Nghề "buôn cô dâu" ở Ấn Độ

Thứ Sáu, 13/03/2015, 11:20
Tháng 3, trong khi cả thế giới rộn ràng đón chào ngày Quốc tế phụ nữ với những bài báo ca ngợi về thành công trong việc bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ… thì tại Ấn Độ, cuộc sống của nữ giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, từ việc bị cấm học hành, bị làm nhục, cưỡng hiếp cho đến việc bị bán như một món hàng.

Để tìm hiểu rõ hơn về những thông tin xung quanh nghề buôn cô dâu ở Ấn Độ, tờ The Guardian của Anh đã cử một nhóm phóng viên đến tìm hiểu. Theo đó, "thủ phủ" của ngành này ở khu vực Tây Bắc Ấn Độ, nơi chỉ cách thành phố Gurgaon, trung tâm của ngành công nghệ thông tin với sự tham gia của các hãng nổi tiếng thế giới như Google, Microsoft có 90 phút xe chạy.

Hari Singh Yadav không thể tìm được vợ vì quá nghèo. Ảnh: The Guardian.

Tiếp đón nhóm phóng viên là một nông dân có tên là Hari Singh Yadav, anh cả trong một gia đình có 7 anh em trai. Hari Singh Yadav cho biết,  trong làng và khu vực xung quanh không có đủ phụ nữ để đàn ông lấy làm vợ. Năm nay Singh Yadav 34 tuổi, nhưng cũng chưa kiếm được vợ vì anh quá nghèo. Cả gia đình nhà Hari Singh Yadav chỉ có 3 anh em trai là tìm được một người vợ qua môi giới và mua với giá 1.500 USD/người. Hari Singh Yadav không có tiền nên đành phải sống độc thân.          

Từ câu chuyện của Hari Singh Yadav, nhóm phóng viên đã tìm hiểu và được biết, tại vùng Tây Bắc Ấn Độ, đặc biệt là ở bang Haryana, trung bình cứ 1.000 nam giới thì mới có 830 nữ giới (cả già lẫn trẻ). Các cô gái đến tuổi lấy chồng thường đi làm xa tại các thành phố lớn và vì thế cơ hội cho những người đàn ông như Hari Singh Yadav ngày càng xa vời.

Ghaushia Khan đang nỗ lực giúp đỡ các cô dâu bị bán thay đổi cuộc đời. Ảnh: The Guardian.

Những gia đình có máu mặt ở Haryana thường tìm vợ cho con trai họ từ khi chúng mới 10 tuổi và con dâu ở độ tuổi từ 8 trở lên. Thống kê của một tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi năm 2013 cho biết, tại 92 làng ở Haryana, cứ 10.000 nữ giới thì có tới 9.000 bị mua bán để làm cô dâu cho các gia đình giàu có. Bashir, một thanh niên ở Tijara, bang Rajasthan cho biết, tại khu vực anh ở, các gia đình giàu có thường mua cô dâu được sinh ra và lớn lên trong các gia đình nghèo ở vùng sâu vùng xa với giá từ 70-100 USD. Đó là những người may mắn.

Còn có những cô dâu không may mắn thì bị mua đi bán lại không biết bao nhiêu lần. Như Sahiba chẳng hạn. Mới 16 tuổi nhưng cô gái này đã bị bán cho một người họ hàng xa ở Assam để làm dâu. Sau đó, người này lại bán cô cho một thanh niên ở cùng làng. Sau khi làm nhục và cưỡng hiếp cô hai lần, người thanh niên này lại bán cô cho một gia đình ở Palwal, Haryana, cách thủ đô New Delhi 60km. Tại đây, cô được biết, chị em dâu với mình cũng đã được mua với giá gần 200 USD để làm vợ của người chồng bị tâm thần.

Farida (trái) đã phải trở thành vợ của một người đàn ông 70 tuổi khi mới có 11 tuổi. Ảnh: The Guardian.

Nhà hoạt động xã hội, Chủ tịch Tổ chức Từ thiện Empower People, Shafiq ur-Rehman cho biết, hoạt động kinh doanh cô dâu được thực hiện ở 10 bang trên đất Ấn Độ. Những cô dâu này khi bị bán cho nhà chồng còn bị bóc lột sức lao động, thậm chí còn bị chồng chia sẻ với những người đàn ông khác trong gia đình. Một tình nguyện viên của tổ chức Empower People là Ghaushia Khan (40 tuổi) cũng từng trải qua cuộc hôn nhân kiểu vậy.

Munni phải chấp nhận làm vợ chung của hai anh em ruột. Ảnh: Reuters.

Cô cho biết, năm 1992, cô đã bị bán và kể từ đó cô phải sống cuộc đời ô nhục cho đến khi trốn thoát và tham gia tổ chức Empower People. Ghaushia Khan đã nỗ lực rất nhiều để giúp đỡ các cô gái cùng hoàn cảnh. Mới đây, cô đã giúp Farida trốn thoát sau 20 năm bị bán làm vợ cho một ông già 70 tuổi. Khi đó, cô mới 11 tuổi.

Châu Anh (theo báo nước ngoài)
.
.