong pháp thuật truyền thống. Một vài con sư tử bị săn trộm bị rút xương có khả năng liên quan đến hoạt động buôn bán hợp pháp (đang gây tranh cãi) về xương của những con sư tử nuôi nhốt ở Nam Phi.

Hiện chỉ còn lại vài ngàn con hổ cho nên xương sư tử được sử dụng để thay thế trên thị trường châu Á. Những thiết bị bẫy tích hợp camera được lắp đặt nhằm bảo vệ động vật hoang dã trong LNP giúp tóm cổ những kẻ săn trộm trở về từ Kruger với ngà voi và sừng tê giác. Nhưng do tê giác đã bị xóa sổ trong LNP (đang trở nên hiếm hơn) vì vậy có vẻ như sư tử hiện đang bị nhắm đến như một cách kiếm tiền khác - Kris Everatt nói.

Vụ săn trộm gần đây nhất trong LNP làm tổn hại trầm trọng “niềm tự hào không còn tồn tại của châu Phi” xảy ra vào tháng 1-2018: 4 con sư tử bị giết chết, cùng với hàng chục con kền kền.

Một người trong nhóm Everatt đã rơi nước mắt khi nhìn thấy xác chết một con sư tử bị cắt xẻo tàn độc. Những cảnh tượng khủng khiếp như thế đã thúc đẩy Kris Everatt thành lập Lion Unit (Đơn vị Sư tử) bao gồm chỉ 6 thành viên hoạt động trong khuôn viên LNP.

Kris Everatt tuyên bố: “Nếu tôi không làm điều đó, tôi nghĩ có lẽ sẽ không còn ai làm”. Lion Unit – đơn vị không vũ trang có nhiệm vụ thu giữ chất độc trước khi nó có thể được sử dụng và loại bỏ nhiều bẫy thịt - được dẫn dắt bởi Samuel Bilério, một bác sĩ thú y trẻ và cán bộ kiểm lâm được đào tạo bài bản. Samuel Bilério cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng khi đối đầu những kẻ săn trộm, vì một số tên có súng, nhưng chúng tôi có tinh thần tốt. Chúng tôi không ở đây để chiến đấu mà để bảo vệ sư tử và dạy dỗ con người”.

Tình trạng thiếu giáo dục và điều kiện sống nghèo nàn của người dân địa phương là một vấn đề quan trọng, Samuel Bilério nhận xét. “Nếu tôi sinh ra ở một trong những ngôi làng ở đây, tôi sẽ là kẻ săn trộm bởi vì không có lựa chọn nào khác”.

Chương trình bảo vệ và bảo tồn loài sư tử châu Phi

Việc giải quyết xung đột giữa dân làng và sư tử đôi khi giết chết gia súc của họ là rất quan trọng, vì việc buôn bán các bộ phận của sư tử giờ đây có thêm một động lực để trả đũa.

Đội ngũ nhân viên bảo vệ ở Công viên quốc gia Limpopo.

Cornélio Miguel, nhân viên bảo vệ của LNP, nói: “Trong những ngôi làng, người dân biết rõ những con vật này là kẻ thù”. Những kế hoạch bảo vệ sư tử đang được phát triển ở Zimbabwe và Kenya, những nơi mà dân làng được thuê để giữ an toàn cho gia súc và xua đuổi sư tử bằng kèn hơi vuvuzela phát ra inh ỏi.

Sự hủy hoại mồi của sư tử bằng cách bẫy thịt rừng để ăn hoặc bán là một vấn đề lớn khác, bất chấp điều đó bị đặt ngoài vòng pháp luật trong khuôn viên LNP. Một cách để giải quyết là triển khai một loạt kế hoạch tưới tiêu để đảm bảo cây lương thực có thể sống sót sau hạn hán và nông dân có thể trồng hoa màu.

Du khách và con sư tử trong Công viên quốc gia Kruger, Nam Phi.

Victor Sithole, người nuôi 110 gia súc ở làng Timhodzoene gần đó, nói rằng anh ta có vấn đề với sư tử cứ sau vài năm, cho biết thêm: Một vấn đề lớn nhất là thiếu nước và cỏ. LNP cũng có kế hoạch di chuyển 2.000 gia đình từ 8 ngôi làng trong LNP ra bên ngoài công viên.

Cornelio Miguel nhấn mạnh đó là lựa chọn khó khăn: “Đôi khi bạn phải đưa ra quyết định đúng đắn để đảm bảo công tác bảo tồn đời sống hoang dã. Lực lượng quản lý công viên hoan nghênh sự giúp đỡ của đơn vị Everatt với những nỗ lực hỗ trợ hiệu quả chống lại bọn tội phạm săn trộm trong năm 2018.

Peter Leitner, giám đốc dự án tại LNP, đánh giá đây là sự hợp tác tuyệt vời. LNP cũng tìm kiếm sự hợp tác chuyên môn từ DAG Conservation Trust – tổ chức bảo tồn, được thành lập bởi một cựu đại tá quân đội Zimbabwe cung cấp đội bảo vệ gồm 26 người và 2 máy bay trực thăng để truy đuổi những kẻ săn trộm.

Điều phối viên Sean van Niekerk cho biết một cuộc chiến sẽ xảy ra nếu như bọn săn trộm chiếm hữu được sừng tê giác. Một màn hình máy tính trong lều hoạt động của đội bảo vệ cho thấy 12 nhóm săn trộm bị theo dõi trong công viên chỉ trong tháng 9-2018. Dịch bệnh săn trộm sư tử cũng đã tấn công Nam Phi, nhưng ở đây, những con sư tử sống trong tình trạng nuôi nhốt (với số lượng vượt xa sư tử hoang dã) chính là mục tiêu.

Công viên sư tử và động vật ăn thịt Tzaneen - nằm gần Kruger và là nơi nuôi nhốt 60 con sư tử - bị tấn công 3 lần trong 3 năm giết chết 9 con sư tử với đầu, móng chân và đuôi của chúng bị chặt đứt.

Nữ quản lý công viên Jeanine Vyver phát biểu: “Điều đó thật đáng kinh tởm. Nhưng đó là một cách rất tốt để kiếm tiền trong một lần săn trộm”. Nữ quản lý cho rằng bọn tội phạm có thể kiếm được 25.000 đến 55.000 rand (khoảng 1.800 đến 3.900 USD) với mỗi con sư tử.

Chuyên gia Kelly Marnewick từ Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (EndangeredWildlifeTrust - EWT) ở thành phố Johannesburg của Nam Phi cho biết 71 con sư tử nuôi nhốt đã bị săn trộm trong 3 năm qua.

Andrew Loveridge, nhà khoa học người Zimbabwe đến từ Đại học Oxford (Anh) chuyên nghiên cứu về loài sư tử, lập luận: “Sư tử là mục tiêu của những kẻ săn trộm là mối lo ngại rất lớn. Nghiên cứu cho thấy xu hướng leo thang trong buôn bán các sản phẩm từ sư tử là mối đe dọa ngày càng tăng đối với một số dân tộc quốc gia”.

Tuy nhiên bên trong khuôn viên LNP, tất cả những người tham gia bảo tồn đều lạc quan rằng làn sóng hủy diệt động vật hoang dã được nhìn thấy trong những năm qua có thể sớm chấm dứt và có khả năng một ngày nào đó mật độ động vật hoang dã trong LNP sẽ gia tăng trở lại một cách đáng kinh ngạc như những gì nhìn thấy ở Kruger, nơi có đến 1,8 triệu khách du lịch ghé thăm mỗi năm.

Kris Everatt lạc quan: “Động vật hoang dã ở LNP có thể sẽ đông đúc trở lại”. Còn Cornelio Miguel phát biểu: “Chúng tôi đang tăng cường hơn nữa sự hiện diện trên mặt đất. Chúng tôi đang nhìn thấy nhiều hơn, truy đuổi nhiều hơn và tìm kiếm nhiều hơn. Với tất cả những nỗ lực của chúng tôi, thế nhưng săn trộm vẫn là một thách thức”.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.