Ngôi nhà cổ 4 thế kỷ và một doanh nhân người Việt trên đất Đức

Thứ Hai, 07/12/2009, 15:40
Cái vẻ ngoài giản dị, hiền lành và có phần khắc khổ của ông dễ khiến người đối diện không có chút liên tưởng tới một một doanh nhân thành đạt, một con người từng làm nên niềm tự hào cho 2 chữ "Việt Nam" ở một đất nước xa xôi cách quê mẹ nửa vòng trái đất.

Nhưng việc ông trở về nước với tư cách là đại biểu được mời dự Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ I tại Hà Nội, đã cho thấy, sự thành đạt của ông là có thật. Ông là Nguyễn Minh Thái, một cựu binh Việt Nam sống tại Hotenlesben, thành phố Macdburg của Đức.

Nhưng ông Nguyễn Minh Thái còn được biết đến là người đã lập nên kỳ tích phục hồi một ngôi nhà cổ khoảng 400 năm tuổi, đã đổ nát hoang tàn, trở thành một trong 40 di tích lịch sử văn hóa của bang Sachsen-Anhalt cũng như của nước Đức.

"Không có việc gì khó"

Sau gần 20 năm chiến đấu tại các mặt trận Quảng Trị, Nam Lào rồi biên giới phía Bắc, năm 1988, Nguyễn Minh Thái được giải ngũ và sang Đức lao động hợp tác. Hai năm sau, thời thế đổi thay, như hàng vạn người "thợ khách" khi đó, ông bỗng thành thất nghiệp và phải đứng trước 2 sự lựa chọn: Hoặc là cầm 3.000 DM (tiền Đức) về nước, hoặc là chấp nhận phiêu lưu, ở lại tìm cơ hội lập nghiệp.

Sau những đắn đo, ông Thái chọn cách ở lại, vì về quê khi đó, ông không biết làm gì để sống sau gần 20 năm quân ngũ, ông chẳng có chuyên môn gì ngoài việc... cầm súng. Nhưng không giống đa số người thất nghiệp khi đó nhận trợ cấp xã hội, Nguyễn Minh Thái mạnh dạn bươn ra thị trường tự do, đóng thuế đầy đủ và trở thành 1 trong 3 người đặt nền móng cho chợ thành phố Halberstadt ra đời.

Có một ngày, ông Thái được người bạn Đức kể cho nghe về ngôi nhà cổ xây dựng từ năm 1646, thuộc một dòng họ đã 1.000 năm làm nghề rèn thủ công, nằm ở trung tâm Hotensleben, một thị trấn ở biên giới Đông - Tây Đức, nơi có những hồ nước trong vắt với những cánh rừng xanh thăm thẳm. Ngôi nhà nằm trên diện tích 2.000m2, đã đổ nát xiêu vẹo sau 4 thế kỷ oằn mình dưới gió mưa, bão tuyết.

Từ năm 1965, ngôi nhà đã bị bỏ hoang nên toàn bộ "di tích" lút sâu trong cỏ rác, cây cối rậm rạp. Các mái ngói xô nghiêng, vỡ từng mảng lớn. Những bức tường bằng đất nhồi rơm sẵn sàng bở tơi khi gặp mưa. Hệ thống điện, nước, lò sưởi hỏng hoàn toàn...

Chiếc đe cổ được tìm thấy trong khuôn viên ngôi nhà cổ.

Rất nhiều người Đức giàu có hoặc buôn bán bất động sản đã đến xem ngôi nhà, rồi đều bỏ đi, vì không ai muốn mua một ngôi nhà đổ nát để rồi không được phép phá bỏ, mà phải trùng tu theo đúng kiến trúc ban đầu. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, ngay khi ngắm ngôi nhà, ông Thái bỗng thấy nó có sức hút kỳ lạ.

Ông biết, đây là một di tích quý hiếm và vô cùng ý nghĩa đối với lịch sử của vùng đất này. Nhưng đào đâu ra hàng triệu DM để khôi phục ngôi nhà cổ? Câu hỏi đó vang lên trong nhiều đêm không ngủ. Cuối cùng, ông mạnh dạn đi đến quyết định: dùng sức lao động của chính mình để trùng tu ngôi nhà, quyết tâm biến giấc mơ trở thành chủ nhân của di sản quý đó, thành hiện thực.

Thấy ông Thái mua ngôi nhà cổ, những người dân ở Hotensleben đều hết sức ngạc nhiên, vì ông là người nước ngoài duy nhất trong vùng dám mạo hiểm mua cơ ngơi đổ nát để duy trì lại di sản của người Đức. Hơn nữa, giá tiền mua ngôi nhà cổ đủ để mua một căn nhà lớn ở thủ đô Berlin. Chính quyền Hotenlesben thì hết sức vui mừng, vì họ đang lúng túng trước một ngôi nhà mà họ không thể phá bỏ nhưng cũng chẳng có ai mua, nên sự đổ nát, lầy lội, bẩn thỉu của ngôi nhà gây mất mỹ quan trong thị trấn.

Lúc này, một số phần tử quá khích lại kéo bọn đầu trọc về quấy rối, nhằm không cho thằng "Phitchi" (từ dùng miệt thị người nước ngoài) định cư cùng dân thuần chủng Đức, nhất là lại dám sở hữu một di tích ngàn năm tuổi mà chính người Đức không ai dám làm. Ông đã vượt qua khó khăn này nhờ những người Đức tốt bụng và chính quyền địa phương.

Nhớ lại, ông Thái chưa hết ngạc nhiên: "Hình như tổ phụ của dòng họ kia phù hộ tôi, khi thấy tôi dám mua lại cơ đồ đổ nát để duy trì di sản của họ, nên đã thôi thúc tôi mua bằng được, giờ lại giúp tôi giữ được cơ ngơi vừa mua". Và như một sự tình cờ của số mệnh, nghề nghiệp của ông Thái khi sang Đức học cũng là nghề cơ khí, giống như nghề của chủ cũ ngôi nhà.

"Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm"

Giữa sự tò mò của những người hàng xóm, ông Thái bắt tay ngay vào sửa chữa ngôi nhà. Hàng ngày, cứ 6 giờ tối, ông lại từ nơi bán hàng cách hơn 30km về chặt cây, phát cỏ. Giữa hoang vu và đổ nát, đêm đêm, ông một mình một cuốc, một xà beng, cặm cụi đào con hào rộng 70-80cm, sâu 1,2m để đặt đường ống nước, tránh bị đóng băng. Rồi xẻ rãnh thoát nước, trát vá tường, dặm từng viên ngói vỡ, nhặt từng viên gạch, chống chọi lại sự sụp đổ của ngôi nhà với một ý thức rất rõ về việc giữ gìn di sản.

Ông Thái rùng mình nhớ lại có đêm, một góc mái nhà không chịu nổi sức nặng của thời gian, đã sập xuống trong lúc ông không ở đó. Có lần, ông thoát chết trong gang tấc vì bị cây cột thép đổ vào người, còn lần khác là viên gạch từ trên cao rơi xuống sượt qua đầu...

Kể lại câu chuyện, ông Thái vẫn còn nguyên cảm giác lo âu ngày ấy: Phần việc nặng nề nhất là sửa mái và gia cố các trụ nhà, vì các mái đều dột nát, các xà cũng mục gãy rất nhiều. Nhiều đêm mưa to gió lớn, cả nhà ông phải thức trắng, lấy nilon che chắn, đặt xô chậu hứng nước mưa, để nước không ngấm xuống nền và tường, để ngôi nhà không bị hư hại thêm.

Trong khi đó, yêu cầu của chính quyền là ngói thay phải đúng loại ngói cũ, có tuổi thọ từ 150 đến 200 năm, mà loại ngói này rất đắt. Ông Thái phải chắt chiu từng đồng, mua mỗi lần một ít, thay từng phần mái. Ông cũng mày mò tìm kiếm khắp nơi, xin hoặc mua lại những trụ sắt làm bằng hợp kim pha gang nặng hàng mấy trăm cân của những ngôi nhà cũ khác đang phá bỏ, rồi chở về lắp ráp vào ngôi nhà cổ.

Cảm động trước sự chăm chỉ, cần cù của ông Thái, ông Buchwald - Thị trưởng thị trấn đã rất tích cực giúp đỡ công cuộc trùng tu bằng việc áp dụng Luật Di sản để hỗ trợ từ ngân sách 20 đến 30% theo từng hạng mục.

Hơn chục năm, mọi tâm sức của ông dành toàn bộ cho ngôi nhà, bất kể ngày đêm. Không thể nói hết những gian truân, vất vả của những ngày "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mà gia đình ông Thái đã trải để "xây sửa lại ngôi nhà tổ của địa phương và biến nó thành một bảo bối", như một câu chuyện cổ tích. Bởi không chỉ là tiền của, mà việc trùng tu này còn đòi hỏi tinh thần làm việc chăm chỉ, nhẫn nại, mà không phải ai cũng có đủ. Từng ngày, hơi ấm dần tràn ngập ngôi nhà hoang, tưởng không còn nguy cơ cứu vãn.

15 năm sau, tháng 8/2005, ngôi nhà cổ đã được bang Sachsen - Anhalt gắn biển xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, là thành quả xứng đáng cho gia đình ông Thái. Tấm gương lao động của gia đình ông Thái thực sự làm cảm động những người bạn Đức.

Thị trưởng Dieter Buchwald bày tỏ: "Ông Thái đã giúp địa phương chúng tôi giải quyết được một vấn đề nhức nhối, lúng túng trong việc tôn tạo ngôi nhà lịch sử từ thế kỷ XVII, bằng nhiều việc cụ thể, với thái độ lao động cần cù, chăm chỉ, lại tôn trọng luật pháp, kỷ luật như công dân Đức...

Gia đình quan hệ với công chúng rất tốt, đã tạo cho nhiều người dân ở đây thay đổi cách nhìn về người nước ngoài, không còn khoảng cách với người dân sở tại, kể cả với đám thanh niên nghịch ngợm. Cũng qua ông, chúng tôi hiểu được thêm đất nước tốt đẹp của các bạn".

Những người dân địa phương cũng bày tỏ lòng biết ơn xen lẫn khâm phục trước sự lao động cần mẫn, chăm chỉ cùng tấm lòng của người đàn ông Việt Nam trước một di sản quý của nước Đức, mà nhờ đó, họ được quyền tự hào về một di sản ở quê hương họ. Họ đã bầu ông là đại biểu duy nhất dự Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng của địa phương với lời tuyên dương "là công dân đầy trách nhiệm".

Bức thư gửi ông Thái nhân 10 năm gia đình ông đoàn tụ tại Đức của những người dân ở đây đã viết: "Trong con mắt của những người dân Hotenlesben, gia đình bạn là một tấm gương mẫu mực về việc vượt qua những thử thách ở một quê hương mới". 

Nhiều người đã mang tặng ông những tư liệu, bức ảnh quý liên quan đến ngôi nhà, cả những đồ dùng của xưởng rèn từ hàng trăm năm trước, giúp ông khám phá ra nhiều bí mật về ngôi nhà, như trong lịch sử gần 1.000 năm qua, chủ nhân của ngôi nhà cổ đã 3 lần được nhà vua ban sắc phong. Hiện ông Thái còn giữ chứng chỉ của nhà vua thế kỷ XVII trao cho chủ nhân cũ và tấm bằng của Thống đốc Bradenburg ký tháng 7/1897 tặng chủ lò rèn nhân sinh nhật Hoàng đế Wilhelm I.

Ông Thái cho chúng tôi xem những đồ vật mà ông tìm thấy trong quá trình phục dựng ngôi nhà: chiếc đe cổ đã được chủ lò rèn dùng mấy trăm  năm, chiếc móng ngựa sắt từng đóng lên chân những con chiến mã, bệ gỗ sồi từ năm 1631 làm đế đe chôn ở xưởng rèn... Đó là những thứ mà nhiều người đã đến hỏi mua, nhưng ông đều từ chối. Ông bảo, những gì thuộc về ngôi nhà sẽ mãi là di sản quý...

Chưa bằng lòng với những gì đã có, doanh nhân Nguyễn Minh Thái còn chia sẻ với chúng tôi về dự định sẽ xây dựng ngôi nhà bảo tàng thành điểm nhấn du lịch ở đây. Một dự án khai quật mảnh đất 1.000 năm tuổi của một dòng họ cũng được ông Thái tính đến trong niềm hy vọng, dưới tầng sâu đất kia, sẽ có những di sản văn hóa, lịch sử cất lên tiếng nói.

Nguyễn Minh Thái không chỉ tạo lập cho gia đình một tương lai rạng rỡ, mà còn xây dựng được hình ảnh đẹp về dân tộc Việt Nam trong lòng những người bạn Đức. Được nuôi dạy đúng cách, trong một môi trường lao động tốt, các con của anh Thái đều học giỏi. Cô con gái lớn mang về niềm tự hào cho bố mẹ, khi 13 năm học phổ thông lẫn khi học đại học, đều đạt điểm giỏi.

Năm 2009, cháu vinh dự là một trong số các sinh viên được về dự trại hè trong nước. Hơn mọi của cải và tiền bạc, tinh thần lao động không mệt mỏi để tạo dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp luôn là điều đáng trân trọng ở những người con xa xứ như ông Thái

Thanh Hằng
.
.