Nga tổng tấn công khủng bố, tìm “nước chốt” trong ván cờ Syria

Thứ Hai, 21/11/2016, 17:20
Ngày 15-11, quân đội Nga đã bắt đầu chiến dịch tấn công quy mô vào các mục tiêu khủng bố tại Syria. Mục tiêu của quân đội Nga là các kho đạn, trung tâm huấn luyện, nhà máy chế tạo vũ khí của khủng bố tại Syria... Nhiều thủ lĩnh khủng bố đã bị tiêu diệt.

Ngoài ra, không quân Nga cũng hỗ trợ triệt để giúp quân đội chính phủ Syria giành lại các vị trí chiến lược. Thế cục tại Syria đang được định hình rõ nét hơn.

Tổng tấn công những cơ sở quan trọng nhất

Ngày 15-11, quân đội Nga đã bắt đầu chiến dịch tấn công quy mô vào các mục tiêu khủng bố tại Syria. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga  S.Shoigu cho biết chiến dịch được bắt đầu từ 10h30 sáng 15-11 (giờ Moskva, 14h30 giờ Hà Nội). Các lực lượng vũ trang Nga đã tấn công ồ ạt một loạt mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Jabhat al-Nusra tại 2 tỉnh Idlib và Homs.

Lần đầu tiên trong lịch sử hải quân, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đang ở khu vực Địa Trung Hải đã tham gia chiến dịch tấn công khi cho các máy bay Su-33 xuất kích. Chiến hạm Đô đốc Grigorovych tham gia chiến dịch, phóng tên lửa hành trình Calibr, trong khi các hệ thống tên lửa Bastion phóng tên lửa vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria.

Bộ trưởng Shoigu cho biết, mục tiêu của quân đội Nga là các kho đạn, trung tâm huấn luyện, nhà máy chế tạo vũ khí của khủng bố tại Syria.

Ông Shoigu nhấn mạnh rằng, những phần tử khủng bố ở Syria đã có một số nhà máy sản xuất vũ khí thực thụ chứ không phải những xưởng sản xuất nhỏ để chế lại những loại vũ khí chúng có trong tay.

“Đó là những nhà máy thực thụ với quy mô sản xuất công nghiệp, cụ thể hơn, các nhà máy ấy có đủ khả năng sản xuất những phương tiện chiến tranh gây ra sự hủy diệt hàng loạt. Đây là mục tiêu mà các lực lượng Nga nhằm đến”, ông Shoigu nói.

Máy bay chiến đấu Su-33 cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Ảnh: AP.

Theo Bộ trưởng Shoigu, quân đội Nga đã nghiên cứu kỹ lưỡng những mục tiêu trước khi quyết định tấn công và những mục tiêu được lựa chọn đều là những cơ sở quan trọng nhất của quân khủng bố. Liên quan đến khả năng mở rộng hoạt động chiến dịch trong những ngày tiếp theo, trong đó có thể bao gồm cả ở chiến trường Aleppo, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Bộ Quốc phòng Nga chưa đề cập đến khả năng này.

Trong 3 ngày đầu tiên diễn ra chiến dịch tổng tấn công này, Không quân Nga không ngừng không kích dữ dội các tuyến đường tiếp vận của lực lượng thánh chiến đến Aleppo, dọn đường cho quân đội Syria tấn công trên vùng tây nam thành phố. Lực lượng không quân Nga đặc biệt tập trung hỏa lực vào tuyến đường vận tải của lực lượng chiến binh thánh chiến ở thị trấn Saraqip thuộc tỉnh Idlib và thị trấn Khan Touman trên vùng nông thôn phía nam Aleppo, tiêu diệt bất kỳ chiếc xe vận tải nào cố gắng tiếp vận cho các nhóm chiến binh, đang giao chiến với quân đội Syria.

Đồng thời với việc tiến hành các cuộc không kích trên hướng nam Aleppo, Không quân Nga dội bom dữ dội bình nguyên Anadan, đánh vào các căn cứ địa của lực lượng thánh chiến ở Anadan, Bayyanoun, Haritan, Hayyan và Kafr Hamra.

Những cuộc không kích kiểu “đi săn tự do” của không quân Nga có hiệu quả khá tốt. Theo đại diện Bộ Quốc phòng Nga, 3 chỉ huy nổi tiếng của Mặt trận Al-Nusra cùng hàng chục tay súng đã thiệt mạng trong cuộc không kích.

“Sau đợt không kích của các máy bay tiêm kích Su-33 cất cánh từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, một nhóm các thành viên của Mặt trận Al-Nusra đã thiệt mạng tại tỉnh Idlib”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết vào hôm 16-11.

Giải thích rõ nguyên nhân tại sao lực lượng Nga và  quân đội chính phủ lại mở chiến dịch tấn công vào thời điểm này, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Frants Klintsevych công bố với báo giới ngày 15-11 rằng, với sự hỗ trợ của không quân và hải quân Nga, quân đội Syria có thể mở chiến dịch quy mô lớn để giải phóng thành phố Aleppo trong một vài ngày tới.

Ông Klintsevych nhấn mạnh đã 3 tuần trôi qua kể từ khi ban bố các lệnh ngừng bắn nhân đạo, song không đem lại kết quả. Trong khi, Aleppo hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo, thiếu nước và thức ăn, trong khi các tay súng khủng bố tiếp tục sát hại dân thường. Theo ông Klintsevych, Syria cần nhanh chóng tiến hành chiến dịch truy quét khủng bố để đảm bảo sự sống còn cho người dân thành phố này.

Trước đó, quân đội Syria đã phát các tờ rơi tại một số quận phía đông của thành phố Aleppo, trong đó kêu gọi các tay súng đang kiểm soát khu vực này phải đầu hàng hoặc rời đi trong 24 giờ theo hai hành lang riêng. Các tay súng được phép mang theo vũ khí phòng thân, song báo chí cũng cho biết hầu như không có ai đáp lại lời kêu gọi này.

Cuộc phô diễn sức mạnh vũ khí Nga

Để chuẩn bị cho chiến dịch quy mô này, Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó ra lệnh cho Bộ Quốc phòng phải đảm bảo an toàn trên không cho các lực lượng Nga ở Syria. Sở dĩ có mệnh lệnh trên là do trong thời gian gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy một số đồng minh của Mỹ đang có ý định sẽ tập kích đường không vào các lực lượng thân Chính phủ Syria, trong đó có Nga. Tuy nhiên, phía Nga đã lường trước.

Trong báo cáo trước tổng thống, ngày 15-11, ông Shoigu cho biết, quân đội Nga làm nhiệm vụ ở Syria đã được hệ thống phòng không S-300 và S-400 Triumph bảo vệ. “S-400 được triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi đã bổ sung các đơn vị S-300 dọc theo vùng bờ biển Syria, kiểm soát gần như toàn bộ đường đến đảo Síp. Đó là chưa kể đến hệ thống tên lửa Bastion được triển khai đan xen. Với tất cả những gì hiện có, chúng tôi có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu tiềm tàng trên biển và trên mặt đất”, ông Shoigu nói.

Bộ trưởng Shoigu cũng lưu ý rằng, đối với những mục tiêu bay thấp, hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm gần Pantsir-S1 sẽ phát huy hiệu quả trong tác chiến. Ngoài ra, hệ thống phòng không S-200 của Syria cũng sẽ là trợ thủ đắc lực giúp Nga kiểm soát được tình hình.

Không chỉ có máy bay chiến đấu, những máy bay ném bom chiến lược đã được đưa vào tình trạng trực chiến. Trang tin quân sự Vpk ngày 15/11 dẫn một nguồn tin quân sự - ngoại giao Liên bang Nga cho biết, các máy bay ném bom chiến lược lừng danh Tu-160 và Tu-95 được gắn tên lửa hành trình trong khi các phi công được lệnh sẵn sàng chiến đấu.

“Nhóm không quân Nga đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với sự xuất hiện của các tên lửa hành trình”, trang tin quân sự Vpk dẫn nguồn tin, tuy nhiên không cho biết mục đích của công tác chuẩn bị quan trọng này. Các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga lần đầu thực hiện các cuộc không kích ở Syria vào ngày 17-11-2015.

Tên lửa Kh-101 được lắp trên máy bay ném bom chiến lược Tu-95MSM. Ảnh: reddit.com.

Ngoài huy động máy bay ném bom chiến lược tầm xa, lần đầu tiên các máy bay chiến đấu hiện đại như Su-33 xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga đã tham gia vào chiến dịch không kích.

Hãng tin RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết: “Lần đầu tiên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov tham gia vào một chiến dịch quân sự kiểu này. Các máy bay chiến đấu Su-33 đã xuất kích từ tàu sân bay này để tiến hành không kích các mục tiêu khủng bố”. Biên đội 8 tàu do tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu được điều đến Địa Trung Hải là hoạt động triển khai lực lượng quân sự ở Địa Trung Hải lớn nhất của Nga kể từ Chiến tranh lạnh.

Tờ báo này cũng “điểm danh” một số vũ khí “khủng” mà nước Nga sẽ sử dụng trong đợt tổng tấn công này. Đó là tên lửa hành trình Kh-101, được đặt trong máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Kh-101 có tầm bắn tối đa 5.500km và có thể di chuyển với tốc độ tối đa 270m/giây. Tên lửa này mang theo đầu đạn thông thường và được cho là sẽ thay thế các tên lửa Kh-555 của Nga. Một phiên bản khác là Kh-102 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Vũ khí cực mạnh khác là tàu ngầm Kilo, tên lửa Kalibr, tàu tên lửa Buyan. Máy bay ném bom Su-34, là một loại vũ khí hiện đại khác của Nga lần đầu tham chiến ở Syria. Tổng cộng 6 chiếc Su-34 đã được triển khai đến Syria và đóng tại căn cứ ở Latakia. Su-34 là máy bay chiến đấu thế hệ 4++, được phát triển dựa trên Su-27. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 2.000km/h và có tầm hoạt động tối đa 4.000km mà không cần tiếp dầu.

Chiếc máy bay 2 động cơ, 2 chỗ ngồi này đã được đưa vào biên chế không quân Nga trong tháng 3-2014. Trong chiến dịch này Nga cũng sử dụng rộng rãi máy bay không người lái (UAV), như Orlan-10 và Eleron-3SV.

Hãng tin RBC dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hiện Nga đã huấn luyện hơn 1.100 chuyên gia có khả năng vận hành máy bay không người lái.

Đi trước Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ

Trong khi Nga tuyên bố đạt được thành công trong chiến dịch này thì báo chí phương Tây bình luận về chiến dịch quy mô của Nga theo hướng ngược lại, khi cho rằng Nga cần hành động gấp là bởi xuất hiện những lo ngại Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công mạnh lực lượng khủng bố và đang áp sát Aleppo, nhằm “tranh công” với Nga cũng như ép lực lượng quân đội Chính phủ Syria theo chiều hướng có lợi cho liên minh này.

Theo một số tờ báo phương Tây, cuộc tấn công vào lực lượng khủng bố Hồi giáo ở Idlib và Homs của quân đội Nga diễn ra khi lực lượng liên quân Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ với các chiến dịch vốn có, điển hình như "Lá chắn sông Euphrates" đang đạt được những chiến tích quan trọng gần Aleppo.

Hôm 13-11, lực lượng thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tiến vào ngoại ô thành phố al-Bab, đang bị IS tạm chiếm sau khi giành được các làng Swesian, Hazwan, Qadiran, Al-Dana và Awla. Các nhóm Hồi giáo cực đoan do Ankara hậu thuẫn đang được triển khai cách thành phố al-Bab khoảng 2km và sẵn sàng tấn công. Xe tăng và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các trận pháo kích dữ dội vào thị trấn. Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu cũng liên tiếp tiến hành các cuộc không kích vào IS trong thành phố này.

Al-Bab là thành phố có vị trí quan trọng về hậu cần, kỹ thuật và đầu mối giao thông với vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trên địa bàn tỉnh Aleppo. Nếu các lực lượng Hồi giáo cực đoan do Ankara hậu thuẫn đánh chiếm địa bàn này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn chặn lực lượng dân quân người Kurd (YPG) liên kết với các khu vực do người Kurd kiểm soát trên miền bắc Syria.

Trong khi đó, ngày 14-11, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm đóng cửa khẩu biên giới Oncupinar với Syria gần tỉnh Kilis, phía đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xảy ra các vụ đụng độ dọc khu vực biên giới này. Cửa khẩu này cũng nằm gần thị trấn Azaz của Syria hiện do lực lượng nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chiếm giữ.

Kể từ ngày 24-8 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch quân sự mang tên Lá chắn sông Euphrates, trong đó triển khai nhiều xe tăng, xe bọc thép và binh lính tràn qua biên giới miền bắc Syria. Song, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vượt biên giới sang nước láng giềng Syria đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của chính quyền Syria vì vi phạm chủ quyền lãnh thổ của quốc gia này.

Những nước cờ cuối cùng?

Những nước cờ cuối cùng trong ván cờ Syria đang được định hình. Thế cục đã dần rõ nét. Nga tổng tấn công dồn dập vào các khu vực trọng yếu trên mặt trận Syria, giúp quân đội Chính phủ Syria giành được nhiều khu vực quan trọng.

Mạng tin National Interest phân tích, Nga muốn bảo đảm quyền chủ động ở Syria; tái khẳng định sự trở lại của họ tại khu vực này và muốn thể hiện rằng Moskva có thể bảo vệ các đồng minh của mình trước hành động lật đổ bằng bạo lực do Mỹ gián tiếp hỗ trợ.

Tất cả các cường quốc, các nước tham gia vào bàn cờ này đều có một vài lợi ích chung. Tuy nhiên, đằng sau những nỗ lực của các bên, nếu các bên tham gia đều khăng khăng theo đuổi những lợi ích tối đa của mình, xung đột lợi ích là điều không thể tránh khỏi. Đến tháng 1-2017, khi nước Mỹ chính thức có tổng thống mới, Washington sẽ phản ứng thế nào khi lợi ích của họ bị “động chạm”?

Liệu chính quyền mới của Mỹ có chấp nhận xu thế Nga vượt lên trên? Đặc biệt nếu ông Assad vẫn tiếp tục tại vị (ít nhất trong thời gian tới), nước Mỹ đứng ở đâu trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria? Những nước cờ cuối đã lộ ra, nhưng kết cục của ván cờ thì còn lâu mới rõ.

Nguyên Hòa
.
.