Nhà khoa học lừng danh Stephen Hawking tẩy chay Israel

Thứ Ba, 21/05/2013, 03:50

Quyết định không tham gia một hội nghị khoa học lớn của Israel sẽ được tổ chức vào tháng 6 năm nay của nhà khoa học lừng danh thế giới Stephen Hawking để phản đối chính sách sai trái của Israel đối với người Palestine lại đang khiến cho cả nước Israel và cộng đồng mạng lên cơn sốt tranh cãi ầm ĩ, và phỉ báng cũng thật tệ hại.

Theo thông báo của Đại học Cambridge, quyết định không tham gia Hội nghị Presidential Conference (Hội nghị Tổng thống) do Israel tổ chức của giáo sư - tiến sĩ Stephen Hawking, ngoài vấn đề sức khỏe thì lý do chính trị là quan trọng nhất. Tiến sĩ đã viết 2 bức thư, một gửi cho các nhà tổ chức Hội nghị Tổng thống và một gửi cho Ủy ban Các trường đại học Anh ở Palestine để thông báo việc mình không tham gia hội nghị sẽ diễn ra tại Jerusalem từ ngày 18 đến 20/6/2013.

Trong bức thư gửi trực tiếp cho Tổng thống Israel Simon Peres đề ngày 3/5/2013, tiến sĩ Hawking giải thích rằng, ban đầu, khi nhận được lời mời tham gia hội nghị, ông đã nhận lời và dự định phát biểu ý kiến về vấn đề hòa bình Trung Đông. Tiến sĩ Hawking cho biết, ông đã dự định đến hội nghị để tuyên bố chính sách của Chính phủ Israel là một sai lầm có thể dẫn đến thảm họa, nhưng sau khi nhận được e-mail của một số học giả Palestine, ông đã quyết định rút lui.

Hành động phản đối của tiến sĩ Hawking là để đáp lại lời kêu gọi của một tổ chức của người Palestine có tên gọi là Phong trào Tẩy chay, Gạt bỏ và Trừng phạt (Boycott, Divestment and Sanctions - BDS) được thành lập vào năm 2005, do các tổ chức xã hội công dân Palestine đứng ra tổ chức nhằm vận động cộng đồng quốc tế, những người có lương tri trên toàn thế giới, ủng hộ sự nghiệp giành độc lập của người Palestine.

Kết quả hoạt động mới đây  nhất của BDS là việc cỗ máy tìm kiếm trên mạng Internet lớn nhất toàn cầu Google thay đổi chuỗi từ khóa tìm kiếm tự động từ Palestine territories (các vùng lãnh thổ Palestine) thành một từ Palestine (ám chỉ một quốc gia độc lập). Và giáo sư - tiến sĩ Hawking là một trong những nhân vật uy tín nhất mà tổ chức này vận động được để tẩy chay Israel.

Xin nói thêm về giáo sư - tiến sĩ Stephen Hawking. Ông hiện đang giảng dạy chính thức tại Đại học Cambridge, Anh. Tuy bị tật nguyền suốt đời (bại liệt toàn thân, chỉ giao tiếp được bằng mắt và ý nghĩ), nhưng ông vẫn nghiên cứu thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm vật lý, thiên văn học và khoa học vũ trụ.

Tác phẩm khoa học nổi tiếng và bán chạy nhất thế giới "A Brief History of Time: From the Big Bang to Black Holes" (Lược sử thời gian: Từ Vụ nổ lớn đến các Hố đen) đã đưa tên tuổi tiến sĩ Hawking đi vào huyền thoại của giới khoa học đương đại như một tấm gương nghị lực phi thường, vượt lên sự nghiệt ngã của số phận để đạt đến đỉnh cao nghiên cứu khoa học. Lẽ đương nhiên, mỗi một quyết định, mỗi một phát biểu của con người vĩ đại này đều có sức nặng nghìn cân.

Sự việc ầm ĩ bắt đầu bùng nổ trên mạng Internet và trên báo chí Israel từ hôm 8/5 vừa qua, sau khi bức thư của tiến sĩ Hawking gửi Tổng thống Peres được tiết lộ công khai. Báo chí Israel không ngớt đăng tải những lời phát biểu, những bài viết với giọng điệu hằn học, dùng nhiều lời lẽ cay độc của giới khoa học, học thuật Do Thái cũng như giới chức chính quyền Israel dành cho giáo sư tiến sĩ Stephen Hawking và quyết định tẩy chay của ông.

Trong khi đó, cộng đồng mạng chia làm 2 phe: ủng hộ và phản đối giáo sư Hawking. Những người ủng hộ hoan nghênh quyết định của ông là "sáng suốt, đúng đắn". Tuy nhiên, phía Israel và một số tổ chức phương Tây thân Israel thì không tiếc lời phê phán, thậm chí phỉ báng tiến sĩ Hawking. Người ta sẵn sàng dùng cả những từ ngữ thiếu tôn trọng, thậm chí nhẫn tâm chế giễu tình trạng tật nguyền của giáo sư "cho hả giận". Thật tệ!

Giáo sư tiến sĩ Stephen Hawking nói chuyện với Thủ tướng Israel Ehud Olmert trong một chuyến thăm Israel vào năm 2006.

Hội nghị Tổng thống - một hội nghị khoa học danh giá của Israel do Tổng thống Simon Peres sáng lập, được tổ chức hàng năm từ năm 2008 đến nay. Hội nghị thường quy tụ những nhân vật có uy tín, người của công chúng trên các lĩnh vực từ văn hóa văn nghệ, kinh tế, chính trị, xã hội, nghiên cứu khoa học,… tham dự để bàn về các vấn đề mang tính toàn cầu; phân tích, nhận định những thách thức trong tương lai. Lấy chủ đề là "Đối mặt với ngày mai - Nhân tố con người định dạng tương lai", Hội nghị năm được Chủ tịch hội nghị Israel Maimon "quảng cáo" rất hoành tráng, dự kiến có khoảng 5.000 người thuộc nhiều lĩnh vực  tham dự.

Đặc biệt, hội nghị còn dự kiến tiếp đón các nhân vật từng gây nhiều tranh cãi trong quá khứ, như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev,…

Cần lưu ý rằng, Hội nghị Tổng thống được tổ chức tại thành phố Jerusalem, một địa điểm nhạy cảm trong tranh chấp lãnh thổ giữa Palestien và Israel. Với thành phần tham dự bao gồm các nhân vật uy tín và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, việc chọn thành phố này để tổ chức hội nghị cũng là một ý đồ chính trị thâm độc của Israel: từng bước hợp thức hóa thành phố Jerusalem (bao gồm cả Đông Jerusalem) thành thủ đô mới của Israel

Văn Trương (tổng hợp)
.
.