Ngăn chặn âm mưu ám sát ứng cử viên Tổng thống Barack Obama

Thứ Tư, 19/11/2008, 09:15
Hôm 27/10/2008, các nhà chức trách Mỹ đã chính thức tuyên bố đã ngăn chặn thành công một âm mưu của những kẻ phân biệt chủng tộc nhằm ám sát Thượng nghị sĩ Barack Obama – ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Theo những tiết lộ ban đầu, hai thanh niên cực đoan da trắng tham dự vào âm mưu này còn có kế hoạch đánh cướp một cửa hàng vũ khí, sau đó dùng súng sát hại hàng trăm học sinh phổ thông người da đen khác.

hai kẻ bị tình nghi là Daniel Cowart (20 tuổi) từ thành phố Bells - bang Tennessee và Paul Schlesselman (18 tuổi) từ West Helena - bang Arkansas. Việc bắt giữ chúng dựa trên những bằng chứng được cung cấp từ Brian Weaks - một đặc vụ của Cục Kiểm soát buôn lậu ma túy, thuốc lá và vũ khí Mỹ (ATF), người đã có một quãng thời gian theo dõi và điều tra hoạt động của hai thanh niên này.

Từ hôm 23/10, tham gia vào hoạt động điều tra của Weaks còn có Cơ quan cảnh sát của hạt Crockett. Thật ra từ trước đó, Cơ quan mật vụ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho các quan chức hàng đầu nước Mỹ (trong đó có cả các ứng cử viên tổng thống) đã chú ý tới những thư điện tử trao đổi qua lại giữa hai thanh niên trẻ, trong đó có vạch ra các phương án ám sát ứng cử viên da đen. Tổng hợp các kết quả điều tra đã cho thấy, những đối tượng được cả hai cơ quan mật vụ này theo dõi đều là một.

Những bằng chứng của Weaks đã được chính thức đưa lên Tòa án Memphis (Tennessee) vào hôm 24/10. Theo đó, ATF cáo buộc Cowart và Schlesselman theo 3 điều khoản: sở hữu vũ khí trái phép, âm mưu lấy trộm vũ khí và đe dọa tính mạng ứng cử viên tổng thống Mỹ. Cả hai kẻ tình nghi hiện đang bị giam giữ nghiêm ngặt đồng thời không được phép nộp tiền tại ngoại.

Cowart và Schlesselman, theo như điều tra của Weaks, đã quen biết với nhau gần một tháng trước qua Internet. Cả hai thanh niên này đều là những kẻ trung thành của tư tưởng gọi là “White Power” (Quyền lực trắng) thuộc về một phong trào của những tên đầu trọc có quan điểm phân biệt chủng tộc.

Sau một thời gian quen biết, hai tên đã cùng bàn tính thực hiện một vụ thảm sát hàng loạt các học sinh da đen: cụ thể là dự tính bắn chết đúng 88 trẻ em và giết hại 14 người nữa.

Hai con số 88 và 14 thực ra có một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt trong hàng ngũ những kẻ cực hữu. Ký hiệu 14/88 có hai con số này thường được những tên phát xít mới sử dụng làm chữ ký.

Hai số 8 tượng trưng cho lời chào nổi tiếng “Heil Hitler” của bọn phát xít: H là chữ cái thứ 8 trong trong bảng chữ cái Latinh. Còn số 14 có nghĩa là “14 từ” - số từ có trong một khẩu hiệu của nhà tư tưởng cực đoan David Lane được những tên phân biệt chủng tộc thời hiện đại sử dụng như một biểu tượng của tín ngưỡng.

Khẩu hiệu có 14 chữ cái này theo nguyên bản là “We must secure the existence of our people and a future for White children” (Chúng ta cần phải bảo đảm được sự tồn tại của dân tộc mình và tương lai của những đứa trẻ da trắng). --PageBreak--

Để có thể “hiện thực hóa” những ý tưởng điên rồ trên, hai tên khủng bố cần thấy phải có cả một kho vũ khí, và chúng đã quyết định phải đánh cướp một cửa hàng bán súng đạn. Một cửa hàng thích hợp tại Jackson (Tennessee) đã được Cowart nhắm sẵn và gửi những bức ảnh chụp của nó để chiến hữu của mình tham khảo. Kết quả điều tra còn cho thấy, Schlesselman còn đang sở hữu trái phép một khẩu súng săn hiệu Mossberg 500 được cưa nòng để dễ dàng ngụy trang và sử dụng.

Ngày 20/10, hai kẻ đồng mưu quyết định trực tiếp gặp nhau: Cowart lái xe đến đón Schlesselman rồi đưa hắn về nhà mình ở Tennessee. Đến thời điểm đó, Schlesselman đã sở hữu một khẩu súng lục lấy trộm của cha mình.

Cowart cũng đã được vũ trang khá đầy đủ với hai khẩu súng lục lấy của ông và một khẩu súng trường. Hai tên cùng bàn bạc và dự tính sẽ tìm kiếm một trường trung học thích hợp có nhiều học sinh da đen để tổ chức vụ thảm sát, sau đó sẽ lang bạt khắp các bang của nước Mỹ để cướp bóc và giết người.

Một trong những mục tiêu hàng đầu khiến hai kẻ cuồng tín phải để mắt tới chính là ứng cử viên Barack Obama. Chúng dự định sẽ mặc những chiếc áo smoking màu trắng, lái xe lao về phía Obama và bắn ông bằng hai khẩu súng đã chuẩn bị sẵn. Trong quá trình thẩm vấn, hai đồng phạm này đều thừa nhận về khả năng không có cơ hội để tẩu thoát trong kế hoạch này, nhưng đều sẵn sàng “hy sinh để thực thi lý tưởng của mình”.

Trên thực tế, hai kẻ cực đoan này từ trước đó đã có một số hành động gây rối nhỏ. Chẳng hạn như nhóm này đã có hành động phá hoại đầu tiên khi xả súng vào cửa sổ nhà thờ Beech Grove (Brownsville - Tennessee), nơi có phần lớn các tín đồ là người da đen.

Sau đó, chúng còn mua sắm một số đồ dùng phục vụ cho âm mưu thảm sát, cũng như trang trí lên chiếc xe hơi của Cowart những dấu hiệu phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, âm mưu này đã kịp thời bị chặn đứng khi hai tên bị cảnh sát bắt giữ ngay trong chiều hôm đó.

Thật ra, nếu tính toán tới vị thế đặc biệt của Obama - là ứng cử viên da đen đầu tiên đại diện cho một trong hai đảng chính, được cơ quan mật vụ bảo vệ từ rất sớm (tháng 5-2007) - cơ hội thành công cho âm mưu của những kẻ kiểu như Cowart và Schlesselman là gần như không có. Số phận của hai kẻ cực đoan này sẽ được quyết định tại tòa án ở Memphis (dự kiến ngày 30/10).

Cần nói thêm: kể từ khi ông Barack Obama bắt đầu tham gia vào cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2007, đã có tới 3 lần các nhà chức trách tiết lộ các âm mưu ám sát nhằm vào ông

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.