Cố vấn cao cấp của IS Neil Prakash sa lưới

Thứ Năm, 01/12/2016, 17:00
Ngày 25-11-2016, Cơ quan An ninh Australia chính thức xác nhận đã bắt được Neil Prakash, tên khủng bố người Australia, hiện là cố vấn cao cấp cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trước đó, hồi tháng 4, phía Australia từng phấn khởi thông báo rằng Neil Prakash đã bị tiêu diệt trong một trận không kích bởi máy bay không người lái của Mỹ ở thành phố Mosul, Iraq. Tuy nhiên sau đó, các tin tình báo cho biết Neil Prakash chỉ bị thương và đã hồi phục...

Sinh ra tại thành phố Melbourne, Australia, Neil Prakash có cha là người Fiji (một đảo quốc ở Thái Bình Dương) còn mẹ là người Campuchia. Có lẽ vì vậy nên kẻ khủng bố này lấy bí danh là Abu Khaled al-Cambodi.

Neil Prakash thời điểm là cố vấn tối cao của IS.

Tháng 8-2012, sau chuyến thăm quê mẹ ở thành phố Siem Reap, Campuchia, Neil Prakash lúc ấy 20 tuổi, đã cải từ Phật giáo sang đạo Hồi với lý do "Phật giáo đã bị thương mại hóa". Trở về Australia, gã thường xuyên tham dự các buổi hội họp tại hiệu sách Al-Furqan - nơi bán kinh sách Hồi giáo và đền thờ Hồi giáo ở Melbourne - là nơi quy tụ một số phần tử Hồi giáo cực đoan, có khuynh hướng ủng hộ IS. Tại đây, Neil Prakash đã gặp Harun Mehicevic, một kẻ cuồng tín gốc Bosnia, định cư tại Melbourne. 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi được Harun Mehicevic nhồi nhét những lý thuyết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, Neil Prakash nổi lên như một nhà hùng biện, có khả năng lôi cuốn và dẫn dắt người nghe đi theo gã.

Năm 2013, được sự móc nối của một chiến binh IS người Malaysia, Neil Prakash bán hết tài sản, cuốn gói đi Kuala Lumpur rồi từ đó, gã đến thành phố Raqqa, Syria tham gia "thánh chiến". Thông qua sự quen biết và tài ăn nói, Neil Prakash đã thuyết phục một số công dân Australia gia nhập IS, trong đó có Numan Haider, 18 tuổi, kẻ đã dùng dao đâm hai sĩ quan cảnh sát Australia tại Melbourne năm 2014.

Cũng trong năm 2014, Neil Prakash được Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo tối cao IS gọi sang thành phố Mosul, Iraq: "Có rất nhiều anh em Australia muốn gặp bạn", al-Baghdadi nói: "Bạn hãy kể câu chuyện về sự thay đổi ý thức của mình bằng sự nhiệt tình để kêu gọi những người khác đi theo bạn".

Những ngày tiếp theo, Neil Prakash xuất hiện trong nhiều video và tạp chí, tuyên truyền cho IS. Được Abu Bakr al-Baghdadi phong là "cố vấn tối cao về các vấn đề Australia", Neil Prakash được cho là có liên quan đến những âm mưu khủng bố nhắm vào Australia theo kiểu "con sói đơn độc" mà cụ thể là vụ chặt đầu một sĩ quan cảnh sát nhân ngày lễ Anzac Day (ngày tưởng niệm chiến tranh ở Australia) nhưng không thành công, hay như những trao đổi bằng tin nhắn giữa Neil Prakash và tên khủng bố Farhad Khalil Mohammad Jabar trước khi tên này giết một cảnh sát là Curtis Cheng...

Neil Prakash (ngồi giữa) trong một cuộc gặp những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của IS ở Mosul, Iraq.

Tháng 4-2015, trong một video clip ca ngợi hành động khủng bố của  Numan Haider, Neil Prakash nói: ""Nếu bất cứ ai bảo với tôi từ ba năm trước, rằng tôi sẽ được sống trong lòng Nhà nước Hồi giáo thì tôi sẽ nói với họ rằng họ là kẻ điên rồ. Nhưng giờ đây, với sự thương xót của Allah, hãy nhìn những gì ngài đã lên kế hoạch cho tôi, tôi biết tất cả việc tôi đang làm là từ ý muốn của ngài. Vì thế, cũng như tôi, bạn phải tin tưởng".

Tháng 4-2016, trong một cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái vào một mục tiêu của IS ở thành phố Mosul, Iraq, phía Mỹ thông báo đã tiêu diệt được Neil Prakash, và cái chết của gã sẽ phá vỡ đường dây tuyển mộ người đến Syria và Iraq, chiến đấu cho IS bởi lẽ Neil Prakash có tầm ảnh hưởng khá lớn đối với một số phần tử Hồi giáo cực đoan sống ở Australia.

Tuy nhiên, gã chỉ bị bỏng nặng. Sau khi hồi phục, Neil Prakash lại tiếp tục xuất hiện trong những clip video để khẳng định là gã vẫn còn sống. Các quốc gia như Mỹ, Australia, Israel, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng đồng chung châu Âu (EU) đều phát lệnh truy nã Neil Prakash.

Từ đó đến tháng 11, các cơ quan tình báo Mỹ và Australia đã sử dụng mọi biện pháp để theo dấu Neil Prakash ở Mosul và nhiều vùng lân cận. Khi quân đội Iraq mở cuộc tấn công giải phóng Mosul với sự yểm trợ bằng không quân trong liên minh do Mỹ dẫn đầu, Neil Prakash chạy khỏi Iraq, sang Syria...

Giữa tháng 11-2016, tình báo Australia nhận được thông tin Neil Prakash sẽ sử dụng hộ chiếu giả để từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ cùng với cô vợ người Indonesia của gã. Khi Neil Prakash vừa xuất hiện tại một trạm kiểm soát biên giới như một người dân thường, và mặc dù khuôn mặt đã bị biến dạng khá nhiều do những vết bỏng nhưng các đặc vụ Australia và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhanh chóng nhận ra gã. Lập tức họ chĩa súng vào đầu, chộp lấy gã.

Vài ngày sau, Bộ trưởng Tư pháp Australia là ông Michael Keenan xác nhận rằng người đàn ông bị bắt và đang bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ chính là Neil Prakash. Ông Michael Keenan cũng cho biết Bộ Ngoại giao Austalia đã đề nghị với phía Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép dẫn độ Neil Prakash về Australia.

Tuy nhiên việc này có lẽ sẽ phải mất vài tháng vì cả Mỹ lẫn Ausatralia, Anh, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng đồng chung châu Âu (EU) đều cùng muốn thẩm vấn Neil Prakash về những kế hoạch lôi kéo công dân của họ gia nhập hàng ngũ IS, cũng như những kế hoạch khủng bố của IS nhắm vào họ - như đã từng xảy ra trong quá khứ và có thể sẽ tiếp diễn trong tương lai.

Một sĩ quan tình báo cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm trong việc khai thác thông tin có thể có từ Neil Prakash về "Nhà nước Hồi giáo" cùng các hoạt động của tổ chức này, danh sách những tay súng IS hiện đang hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là những thông tin về người Kurd, nhất là ở miền bắc Syria. Tôi nghĩ rằng chỉ sau khi hoàn tất những yêu cầu đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sẵn sàng hợp tác với Australia về việc thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp định trao đổi mà hai bên đã ký kết".

Theo bà Jacinta Carroll, Giám đốc Trung tâm chính sách chống khủng bố, thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết Neil Prakash là công dân Australia có chức vụ cao nhất trong hàng ngũ IS, và Australia sẽ được ưu tiên để truy tố tên khủng bố này. Thủ tướng Australia, ông Malcolm Turnbull cũng nói trước quốc hội: "Prakash đã sử dụng không gian mạng để thúc đẩy ý thức tội ác, tuyên truyền sự hận thù của chủ nghĩa khủng bố để tuyển dụng những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Australia. Nhiều người trong số này hoặc vẫn còn cầm súng cho IS ở Trung Đông, hoặc đã bị tiêu diệt".

Với Australia, việc bắt sống một nhân vật cao cấp của IS - là công dân Australia như Neil Prakash là điều vô cùng hiếm hoi bởi lẽ trước đó, Mohammed Elomar, cũng là công dân Australia, một trong những kẻ khủng bố IS nằm trong danh sách truy nã hàng đầu của Australia đã bị giết.

Hiện vẫn còn 110 tay súng người Australia đang chiến đấu cho IS, trong đó khoảng 65 kẻ đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh.

V.C (theo Daily Telegraph)
.
.