Nga: Lâm tặc tàn phá miền Viễn Đông

Chủ Nhật, 15/05/2011, 10:25

Cùng với nhu cầu gỗ kiến trúc ngày càng tăng ở Trung Quốc, những vạt rừng rộng lớn ở miền Viễn Đông nước Nga phải chống chọi với bọn lâm tặc ngày đêm đốn gỗ bất hợp pháp. Nhưng nạn tham nhũng và sự sợ hãi đã ngăn cản mọi biện pháp trừng trị thẳng tay bọn lâm tặc, từ đó những vạt rừng bao la của miền Viễn Đông nước Nga bị bỏ mặc cho bọn tội phạm tàn phá.

Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường nói "Mafia rừng" của Nga đang tước đoạt hàng loạt những cây gỗ cứng quý hiếm trong khu vực - một ngành kinh doanh trái phép cũng đang đe dọa môi trường sống của loài hổ Siberia có nguy cơ tuyệt chủng của thế giới.

Bất chấp sự lo ngại từ chính quyền Nga, làn sóng đốn gỗ lậu hiện nay đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền Liên bang Nga và nằm dưới sự điều hành của các băng nhóm tội phạm. Phần lớn gỗ kiến trúc được khai thác lậu tại khu rừng ở dãy núi Sikhote-Alin trải dài hơn 1.000km về hướng bắc từ vùng Primorksy của nước Nga.

Theo báo cáo năm 2007 của Cơ quan Nghiên cứu môi trường đặt trụ sở ở Washington (EIA), đây là khu vực tập trung đa dạng các loài động thực vật phong phú nhất thế giới. Rừng taiga Ussuri tập trung vô số những loài gỗ cứng quý hiếm, như là tần bì, cây gỗ thích, cây du và sồi. Đó cũng là môi trường sống của loài hổ Siberia to lớn nhất thế giới hiện chỉ còn khoảng vài trăm con.

Dennis Smirnov, lãnh đạo Chương trình quản lý rừng của Quỹ thế giới bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên hoang dã (WWF) và đã từng làm việc 9 năm qua ở miền Viễn Đông, nói việc đốn gỗ bất hợp pháp và phá hủy nguồn thức ăn tự nhiên của loài hổ có nguy cơ gây tuyệt chủng giống hổ Siberia trong hoang dã. Khoảng 60.900m3 gỗ quý được khai thác xuất khẩu bất hợp pháp từ miền Viễn Đông Nga mỗi năm, nhưng theo WWF, con số tổng cộng hàng năm là "ít nhất 1 triệu" m3.

Bọn khai thác gỗ trái phép có được chỗ đứng sau khi Liên Xô tan rã dẫn đến việc công nhân ngành khai thác gỗ hợp pháp không còn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Nhiều cựu công nhân khai thác gỗ bị thất nghiệp từ đó chuyển sang làm việc cho "Mafia rừng" để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống - theo tài liệu ngoại giao của Sứ quán Mỹ ở Vladivostok lập trong tháng 1/2009 được WikiLeaks tiết lộ. “Mafia rừng” của Nga càng hoạt động mạnh hơn khi Trung Quốc mở cửa biên giới vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.

Khai thác gỗ lậu trong một khu rừng ở miền Viễn Đông nước Nga.

Điểm trung chuyển chính cho gỗ lậu từ Nga sang Trung Quốc là Suifenhe - thành phố biên giới của Trung Quốc. Đây cũng là điểm đến hàng ngày của nhiều người Nga tìm mua quần áo và đồ điện tử rẻ tiền của Trung Quốc.

Anatoly Lebedev, nhà sinh thái học người Nga chống đốn gỗ lậu từ đầu thập niên 90, nói có đến 10 chuyến tàu hỏa vận chuyển gỗ lậu từ Nga vượt biên sang thành phố Suifenhe mỗi ngày. Và mỗi chuyến tàu chở khoảng 60 chiếc xe chất khoảng 60m3 gỗ - phần nhiều là bất hợp pháp. Nhưng mối lo ngại lớn nhất là hoạt động khai thác gỗ trái phép diễn ra ngay bên trong những khu vực được bảo vệ.

Lỗ hổng trong luật pháp Nga là cho phép đốn hạ những cây đã chết hay đang chết - và bọn mafia rừng đã lợi dụng giấy phép của nhà nước để hợp thức hóa những cây gỗ quý bị đốn hạ. Các quan chức Nga đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng quản lý rừng lỏng lẻo này.

Năm 2008, Valery Roshchupkin - lãnh đạo Cơ quan Liên bang quản lý rừng của Bộ Tài nguyên thiên nhiên Nga - đưa ra báo cáo tuyên bố nước Nga sẽ có chính sách quản lý rừng mới, trong đó bao gồm chính sách thuế quan nghiêm khắc để ngăn chặn nạn chảy máu rừng.

Tháng 5/2010, Pyotr Diyuk - lãnh đạo quản lý rừng vùng Primorsky - thừa nhận trên Đài Truyền hình Nga rằng, có sự đồng lõa trong khai thác gỗ lậu. Trong khi đó Moskva một lần nữa hứa hẹn sẽ mở cuộc điều tra. Nhưng do nạn tham nhũng lan tràn nên hoạt động khai thác gỗ lậu của mafia rừng vẫn không bị ngăn cản một cách hiệu quả. Các quan chức ở mọi cấp từ địa phương, khu vực đến quốc gia đều hưởng lợi không nhỏ từ mafia rừng cho nên họ luôn ra sức che chở cho ngành kinh doanh bất hợp pháp này. Ông nói: "Đây chính là bản chất của tham nhũng kiểu Nga".

Ngoài ra, cuộc chiến chống lại những lợi ích này cũng dễ dàng gặp nguy hiểm. Trong mùa đông 2008 - 2009, căn nhà nghỉ hè của Yuriy Bersenev - một trong những đồng nghiệp của Dennis Smirnov ở WWF -  bị thiêu hủy bởi một nhóm người lạ mặt. Một ngày trước đó, Smirnov tuyên bố ông cũng là nạn nhân gián tiếp của một vụ "tai nạn ôtô" ở vùng quê.

Ông cho biết: "Con trai của một trong những đồng nghiệp của chúng tôi bị giết chết trong tai nạn hết sức lạ lùng này và cho đến nay cái chết vẫn chưa được điều tra".

Không dừng lại ở đó, bọn “Mafia rừng” Nga còn trả thù những người dân địa phương dám mách với những nhà hoạt động bảo vệ môi trường về tình hình khai thác gỗ lậu. Những người dân gửi thư đến lãnh đạo khu vực yêu cầu có hành động thiết thực chống đốn gỗ lậu đều bị bắn vào cửa xe ôtô hoặc vào nhà. Trong khi đó cảnh sát địa phương càng làm cho người dân nản lòng khi họ làm ngơ trước những đơn kiện của dân.

Nhưng bất chấp những trở ngại, các nhà hoạt động vẫn đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống “Mafia rừng”. Năm 2007, WWF đã thành công trong việc buộc sa thải và bắt giữ hai quan chức quản lý rừng vì tội đồng lõa với lâm tặc trong vùng Khabarovsk. Năm 2008, Quốc hội Mỹ thông qua một luật bổ sung chống buôn lậu tài nguyên thiên nhiên, từ đó cấm nhập khẩu vào Mỹ cây gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp.

Theo tiết lộ của WikiLeaks, Mỹ là nơi đến của 90% cây gỗ quý của miền Viễn Đông nước Nga. Alexander von Bismarck, Giám đốc điều hành EIA cho biết luật bổ sung của Mỹ đánh dấu "một giai đoạn mới trong nỗ lực toàn cầu nhằm cải thiện công tác quản lý rừng". Nhưng luật pháp của Mỹ có tạo nên sự khác biệt nào không thì đó vẫn còn là vấn đề để ngỏ, một phần do thiếu sự giám sát ở Trung Quốc.

Trong Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2012 sắp tới, mọi con mắt của thế giới sẽ hướng về thành phố tổ chức hội nghị Vladivostok của Nga. Thế giới hy vọng qua hội nghị này, chính quyền Nga sẽ tích cực hơn nữa trong việc điều tra những tội ác liên quan đến rừng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường tỏ ra nghi ngờ với những hứa hẹn sẽ mở cuộc điều tra "toàn diện" của chính quyền Nga

D.S. (tổng hợp)
.
.