Tình báo New Zealand bất lực trong vụ xả súng

Thứ Tư, 20/03/2019, 19:01
Sau khi vụ việc xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, làm chết 49 người xảy ra, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu có thể ngăn được vụ xả súng nếu làm tốt công tác chia sẻ tình báo và giám sát chặt chẽ mạng Internet?

Rất nhanh sau khi vụ xả súng được loan tin, báo chí thế giới đã làm rõ một số thông tin về động cơ gây án, nguồn gốc loại vũ khí được sử dụng gây án. Vấn đề đáng nói ở đây là kẻ gây án đã có nhiều hoạt động trên mạng Internet trước, trong và cả sau khi thực hiện hành động man rợ của mình.

Trước khi gây án, y đã từng đăng hình 4 khẩu súng dùng để gây án trên trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, khoe rằng đã mua chúng từ một cửa hàng bán súng trên mạng. Y cũng đăng lời “tuyên ngôn” về chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng da trắng và cực hữu. Khi gây án, y đã phát trực tiếp (livestream) video ghi hình toàn bộ quá trình gây án của y trên mạng xã hội Facebook như một trò chơi bạo lực nhập vai.

Brenton Tarrant, hung thủ xả súng ở New Zealand, được đưa ra tòa xét xử hôm 17-3, 2 ngày sau khi gây án.

Câu hỏi được đặt ra là những hoạt động trên Internet của hung thủ xả súng có thể giám sát được không?

Cơ quan tình báo New Zealand (hoặc các đồng minh “Năm con mắt”) có thể kiểm soát, phát hiện được những nội dung sặc mùi cực đoan da trắng của y trên mạng xã hội không?

Đối với các cơ quan tình báo được trang bị hiện đại thì việc đó không khó, càng không khó đối với các cơ quan tình báo có nhiệm vụ chống khủng bố thường trực như hệ thống “Năm con mắt”.

Vậy thì tại sao vụ xả súng vẫn xảy ra trót lọt, không hề có hành động ngăn chặn hay cảnh báo nào của các cơ quan tình báo?

Thời gian gần đây, một số người đã đặt nghi vấn về vai trò của New Zealand trong hệ thống tình báo toàn cầu “Năm con mắt” – một liên minh chia sẻ tình báo toàn cầu gồm 5 quốc gia đồng minh chiến lược là Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Những người trong hệ thống “Năm con mắt” từng chỉ trích New Zealand vì nước này chưa thể hiện hết vai trò của mình trong hoạt động giám sát tình báo trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, còn chậm chạp trong việc phát hiện và kịp thời ngăn chặn một số hoạt động gián điệp và can thiệp chính trị của các đối thủ của liên minh trong khu vực.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia an ninh quốc gia ở Mỹ cho rằng vụ xả súng ở New Zealand không thể ngăn chặn, cho dù có các biện pháp chia sẻ tình báo đầy đủ và kịp thời. Nicholas Rasmussen, chuyên gia an ninh và chống khủng bố tại Học viện Lãnh đạo Quốc tế McCain, nhận xét: “Chia sẻ tình báo trong hệ thống “Năm con mắt” không đi sâu vào vấn đề khủng bố nội địa. Vì thế không tránh khỏi việc thiếu chia sẻ tình báo, như trong trường hợp New Zealand. Tuy nhiên, chúng tôi có nhiệm vụ cảnh báo cho các nước đồng minh, kể cả trong hay ngoài hệ thống “Năm con mắt”, nếu chúng tôi nắm được thông tin về một vụ tấn công khủng bố đang sắp xảy ra”.

Một chuyên gia khác, Joshua Geltzer, cũng đồng tình quan điểm cho rằng rất khó để ngăn chặn vụ tấn công ở New Zealand cho dù có chia sẻ thông tin trực tuyến. Tờ Newsweek dẫn lời ông Geltzer khẳng định: “Những vụ tấn công như thế này là thảm kịch rất khủng khiếp. Tùy theo kế hoạch và phương thức hành động, chúng cũng có thể rất khó phát hiện và ngăn chặn. Chúng tôi hiện vẫn đang tìm hiểu làm thế nào mà vụ việc này dễ dàng lọt lưới tình báo”.

Hiện chính phủ New Zealand đang khẩn trương rà soát lại toàn bộ quá trình vụ việc diễn ra, từ khi hung thủ lên kế hoạch, mua sắm vũ khí rồi lên mạng tuyên bố về hành động khủng bố và động cơ khủng bố. Chuyên gia Geltzer cho rằng, có thể sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách về chia sẻ tình báo giữa các thành viên “Năm con mắt”, nhưng việc đó cần có thời gian, không thể tiến hành ngay.

Các lãnh đạo quốc gia “Năm con mắt” đã gợi ý rằng họ có thể tìm kiếm những phương thức mới để tiếp cận một cách hợp pháp những thông tin cá nhân đã được mã hóa nhằm mục đích ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Và một số chuyên gia an ninh quốc gia cũng lập luận rằng Mỹ có vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp, hỗ trợ các nước đồng minh trong vấn đề này.

Vấn đề New Zealand đang gặp phải cũng là vấn đề của hầu hết các quốc gia trong hệ thống “Năm con mắt”. Và qua vụ xả súng ở New Zealand, các chuyên gia an ninh toàn cầu cũng nhận diện ra một dạng khủng bố mới, nguy hiểm không kém khủng bố Hồi giáo cực đoan. Đó là chủ nghĩa cực đoan da trắng. Mới xuất hiện trong thời gian gần đây, cực đoan da trắng hầu như không được quan tâm để ý đến, do hầu như các cơ quan tình báo các nước bận bịu quan tâm những vấn đề lớn khác, như khủng bố Hồi giáo cực đoan, IS, Al-Qaeda, người nhập cư,…

Trong hoạt động do thám trên mạng Internet, các cơ quan tình báo cũng chỉ chăm chú vào thành phần Hồi giáo cực đoan, nhờ thế mà chủ nghĩa cực đoan da trắng dễ dàng len lỏi, lan truyền trên mạng xã hội mà không ai để ý đến.

Vụ việc tại New Zealand đã khiến giới chuyên gia an ninh giật mình nhìn lại một số vụ việc thời gian qua, như vụ xả súng ở Na Uy năm 2011, và gần đây nhất là vụ việc kẻ sát nhân tên Robert Gregory Bowers xả súng sát hại nhiều người Do Thái tại một thánh đường Do Thái giáo ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ cuối tháng 10-2018. Nạn nhân khác nhau, địa điểm vụ việc khác nhau, nhưng chúng có chung đặc điểm là do chủ nghĩa cực đoan da trắng gây ra. Từ Na Uy sang Mỹ, và giờ đây chủ nghĩa cực đoan da trắng đã lan đến New Zealand.

Trước mối đe dọa khủng bố mới đang có chiều hướng lan rộng này, một lần nữa các cơ quan tình báo các nước lại phải tất bật tìm kiếm phương án mới để đối phó một cách hiệu quả.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.