Người bị tù oan lâu nhất nước Mỹ

Thứ Sáu, 30/04/2021, 08:42
Một người đàn ông người Mỹ chơi với một băng cướp và bất ngờ trở thành nghi phạm trong hàng loạt vụ án do những tên bạn của mình thực hiện nên phải ngồi tù oan lâu nhất nước Mỹ: 46 năm.


Bộ xương người trong bụi rậm

Ngày 3-3-1972, một công nhân làm đường ở thành phố Troy, bang Michigan, rẽ vào một bụi cây để đi vệ sinh và thấy có vật gì trăng trắng. Khi tiến lại gần, người công nhân bất ngờ khi nhận ra đó là một bộ xương người. Thông tin liền được báo cho cảnh sát.

Kết quả điều tra của cảnh sát đã xác định đó là bộ xương của thanh niên 21 tuổi Gregory Harris. Tháng 6-1971, anh ta lái một chiếc xe hơi mui trần rẽ vào cửa hiệu để mua thuốc lá rồi bị mất tích. Người vợ Harris tìm thấy chiếc xe mui trần sơn xanh của chồng, trên ghế có vết máu.

Richard Phillips

Theo hồ sơ, trong năm đó, mẹ của Harris trình báo cảnh sát về một cuộc gọi lạ, một người phụ nữ không quen nói với bà: "Tôi không thể im lặng được nữa, Fred Mitchell và bạn hắn Dago đã lôi con bà ra khỏi xe trên phố La Salle đánh đập và bắn vào đầu rồi bỏ xác ở bụi cây. Phản ứng của cảnh sát với tuyên bố đó như thế nào - không rõ nữa".

Ngày 15-3, Mitchell bị bắt về liên quan đến cướp nhà hàng và tàng trữ vũ khí. Sau khi bị bắt, hắn khai rằng người giết Harris là Palombo và Phillips, rằng có biết kế hoạch giết người của hai gã bạn, còn hắn chỉ nhử Harris vào bẫy chết.

Tại phiên toà, công tố viên thuyết phục chánh án rằng Mitchell tình cờ nghe thấy Palombo và Phillips âm mưu giết người, theo đó thì một người anh em của Harris dường như trộm cắp của một nhà buôn ma túy là anh em họ của Palombo. Nhưng cả công tố viên lẫn Mitchell đều không có ý định giải thích rõ tại sao Phillips bỗng nhiên lại trả thù một người trên thực tế là không quen biết anh ta.

Từ lời khai này, tòa cáo buộc Palombo và Phillips vào tội mưu sát ở cấp độ một. Nói lời cuối cùng trước khi nhận án tù chung thân, Phillips khẳng định: "Tôi vô tôi, vậy mà tòa ghép tôi vào tội. Bây giờ thì không ai có thể thay đổi bản án đã tuyên, cho nên tôi chỉ biết chờ đợi đến khi nào đó các tình tiết sẽ lật ngược theo hướng có lợi cho tôi".

Gần nửa thế kỷ trong tù

Phillips không giết ai và cũng cố gắng để mình thoát chết. Ông biết, một số tù nhân không chịu nổi cuộc sống trong tù cùng những tên tội phạm nguy hiểm nên đã tự sát. Ông cũng chứng kiến cảnh vợ con bạn cùng phòng giam đến thăm nuôi và bị giám thị lục soát, thậm chí còn sục tay vào khắp người. Không muốn gia đình chịu cảnh tương tự, ông đã viết thư bảo vợ tuyệt đối không đưa con đến thăm.

Richard Phillips (phải) trong tù

Trong tù Phillips bắt đầu làm thơ. Năm 1989, Phillips được thưởng 10 USD khi chiến thắng trong cuộc thi ca khúc hay nhất nhân lễ Giáng sinh. Năm sau, 44 tuổi, ông vùi đầu vào sáng tác và viết ít nhất 31 bài thơ. Cũng trong năm đó, ông bỏ thơ vì tìm được một cảm hứng khác từ hội họa. Vừa mày mò tự tìm hiểu, vẽ hỏng thì xóa đi, tự học bằng cách đọc sách trong thư viện của nhà tù, để dần dần nắm được kỹ thuật vẽ. Ông mê những tác phẩm của Pablo Picasso, Leonardo da Vinci và đặc biệt là của Vincent van Gogh.

Vẽ tranh, ông quên hết về 20 năm sống trong tù đày vì một tội mà mình không phạm phải và coi việc vẽ như một niềm an ủi. Trong thời gian bị giam trong tù, ông đã sáng tác khoảng 400 bức tranh. Có một thời gian các tranh ông vẽ chiếm nhiều không gian trong phòng giam, bị đe dọa tịch thu, thế là ông nhặt nhạnh những mảnh carton làm thành hộp, đóng tranh gửi qua bưu điện cho người bạn gái là Doreen Cromarti mà ông quen qua thư từ. Nhiều năm dài, Doreen Cromarti giữ gìn tranh của ông trong nhà kho và chân thành hy vọng bạn mình sẽ có ngày được trả tự do và nhận lại chúng.

Đi tìm sự thật

Trong giai đoạn 1991-1992, nữ luật sư Helen Brown nhận được đơn đề nghị xem xét lại bản án cho hai tù nhân Palombo và Phillips, bà thấy tòa đã kết án trái pháp luật vì chỉ dựa vào lời khai của một nhân chứng. Helen Brown coi sự việc như thế không thể xảy ra. Bà nghiên cứu kỹ hồ sơ và tìm thấy một câu nói của chánh tòa: "Mitchell, khi xem những chứng cứ của anh, tôi đã muốn kết án tù chung thân. Sau đó, lại tiếp tục đi sâu vào hồ sơ, tôi thấy ông chỉ là một công cụ để thực hiện vụ giết người ở cấp độ một, nên ông xứng đáng được giảm nhẹ tội". Mitchell được giảm nhẹ, xuống còn 10-20 năm tù.

Phiên tòa minh oan cho Richard Phillips

Sau lần phát biểu nữa của Mitchell, chánh tòa lại giảm án còn 4-10 năm tù… Xét hành vi Mitchell theo hướng phạm tội, bà Helen Brown coi rằng thỏa thuận giết người đã đạt được mà lại chẳng bao giờ tòa tuyên Mitchell vào tội giết Harris, mặc dù hắn đã thú nhận là chính hắn đã nhử nạn nhân vào bẫy chết. Nếu nhận định của bà là đúng, thì Palombo và Phillips đã chịu những bản án oan, nên bà đòi phải xem xét lại vụ án. 

Tuyên bố năm 1971 của Palombo rằng chẳng sợ bất cứ ai chỉ là giả dối, về sau hắn thú nhận trong một cuộc lấy lời khai rằng thực ra hắn chỉ sợ mỗi Mitchell, y đã chỉ thị cho hắn là phải giữ im lặng về những việc đã làm.

Nhưng càng về sau, sức khỏe Palombo ngày càng kém, cứ mở mắt ra lại thấy hiện lên hình ảnh Harris đã chết. Luôn luôn gặp ác mộng, Palombo bắt đầu cầu nguyện và xin tha thứ, hắn liên tục gửi đơn kêu oan và đã được giảm án. Hắn viết thư kêu gọi Phillips làm theo mình. Năm 2010, biết Mitchell đã chết, ngày 4-8-2010, Palombo lại đệ đơn xin minh oan, nhưng lần này hắn quyết định làm cho con tim mình sạch sẽ, đưa ra một giả thuyết mới của sự việc.

Palombo kết bạn với Mitchell từ năm 1970 tại nhà tù quốc gia nhốt riêng đàn ông. Một lần nghe Mitchell kể rằng một số thanh niên đã xộc vào nhà cướp đi của mẹ y 500 USD, Palombo hứa sau khi ra tù sẽ tìm ra và dạy cho bọn cướp đó một bài học. Khi đã được trả lại tự do, cả hai bèn nghĩ cách cướp cửa hàng thực phẩm, nhưng Palombo không thích kế hoạch của Mitchell, hắn muốn tấn công vào ban ngày và không dùng xe để thoát nhanh. Bàn luận xong, hắn ra bến xe bus định về nhà.

Bất ngờ có xe xịch đến, do Harris cầm lái, Mitchell ngồi ghế sau, bảo: "Leo lên đi, có người chở". Palombo lên xe ngồi cạnh bạn và chuẩn bị hành động. Harris đỗ xe, đi vào cửa hàng mua thuốc lá. Mitchell giằng lấy khẩu súng lục của Palombo và bảo: "Hắn trong đám thanh niên đã cướp của mẹ tớ nên tớ muốn thủ tiêu". Khi Harris trở lại, Mitchell nhờ anh ta quay xe ra tuyến đường có cửa hàng bọn chúng định cướp. Harris ngoan ngoãn nghe theo liền bị Mitchell rút súng bắn vào đầu. Tuy bị thương nặng, Harris vẫn kịp mở cửa xe bước ra và gục xuống. Mitchell lại bắn phát nữa. Hai tên nhét thi thể vào trong xe chạy ra khỏi thành phố và bỏ xác vào bụi rậm. Sau đó người công nhân làm đường đã phát hiện ra.

Trong cuộc hỏi cung sau này, cảnh sát hỏi Palombo về việc Phillips có liên can đến vụ giết người không, thì Palombo khai rằng: "Tôi thấy Phillips vào ngày 4-7-1971, sau vụ giết Harris khoảng 8 ngày, tại cuộc nhậu ở nhà Mitchell" và tuyên bố Phillips không liên can gì đến vụ việc.

Ngày 19 - 4 - 2020, Palombo chết trong tù ở tuổi 71 vì bị nhiễm COVID-19.

Minh oan

Căn cứ vào lời khai của Palombo, ít nhất có 3 quan chức cao cấp của bang Michigan đòi minh oan cho Phillips. Nhưng cũng phải mất 7 năm, ngày 12-12-2017, sau khi xem xét những lời khai và chứng cứ ngoại phạm của Phillips, đồng thời công nhận ông có hành vi tốt trong tù, chánh án tòa khu vực Kevin Cox đã trả tự do cho ông trước thời hạn và thay ông trả tiền thế chấp là 5.000 USD.

Richard Phillips và những bức tranh của mình

Tháng 12, lần đầu tiên sau 46 năm bị tù oan - đấy là thời hạn tù ngồi lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ - Phillips được ra khỏi nhà giam và tạm trú ở chỗ bà Julia Baumer - nhân viên của cơ quan pháp luật phi thương mại Innocence Clinic chuyên theo dõi những tù nhân oan trái. Bà giúp cho Phillips làm quen lại với thành phố và thích ứng với thế giới sau nhiều năm bị cách ly khỏi xã hội.

Ngày 28-3-2018, toà án đã gỡ bỏ mọi quy kết và xoá án tù chung thân đối với Phillips.

Cuộc sống mới

Thời gian đầu Phillips không thể tìm được việc làm và rất khó khăn làm quen với cuộc sống mới, sau đó ông sực nhớ đến những bức tranh của mình và gọi điện cho Doreen Cromarti. Họ liên lạc với nhau đã 35 năm và Cromarti giữ gìn cẩn thận hàng trăm bức tranh của ông. Ông bèn mua vé đến New York gặp cô.

Cromarti hy vọng rằng Phillips muốn ở lại sống với mình, nhưng ông lại có kế hoạch khác. Những năm dài trong tù ông chỉ ao ước về lại ngôi nhà cũ và được tự do, cuối cùng cơ hội đã đến. Ông lấy hết tranh của mình và gửi đến bang Michigan. Về sau người ta giúp ông tổ chức một cuộc triển lãm nghệ thuật và bán được khoảng 20 bức tranh trong một buổi tối. Từ khoản tiền ấy, ông gửi một tấm séc cho Cromarti để tỏ lòng biết ơn.

Câu chuyện đi tù oan gần nửa thế kỷ của ông được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới, nhiều đơn đặt hàng đối với những bức tranh của ông. Nhưng 5 tháng sau, nhiều nước, trong đó có Mỹ, buộc phải giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, Phillips lại lâm vào cảnh cách ly như trong nhà tù, nên lại vùi đầu vào sáng tác. Ngoài ra, ông nối lại quan hệ với người con trai đã gần 50 năm xa cách. Hoá ra người con trai cũng mê vẽ., thời đi học từng nhận được giải thưởng về bức chân dung nữ nghệ sĩ Lisa Bonet.

Đăng Bẩy (Theo Lenta.ru và Edition.cnn.com)
.
.