Ngày về của chiến binh Mỹ: Kẻ xênh xang, người lang thang cơ nhỡ

Thứ Hai, 16/01/2012, 19:00

Trong chiến tranh, họ được nước Mỹ tôn vinh như những anh hùng. Tuy nhiên, sau chiến tranh, họ trở thành những người vô gia cư trên chính quê hương mình. Nước Mỹ đang cố gắng kết thúc các cuộc chiến tranh trên thế giới, tuy nhiên, một mặt trận mới lại đang diễn ra ở ngay chính đất nước này.

Đoạn phim dài từ “thành phố lều”

Theo thống kê, khoảng 10% dân số Mỹ đã tham gia vào các cuộc chiến và số cựu chiến binh Mỹ vô gia cư chiếm tới 1/3 cộng đồng vô gia cư ở đất nước này. Nước Mỹ hiện có khoảng 200.000 cựu chiến binh đang sống vô gia cư trên đường phố hoặc trong các ngôi nhà tạm trú dành cho người không có nơi nương thân.

Larry, một cựu chiến binh Mỹ 64 tuổi, là một trong số những người từng phụng sự cho đất nước giờ phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. "Nhà" của Larry chỉ là một khu tạm bợ và bẩn thỉu được dựng lên bằng những tấm bìa các-tông, đủ chỗ cho một người chui ra chui vào nằm dưới gầm một chiếc cầu cao tốc ở bang Texas. Tất cả những vật dụng của Larry đều là đồ phế thải, còn nước dùng được ông lấy từ một trạm cứu hỏa gần đó.

Xung quanh Larry có rất nhiều người vô gia cư khác sinh sống, chủ yếu là gốc Phi. Họ gọi nơi đây là "Thành phố Lều". Nó như một lát cắt của thế giới thứ ba ngay tại đất nước Mỹ thịnh vượng bậc nhất thế giới. Có những người thậm chí đã sống ở đây 20 năm và có nhiều đứa trẻ đã lớn lên trong những căn nhà các-tông. "Đây là một cơn ác mộng kéo dài. Giá như được  ai bắn vào chúng tôi, để mọi chuyện kết thúc ở đây", Larry nói.

Trước đây, Larry từng cầm súng tại chiến trường Việt Nam, nơi đã biến ông thành một "cỗ máy giết người" theo cách nói của ông. Sau chiến tranh, ông quay trở lại cuộc sống đời thường và lập gia đình. Tuy nhiên, sau đó, vợ ông ra đi trong một tai nạn ôtô khiến ông cảm thấy rất đơn độc. Đồng thời, ông cũng bị mất việc dù ông có bằng cử nhân chuyên ngành xã hội học. Bên cạnh đó, ông bị nghiện ma túy từ thời phục vụ trong quân ngũ. Tất cả những yếu tố đó đã đẩy ông vào tình trạng vô gia cư mà ông không bao giờ có thể tưởng tượng được về cuộc đời mình. "Tôi đã tìm kiếm việc làm trong suốt 7 tháng và xin làm bất cứ công việc gì ở Dallas, Texas. Tôi có bằng cấp, kinh nghiệm nhưng liệu có ai muốn thuê một người già làm việc?", Larry nói rồi cười chua chát.

Theo thống kê, tỉ lệ cựu chiến binh bị thất nghiệp cao hơn 3% so với tỉ lệ chung của cả nước Mỹ. Nghiện bia, rượu là một vấn nạn trong cộng đồng người vô gia cư ở Mỹ. Họ thường tìm đến những nơi bán bia, rượu rẻ tiền để mua và uống suốt ngày nhằm quên đi những nỗi đau buồn trong quá khứ. Phương cách quên đi thực tại đó đã đem  lại cho họ những vấn đề về thần kinh.

Ron Cowart, một cảnh sát nghỉ hưu và bản thân ông cũng là một cựu chiến binh bị thương vì chiến tranh. Hiện ông đang điều hành một chương trình phòng chống khủng hoảng dành cho những cựu chiến binh vô gia cư. Ông cho biết mình từng chứng kiến một số người bị chết ngoài trời nắng nóng do say rượu. "Chúng tôi tìm thấy xác họ trong các bụi cây. Ai nhìn thấy những cảnh tượng thương tâm như vậy cũng phải trào nước mắt", ông Cowart kể lại.

"Khi họ đi chiến đấu, chúng ta dạy họ cách chiến đấu và phán đoán các mối nguy hiểm tiềm tàng, nhưng sau khi họ xuất ngũ thì chúng ta đã sẵn sàng giúp đỡ họ chưa?", ông Cowart bày tỏ. Trong số những cựu chiến binh vô gia cư, số lượng phụ nữ ngày càng gia tăng. Kimberley Armstrong là một trong số đó. Trước đây, bà phục vụ cho Hải quân Mỹ trong thời kỳ xảy ra cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh. Trong thời gian này, bà bị một sĩ quan hiếp dâm. Bà xuất ngũ vào năm 1991 và đến năm 2001, bà phải vào bệnh viện tâm thần. Vào năm 2004, bà bắt đầu dùng thuốc methamphetamine để điều trị bệnh. Hiện bà đang sống trong một căn lều của người vô gia cư và cắt đứt liên lạc với con cái mình trong suốt 5 năm nay vì bệnh tật.

Ernest, một cựu chiến binh Mỹ khác từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đang ngồi ăn xin ở một khu phố ở Mississippi. Ernest cho biết chất độc da cam đã phá hủy đôi mắt của ông khi ông ở độ tuổi 30.

Ông Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - người từng giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Mỹ nhận định nước Mỹ đang tạo ra một thế hệ người vô gia cư. "Nếu chúng ta không cẩn trọng thì chúng ta sẽ đi lại "vết xe đổ" của cuộc chiến tranh Việt Nam", ông Mullen nhấn mạnh. Mối quan ngại của ông Mullen là hoàn toàn có cơ sở, nhất là trong bối cảnh sẽ có khoảng 1 triệu binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan hồi hương trong vòng 5 năm tới. Điều này có thể khiến cho tình trạng cựu chiến binh vô gia cư ở Mỹ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Trên thực tế, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra một số giải pháp mới nhằm giúp các cựu chiến binh tìm việc làm và ông nhận được sự ủng hộ từ phía lưỡng đảng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đề ra một mục tiêu đầy tham vọng trong việc chấm dứt tình trạng cựu chiến binh vô gia cư trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, kế hoạch này không đủ thuyết phục những người thường xuyên chứng kiến cảnh thương tâm đang diễn ra hàng ngày. "Khi mà vẫn còn những con người buộc phải sống chui rúc trong các lều các-tông, khi mà quy trình tìm kiếm vẫn còn đầy quan liêu, lộn xộn thì sự việc sẽ vẫn còn tái diễn", ông Cowart nói. Điều này đồng nghĩa với việc những cựu chiến binh vô gia cư sẽ vẫn tiếp tục bị cô lập với xã hội và không có tương lai.

Rất nhiều cựu chiến binh Mỹ hiện phải sống vô gia cư sau khi xuất ngũ.

20.000 USD lấy đầu tay bắn tỉa siêu hạng

Sau 4 lần được điều đến Iraq thi hành sứ mệnh, với 255 lần nổ súng tiêu diệt đối phương, trong số đó 160 mục tiêu bị hạ gục chính thức được Lầu Năm Góc xác nhận, tay bắn tỉa của Đội Đặc nhiệm Hải cẩu Chris Kyle (đã nghỉ hưu) trở thành tay bắn tỉa thiện xạ chính xác nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.

Chỉ trong Trận chiến Fallujah thứ hai, khi Thủy quân Mỹ chơi trò "bắn đuổi" trên các đường phố với hàng ngàn quân nổi dậy Iraq, Kyle đã tiêu diệt được 40 tên phiến loạn. Chiến công của ông  vượt xa kỷ lục trước đó do trung sĩ Mỹ Adelbert F. Waldron thiết lập với 109 mục tiêu bị bắn tỉa tầm xa.

Kyle là dân cao bồi thứ thiệt gốc Odessa (Texas), một tay buôn ngựa rừng chuyên nghiệp trước khi gia nhập Hải quân. Từ tuổi thiếu niên, Kyle đã tập săn bắn hươu và gà lôi với một khẩu súng trường và một khẩu súng ngắn được cha mua cho. Ông không hề nhận ra mình là một tay bắn cừ khôi cho đến khi gia nhập Hải quân và được biên chế vào đội đặc nhiệm danh tiếng SEAL. Phiến quân tại Ramadi đặt cho ông biệt danh Al-Shaitan Ramad - Quỷ dữ của Rahmadi và treo giải thưởng 20.000 USD cho cái đầu của ông. Trong khi đồng đội bên Hải cẩu gọi ông bằng một cái tên khác -  Legend (Huyền thoại).

Cú bắn tỉa đi vào huyền thoại của ông diễn ra bên ngoài thành phố Sadr hồi năm 2008 khi ông phát hiện một phiến quân đang chuẩn bị khai hỏa khẩu súng phóng tên lửa về phía đoàn xe côngvoa quân đội - cách ông khoảng 1.900 mét. Ở khoảng cách đó, ông đã bắn một phát từ khẩu súng Magnum Lapua 0,338 ly của mình. Viên đạn xuyên tường nhà trước khi giết chết tên phiến quân nọ. Ông nói về sự may mắn của mình trên tờ New York Post: "Chúa đã thổi viên đạn ấy đi xa hơn và tiêu diệt đúng kẻ thù tôi nhắm đến". Chris Kyle thích sử dụng khẩu súng trường bắn tỉa tùy chỉnh hành động nhanh như tia chớp Winchester Magnum nòng 300 ly. 

Quyết định rời đội Hải cẩu sau 10 năm phục vụ, Kyle kể lại câu chuyện đáng chú ý của mình như một tay thiện xạ trong cuốn sách mới mang tên "Tay bắn tỉa Mỹ", vừa được phát hành hôm 3/1 vừa qua. Với tinh thần phục vụ quả cảm, ông đã nhận được 3 huân chương Ngôi sao Bạc và 5 huân chương Ngôi sao Đồng vì lòng dũng cảm, theo Nhà xuất bản Harper Collins.

Ngoài ra, ông đã 2 lần bị thương và có mặt trong 6 vụ nổ bom tự chế IED trong khi đơn vị của ông, Đội 3, Hải cẩu thuộc Công ty Charlie, được điều động vào những trận chiến quan trọng trên khắp đất nước. Nhờ các chiến tích oai hùng, các thành viên đặc nhiệm của Đội 3 được tặng biểu tượng đầu lâu trắng của nhân vật The Punisher trong truyện tranh. Họ vẽ biểu tượng này trên áo giáp, trên xe và thậm chí trên vũ khí của họ.

Kyle thú nhận: “Tôi không ngây thơ, và không lãng mạn hóa chiến tranh. Làm lính đặc nhiệm Hải cẩu thực sự là những khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời. Nhưng tôi có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời với một lương tâm trong sáng về công việc của tôi", anh nói với tờ Texas Monthly. Rời quân ngũ năm 2009, Kyle quyết định không ra trận nữa để cứu lấy cuộc hôn nhân của mình. Ông có 2 con và hiện sống ở Dallas. Từ khi ra quân, ông mở công ty hợp đồng quân sự riêng có tên Craft International. Công ty chuyên đào tạo về quân sự, bắn tỉa, cùng với các dịch vụ bảo vệ và  an ninh tư nhân

Mộc Thạch – Lệ Đào (tổng hợp)
.
.