Phiến quân Hồi giáo cực đoan Boko Haram:

“Ngòi nổ mới" của mạng lưới khủng bố thế giới

Thứ Tư, 28/08/2013, 20:50

Theo Hãng tin AP, vụ thảm sát hôm 11/8 vừa qua khiến ít nhất 44 tín đồ thiệt mạng và 26 người bị thương, tại một nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn Konduga, phía đông bắc Nigeria. Đối tượng gây ra là các tay súng bị nghi là thành viên của nhóm Hồi giáo vũ trang Boko Haram, lực lượng phản động đã và đang gây ra cái chết của hàng nghìn người ở phía bắc Nigeria kể từ năm 2009 với khẩu hiệu tham chiến để lật đổ chính quyền hiện thời.

Ngày 12/8, quân đội Nigeria cho biết, một trong số các thủ lĩnh của phiến quân Boko Haram đã bị bắt giữ trong cuộc truy quét của mật vụ an ninh tại bang Sokoto. Phát ngôn viên quân đội Musa Yahaya đã xác nhận việc bắt giữ Malam Mubarak, còn được gọi là Dan Hajia, và cho biết còn những nghi can khủng bố khác thuộc Boko Haram cũng bị bắt trong cuộc truy quét phối hợp giữa quân đội và cảnh sát mật ngay trong đêm 11/8.

Phiến quân bạo lực khát máu

Boko Haram bắt đầu nổi lên từ năm 2009, và trở thành lực lượng tàn bạo bậc nhất Nigeria. Các cuộc tấn công đẫm máu của Boko Haram gần như nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền, tạo nên một thế đối lập không thể cân bằng giữa cộng đồng người Hồi giáo ở phía bắc và người Thiên Chúa giáo ở phía nam Nigeria. Phiến quân này thể hiện sức mạnh thông qua các vụ bắt cóc, giết người và đánh bom trường học, nhà thờ.

Theo thống kê, kể từ năm 2009 đến nay, các vụ bạo lực ở Nigeria liên quan tới nhóm Boko Haram đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.600 người. Những hành động của Boko Haram là vi phạm nhân quyền, và bị Tổ chức Ân xá quốc tế lên án mạnh mẽ.

Trong đoạn phim kéo dài 15 phút được tung ra cuối tuần trước, thủ lĩnh giấu mặt của Boko Haram đe dọa sẽ tăng cường thảm sát vào trường học nhằm thể hiện thái độ chống lại nền giáo dục phương Tây: "Giáo viên dạy học theo kiểu phương Tây ư? Chúng ta sẽ giết chúng. Chúng ta sẽ giết chúng ngay trước mặt học sinh để yêu cầu những đứa trẻ quay về đọc kinh Koran".

Ngoài ra, Boko Haram bắt đầu có những động thái bắt cóc phụ nữ và trẻ em, phản bội lại lời thề trong kinh thánh, để trả đũa cho việc các lực lượng an ninh Nigeria thường xuyên giam cầm vợ con các thành viên của Boko Haram.

Boko Haram truyền bá tư tưởng thù địch phương Tây, mang ý nghĩa "giáo dục của người Tây là một tội lỗi đáng nguyền rủa". Các tín đồ của Boko bị "tẩy não", họ được tôi rèn trong một môi trường vô cùng khắc nghiệt, sẵn sàng dâng hiến bản thân để phá hoại chính quyền Nigeria và tạo lập một nhà nước mới. Boko Haram coi người Hồi giáo là đồng minh, hay chí ít là những phần tử ủng hộ các hoạt động "vì nhân quyền, vì Chúa" của lực lượng này. Tuy nhiên, quân Boko sẽ tấn công những cộng đồng người Hồi giáo nếu họ không tuân theo những tôn chỉ mà phiến quân này đặt ra.

Boko Haram bắt đầu nổi lên từ năm 2009 và trở thành lực lượng tàn bạo nhất Nigeria.

Boko Haram đã nhận trách nhiệm thực hiện nhiều vụ tấn công ở Nigeria, trong lúc họ muốn áp dụng luật Hồi giáo Sharia và không công nhận chính phủ hay hiến pháp của nước này. Boko Haram tin rằng chỉ có bạo lực mới chấm dứt kỷ nguyên tồn tại của một chính phủ bị ăn mòn bởi tham nhũng và biến chất. Có thể Boko Haram đang mở rộng phạm vi tấn công trên bản đồ khủng bố bởi vì các nguồn tin mật cho biết quân đội Nigeria đã và đang truy lùng các phần tử Boko Haram rất gắt gao. Một trong những mục tiêu hàng đầu là nhắm tới các nhà thờ, khi Boko Haram nghi ngờ các thầy tu đang "nằm vùng" chỉ báo cho quân của Chính phủ Nigeria.

Trong bối cảnh Nigeria vẫn còn tranh chấp, bất ổn và quân đội chưa làm tròn nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho đất nước thì sự tung hoành tự do của phiến quân như Boko Haram là một tất yếu. Nhiều người dân bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả trong hoạt động của bộ máy cầm quyền hiện tại, và "đu đưa" theo ý kiến rằng chính Boko Haram đang tạo nên một trang sử mới cho Nigeria.

Boko Haram "phủ sóng" sang các quốc gia láng giềng, với thủ đoạn tàn sát và bắt giết không hề thay đổi. Trong đoạn phim, thủ lĩnh giấu mặt tuyên bố sức mạnh của phiến quân này ở nước ngoài còn lớn hơn rất nhiều so với lực lượng Boko Haram đang hoạt động bên trong lãnh thổ Nigeria. Tức là, Boko Haram đang muốn mở rộng "vòi bạch tuộc" ra thế giới, trở thành một đối trọng khủng bố mới của nước Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.

Ra sức đề phòng một ngòi nổ khủng bố mới

Phát triển mạnh cả về quân số và độ bành trướng trong những năm trở lại đây, Boko Haram đang khiến quân đội Nigeria đau đầu bởi những việc làm ngày càng manh động. Với mục tiêu chống đối lại chính quyền và quân đội, tổ chức này không ngần ngại tiến hành các hành động phi pháp nhằm kiếm tiền mua sắm vũ khí, chiêu mộ thêm người. Do đó, Nigeria buộc phải nhanh chóng bắt đầu chiến dịch truy quét phiến quân này từ tháng 5, hàng nghìn binh sĩ đã được triển khai với sự yểm trợ của máy bay chiến đấu sau khi Tổng thống Goodluck Jonathan tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các vùng bị phiến quân chiếm giữ. Đây là đợt truy quét phiến quân Boko Haram quy mô lớn nhất từ năm 2009, đã tiêu diệt gần 800 cây súng  phiến quân và kiềm chế các hoạt động khủng bố trong vòng một năm.

Cuối tháng 7 vừa qua, Chính phủ Nigeria đã ra một sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, tập trung vào 3 tỉnh thuộc vùng Đông Bắc là Adamawawa, Yobe và Borno, đồng thời thành lập lực lượng tác chiến JTF để hạn chế sự hoạt động của Boko Haram. Tổng thống Goodluck Jonathan đã phê chuẩn một số luật mới, quy định bất cứ cá nhân nào có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp lôi kéo hoặc ủng hộ một hành động khủng bố hoặc một nhóm khủng bố sẽ bị phạt tù không dưới 20 năm. Đồng thời, chính phủ đã yêu cầu giới truyền thông "im lặng" nhằm triệt tiêu các dấu vết liên lạc với các khu vực "đỏ" được xác định là căn cứ hoạt động của phiến quân Boko Haram.

Trong khi đó, Mỹ đã liệt Boko Haram vào danh sách khủng bố, cùng thủ lĩnh giấu mặt xuất hiện trong đoạn phim cuối tuần trước là một trong những nhân vật bị truy lùng gắt gao nhất thế giới. Mỹ đã treo giải thưởng 7 triệu USD cho bất cứ ai lấy được cái đầu của tên này. Mỹ cũng hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho quân đội Nigeria, với yêu cầu tìm diệt phiến quân Boko Haram càng nhanh càng tốt. Bởi vì đang xuất hiện nỗi sợ bao trùm các quốc gia trên thế giới rằng, Boko Haram là một Al-Qaeda thứ hai ngầm hoạt động và lớn mạnh, đe dọa tới an ninh và tính mạng của con người.

Một số quốc gia đã khuyến cáo các công dân nước này tại Nigeria rằng, nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram có thể đang lập kế hoạch cho các cuộc tấn công tại thủ phủ Abuja, nhắm vào các khách sạn có đông du khách phương Tây, và chưa biết sẽ xảy ra vào thời điểm nào. Khuyến cáo này nói rằng Chính phủ Nigeria đã biết về mối đe dọa này và đang "tích cực thi hành các biện pháp an ninh" để ứng phó.

Ngày 12/8, nhà chức trách Mỹ bất ngờ công bố tên 3 nhân vật được cho là đàn em của thủ lĩnh giấu mặt phiến quân Boko Haram, bao gồm Abubakar Shekau, Khalid al Barnaw và Abubakar Adam Kambar. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, nước Mỹ đã phong tỏa tài sản của 3 đối tượng tại Mỹ và cấm các cá nhân Mỹ không được giao dịch với các đối tượng này. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã gọi những đối tượng này là những kẻ chịu trách nhiệm về các hành vi khủng bố và gây bất ổn tại Nigeria.

"Những đối tượng này phải chịu trách nhiệm về hàng loạt các vụ tấn công khủng bố, kể cả vụ đánh bom tòa nhà của Liên Hiệp Quốc tại Nigeria tháng 8/2011 cũng như các vụ đánh bom các nhà thờ tại đây. Chúng tôi áp dụng biện pháp này nhằm chỉ đích danh các đối tượng bị áp đặt lệnh. Những đối tượng này đã thực hiện những hành vi cực đoan bạo lực", bà Nuland nó

Lâm Anh (theo AP)
.
.