Người dân và chính quyền đều bức xúc với "hung thần xe ben"
- CSGT vừa rút, xe ben quá tải lại hoành hành3
- Sẽ tách làn đường với “hung thần” xe ben
- Xe ben mất lái tông liên hoàn
Công an quận Cẩm Lệ cho biết: Tính bình quân, mỗi ngày trên địa bàn quận này có đến 4.000 lượt xe lưu thông, trong đó chủ yếu vẫn là xe ben chở đất để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng tại các công trình xây dựng. Những đoàn xe này chủ yếu hoạt động tại tuyến đường Trường Sơn - Quốc lộ 1A đoạn Hoà Nhơn - Hòa Cầm, đường Cách mạng Tháng Tám, đường Võ Chí Công, thuộc quận Cẩm Lệ.
Sau vụ tai nạn hết sức thương tâm xảy ra vào ngày 6/3/2016 tại vòng xoay nối giữa đường Nguyễn Hữu Thọ với cầu Nguyễn Tri Phương làm một phụ nữ chết tại chỗ. Vụ tai nạn giao thông này đã như giọt nước tràn ly, làm dư luận ở thành phố Đà Nẵng hết sức bức xúc.
Một ngày sau vụ tai nạn thương tâm nói trên, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã triệu tập một cuộc họp liên ngành khẩn cấp để bàn giải pháp hạn chế tai nạn do xe ben chở đất gây ra. Tại cuộc họp này, Ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu Giám đốc Sở GTVT lắp đặt ngay các biển báo về hạn chế tốc độ, cảnh báo tại những nơi dễ xảy ra tai nạn. Yêu cầu Phòng CSGT (Công an TP Đà Nẵng) phối hợp với Sở GTVT tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với loại hình xe ben, xe tải vi phạm tốc độ, tải trọng…
Từng đoàn xe ben chạy trên đường phố Đà Nẵng. |
Đặc biệt, sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, nếu như tình trạng TNGT liên quan đến xe tải ben không giảm, hoạt động vận chuyển của xe tải ben không được chấn chỉnh thì Thành ủy, UBND thành phố sẽ thuyên chuyển công tác hoặc cách chức (tùy theo mức độ) đối với Giám đốc Sở GTVT, Bí thư quận uỷ và Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ. Ông Nguyễn Xuân Anh cũng đã công khai số điện thoại di động và địa chỉ email để người dân kịp thời phản ánh tình trạng hoạt động của xe ben chở đất trên địa bàn.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên & Môi trường có kế hoạch kiểm tra các mỏ đất để cần thiết sẽ rút giấy phép đối với những mỏ có xe ben gây tai nạn.
Thực ra, việc người dân bức xúc trước thực trạng mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt xe ben chở đất phóng bạt mạng trên đường phố đã xảy ra từ nhiều năm trước. Người dân trong vùng bị xe ben “oanh tạc” đã nhiều kêu cứu đến cơ quan chức trách. Thành phố ban hành quy định mỗi chiếc xe ben chở đất phải xịt rửa 8 lần mỗi ngày để hạn chế bụi bẩn.
Chính quyền huyện Hòa Vang (địa bàn có nhiều xe ben hoạt động) đã kiểm tra, xử phạt hàng chục doanh nghiệp kinh doanh vận tải với số tiền vài chục triệu đồng... thế nhưng, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu và gây ô nhiễm môi trường của đội ngũ “hung thần xa lộ” này vẫn không hề thay đổi. Chỉ đến khi nào người dân ven đường kêu quá, hoặc dùng chướng ngại vật để chặn xe thì những đơn vị có trách nhiệm mới thực hiện việc tưới nước trên đường để giảm bụi.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng có đến 50 mỏ khai thác đất, đá hằng ngày hoạt động hết công suất (trong số này chỉ có 13 mỏ đất, đá có giấy phép khai thác). Vì vậy, trong suốt 24 giờ mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt xe tải ben có tải trọng từ vài tấn đến vài chục tấn lưu thông qua địa bàn. Một phần do sự hối thúc của chủ để đạt tiến độ san lấp mặt bằng công trình, một phần do sự tranh giành giữa các đoàn xe với nhau để chạy được càng nhiều chuyến trong ngày càng tốt nên đa số những chiếc xe tải ben khi lưu thông trên đường đều mắc phải những lỗi như: Chạy quá tốc độ cho phép; cơi nới thùng xe vượt quá mức cho phép; chở quá tải trọng; sử dụng còi hơi trong khu vực nội đô; lấn vượt không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ; làm rơi vãi đất đá xuống lòng đường...
Biển báo giảm tốc độ được gắn để… chống xe ben chạy ẩu. |
Vấn nạn này đã làm cho những cơ quan chức năng rất nhọc công trong việc giải quyết và từ nhiều năm qua đã khiến người dân ở huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, quận Liên Chiểu... trở thành nạn nhân của ô nhiễm môi trường. Qua sự vụ một công ty khai thác đất núi để san lấp mặt bằng cho khu đô thị mới, vì lợi nhuận, vì sự hối thúc của chủ dự án mà đã bất chấp đạo lý đào đi của người dân đến 400 ngôi mộ vừa xảy ra ở địa bàn xã Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, là một minh chứng cho thấy nhu cầu cần đất để phục vụ các công trình ở Đà Nẵng đang lên cơn sốt như thế nào.
Ngày 10-3, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) phối hợp cùng Công an thành phố, Sở GTVT có buổi đối thoại với các chủ doanh nghiệp vận tải và chủ mỏ đất, đá để tháo gỡ tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thời gian qua. Cuộc họp diễn ra sau khi Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng ra “tối hậu thư” sẽ cách chức Giám đốc Sở GTVT và lãnh đạo quận Cẩm Lệ, nếu tai nạn xe ben không giảm trong thời gian tới.
Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch quận Cẩm Lệ cho biết, “từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã xử phạt hơn 560 xe ben vi phạm. Đặc biệt ở nút giao thông Cách mạng Tháng Tám - cầu Nguyễn Tri Phương (quận Cẩm Lệ) đã trở thành “điểm đen” giao thông, khi đã xảy ra 4 vụ tai nạn khiến 4 người chết. Cuộc đối thoại này đã mời 56 doanh nghiệp có xe ben và chủ mỏ đất đá nhưng chỉ có 35 doanh nghiệp đến!?
Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng nêu nguyên nhân khiến Đà Nẵng tăng tai nạn chết người trong thời gian qua là do xe tải ben phải cắt thùng hạ tải nên tăng chuyến. Trên đường, các xe tải ben tranh giành nhau nên chạy ẩu. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp thiếu giám sát để tài xế tự do…
Ông Nguyễn Đăng Huy - Phó Giám đốc Sở GTVT đề nghị: Trước mắt, để giảm thiểu quá tải xe ben vào giờ cao điểm cho đường Cách mạng Tháng Tám, Sở TNMT nên yêu cầu các mỏ đất đá phải hạn chế không cho xe ben rời khỏi mỏ trong khung giờ này... Ngoài ra yêu cầu các chủ doanh nghiệp lắp camera hành trình để quản lý tài xế của mình…
Về việc quản lý tài xế xe ben, ông Lê Văn Sơn nói thêm, “đích thân tôi đã nghe nhiều ý kiến người dân về việc có nhiều tài xế xe ben dùng ma túy. Nếu có thật thì rất nguy hiểm. Ông Sơn đề nghị, sắp tới lực lượng Công an và Sở GTVT tiến hành xét nghiệm ma túy đối với các tài xế của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào có nhiều trường hợp tài xế sử dụng ma túy sẽ thu hồi giấy phép hoạt động”.
Còn Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP Đà Nẵng thì nói: “Các mỏ đất đá phải phối hợp việc hạn chế xe ben rời khỏi mỏ vào giờ cao điểm.
Ngay sau cuộc họp khẩn của chính quyền thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn quận Cẩm Lệ đã được lắp đặt thêm nhiều biển báo. Cụ thể, các biển báo quy định tốc độ trên tuyến này đã được thay mới, tốc độ cho phép đối với các loại xe tải là 40km/h (trong khi quy định của Bộ GTVT là 50km/h với xe ben và 60km/h với ôtô). Xung quanh vòng xoay cầu Nguyễn Tri Phương, nhiều đèn tín hiệu cảnh báo mới được lắp đặt, đồng thời lắp thêm biển quy định tốc độ khi ôtô lưu thông qua đây là 30km/h.
Chúng tôi đã mang nỗi bức xúc của người dân về thực trạng xe ben chở đất liên tiếp gây tai nạn trên địa bàn Đà Nẵng để trao đổi với Đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng CSGT - Công an Đà Nẵng. Đại tá Ngọc cũng đồng tình rằng: Tình trạng xe ben chở quá tải, nhất là các xe chở đất phục vụ công trình, dự án luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người, bên cạnh đó, sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một số xe tải đã khiến dư luận bất bình. Hậu quả của những tài xế xe tải phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Những vụ tai nạn thương tâm do xe ben chở đất gây ra. |
Đại tá Lê Ngọc cho biết: Vào thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có 35.000 xe cơ giới, trong đó trên 1.000 chiếc thường xuyên chở đất, đá, vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, thời điểm này lại xuất hiện nhiều đầu xe có hành vi cơi nới thùng nhằm mục đích chở hàng quá tải, nhất là ô tô tải ben tự đổ, ô tô xi téc, ô tô tải có mui (Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đã phát hiện 500 xe vi phạm lỗi này). Từ thực trạng này cộng thêm ý thức chấp hành luật giao thông của tài xế khi tham gia giao thông chưa cao sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn...
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì những gì làm được vẫn chưa mang lại sự an tâm thực sự cho người dân Đà Nẵng. Bởi lẽ, tài xế chỉ chấp hành chạy đúng tốc độ cho phép, phủ bạt khi chở đất, đá lưu thông những lúc có lực lượng Cảnh sát giao thông lập chốt. Những lúc khác, những chiếc xe ben chở đất này vẫn phóng như tên bắn trên đường gây nên sự sợ hãi và bức xúc trong người dân. Đất, đá từ các mỏ khai thác chở về thành phố vẫn bị rơi vãi dọc đường gây ô nhiễm.
Chúng tôi hy vọng rằng, các cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra việc khai thác, vận chuyển đất đá từ các mỏ đến các công trình đang thi công. Lực lượng cảnh sát giao thông phải thường xuyên triển khai lực lượng kiểm tra phương tiện, đo tốc độ phương tiện trong lúc lưu thông và xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và lãnh đạo công an địa phương.