Naples, cái nôi của băng đảng Camorra

Thứ Năm, 11/05/2017, 20:25
Thành phố Naples và khu vực xung quanh là địa bàn trung tâm của băng đảng mafia Camorra. Mặc dù không "vang danh" như các băng đảng ở vùng Sicily, nhưng những cuộc thanh trừng, tranh giành lãnh địa của các băng nhóm Camorra thì không kém phần tàn nhẫn.

Camorra là một trong những tổ chức tội phạm lớn và lâu đời nhất Italia, được hình thành từ thế kỷ XVI. Không giống mô hình tổ chức dạng kim tự tháp của hầu hết băng đảng mafia khác với "bố già" đứng đầu, Camorra quản lý tổ chức theo chiều ngang với hơn 100 dòng tộc khác nhau hoạt động độc lập.

Thành phố Naples và khu vực xung quanh là địa bàn trung tâm của băng đảng mafia Camorra. Mặc dù không "vang danh" như các băng đảng ở vùng Sicily, nhưng những cuộc thanh trừng, tranh giành lãnh địa của các băng nhóm Camorra thì không kém phần tàn nhẫn.

Thành phố của "cuộc chiến AK"

Theo chuyên gia Robert Saviano, người nhiều năm nghiên cứu về thế giới ngầm Italia, toàn bộ ngành công nghiệp dệt may của Italia bị mafia chi phối toàn bộ; từ những công đoạn nhỏ nhất như chọn vải nhập từ Trung Quốc, tổ chức cho người lao động nhập cư trái phép làm công nhân, đến công đoạn đưa các dòng sản phẩm vào trung tâm thương mại để phân phối đến người tiêu dùng.

Cảnh sát thẩm tra một thành viên của băng đảng Camorra.

Tại thành phố Naples, băng Camorra thường xuyên trúng thầu các dự án xây dựng và xử lý chất thải. Chất lượng nhiều công trình xây dựng, đặc biệt là những công trình mang tính phúc lợi như nhà ở cho người có thu nhập thấp, người được chính phủ trợ giá khi mua… rất đáng quan ngại vì các nhà thầu phụ tham lam và vô lương tâm không từ cả thủ đoạn trộn… chất thải vào xi măng xây dựng. Naples là một thành phố luộm thuộm và buồn tẻ trong mắt của chuyên gia Saviano với 60% hàng hóa cập cảng không đăng ký và 30% dân số thất nghiệp, sắc đỏ truyền thống của những ngôi nhà vùng Địa Trung Hải được thay bằng màu xi măng xám xịt phủ lên khối nhà na ná nhau như cách đóng dấu cho thương hiệu của tổ chức mafia Camorra.

Cuộc chiến đẫm máu tranh giành đường dây buôn bán ma túy và các hợp đồng xây dựng xảy ra liên miên trên các con phố nhỏ ở Naples. Nếu xe cứu thương xuất hiện và cố gắng cứu mạng nạn nhân bị bắn, chắc chắn thành viên băng Camorra sẽ chặn đầu để xe không về tới bệnh viện. Bố của Savino do không biết "luật" này mà ra sức cứu một nam thanh niên bị bắn trọng thương, thế là ông bị người của Camorra đánh đến gần chết.

Băng Camorra có lịch sử hình thành từ thế kỷ XVI, do những kẻ cầm đầu người Tây Ban Nha tới Italia nhập cư dựng lên. Tổ chức này cũng là thế lực lâu đời nhất ở Italia và cũng khó bị tiêu diệt nhất. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Camorra và các băng nhóm khác chính là hệ thống phân cấp theo chiều ngang. Nếu một ông trùm cấp cao bị bắt, băng Camorra vẫn hoạt động bình thường. Băng Camorra chia làm hai nhánh nhỏ: một nhóm ở thành thị và một nhóm ở vùng ven.

Nhóm thành thị có nét đặc trưng là các tổ chức tội phạm phân mảnh, ít người và kiểm soát các quận, khu dân cư trong trung tâm thành phố. Hoạt động phổ biến của các băng nhóm là buôn bán đồ nhập lậu như băng đĩa DVD, hàng hóa và thuốc lá, đặc biệt là đồ buôn lậu gắn mác "Made in China". Ngoài ra, băng Camorra thành thị kiêm việc bảo kê và bắn giết nếu cần. Nhóm Camorra vùng ven hoạt động ở nơi xa xôi, hẻo lánh như quanh thị trấn Caserta. Chúng có một mạng lưới chân rết dày đặc, có liên hệ với nhiều quan chức địa phương.

Tháng 3-2014, băng Sacra Corona Unita (SCU) được cho  là thủ phạm của 3 vụ giết người liên tiếp, trong đó có vụ giết Domenico, một tên gangster cùng bạn gái và con trai hai tuổi ở thành phố Taranto. Khi truy đuổi theo đối thủ mục tiêu đang ngồi trong chiếc xe Matiz, tuy biết trên xe có người phụ nữ cùng đứa con trai, băng SCU vẫn dùng súng máy lạnh lùng lia cả tràng đạn vào chiếc xe bé nhỏ khiến hai mẹ con chết ngay tại chỗ.

Giacomo di Gennaro, một nhà xã hội học chuyên nghiên cứu tội phạm có tổ chức ở Naples cho biết, tình trạng bạo lực ngày càng leo thang kể từ khi các ông trùm lớn sa lưới trong vòng 15 năm qua.

"Những tên mafia truyền thống trọng danh dự thường không tấn công linh mục, phụ nữ và trẻ em. Việc kiểm soát các vùng lãnh thổ đủ lớn để chúng ra tay có chọn lọc. Tuy nhiên, khi ranh giới giữa các bên thay đổi nhanh chóng, chúng sẵn sàng xả súng giết tất cả", Gennaro nói.

Tờ nhật báo Corriere della Sera cho biết, trường hợp đứa bé 2 tuổi bị bắn chết không phải là cá biệt. "Việc lạm dụng ma túy, thay đổi trật tự thế giới tội phạm liên tục khiến những tay súng không có thời gian để cân nhắc nên giết ai và tránh ai" - tác giả Gofferedo Buccini viết trên tờ Corriere.

Tình trạng tội phạm ở Naples gia tăng trong thời gian qua là minh chứng cho việc chính quyền không thể kiểm soát được an ninh tại thành phố có hơn 3 triệu dân này. Báo chí từ lâu đã gọi các cuộc xung đột giữa các băng đảng ở Naples là "cuộc chiến AK" do các vụ thanh toán lẫn nhau đều được thực hiện bằng tiểu liên AK-47. Theo nhật báo Il Mattino, tại Naples và các vùng phụ cận, có đến 110 băng đảng tội phạm hoạt động với gần 5.000 tên, chủ yếu là thanh thiếu niên.

Tình trạng thanh niên thất nghiệp cũng như sự bất lực của các lực lượng gìn giữ an ninh được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của các hoạt động tội phạm ở Naples. Không chỉ có buôn ma túy, bảo kê kinh doanh, bắt cóc tống tiền, các băng nhóm Camorra còn chi phối cả các lĩnh vực "kiếm tiền lẻ" như thị trường bánh mì.

Năm 2011, cuộc điều tra của kênh Le Iene phát hiện ra hàng ngàn cửa tiệm nhỏ bán bánh mì bất hợp pháp đã được mở ở Naples. Hoạt động này thường diễn ra vào cuối tuần khi các cửa hàng hợp pháp đóng cửa hay các lò bánh phi pháp do mafia mở ra và bán với giá cắt cổ. Tất cả mọi siêu thị, người bán rong đều phải mua bánh các từ lò bánh này, nếu không họ sẽ gặp phiền toái. Tháng 2-2016, Chính phủ Italia đã quyết định điều động 250 binh lính và cảnh sát đến Naples để đối phó với tình trạng bạo lực giữa các băng đảng Naples và vùng Campania.

Mất "bố già" có "mẹ già" kế thừa

Trong khoảng 1 thập kỷ nay, với việc sử dụng phụ nữ trong các hoạt động tội ác của mình, từ điều hành đường dây tín dụng đen tới buôn ma túy, băng Camorra đã tạo nên nét khác biệt trong thế giới ngầm Italia. Chẳng kém cánh thảo khấu mày râu, những nữ tặc này cũng không ngại truy sát, xả súng tiêu diệt đối phương.

Có thể nói, phụ nữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong băng Camorra ở Naples, họ kiểm soát toàn bộ nguồn tài chính của băng nhóm, đảm bảo việc kinh doanh ngầm hoạt động trơn tru khi những kẻ cầm đầu là nam giới phải ngồi tù hoặc bị tiêu diệt. Nhiều người còn nhớ chuyện, vào tháng 5-2002, mối thâm thù lâu năm giữa hai băng nhóm "có số má" từ lâu đời đã biến thành một vụ xả súng đẫm máu ở ngoại vi thành phố Naples.

Kể từ khi ông trùm băng Cava bị bắt, những người phụ nữ trong gia đình thường mang theo súng và tích cực luyện bắn. Hôm đó, 5 người phụ nữ từ băng Cava, trong đó có vợ và con gái của ông trùm có mặt trên một chiếc ôtô, trên chiếc ôtô khác là 3 phụ nữ của băng đối thủ. Truy đuổi nhau một đoạn, 5 người phụ nữ băng Cava giương súng nã đạn liên hồi vào chiếc xe kia, 3 người phụ nữ "nhà đối thủ" bị trúng đạn, chết tại chỗ.

Bà trùm Raffaella D'Alterio bị cảnh sát bắt giữ. Ảnh: Daily Mail.

Sáng ngày 26-6-2012, Raffaella D'Alterio, 50 tuổi, bị bắt giữ cùng 65 nghi can khác sau một cuộc tập kích của cảnh sát vũ trang, trực thăng và lực lượng cảnh khuyển dọc theo vịnh dưới chân núi Vesuvius.

Tổng giá trị những chiếc ôtô và tài sản thu hồi trong chiến dịch này trị giá khoảng hơn 12,5 triệu USD. Raffaella D'Alterio còn được mệnh danh là "The Big Female Kitten" (Mèo cái lớn) sau khi thoát chết trong một vụ đấu súng. Bà ta đã tiếp quản dòng tộc Pianese - D'Alterio sau khi người chồng Nicola Pianese bị các đối thủ bắn chết năm 2006 khi mới 45 tuổi.

Năm 2009, D'Alterio bị chính đồng bọn bắn trọng thương do nhóm này tranh giành đường dây buôn bán ma túy mà bà ta kiểm soát ở khu vực phía nam thành phố cảng Naples. D'Alterio tham gia tất cả các hoạt động tống tiền, sản xuất tiền giả, buôn ma túy, "cần mẫn" thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các phe phái trong băng đảng Camorra trong lĩnh vực kinh doanh hàng giả, xử lý chất thải và xây dựng. Nhà chức trách Italia ước tính công ty của D'Alterio có doanh thu khoảng 218 tỷ USD/năm.

Nhiều nguồn tin tiết lộ băng đảng của bà ta đã mua cổ phần trong đề án tái xây dựng Trung tâm thương mại New York. D'Alterio và đồng bọn bị bắt do cáo buộc tống tiền, sở hữu vũ khí trái phép, cướp của, buôn bán ma túy và sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp với đối thủ quanh một vụ tống tiền và giao dịch tiền giả.

Bà ta cũng bị buộc tội xây dựng mối quan hệ với các dòng tộc khác trong Camorra, nhúng tay vào nhiều hoạt động của băng đảng. Tổ chức tội phạm này sở hữu mạng lưới quốc tế rộng lớn, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc buôn lậu ma túy, hàng giả, xử lý chất thải và xây dựng, tầm ảnh hưởng vang tới cả Anh và Mỹ.

"Sếp của những ông chủ" Maria Licciardi.

Cùng chia nhau hùng cứ Naples, bên cạnh "Mèo cái lớn" còn có của Maria Licciardi, biệt danh "Sếp của những ông chủ". Sinh năm 1951 tại Naples, lớn lên trong gia đình là thành viên cốt cán của Camorra qua nhiều đời, Licciardi sớm tiếp cận với những bí ẩn của thế giới ngầm. Các anh chị của Licciardi đều có nhiều "đóng góp" cho sự phát triển Camorra.

Người anh trai Gennaro Licciardi là người đồng sáng lập tổ chức Secondigliano Alliance (SA), một liên minh các dòng họ Camorra hùng mạnh kiểm soát lĩnh vực buôn bán ma túy và cướp tài sản ở vùng ngoại ô Naples. Sau khi chồng và các anh bị sát hại, Maria Licciardi lên cầm quyền.

Đầy giảo hoạt, Licciardi tiến hành ngay buổi gặp với phe đối lập Camorra và đề nghị ngừng cuộc chiến tranh giành lãnh địa, cùng nhau mở rộng đường dây buôn lậu thuốc lá, ma túy và buôn.... phụ nữ. Licciardi được cảnh sát Italia nhận định là người có khả năng lãnh đạo, điềm đạm, ít nói nhưng sẵn sàng tiêu trừ mọi "vật cản" trên đường mình đi. Ngoài mặt, Licciardi đóng vai một Mạnh Thường Quân chuyên hỗ trợ việc làm cho người dân ở thành phố Naples vì thế bà ta được nhiều người yêu quý và mang ơn.

Băng SA có một quy luật bất thành văn: cấm buôn "hàng sống" là phụ nữ. Vì lợi nhuận, Licciardi bất chấp tất cả, phá vỡ quy định của bang phái, điều hành đường dây buôn người gồm các cô gái, bé gái vị thành niên trao đổi được với mafia Albania với giá 2.000 USD/người. Licciardi ép những nạn nhân của mình ngày nào cũng dùng ma túy hoặc thuốc kích thích để hành nghề mại dâm và thẳng tay sát hại khi họ không còn giá trị sử dụng.

Không giống như một số ông trùm, Licciardi thường lui về hoạt động ngầm nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát. Bà ta luôn khéo léo qua mặt được các cuộc kiểm tra của cảnh sát. Năm 1999, mâu thuẫn làm ăn giữa SA và gia tộc Lu Russo khiến băng đảng của Licciardi điêu đứng. Gia tộc Lu Russo phá vỡ liên minh, 2 bên bắt đầu giao chiến bằng các vụ đánh bom và đấu súng trên đường phố làm cả trăm thành viên của 2 bên thiệt mạng.

Nằm trong danh sách "30 đối tượng truy nã gắt gao nhất Italia", Licciardi vừa tìm cách trả miếng đối thủ, vừa trốn tránh tấm lưới của pháp luật và tiếp tục điều hành băng đảng. Cảm thấy áp lực từ cuộc điều tra của công tố viên Bobbio, Licciardi quyết định ra tay hành động.

Tháng 1-2001, bà  ta cùng một số thuộc hạ tổ chức ném bom tòa nhà văn phòng của Bobbio để cảnh cáo. Bobbio cùng giới chức kiên quyết truy quét. Khoảng 70 người đàn ông có liên quan đến Licciardi bị bắt giữ. Điều đáng ngạc nhiên là không ai trong số họ chịu hé nửa lời về hành tung của bà trùm. Tháng 6-2001, biệt đội cơ động Naples và đội đặc nhiệm Italia bố ráp nơi ẩn náu của Licciardi ở vùng ngoại ô Neapolitan, bắt giữ bà trùm. Đến nay, Licciardi là một trong số ít những nữ phạm nhân được giam giữ trong nhà tù an ninh nhất Italia.

H.T. (tổng hợp)
.
.