Ngân hàng Đan Mạch Danske Bank bị EU và Mỹ "sờ gáy"
- Điều tra vụ "rửa" 234 tỷ USD tại ngân hàng lớn nhất Đan Mạch
- Ngân hàng Credit Suisse liên quan tới rửa tiền ở FIFA
Lời thừa nhận muộn màng
Ngày 1-10, các chính trị gia Đan Mạch cho biết, trong bối cảnh các cuộc điều tra nhằm vào ngân hàng lớn nhất nước này Danske Bank được tiến hành, chính phủ sẽ đưa ra các quy định mới để hỗ trợ cho Luật Chống rửa tiền. Đồng thời, đây cũng là động thái để lấy lại niềm tin của dân chúng. "Hình phạt tài chính đối với những ngân hàng nhúng chàm ở Đan Mạch sẽ tăng lên mức 700%", chính trị gia Lisbeth Bech Poulsen thuộc đảng Nhân dân xã hội nói với hãng Reuters.
Bộ trưởng Kinh doanh Rasmus Jarlov cũng xác nhận thông tin này trong một tweet trên tài khoản riêng ở mạng xã hội Twitter và hé lộ thêm rằng, một chiến dịch chống rửa tiền mới đang chuẩn bị được tiến hành. Các đơn vị, cơ quan ban ngành có liên quan đang xúc tiến việc thống nhất quá trình hành động. Và Danske Bank sẽ trở thành đơn vị đầu tiên ở Đan Mạch bị kiểm tra, giám sát theo chiến dịch này.
Trước đó Danske Bank thừa nhận, có tới 235 tỷ USD từ các giao dịch ở chi nhánh ngân hàng tại Estonia trong khoảng thời gian 2007-2015 có liên quan đến hoạt động rửa tiền. Nguyên nhân dẫn đến việc này là Danske Bank đã không tích hợp các hoạt động của mình ở vùng Baltic vào nền tảng IT chung của toàn hệ thống vì việc này quá tốn kém. Vì lý do này, chi nhánh ở Estonia không tuân thủ các thủ tục chống rửa tiền của Danske Bank.
Giám đốc điều hành (CEO) của Danske Bank, Thomas Borgen hôm 19-9 đã từ chức và tuyên bố, tuy cuộc điều tra ở chi nhánh tại Estonia không chỉ ra nhưng sai phạm pháp lý nào từ ông nhưng trong cương vị người quản lý, ông tin rằng, hành động tốt nhất là từ chức. "Rõ ràng Danske Bank đã không thể thực hiện đúng nghĩa vụ trong vụ rửa tiền bị tình nghi ở Estonia. Tôi vô cùng hối tiếc vì điều này. Tôi đồng ý với Hội đồng quản trị rằng đây là cách tốt nhất cho các bên", Thomas Borgen tuyên bố.
Hãng tin AP cho biết, Thomas Borgen được giao chịu trách nhiệm về các hoạt động thanh khoản quốc tế của Danske Bank, bao gồm cả Estonia, từ năm 2009 đến năm 2012 và trở thành CEO của ngân hàng này vào năm 2013. Báo cáo điều tra nội bộ của Danske Bank được dẫn dắt bởi công ty luật Bruun & Hjejle và thực hiện vào năm 2017 cho thấy, CEO Thomas Borgen, Chủ tịch Ole Andersen và Hội đồng quản trị "không vi phạm các nghĩa vụ pháp lý của họ đối với Danske Bank".
Ngân hàng Danske Bank có trụ sở chính tại Đan Mạch. |
Danske Bank cũng cho biết không thể đưa ra một con số chính xác về các giao dịch bị tình nghi thông qua chi nhánh ở Estonia nhưng ngân hàng này thừa nhận chi nhánh Estonia có nhiều khách hàng nước ngoài từ Nga, Azerbaijan, Ukraine và một số nước Liên Xô cũ khác. Báo cáo cũng nhấn mạnh, Danske Bank đã không có hành động thích hợp vào năm 2007, khi bị nhà chức trách Estonia phê bình và nhận được thông tin từ đối tác Đan Mạch cho rằng đã xảy ra "hoạt động tội phạm, bao gồm rửa tiền" ước tính có trị giá hàng tỷ rúp mỗi tháng.
Khi vấn đề bị phát hiện tại chi nhánh Estonia vào đầu năm 2014, Danske Bank vẫn không tiến hành điều tra đầy đủ và không báo cáo sự việc với Hội đồng quản trị. Và mặc dù Danske Bank đã có biện pháp chấn chỉnh lại chi nhánh ở Estonia, nhưng các biện pháp đó là chưa đủ...
Cuộc điều tra của EBA và Mỹ
Sau sự ra đi của CEO Thomas Borgen, Danske Bank cũng chứng kiến thêm sự từ chức của cố vấn pháp lý thuộc nhóm luật sư Felmming Pristed. "Đây là một khởi đầu không tốt. Nó là một sự bỏ cuộc", tờ Financial Times viết. Hiện giờ, Jesper Nielsen, người đứng đầu chi nhánh trong nước của Danske Bank đã được bổ nhiệm làm CEO thay thế Thomas Borgen.
“Đã đến lúc Danske Bank phải xây dựng lại niềm tin”, Jens Munch Holst, Giám đốc điều hành của MP Pension đồng thời là người đang nắm giữ cổ phần của Danske Bank nói. Tuy nhiên, xem ra điều này không phải dễ bởi cổ phiếu của Danske Bank đã giảm liên tục tới 10% trong những phiên giao dịch gần đây. Giá trị vốn hóa thị trường của Danske Bank vốn đã "bốc hơi" 1/3 trong vòng 6 tháng qua, chủ yếu do lo ngại về khả năng nhà chức trách Mỹ sẽ tiến hành điều tra và đưa ra hình phạt đối với nhà băng Đan Mạch này thì nay lại tiếp tục tụt 5% vì Ủy ban châu Âu (EC) đã ra lệnh cho Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu (EBA) điều tra bê bối rửa tiền.
Danske Bank cũng đã buộc phải hạ dự báo lợi nhuận ròng của năm nay về mức 16-17 tỷ kroner Đan Mạch, từ mức dự báo 18-20 tỷ kroner trước đó.
Trả lời phỏng vấn hãng Reuters, người phát ngôn của EC Christian Wigand cho hay, báo cáo về vụ rửa tiền tại Danske Bank được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát mới chuyên trách chống tội phạm tài chính và ECB thúc giục việc thành lập một cơ quan chung để chống rửa tiền. Chính vì thế, EC đã quyết định lấy vụ việc ở Danske Bank như một "án điểm" nhằm thể hiện quyết tâm của EU trong việc chống nạn rửa tiền đang ngày càng lan rộng ở châu Âu.
Chủ tịch ECB Benoit Coeure khẳng định ủng hộ bất kỳ quyết định nào của EC dẫn tới giải pháp ứng phó với nạn rửa tiền. Và ngay lập tức, EC đã gửi thư tới EBA để yêu cầu điều tra về cơ chế giám sát của chi nhánh Danske Bank tại Estonia. Trong bức thư, EC yêu cầu các nhà điều tra của EBA phải làm rõ những dấu hiệu vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU) ở cả hội sở chính của Danske Bank và chi nhánh tại Estonia "với mức độ khẩn cấp cần thiết".
Quyết định này được đưa ra hôm 23-9 và EBA đã nhanh chóng tiến hành rà soát lại báo cáo nội bộ của Danske Bank để từ đó mở rộng cuộc điều tra. Cụ thể, phạm vi điều tra của EBA sẽ gồm khoảng 15.000 khách hàng và 9,5 triệu thanh toán. Khoảng 12.000 tài liệu và hơn 8 triệu email đã được tìm kiếm và hơn 70 cuộc phỏng vấn dự kiến được thực hiện với các nhân viên hiện tại và cựu nhân viên và các nhà quản lý, bao gồm các thành viên của Ban điều hành và các thành viên của Hội đồng quản trị.
Dựa trên những kết luận điều tra trước đó trong báo cáo nội bộ của Danske Bank, các chuyên gia của ECB cũng bắt đầu phân tích nguyên nhân gốc của vụ việc và một số lý do khiến cho việc rửa tiền ở chi nhánh Estonia diễn ra một thời gian dài mà không bị phát hiện.
Trong việc này không thể không nhắc đến một loạt các thiếu sót lớn trong hệ thống quản trị và kiểm soát của Danske Bank. Chẳng hạn, trong một thời gian dài, từ khi Danske Bank mua lại Ngân hàng Sampo năm 2007 cho đến khi ngân hàng này chấm dứt danh mục khách hàng vào năm 2015, Danske Bank đã có một số lượng lớn khách hàng không cư trú ở Estonia mà họ chưa bao giờ có và những khách hàng này thực hiện khối lượng giao dịch lớn chưa bao giờ xảy ra.
Nhưng chỉ một phần trong số những khách hàng và giao dịch đáng ngờ này được báo cáo một cách sơ sài, không đầy đủ. ECB còn đang nghi ngờ rằng, chi nhánh Estonia của Danske Bank đã không tập trung đủ vào việc chống nguy cơ rửa tiền, quản lý chi nhánh và các thủ tục, rủi ro trong việc chuyển tiền.
Thomas Borgen - Giám đốc điều hành của Danske Bank buộc phải tuyên bố từ chức vì bê bối rửa tiền tại chi nhánh ngân hàng ở Estonia. |
Đó là chưa kể đến khả năng có nhân viên ở Danske Bank và những người khác đã hỗ trợ tính pháp lý cho các khách hàng nói trên thực hiện trót lọt những giao dịch đáng ngờ. Con số 15.000 khách hàng thuộc về danh mục không cư trú thực hiện tổng cộng 9,5 triệu giao dịch thanh toán trị giá 234 tỷ USD là một minh chứng...
Trong khi đó, tại Mỹ, các cơ quan thực thi pháp luật cũng bắt đầu điều tra nghi vấn rửa tiền của Danske Bank. Tờ The Wall Street Journal cho hay, hai ngân hàng Deutsche Bank AG và Citigroup Inc cũng có liên quan. Bài báo đăng trên The Wall Street Journal hồi cuối tháng 9 còn khẳng định, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC) đều quan tâm đến vụ việc này và đang kiểm tra một khiếu nại tố tụng bí mật nhằm vào Danske Bank được nộp cho SEC hơn 2 năm trước.
Đơn khiếu nại chỉ ra rằng Deutsche Bank AG và Citigroup Inc. tham gia vào các giao dịch với chi nhánh Estonia của Danske Bank. Deutsche Bank hoạt động như một ngân hàng đại lý cho Danske Bank, xử lý chuyển khoản ngân hàng trong khi văn phòng của Citigroup tại Moscow (Nga) đã tham gia vào một số chuyển khoản thông qua chi nhánh Estonia của Danske Bank.
Chưa hết, các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ còn đang kiểm tra cáo buộc nhằm vào Danske Bank rằng luồng tiền lớn từ Nga và các quốc gia Liên Xô cũ đã làm tăng đáng kể cổ phần cho Danske Bank. 150 tỷ USD bị SEC nghi ngờ đã chảy qua các tài khoản khách hàng không phải người Estonia được tổ chức tại chi nhánh Estonia của Danske Bank. Song, Mỹ vẫn chưa chính thức thừa nhận việc họ đang điều tra Danske Bank.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ trong lần trả lời phỏng vấn chỉ nói chung chung “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ trường hợp này".
Phân tích của tờ Business Insider thì cho hay, trong khi không có giấy phép ngân hàng ở Mỹ, Danske Bank lại có chương trình trái phiếu bằng USD và chi nhánh của ngân hàng Estonia đã nhận dòng tiền bằng USD từ khách hàng. Điều này làm gia tăng sự quan tâm của các nhà quản lý Mỹ bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể hạn chế việc cung cấp USD cho các ngân hàng nước ngoài và Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp Mỹ có thể phạt tiền các ngân hàng nếu vi phạm.
Adam Barrass, một nhà phân tích tại hãng Berenberg lưu ý rằng, rủi ro chính đối với Danske Bank là khả năng bị Mỹ phạt tiền vì việc nguồn vốn và giao dịch USD sai quy định. Tờ The Wall Street Journal công bố thêm chi tiết rằng Estonia đang điều tra 26 cựu nhân viên Danske Bank, từ nhân viên cấp thấp đến cựu giám đốc điều hành chi nhánh. Họ bị buộc tội giúp rửa 230 triệu USD tiền từ một vụ lừa đảo bị cáo buộc ở Nga.
Và mối lo về khoản phạt hàng tỷ USD
Có thể nói vụ bê bối xung quanh chi nhánh Estonia đã khiến ngân hàng lớn nhất Đan Mạch và là một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu Danske Bank điêu đứng. Giờ đây cái đáng lo nhất của Danske Bank không chỉ là vấn đề pháp lý mà cả là những khoản tiền phạt được cho là khổng lồ có thể ập đến cùng lúc nếu SEC và EBA tuyên bố rõ những vi phạm của ngân hàng này. Không ai biết số tiền phạt được nêu ra sẽ là bao nhiêu nhưng theo ước tính của các nhà kinh tế học và các nhà tính toán rủi ro trong kinh doanh thì con số này có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ USD.
Tin tức từ Breakingviews cho hay, các nhà phân tích tại Jyske Bank đã tính toán mức phạt nặng nhất cho Danske Bank có thể lên tới 53 tỷ krone Đan Mạch (tương đương 8,3 tỷ USD). Được biết, tháng 12 năm ngoái, Danske Bank đã bị phạt 12,5 triệu krone (tương đương 2 triệu USD) vì vi phạm quy tắc chống rửa tiền liên quan đến việc giám sát yếu kém các giao dịch đến và đi từ các chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài. Nhưng vụ phạt này không liên quan đến hoạt động của chi nhánh ở Estonia.
Danske Bank được thành lập ngày 5-10-1871, có trụ sở tại Copenhagen. Đây là ngân hàng lớn nhất ở Đan Mạch và là một trong những ngân hàng lớn ở khu vực Bắc Âu với hơn 5 triệu khách hàng bán lẻ. Trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới của Fortune năm 2011, Danske Bank xếp thứ 454. Danske Bank có chi nhánh ở các nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia, Lithuania.
Các chi nhánh này bắt đầu hoạt động vào năm 2008 sau khi Ngân hàng Sampo của Phần Lan được Danske Bank mua lại vào năm 2007 với giá 4,05 tỷ Euro. Vào năm 2018, Danske Bank tuyên bố sẽ rời khỏi thị trường ngân hàng Lithuania. Ngoài ra, Danske Bank cũng có chi nhánh ở Bắc Ireland năm 1970, ở Cộng hòa Ireland năm 1986.