Đề xuất xử lý hình sự với lái xe say rượu:

Người say có phải là tội phạm?

Thứ Ba, 28/04/2015, 11:25
Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100mg/100ml máu hoặc vượt quá 04mg/1 lít khí thở. Đề nghị này lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều…

Say rượu lái xe là phạm tội?

Lý giải về việc đề nghị xử lý hình sự với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 100mg/100ml máu hoặc hơi thở vượt quá 04 mg/1 lít khí thở, Bộ GT-VT đưa ra dẫn chứng, những năm qua, trên toàn quốc có 45% số vụ tai nạn mà nguyên nhân xuất phát từ uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

"Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, để có chế tài phù hợp với hành vi nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người điều khiển phương tiện khi điều khiển xe có nồng độ cồn cao hơn mức quy định, đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho xã hội, cần bổ sung vào Bộ luật Hình sự (BLHS) tội điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định".

Theo Bộ GT-VT, quy định bổ sung hành vi điều khiển xe trên đường nhưng trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định để truy cứu trách nhiệm hình sự vào BLHS góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới; đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho xã hội.

Bộ GT-VT cũng dẫn ra ví dụ một số quốc gia như Cộng hòa Séc, Rumania, Hungari, Slovakia đã cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe; tại Pháp, Thụy Điển đã áp dụng hình thức phạt tù với lỗi uống rượu, bia quá mức.

"Ở Trung Quốc, lái xe có thể bị phạt tới 3 năm tù nếu uống rượu, bia quá nồng độ cho phép. Nước Đức cấm hoàn toàn việc uống rượu bia với lái xe mới nhận bằng, nếu không chấp hành có thể bị phạt tù ngay, muốn lấy lại bằng thì phải thi lại khó hơn. Tại Anh, người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá quy định sẽ bị phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm, phạt 5.000 bảng, cấm lái xe 1 năm; trường hợp nghiêm trọng dẫn đến chết người mức phạt có thể tới 14 năm tù, cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn".

Với quy định pháp luật hiện hành rất khó xử lý hình sự lái xe say rượu.

Từ những dẫn chứng này, Bộ GT-VT kiến nghị bổ sung áp dụng khoản 4 Điều 202 BLHS quy định hình phạt đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông như sau: "Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nguy hiểm nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm" đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100mg/100ml máu hoặc vượt quá 04mg/1 lít khí thở.   

Có khả thi?

Vấn đề đặt ra là đề xuất này có phù hợp với pháp luật Việt Nam hay không?

Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, cho rằng đề xuất này không phù hợp với thực tế, bởi không thể xử lý hình sự hành vi vi phạm hành chính.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng đề xuất này chưa phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong cấu thành tội phạm. Theo lý luận về tội phạm, những nhóm tội liên quan đến tai nạn giao thông thuộc nhóm tội phạm có cấu thành vật chất. Nghĩa là dấu hiệu hành vi chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm đó mà đòi hỏi phải có cả dấu hiệu gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả xảy ra là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Điều 202 BLHS quy định tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: "Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm…".

Luật sư Nguyễn Anh Thơm dẫn ra Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán, hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS, theo đó: "Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 BLHS".

Cụ thể, người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Hoặc phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Gây hậu quả rất nghiêm trọng. Trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Vì vậy, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng không thể xử lý hình sự hành vi say xỉn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nếu không gây hậu quả nghiêm trọng theo luật định. "Hành vi say rượu khi lái xe đã được điều chỉnh bởi quy định xử phạt hành chính. Muốn khởi tố về điều khiển phương tiện giao thông thì phải định nghĩa rõ trong luật: "Như thế nào là điều khiển phương tiện khi say?", bởi nó còn liên quan đến khả năng thích nghi cơ địa của từng người. Có người uống với nồng độ đó thì họ vẫn bình thường, nhưng với người khác thì đã quá say.

Vấn đề xác định này, chỉ có cơ quan chuyên môn trong y học mới phân định một cách rõ nét. Vì vậy, đề xuất bỏ tù người say rượu điều khiển phương tiện giao thông trong tình hình hiện nay là chưa phù hợp với các quy định của BLHS.

Với quy định pháp luật hiện hành rất khó xử lý hình sự lái xe say rượu.

"Với mức độ phổ biến tình trạng sử dụng rượu bia tham gia giao thông như  hiện nay thì  để có thể xử lý hành vi này bằng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thì mất quá nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc xử lý. Bởi để xử lý được hành vi này, cũng bắt đầu từ việc phát hiện tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Như vậy liệu các cơ quan tư pháp của chúng ta với lực lượng như hiện nay có đảm đương và dành thời gian để giải quyết loại vụ án này hay không? Do đó chúng ta có thể tăng mức xử phạt hành chính thật nặng hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông".

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, thì băn khoăn khi đặt câu hỏi: "Việc đề xuất này căn cứ trên công trình nghiên cứu nào? Các phương án đề xuất về  biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông như tịch thu xe, hình sự hóa…  thể hiện sự lúng túng, bế tắc trong quản lý giao thông".

Theo ông Kiệm đề xuất xử lý hình sự lái xe say rượu là đề xuất phần ngọn. Giao thông và an toàn giao thông rất khác với các loại hình khác, chủ yếu  phải tính từ các biện pháp ngăn ngừa, ngăn chặn chứ không phải là biện  pháp răn đe, trừng phạt. Nếu phát hiện ra lái xe có nồng độ cồn cao cần phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ hành chính, tạm giữ phương tiện.

Nhìn nhận từ góc độ một chuyên gia pháp luật, Đại tá Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế, Cải cách thủ tục hành chính và tư pháp Bộ Công an, cho rằng ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm phải xử lý nghiêm khắc với người say rượu điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này có một số vấn đề phải đặt ra.

Tại Khoản 4 Điều 202 BLHS đã quy định vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Vấn đề đặt ra ở đây thế nào là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng"? Năm 2013, Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đã có Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT Hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

Tại Điều 2 của thông tư này đã hướng dẫn "Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt", theo đó "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" là làm chết từ 3 người trở lên; làm chết 2 người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này; Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này; Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỉ 500 triệu đồng trở lên…

Theo Đại tá Trần Thế Quân, các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông thuộc nhóm tội phạm có cấu thành vật chất, phải có hậu quả xảy ra mới có căn cứ xác định được mức độ phạm tội. Để khép một người vi phạm vào một tội danh cụ thể cần có quá trình điều tra, truy tố, xét xử chứng minh hành vi ấy cấu thành tội phạm. Do đó, sẽ rất khó xác định thế nào là khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nguy hiểm nếu không được ngăn chặn kịp thời đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 100mg/100ml máu hoặc vượt quá 04mg/1 lít khí thở. Bởi sẽ có trường hợp người có nồng độ cồn như vậy nhưng  không gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì xử lý thế nào? Vì vậy Đại tá Trần Thế Quân cho rằng với quy định pháp luật hiện hành, đề xuất này là quá sớm.

Nguyễn Thiêm
.
.