Nga ra đòn ngăn chặn tấn công mạng nhằm vào hệ thống bầu cử

Thứ Hai, 26/02/2018, 14:49
Chỉ còn ít ngày nữa là nước Nga bước vào cuộc bầu cử quan trọng. Cuộc bầu cử này diễn ra trong bối cảnh trước đó hàng loạt quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp đều cáo buộc Nga tìm cách can thiệp vào kết quả bầu cử các nước này. Chính vì vậy, nước Nga đang làm mọi cách triệt để ngăn chặn các cuộc phá hoại làm sai lệch kết quả bầu cử.

Cơ hội lớn dành cho Tổng thống Putin

Liên quan tới cuộc bầu cử, trong cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 22/2 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận được sự ủng hộ của gần 70% số cử tri trong cuộc bẩu cử tổng thống vào tháng 3 tới. Theo cuộc thăm dò ý kiến do Trung tâm nghiên cứu công luận Nga (VTsIOM) thực hiện, 69,5% số người được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Putin. Nếu đắc cử, Tổng thống Putin sẽ trở thành nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Nga kể từ sau thời nhà lãnh đạo Joseph Stalin.

Theo kế hoạch, ngày 18-3 tới, cử tri Nga đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Danh sách ứng cử viên đã được chốt với 8 người. Hiện các ứng cử viên đang chuẩn bị bước vào vòng tranh luận trực tiếp, vòng 1 sẽ diễn ra vào ngày 26-2 trên Đài Phát thanh Nước Nga. Tỷ lệ ủng hộ ông Putin cách rất xa tỷ lệ ủng hộ của các ứng cử viên đứng sau, bởi các đối thủ của ông, người nhiều nhất cũng chỉ nhận được khoảng 6-7% ý kiến ủng hộ.

Bài học từ Mỹ và sự cảnh giác của Nga

Trong một báo cáo về an ninh mạng công bố ngày 20/2, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Nikolai Patrushev đã đưa ra cảnh báo hệ thống bầu cử quốc gia của Nga có thể trở thành mục tiêu tấn công mạng trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử vào tháng 3 tới. Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga đồng thời nêu ra những thiệt hại do các vụ tấn công mạng gây ra tại Nga trong năm ngoái và biện pháp đối phó với mối đe dọa này của Chính phủ Nga. Ông nhấn mạnh hệ thống kiểm phiếu trên toàn quốc có thể trở thành một trong những mục tiêu tiềm tàng của các vụ tấn công mạng trong năm nay.

Do đó, Chính phủ Nga có thể cân nhắc biện pháp kiểm soát nhằm bảo vệ những mục tiêu tiềm tàng bằng cách cấm các cơ quan chủ quản tự do thuê đơn vị an ninh mạng bên ngoài. Ông Patrushev cũng yêu cầu bảo đảm tuân thủ nghiêm túc quy định về kết nối các nguồn thông tin và cơ sở hạ tầng quan trọng với mạng lưới máy tính công cộng, trước hết là mạng Internet. Ông nhấn mạnh cần đặc biệt chú ý đến các vấn đề liên quan đến quyền bầu cử của công dân và an ninh xã hội trong chiến dịch bầu cử.

Theo ông Patrushev, trong năm ngoái, tin tặc đã "hỏi thăm" hơn 500.000 máy tính tại Nga, trong đó nhiều máy tính bị nhiễm mã độc trong 3 vụ tấn công mạng bằng mã độc lớn hồi năm ngoái. Mạng lưới máy tính của Bộ Nội vụ Nga, Tập đoàn Dầu khí Rosneft và tập đoàn sản xuất thép Evraz cũng là nạn nhân trong các vụ tấn công mạng này.

Nhiều người dân Nga ủng hộ ông Putin làm tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.

Ân oán liên miên

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra ở thành phố Munich, Đức, hôm 17-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, dẫn đến kết quả Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga được đưa ra sau khi phía Mỹ cáo buộc 3 công ty Nga và 13 công dân nước này can thiệp vào chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ giai đoạn 2014-2016 nhằm ủng hộ doanh nhân Donald Trump và làm mất uy tín đối thủ Hillary Clinton.

Những cáo buộc trên được đưa ra trong bản cáo trạng dài 37 trang do Văn phòng Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, một thành viên bồi thẩm đoàn liên bang của Mỹ và là người phụ trách cuộc điều tra nghi vấn Nga can dự vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, công bố ngày 16-2. Báo cáo đã mô tả "một âm mưu phá hoại cuộc bầu cử Mỹ do một nhóm người sử dụng nhân thân giả trên mạng để truyền bá các thông điệp gây chia rẽ, đến Mỹ để thu thập tình báo cũng như tiến hành mít-tinh chính trị trong khi đóng giả làm công dân Mỹ".

Ông Robert Mueller cho rằng những người này đã thực hiện cái gọi là "cuộc chiến thông tin" nhằm vào Mỹ với mục tiêu "làm mất lòng tin đối với các ứng cử viên và hệ thống chính trị nói chung".

Cáo trạng cũng khẳng định âm mưu này là một phần trong chiến dịch lớn hơn có tên gọi "Dự án Lakhta". Cơ quan Nghiên cứu Internet của Nga bị cáo buộc hoạt động thông qua nhiều công ty bình phong, tuyển dụng hàng trăm người tham gia các hoạt động trực tuyến, từ tạo lập những nhân thân giả đến các hoạt động hỗ trợ kĩ thuật và nhân sự, với kinh phí hoạt động hằng năm là hàng triệu USD. Phần lớn cáo trạng đã lặp lại kết luận trong bản đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ công bố hồi tháng 1 năm ngoái, trong đó cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử với nhiều mục đích, trong đó có việc hỗ trợ ông Donald Trump.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cho rằng những cáo buộc của Washington về việc công dân Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ là hoàn toàn sai lệch.

Phía Nga lo ngại, sẽ có một “kịch bản” tương tự có thể lặp lại ở Nga khi nước này tổ chức bầu cử. Chính vì vậy việc phòng chống để không xảy ra các vụ việc như nó từng diễn ra cách đây ít ngày trước khi người biểu tình xuống đường bởi bất kỳ sự kích động từ bên ngoài nào đều được lực lượng an ninh kiểm soát tối đa. Trong một bước đi quyết liệt, Nga đã tuyên bố cấm các quan sát viên bầu cử của Mỹ. Các nhà ngoại giao và nhân viên của các tổ chức khác nhau của Mỹ tại Nga sẽ không được phép giám sát cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3 tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nhấn mạnh quyết định trên dựa trên thực tế rằng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, các nhân viên thuộc các tổ chức của Nga tại Mỹ cũng bị bác bỏ cơ hội giám sát tiến trình bầu cử tại đây.

Hồi tháng 12-2017, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết Nga đã thông tin chính thức cho Bộ Ngoại giao Mỹ rằng sau khi xem xét động thái từ chối chấp nhận các giám sát viên từ các cơ quan ngoại giao của Nga tại Mỹ, Nga đã quyết định có các biện pháp đáp trả tương tự.

Hoa Huyền
.
.