Người dân Romania chung sức triệt “ung thư” tham nhũng
Vải thưa không che được mắt thánh
Câu chuyện chống tham nhũng của người dân Romania bắt đầu bùng lên từ cuối tháng 1-2017, sau khi Tổng thống Romania Klaus Iohannis kêu gọi người dân chống lại sắc lệnh mà tân Thủ tướng Romania Sorin Grindeanu công bố, sẽ miễn điều tra hình sự và không phạt tù những đối tượng lạm dụng quyền lực gây thất thoát số tiền ít hơn 44.000 Euro (khoảng 48.000 USD).
Ngoài ra, tân Thủ tướng Sorin Grindeanu, còn công bố sắc lệnh khẩn cấp ân xá cho 2.500 tù nhân. Đối tượng ân xá bao gồm cả các chính trị gia đã thụ án 5 năm vì những tội danh phi bạo lực. Điều đáng nói, tân Thủ tướng Sorin Grindeanu muốn hai sắc lệnh này được thông qua tại Quốc hội, mà không cần chữ ký của Tổng thống Klaus Iohannis.
Sự phi lý và những hàm ý cá nhân trong cả hai sắc lệnh trên đã khiến hai sắc lệnh này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của giới tư pháp hàng đầu Romania, một số tổ chức phi chính phủ, các quan chức và của đại đa số người dân đang vốn quá khổ vì những hành vi tham nhũng của quan chức.
Romania thực sự “dậy sóng” từ ngày 22-1, khi Tổng thống Klaus Iohannis yêu cầu đình lại các sắc lệnh trên và kêu gọi trưng cầu ý dân về hai sắc lệnh trên. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Klaus Iohannis đã phản đối sắc lệnh của tân Thủ tướng khi cho rằng: "việc sửa đổi luật để phóng thích hàng chục, thậm chí hàng trăm chính trị gia là không thể chấp nhận".
Vậy tại sao một trong hai sắc lệnh trên lại bị phản đối dữ dội như vậy? Theo “lý giải” của Bộ trưởng Tư pháp Florin Iordache, sắc lệnh trên của tân Thủ tướng sẽ giúp giảm tải cho các nhà tù đang bị quá tải hiện nay. Bình luận về lý do trên, một luật sư giấu tên nói với báo chí ở Bucharest, thật là lố bịch khi họ đưa ra một lý do không ai có thể chấp nhận được. Ông này chỉ rõ, việc miễn truy tố hình sự và không áp dụng án tù đối với các vụ việc tham nhũng có số tiền dưới khoảng 48.000 USD sẽ giúp hàng chục chính trị gia Romania, thoát tội sau khi bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Tổng thống Romania Klaus Iohannis kêu gọi người dân chống lại sắc lệnh mà tân Thủ tướng Sorin Grindeanu công bố. Ảnh: Foxcrawl. |
Chỉ rõ những điểm bất thường và nguyên nhân chính tân Thủ tướng trình sắc lệnh “phi lý” trên ra trước Quốc hội, cô P.Loresscu, một người biểu tình ở thành phố Bucharest bức xúc nói với phóng viên kênh TF1: “Với sắc lệnh này, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền (PSD) Liviu Dragnea, người đang bị xét xử với cáo buộc lạm dụng chức quyền sẽ được miễn truy tố. Bởi theo những cáo buộc của các công tố viên, ước tính số tiền bị thất thoát trong trường hợp của ông Liviu Dragnea ở mức 24.000 euro.
Được biết, chính ông này đã giúp ông Sorin Grindeanu trở thành tân Thủ tướng của Romania. Do vậy, sắc lệnh trên của Chính phủ chính là giúp ông này thoát tội. Thật bất công. Rõ ràng sắc lệnh này ban hành với động cơ không trong sáng”.
Dân đồng lòng chống sắc lệnh sai trái
Cho dù ngay từ đầu các sắc lệnh của tân Thủ tướng Sorin Grindeanu đã vấp phải sự chỉ trích của người dân, chính giới Romania, các cơ quan của châu Âu, tuy nhiên, chính phủ dưới sự điều hành của tân Thủ tướng Sorin Grindeanu vẫn thông qua hai sắc lệnh trên. Hậu quả, đến đêm 31-1, tức là chỉ vài giờ sau khi chính phủ nước này thông qua hàng trăm nghìn người ở nhiều thành phố của Romania đã tập trung biểu tình kêu gọi hủy bỏ tất cả những sửa đổi trên.
Tình hình Romania mỗi lúc thêm căng thẳng. Bước sang đầu tháng 2-2017, có thêm hàng trăm nghìn người nữa tiếp tục đổ xuống các con đường, quảng trường trên khắp cả nước để phản đối các sắc lệnh Chính phủ của tân Thủ tướng Sorin Grindeanu. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất ở Romania trong gần 30 năm qua, kể từ năm 1989. Theo giới truyền thông, tham gia cuộc biểu tình này lúc cao điểm đã có khoảng 500.000 - 700.000 người tham gia.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn tại Romania cũng như sắc lệnh “nương tay” cho tội phạm tham nhũng này. Sự bức bối bấy lâu của người dân nay được dịp bùng phát. Tại thủ đô Bucharest, xô xát đã xảy ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh. Người biểu tình đã ném chai lọ, pháo và gạch đá vào lực lượng an ninh, trong khi cảnh sát phóng lựu đạn cay về phía người biểu tình.
Bất chấp sức ép gia tăng từ nhiều phía, ban đầu, Chính phủ Romania tuyên bố kiên quyết triển khai các sắc lệnh gây tranh cãi trên. Ngày 2-2, Thủ tướng Sorin Grindeanu khẳng định nội các mới thành lập chưa đầy một tháng của ông không có kế hoạch thu hồi sắc lệnh đã được thông qua. Sau những tuyên bố như vậy lại có thêm hàng chục nghìn người xuống đường mỗi ngày để gây sức ép với chính phủ. Tổng thống Klaus Iohannis cũng đã nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu bãi bỏ sắc lệnh trên của chính phủ.
Người dân Romania xuống đường biểu tình chống các sắc lệnh “nương tay” với tham nhũng của Thủ tướng Romania. Ảnh: Toronto Star. |
Trước sức ép cả trong và ngoài nước, đặc biệt làn sóng biểu tình mạnh mẽ của người dân Romania phản đối các sắc lệnh được cho là “thiên vị” các quan chức đã “dính án tham nhũng”, Chính phủ của Thủ tướng Sorin Grindeanu ngày 5-2 đã phải hủy bỏ sắc lệnh gây nhiều tranh cãi trên. Theo giới quan sát, đây có thể được coi là động thái nhượng bộ của người đứng đầu Chính phủ Romania.
R.Dancesetcu, một người dân Bucharest đi biểu tình, nói với báo chí châu Âu họ muốn tẩy sạch “ung thư” tham nhũng ở đất nước nơi mà từ trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông công chính đến cơ quan nhà nước, vào đâu cũng phải lót tay. Nhưng người biểu tình còn cho tờ Newsweek biết thêm, một số công chức, quan chức Romania có “nguyên tắc” là ai cũng phải nộp tiền, và ai chưa có tiền thì họ cho “ghi nợ” như tín dụng để xong việc thì trả.
Nghèo vì tham nhũng?
Quốc hội Romania ngày 13-2 đã nhất trí thông qua kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng. Kế hoạch trưng cầu ý dân do Tổng thống Klaus Iohannis đề xuất. Ngày 21-2, Hạ viện Romania cũng thông qua quyết định hủy bỏ sắc lệnh gây tranh cãi này. Phiên họp tại Hạ viện thảo luận việc hủy bỏ sắc lệnh trên kết thúc với kết quả cuối cùng là 291 phiếu ủng hộ, 0 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Trước đó, hôm 14-2, Thượng viện Romania cũng bỏ phiếu thông qua quyết định tương tự.
Bên cạnh đó, Quốc hội Romania đã nhất trí thông qua kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách chống tham nhũng. Sau khi kế hoạch đã được Quốc hội nhất trí, Tổng thống sẽ đề xuất câu hỏi trưng cầu và thời gian tiến hành trưng cầu dân ý.
Chính phủ hiện tại tuy đã bãi bỏ các sắc lệnh “khoan dung” với tội phạm tham nhũng và muốn tổ chức một cuộc bầu cử sớm, nhưng vẫn chưa thể xoa dịu dư luận trong và ngoài nước. Hàng triệu người dân Romania tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình vì họ đã mất niềm tin vào chính phủ hiện tại, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi chính phủ từ chức.
Romania gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2007 và là quốc gia nghèo thứ hai trong EU, song lại nổi tiếng về mức độ tham nhũng, và luôn phải chịu sức ép từ EU về những tiến bộ chậm chạp trong cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.
Người dân Romania xuống đường biểu tình chống các sắc lệnh “nương tay” với tham nhũng của Thủ tướng Romania. Ảnh:Deutsche Welle. |
Báo cáo của Cơ quan Hợp tác và Giám sát thuộc Ủy ban châu Âu (EC), tệ nạn tham nhũng tại Romani tiếp tục hoành hành, tiến trình xét xử các vụ án tham nhũng kéo dài và chính các thẩm phán cũng nhận hối lộ. Ủy ban châu Âu cảnh báo Romania chớ “nuốt lời” trong nỗ lực chống tham nhũng. “Cuộc chiến chống tham nhũng cần phải được tiến tới chứ không phải là phá bỏ những gì đã làm”, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean/Claude Juncker nói.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2014/2016 tại Romania, có hơn 1.170 người đã bị kết tội lợi dụng chức quyền, trong khi các công tố viên đang tiến hành điều tra hơn 2.000 trường hợp khác. Chỉ tính riêng trong năm 2015, các công tố viên đã truy xét 6.000 vụ việc, “lập kỷ lục” khi kết tội 1.250 quan chức vì liên quan đến tham nhũng. Trong đó, có tới 27 quan chức, 16 nghị sĩ, bao gồm Thủ tướng Victor Ponta cùng ra hầu tòa. Thủ tướng Romania Victor Ponta sau đó đã từ chức trong năm 2015 vì cáo buộc lạm quyền và nhũng lạm quyền.
Maidan Bucharest - Mầm tai họa vẫn còn chưa nhú
Trước phong trào biểu tình mạnh mẽ nhất kể từ năm 1989, Chính phủ Rumani đã buộc phải hủy bỏ nghị định trên. Tuy nhiên, trên khắp đất nước Đông Âu này, hàng trăm ngàn người dân vẫn tiếp tục biểu tình trong những ngày qua. Lần này, họ đòi chính phủ từ chức.
Nhà sử học Catherine Durandin, chuyên gia về lịch sử Rumani, giáo sư Viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông INALCO nhận định, cơn giận dữ của người biểu tình sâu đậm hơn rất nhiều. Có hai thế hệ tham gia vào cuộc biểu tình lần này. Đó là thế hệ trẻ và thế hệ của những người đã tham gia vào cuộc đại biểu tình năm 1989 phản đối nhà độc tài Ceauþescu và phe xã hội. Những người đã từng biểu tình năm 1989 nay lại tiếp tục xuống đường.
Tuy nhiên, nhà sử học Catherine Durandin chỉ ra một điều đáng lo ngại cho đất nước Romania, khi ông đưa ra nhận định, do Internet và mạng xã hội ngày càng phát triển, có thêm một nét mới nữa, đó là phong trào biểu tình lần này được nói tới nhiều hơn trên các trang mạng xã hội, trên Facebook, điều này cho thấy, những người tổ chức biểu tình đã biết cách “đánh” vào giới trẻ, huy động và tập hợp họ đi biểu tình.
Internet và các mạng xã hội đã trở thành một công cụ. Và những người trẻ, với khả năng tốt, họ chỉ cần có 3 phút là đã có thể quay phim, tung lên mạng hay trao đổi thông tin ngay lập tức. Điều này đã khiến việc huy động biểu tình trở nên đơn giản, dễ dàng. Đứng đằng sau hàng trăm ngàn người biểu tình đó, có lẽ không có một cơ quan tổ chức nào mà chỉ có Internet, các mạng xã hội và điện thoại di động.
Báo điện tử "eurointegration.com.ua" của Ukraine mới đây đã đăng bài viết của tác giả Maria Kolesnik so sánh và bình luận các cuộc biểu tình ở Romania nếu không cẩn thận sẽ rơi vào “vết bánh xe” như ở Ukraine, trở thành phong trào "Maidan Bucharest". Bà Maria Kolesnik cho biết các cuộc tuần hành phản kháng chống tham nhũng ở Romania đã trải qua 4 tuần liên tiếp.
Thật đáng lo ngại khi những người tham gia tuần hành phản kháng tại quảng trường Chiến thắng lại không cảm thấy họ là người chiến thắng bởi họ yêu cầu toàn bộ chính phủ từ nhiệm, nhưng chỉ có 4 vị bộ trưởng "mất ghế". Trong khi đó, Chính phủ Romania dường như đang chuẩn bị cho những kế hoạch “trả đũa”.
Tình trạng này diễn ra tương tự như những gì từng diễn ra tại Ukraine. Trong bối cảnh hiện nay, mầm mống "Maidan Bucharest" đang manh nha. Đúng như bà Laura Kodruta Kovesi, nhân vật số 1 của DNA/Cơ quan quốc gia chống tham nhũng của Romania nhận xét, khi các mưu toan thay đổi luật để giảm nhẹ tội tham nhũng vẫn còn có thể tiếp diễn bất cứ lúc nào, các cuộc biểu tình sẽ không dứt. Vòng xoáy bất ổn đang hình thành và sẽ nhấn chìm mọi nỗ lực cải thiện tình hình ở Romania.
Các chuyên gia nhận định, hai năm trước đây, phương Tây ủng hộ phong trào biểu tình trên quảng trường Độc lập (Maidan) ở Kiev, Ukraine. Theo ý đồ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cuộc "cách mạng nhân phẩm" không chỉ khiến Ukraine trở nên thân phương Tây, mà còn phải thay đổi hoàn toàn đất nước bằng cải cách. Đối với châu Âu và Mỹ, cải cách và những gì tiếp sau phong trào Maidan là ý nghĩa của Maidan.
Hai năm đã trôi qua kể từ khi chế độ Viktor Yanukovych bị lật đổ. Tuy nhiên, mặc dù quá trình "Cải cách Ukraine" sôi nổi và ầm ĩ, châu Âu vẫn không thể nhìn thấy kết quả như dự định. Có vẻ như phương Tây đã mệt mỏi trong việc ủng hộ tài chính và chính trị cho chính quyền hậu Maidan của Ukraine.