Nạn tham nhũng có tồn tại ở Thụy Điển?

Thứ Sáu, 11/04/2014, 20:50

Vương quốc Thụy Điển luôn được xếp đứng đầu về chỉ số tham nhũng thấp nhất ở Liên minh châu Âu (EU), cũng như trên thế giới khiến ai cũng tấm tắc khen "hết lời". Nhưng thực ra không hoàn toàn đúng như vậy.

Từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), một tổ chức độc lập phi lợi nhuận quy mô toàn cầu chuyên giám sát tình trạng tham nhũng trên thế giới, có trụ sở  đặt tại thủ đô Berlin, CHLB Đức, do luật sư người Đức Peter Eigen sáng lập 2 năm trước đó, đã tiến hành công bố bảng xếp hạng thường niên về Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI).

Hiến chương thành lập TI định nghĩa tham nhũng là "lạm dụng quyền lực công cộng cho lợi ích cá nhân". Còn chỉ số CPI hằng năm áp dụng thang điểm 100, với mức 0 điểm dành cho quốc gia có tình trạng tham nhũng cao nhất. Vương quốc Thụy Điển thường xuyên lọt vào tốp những nước đứng đầu trong bảng xếp hạng CPI quy tụ 176 quốc gia trên hành tinh, xê dịch "ổn định" từ 88 đến 93 điểm thuộc hàng tham nhũng hiếm khi xảy ra.

Với sự thận trọng khách quan cần có, cho đến nay chưa có nước nào được TI "chấm" 100 điểm cao tuyệt đối về thành tích không có nạn nhũng lạm, chỉ có New Zealand là quốc gia duy nhất đạt mức 95 điểm trong năm 2011.

Theo một cuộc thăm dò sâu rộng do Tạp chí Format chuyên về kinh doanh, chính trị, văn hóa và lối sống của các quốc gia EU, có trụ sở tại Vienna (Áo) thực hiện vào cuối tháng 2 vừa qua. Trong số 2.000 công dân Thụy Điển sống rải rác khắp đất nước ở độ tuổi từ 18 đến 55 được hỏi, kết quả đã có đến hơn phân nửa (58%) thừa nhận từng chứng kiến việc đưa và nhận hối lộ.

"Bản tính cố hữu của người dân Thụy Điển là không bận tâm đến chuyện của người khác, do vậy họ không lên tiếng tố cáo tệ nạn tham nhũng hối lộ hầu như diễn ra hằng ngày", Tổng biên tập Tuần báo Format Peter Pelinka nhận xét.

Hơn phân nửa người Thụy Điển từng chứng kiến tệ hối lộ.

Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), trung bình khoảng 1/8 số công ty hoạt động tại Thụy Điển có liên quan đến tham nhũng, họ phải chi tiền "bôi trơn" cho giới chức quản lý các cấp để công việc kinh doanh được "thuận buồm xuôi gió". Còn khoảng 1/5 dân chúng biết được chính xác danh tính những người có chức quyền đã bị mua chuộc, nhưng "không tiện nói ra"(!).

Trong thời gian gần đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật trung ương vừa phát giác một vụ bê bối tham nhũng cực lớn, xảy ra trong Hội đồng thành phố Gothenburg là đô thị đứng hàng thứ 2 ở Thụy Điển, liên quan đến Công ty Viễn thông Teila Sonera thuộc sự quản lý của Tòa Đô chính Gothenburg, đã tổ chức đưa hối lộ có hệ thống để có được các hợp đồng làm ăn ở một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Theo Cơ quan Bài trừ tham nhũng Quốc gia, thì mức phạt tối đa 10 triệu krona tiền Thụy Điển, tương đương 1 triệu euro đối với các tổ chức công ty để xảy ra nạn nhũng lạm và hối lộ là quá ít ỏi, không mang tính răn đe nghiêm khắc nên tệ tham nhũng vẫn âm ỉ tồn tại.

Một điều nực cười nữa ít người biết, là luật pháp Thụy Điển chỉ trừng phạt bên đưa hối lộ, còn bên trực tiếp nhận hối lộ lại… vô can bởi không chủ mưu hành động phi pháp(?!).

Sự không minh bạch ở Thụy Điển còn tồn tại trong lĩnh vực phân bổ ngân sách đầu tư cho các địa phương, cũng như những khoản tài trợ nặc danh cho các đảng phái chính trị. Tháng 4 tới đây, một dự luật về tính chính danh của các khoản tài trợ, sẽ được đưa ra thảo luận để thông qua trong phiên họp thường kỳ của Quốc hội Thụy Điển.

Theo đó, các đảng phái chính trị phải lập danh sách báo cáo kèm danh tính cụ thể về những khoản hiện kim tài trợ, cũng như quà tặng bằng hiện vật trị giá từ 22.200 sek (2.475 euro) trở lên. Còn Đảng của những người ôn hòa (MCP), do Thủ tướng Fredrik Reinfeldt làm Chủ tịch lại lên tiếng phản bác dự luật mới vì "phi thực tế"(!).

"Với dự luật này, nghĩa là tất cả những ai tài trợ từ 22.199 Krona trở xuống sẽ trở thành... vô danh. Và các đảng phái khác nhau ở Thụy Điển cứ mặc sức quyên góp từ những nhà tài trợ nặc danh, âm thầm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu tới, góp phần thúc đẩy nạn tham nhũng ở quốc gia vốn được mặc định là "bậc thầy về tính minh bạch", Tổng biên tập P. Pelinka mỉa mai kết luận

Xuân Hiếu (theo Deutsche Welle)
.
.