Người dân cần tỉnh táo trước những thông tin giả mạo bắt cóc trẻ em

Thứ Ba, 25/07/2017, 14:57
Thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, rộ lên thông tin giả về việc xuất hiện một số trường hợp nghi bắt cóc trẻ em. Thông tin lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và cả ở ngoài đời, khiến người dân lo lắng, hoang mang, bức xúc.

Cũng chính bởi vậy, đã từng xảy ra trường hợp bị nhầm là... bắt cóc trẻ em, thậm chí nhiều trường hợp nghi bắt cóc trẻ em nhầm, đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ thì nạn nhân đã phải nhập viện cấp cứu.

Sự việc cháu Trần Trung Nghĩa (6 tuổi), là con trai của vợ chồng anh Trần Văn Ất và chị Dương Thị Thảo, trú tại tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) bị sát hại dã man sau 5 ngày mất tích khi đang chơi trước cửa nhà vào chiều tối ngày 3-7-2017 đã khiến dư luận cả nước phẫn nộ, bàng hoàng.

Đến thời điểm này, Cục Cảnh sát điều tra hình sự (Bộ Công an) cũng đã vào Quảng Bình phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình điều tra nguyên nhân vụ việc. Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Ba Đồn đã khởi tố vụ án để điều tra.

Hàng trăm người dân quá khích tụ tập tại trụ sở Công an phương Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) vì tin đồn người phụ nữ bắt cóc trẻ em.

Liên tiếp bắt nhầm người vì nghi bắt cóc trẻ em

Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Bình nhận định, đây là một vụ án giết người hết sức nghiêm trọng, nạn nhân bị sát hại dã man với nhiều vết đâm bằng dao trên cơ thể, sau đó vứt xác xuống hồ nước. Liệu vụ việc có liên quan đến việc bắt cóc trẻ con, sau đó sát hại hay không thì Cơ quan công an đang tích cực điều tra nguyên nhân, truy tìm hung thủ.

Cũng trong thời gian cháu Nghĩa bị mất tích, dư luận tại địa phương đã rộ lên thông tin, cháu bé đã bị kẻ xấu bắt cóc. Nôn nóng và bức xúc trước sự việc này, nhiều người dân đã không kiềm chế được, chính vì vậy cũng trong thời gian này, có sự trùng hợp rất ngẫu nhiên và tình cờ là vào khoảng 7 giờ sáng ngày 5-7, khi anh Đào Đình Vinh (45 tuổi) và Nguyễn Hữu Hùng (28 tuổi), cùng trú tại xã Đoan Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đi vào khu vực tổ dân phố 8, phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn để mời người dân mua bình xịt muỗi.

Phát hiện 2 người đàn ông lạ mặt, nói giọng Bắc, bà con khu phố này nghi ngờ là những kẻ đi bắt cóc trẻ em nên đã hô hoán, truy đuổi, bắt cả 2 người này về hội trường tổ dân phố. Tại đây, 2 người này đã bị hàng trăm người dân kéo đến, đánh đập vì cho rằng họ là những người đi bắt cóc trẻ em.

Sự việc chỉ vãn hồi và 2 nạn nhân may mắn được giải cứu kịp thời khi Công an thị xã Ba Đồn có mặt. Anh Đào Đình Vinh bị đa chấn thương, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.

Liên quan đến vấn đề này, một vụ việc nhầm lẫn tương tự cũng đã xảy ra tại địa bàn thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Theo đó, vào khoảng 10 giờ ngày 13-7, bà Nguyễn Thị Thủy (63 tuổi) trú tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) đi vào địa phận phường Nghi Thủy để bán thuốc bắc dạo.

Do đang trong mùa cao điểm của du lịch biển nên việc bán hàng rong bị chính quyền ban hành lệnh cấm, do đó khi người dân dọa báo công an, bà Thủy hốt hoảng bỏ chạy. Một số người dân thấy vậy, cho rằng người đàn bà này giả vờ bán hàng rong để tìm bắt cóc trẻ con nên đã hô hoán rồi cùng nhau truy đuổi.

Mặc dù trời mưa rất to, nhưng hàng trăm người đã mang áo mưa, bao vây người phụ nữ này đòi “xử lý” vì có dấu hiệu bắt cóc trẻ em. Ngay sau đó, lực lượng công an đã có mặt để đưa bà Thủy về trụ sở công an phường để làm rõ.

Tại đây, mặc dù đã được giải thích, vận động nhưng hàng trăm người hiếu kỳ vẫn kéo đến trụ sở công an phường. Cùng lúc này, một số tài khoản Facebook đã live stream (phát trực tiếp) với nội dung “bắt được một người bắt cóc trẻ em ở thị xã Cửa Lò”, “tang vật là 2 trẻ nhỏ bỏ trong bao tải”... càng khiến nhiều người tin là sự thật và bày tỏ thái độ phẫn nộ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Đại tá Hồ Minh Thắng, Trưởng Công an thị xã Cửa Lò khẳng định: Không có chuyện người phụ nữ lạ mặt bắt cóc trẻ em, bỏ vào bao tải như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Trước đó, cũng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, vào chiều ngày 24-6-2017, mạng xã hội Facebook lan truyền với tốc độ chóng mặt về nhiều đoạn clip dài khoảng 7 phút ghi lại cảnh người dân xã Nam Thái, huyện Nam Đàn bắt được người phụ nữ khi đang có hành vi bắt cóc trẻ em.

Status viết: “Hôm nay, ngày 24/6/2017, một vụ bắt cóc trẻ em xảy ra tại xã Nam Nghĩa, Nam Đàn bị dân bắt tại trận. Người phụ nữ này khai đã bắt 9 em đưa ra cửa khẩu bán 3 em lấy nội tạng, chủ yếu nạn nhân ở Nghệ An”. Kèm theo đó là video clip cho thấy, một người phụ nữ khổ sở bị hàng trăm người vây quanh, bên cạnh là một túi đồ lỉnh kỉnh, được cho là hành lý của người đàn bà này.

Thậm chí, một người đàn ông đã dùng dao bầu gí vào cổ người phụ nữ này, liên tục dọa nạt và tra hỏi đã bắt cóc bao nhiêu trẻ em khiến người phụ nữ hết sức hoảng loạn.

Ngay sau khi thông tin vụ việc được phát tán trên mạng xã hội, Công an huyện Nam Đàn đã cử cán bộ, xác minh vụ việc người dân bao vây người phụ nữ lạ mặt, nói giọng Bắc là có thật và xảy ra tại xã Nam Thái chứ không phải xã Nam Nghĩa nên đã cử trinh sát xuống hiện trường, phối hợp lực lượng công an xã Nam Thái giải cứu người phụ nữ này về trụ sở UBND xã để làm rõ.

1 trong 2 nạn nhân bị người dân bắt nhầm, đánh đập phải nhập viện điều trị.

Tại đây, người phụ nữ khai tên thật là Nguyễn Thị Hường (48 tuổi), trú tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhưng không rõ ở xóm, xã nào và có những biểu hiện không bình thường về tâm tính. Trong khi cơ quan chức năng đang tìm cách liên hệ với chính quyền địa phương ở huyện Hải Hậu thì bất ngờ, thông qua clip “bắt cóc trẻ em” lan truyền trên mạng xã hội, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, trú tại xóm 8 xã Hải Trung, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã xác nhận, bà Hường chính là vợ mình, đã bỏ nhà đi cách đây 2 năm do bị bệnh thần kinh, người nhà đã đi tìm nhiều lần nhưng không tìm được.

Ngay sau đó, người nhà đã vào Nghệ An làm thủ tục đón bà này về lại quê nhà. Điều đáng nói, trước đó, vào ngày 14-6-2017, khi bà Hường xuất hiện trên địa bàn xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, người dân sở tại cũng đã vây bắt, giao nộp Cơ quan công an vì cho rằng bà này đang có hành vi dùng khăn voan tẩm thuốc mê để bắt cóc trẻ em. Sự việc sau đó được minh oan, bà này được thả vì xác định thần kinh không bình thường nhưng một thời gian sau lại vị nghi ngờ về hành vi tương tự.

Cần tỉnh táo và ứng xử có văn minh

Cũng liên quan đến việc “bắt nhầm” đối tượng nghi bắt cóc trẻ em, ngày 12-2-2017, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh một người phụ nữ khoảng 35 tuổi, mặc áo chống nắng sẫm màu, bịt kín mặt, bị một số người dân tại xóm 16, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) truy đuổi, thậm chí bắt trói lại vì cho rằng người này lang thang ở địa phương với mục đích bắt cóc trẻ em.

Ngay sau đó, cơ quan Công an vào cuộc xác minh người này có vấn đề không bình thường về thần kinh, sau khi tìm hiểu được quê quán, Công an xã Diễn Yên đã đón xe cho chị này về lại quê nhà ở Ninh Bình.

Có thể khẳng định rằng, thời gian gần đây tại một sô địa phương trong cả nước, hiện tượng trẻ em bị bắt cóc xảy ra là có thật. Tuy nhiên, tinh chất, mức độ của từng vụ việc hoàn toàn không giống nhau. Cũng hoàn toàn không có chuyện bắt cóc trẻ em để đưa lên biên giới bán lấy nội tạng như các trang mạng xã hội cảnh báo.

Chính vì lẽ đó, tâm lý cảnh giác với loại tội phạm này của người dân được nâng cao là rất đáng hoan nghênh, bởi không ai bảo vệ con cái bằng chính cha mẹ. Dù vậy, cảnh giác nhưng phải hết sức tỉnh táo, đừng để bản thân bị kích động, hùa theo đám đông để vu oan, bôi nhọ danh dự cho người khác để trở thành vi phạm pháp luật.

Những hình ảnh trong các video clip về việc bắt giữ những người nghi bắt cóc trẻ em tại Nghệ An, với các hành động như bắt trói giật 2 tay sau lưng, gí dao bầu vào cổ, vào mặt để tra khảo, ép buộc phải thừa nhận hành vi phạm tội, không chỉ phản cảm mà còn vượt ngưỡng cho phép của luật pháp, là xâm hại nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người khác.

Sẽ xử lý những cá nhân tung tin đồn nhảm

Trở lại với vụ việc các anh Đào Đình Vinh và Nguyễn Hữu Hùng từ Hải Dương vào tỉnh Quảng Bình mưu sinh nhưng bị nghi là bắt cóc trẻ em dẫn đến bị đánh hội đồng, phải nhập viện cấp cứu, Thượng tá Lê Văn Hóa, Trưởng Công an TX. Ba Đồn cho rằng, người dân hoang mang, bị kích động dẫn đến hành động đánh người là do hiệu ứng từ một số trang báo mạng và mạng xã hội thông tin về việc cháu Trần Trung Nghĩa mất tích là do bị bắt cóc.

Theo nhận định của Thượng tá Hóa, đây là hành động vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm cho xã hội. Đó cũng là hệ quả tất yếu của việc đưa thông tin chưa được kiểm chứng đã gây ra những hiệu ứng xấu cho xã hội.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến vấn đề tung tin thất thiệt về bắt cóc trẻ em, Công an tỉnh Quảng Bình hiện củng cố hồ sơ để ra quyết định xử phạt một số cá nhân đã đăng tải và chia sẻ những thông tin bịa đặt, không chính xác, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội.

Công an TP Hà Tĩnh khuyến cáo cảnh giác tội phạm bắt cóc trẻ em.

Theo Công an Quảng Bình, tin đồn về việc bắt cóc trẻ em thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình là không có kiểm chứng. Mặc dù vậy, nhiều trang Facebook cá nhân vẫn đưa tin, cho rằng  đã có nhiều cuộc bắt cóc trẻ em trên địa bàn (dù không thành), thậm chí còn có thông tin bắt trẻ con bán lấy nội tạng...

Không chỉ làm cho người dân hoang mang, lo lắng mà còn ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Một số kẻ xấu nhân cơ hội này cũng đã tìm cách để quấy phá, dù qua kiểm tra xác minh, kết quả cho thấy những thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, không chính xác.

Ở một địa phương khác, tại tỉnh Hà Tĩnh, từ cuối năm 2016 đến nay, theo trình báo của người dân thì ít nhất đã xảy ra 3 trường hợp bắt cóc trẻ em hụt ở TP Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh. Do đó, Công an TP. Hà Tĩnh đã 2 lần phát đi khuyến cáo và đưa ra một số quy tắc để những người làm cha, mẹ biết cách bảo vệ con của mình.

Mới đây nhất, vào ngày 10-7-2017, trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị này đã đăng tải bài viết với nội dung: “Trước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng loại tội phạm bắt cóc trẻ em, gần đây nhất là vụ bắt cóc cháu bé ở Quảng Bình đã làm cho các bậc cha mẹ vô cùng hoang mang, phẫn nộ trước hành vi của loại tội phạm này. Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này chủ yếu là lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ nhỏ và sơ hở của người lớn để thực hiện hành vi phạm tội của chúng.

Trước tình hình đó, thông qua tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, Công an TP. Hà Tĩnh khuyến cáo một số quy tắc để những người làm cha mẹ biết cách bảo vệ con của mình”.

Luật sư Vinh Diện, Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự tại TP Vinh (Nghệ An) cho rằng, người dân nêu cao cảnh giác trước thủ đoạn của các loại tội phạm ngày nay là việc làm rất đáng hoan nghênh, trong đó có tội phạm bắt cóc trẻ em. Thực tế cho thấy, loại tội phạm này đã và đang xảy ra, bằng chứng là tháng 1-2016, Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố đối tượng Trần Thanh Thúy (26 tuổi), từ Vũng Tàu ra Nghệ An có hành vi bắt cóc trẻ em.

Trước đó, tháng 10-2016, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp Công an huyện Diễn Châu, phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh từ Đồng Nai ra Bắc Giang để bán. Tuy nhiên, đề cao cảnh giác nhưng cần bình tĩnh và ứng phó có văn minh, văn hóa với thông tin và cả người bị nghi ngờ có hành vi bắt cóc trẻ em để không xảy ra các hành vi đáng tiếc, nhất là trong trường hợp có đông người tụ tập như một số vụ việc xảy ra tại Nghệ An,Quảng Bình trong thời gian vừa qua.

Thiên Thành
.
.