“Nhà nước tự trị Kurdistan” - giấc mơ không có thật!

Thứ Năm, 02/11/2017, 11:43
Gần đây, khi cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq đã đến hồi kết thúc thì dư luận thế giới lại nóng lên về vấn đề người Kurd cùng với nguyện vọng của họ là thành lập một nhà nước cho riêng mình. Iraq cương quyết bác bỏ yêu sách này, thậm chí còn liệt “đảng Công nhân người Kurd” (PKK) vào danh sách khủng bố.

Và mặc dù phía Mỹ từ lâu đã coi người Kurd là đồng minh tích cực nhất trong cuộc chiến chống IS nhưng xem ra, Chính phủ Mỹ cũng chẳng mặn mà gì lắm với viễn cảnh một quốc gia Kurdistan độc lập...

Lịch sử người Kurd

Là một nhóm dân tộc hiện diện trên lãnh thổ của cả 4 quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và Iraq tại Trung Đông, người Kurd chủ yếu cư trú trên một vùng đất kéo dài từ đông, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ mà họ gọi là “bắc Kurdistan” đến tây Iran (đông Kurdistan), bắc Iraq (nam Kurdistan) và bắc Syria (tây Kurdistan hay Rojava). Nếu đứng về phương diện ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, người Kurd được xem là một dân tộc trong nhóm dân tộc Iran nhưng lại không được xem là công dân Iran.

Những nữ chiến binh Đảng Công nhân người Kurd.

Thế chiến 2 kết thúc, tại Hội nghị Hòa bình San Francisco diễn ra vào năm 1945, đại diện người Kurd đã đề nghị các nhà lãnh đạo Đồng minh xem xét lãnh thổ của họ, gọi là Kurdistan, kéo dài từ bờ biển Địa Trung Hải gần Adana đến bờ vịnh Ba Tư gần Bushehr và bao gồm cả các khu vực có người Kurd ở Lur Zagros. Tuy nhiên, đề nghị này không được hội nghị thảo luận một cách chính thức.

Theo ước tính, hiện có khoảng 30 đến 32 triệu người Kurd trên toàn thế giới, đa số sống tại vùng tự trị Kurdistan thuộc Iraq. Bên cạnh đó, còn có những cộng đồng người Kurd tại một số thành phố phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Istanbul, cũng như ở Iran, Syria, Azerbaijan, Armenia, Liban, Đức, Pháp...

Khi chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra (1991), liên quân do Mỹ dẫn đầu đã thiết lập một khu vực an toàn cho người Kurd tại miền bắc Iraq. Và khi quân đội Iraq rút ra khỏi 3 tỉnh miền bắc hồi năm 1992, “Nhà nước Kurdistan” nổi lên như một thực thể tự trị bên trong lãnh thổ Iraq với hệ thống chính quyền trung ương, địa phương và quốc hội của riêng mình.

Khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm Mosul năm 2014 rồi biến nơi này thành “Vương triều Caliphate Iraq”, người Kurd nhanh chóng tham chiến vì họ e rằng khu vực tự trị của họ cũng sẽ bị IS thôn tính. Được sự yểm trợ về vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng và tài chính của Mỹ, người Kurd lần lượt chiếm được nhiều vùng đất quan trọng, có nhiều mỏ dầu từ tay IS.

Và cũng chính vì những mỏ dầu và cuộc trưng cầu dân ý để tiến tới thành lập Nhà nước Kurdistan mà ngày 16-10-2017, quân đội Iraq đã tung ra những cuộc tấn công, chiếm lại với lý do vùng này xưa nay vốn thuộc về Iraq..

Người Kurd với khẩu hiệu “Kurdistan không phải là Iraq”.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu giới cầm quyền vẫn lo sợ một “Nhà nước người Kurd” ở Iraq sẽ khuyến khích cũng như sẽ hỗ trợ các nhóm đòi ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 1980, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chính thức cấm sử dụng tiếng Kurd trong giao tiếp công cộng. Những người nói tiếng Kurd hoặc xuất bản sách báo bằng tiếng Kurd, ca hát bằng tiếng Kurd đều bị xử lý.

Các đảng phái chính trị đại diện cho quyền lợi người Kurd như “đảng Công nhân người Kurd” (PKK), “đảng Dân chủ Nhân dân” (HDP), “đảng Dân chủ Kurdistan” (KDP), “Liên minh yêu nước Kurdistan” (PUK), “đảng Liên minh Dân chủ người Kurd” (PYD) các tỉnh của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ được đặt trong tình trạng thiết quân luật, cũng bị cấm hoạt động. Lương thực, thực phẩm bị cấm vận. Sự kiện này kéo dài suốt thập niên 90 cho đến đầu những năm 2000.

Hệ quả là một cuộc chiến tranh du kích do PKK lãnh đạo đã diễn ra, trong đó hàng nghìn ngôi làng của người Kurd bị phá hủy bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 20.000 người Kurd đã bị giết trong các vụ bạo lực và hàng trăm nghìn người khác phải sơ tán. Chỉ đến lúc Mỹ đưa quân vào Iraq, lật đổ Thổng thống Saddam Hussein thì Thổ Nhĩ Kỳ mới thay đổi quan điểm bằng các cuộc tiếp xúc với Chính phủ khu vực tự trị Kurdistan.

Tại Syria, cộng đồng người Kurd từ lâu sinh sống ở những vùng phía bắc nước này. Khi IS chiếm thành phố Raqqa rồi lập lên cái gọi là “Vương triều Caliphate Syria”, các đơn vị Tự vệ Nhân dân (YPG) - là cánh quân sự của đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) đã tiến hành chống trả và đã giành được nhiều chiến thắng quan trọng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại xem PYD như là tổ chức mẹ của PKK tại Syria nên họ tích cực phản đối việc xây dựng một nhà nước của người Kurd ở Syria vì lo ngại điều này sẽ kích động người Kurd ở ngay trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên sau đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhận ra rằng “Nhà nước Kurdistan” như một vùng đệm giữa họ và Syria nên Huseyin Celik, người phát ngôn của đảng cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lời bình luận với tờ Financial Times, cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chấp nhận một lãnh thổ Kurd Syria độc lập.

Tương lai nào cho “Nhà nước Kurdistan”

Ngày 25-9-2017, chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq tổ chức trưng cầu dân ý. Kết quả là hơn 91% cử tri ủng hộ quan điểm Kurdistan độc lập. Đến ngày 15-10, lãnh đạo Khu tự trị người Kurd Iraq - KGR - lên tiếng cảnh báo về một cuộc tấn công sắp diễn ra của quân đội Iraq vào khu vực kiểm soát của họ.

Trước đó, Baghdad đã cáo buộc Chính phủ tự trị Kurd sử dụng các nhóm “phi nhà nước”, đặc biệt là “đảng Công nhân người Kurd” để bảo vệ thành phố Kirkuk. Baghdad gọi việc này là “động thái chiến tranh của KRG”. Mâu thuẫn chính trị giữa người Kurd và chính quyền Baghdad càng lúc càng căng thẳng khi ngày 11-10, Thủ tướng Iraq được Quốc hội chấp thuận quyền đưa quân đến khu vực dầu mỏ tranh chấp ở tỉnh Kirkuk do người Kurd kiểm soát.

Cùng với đó, Tòa án Tối cao Iraq đã quyết định bắt giữ các nhà lãnh đạo và các thành viên Ủy ban Độc lập tối cao trưng cầu dân ý về nền độc lập ở khu tự trị của người Kurd. Chính phủ Iraq tuyên bố cuộc trưng cầu này là bất hợp pháp, vi hiến, và khẳng định rằng họ sẽ không đàm phán với chính quyền khu vực về quyền tự trị cho đến khi kết quả bỏ phiếu bị bãi bỏ. Đồng thời Baghdad cũng không loại trừ việc sử dụng các biện pháp quân sự nếu độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Iraq bị xâm phạm.

Các nước láng giềng với Iraq, nơi có nhiều người Kurd sinh sống như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran cùng với nước Mỹ và ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng phản đối cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Kurdistan Iraq.

Quân đội Iraq tiến vào thành phố Kirkuk.

Đáp lại, giới lãnh đạo lực lượng vũ trang người Kurd (thường được gọi là Peshmerga) lập tức tuyên bố một cách cứng rắn, rằng họ sẵn sàng chống lại quân đội Iraq nếu quân đội xâm phạm các vùng đất do họ kiểm soát. Người chỉ huy Peshmerga ở Kirkuk là ông Huseyin Yazdanpana, được mệnh danh là “Stalin của người Kurd” cho biết các chiến binh của “đảng Tự do Kurdistan” đồn trú tại Kirkuk sẵn sàng bảo vệ thành phố nếu quân đội Iraq xuất hiện. Ông nói mới chỉ 1 năm trước đây thôi, Kirkuk đã hứng chịu hàng trăm đợt tấn công của IS nhưng đều bị đẩy lùi. Vì vậy, nếu quân đội Iraq tiến vào, người Kurd sẽ không khoanh tay.

Và việc gì phải đến đã đến. ngày 16-10, quân đội Iraq, cảnh sát liên bang và Đơn vị Huy động nhân dân (PMU) chia làm 3 hướng, tiến đánh sân bay quốc tế Kirkuk, căn cứ không quân K1 và Tòa thị chính thành phố Kirkuk. Không chống cự nổi, các chiến binh Peshmerga buộc phải rút lui. Đến chiều, quân đội chiếm thêm thị trấn biên giới Rabi'a thuộc tỉnh Nineveh, cũng là nơi cư trú của người Kurd. Lực lượng Peshmerga tại đây tự rút khỏi các điểm phòng thủ.

Sau đó, quân đội Iraq tiếp tục kiểm soát thị trấn Sinjar và một số làng mạc, thị trấn khác ở tỉnh Kirkuk; đồng thời họ cũng chiếm luôn đập nước Mosul ở gần thành phố thủ phủ của tỉnh Nineveh và cả dải biên giới Rabia của tỉnh này, giáp với biên giới Syria nhằm ngăn chặn sự liên kết giữa Peshmerga và các tay súng người Kurd Syria ở tỉnh al-Hashakah, thuộc Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).

Sáng 17-10, cảnh sát liên bang Iraq chiếm 2 thị trấn biên giới quan trọng ở phía Tây Bắc cao điểm Tal 'Afar và đang chuẩn bị tiến vào thị trấn Zumar gần đó. Như vậy, xem như Iraq đã giành lại quyền kiểm soát tất cả các mỏ dầu ở Kirkuk, đồng thời nắm giữ đường ống dẫn dầu quan trọng đi qua phía bắc Iraq, đến Thổ Nhĩ Kỳ khiến người Kurd không còn tự do xuất khẩu nguồn “vàng đen”,  chiếm một tỉ lệ rất lớn trong ngân sách, vốn được coi là “nồi cơm” của Nhà nước Kurdistan.

Không còn Kirkuk đồng nghĩa với việc nền kinh tế đã khó khăn thì nay càng thêm kiệt quệ. Sản lượng dầu của khu tự trị giảm từ 790.000 thùng/ngày xuống còn 350.000 thùng/ngày. Các công chức người Kurd chỉ nhận được 1/2 hoặc 1/3 mức lương bình thường. Ở khu chợ Irbil, có thể dễ dàng nhìn thấy những cảnh sát giao thông hoặc giáo viên sau giờ làm việc sửa tivi, radio hoặc bán cà phê, bánh mì kebab để kiếm thêm thu nhập.

Ngày 18-10, một phát ngôn viên của Peshmerga là ông Halgurd Hikmat cho biết “biên giới của các vùng lãnh thổ do phía Mỹ và người Kurd kiểm soát sẽ dựa trên các tuyến phân định được vạch ra trước khi bắt đầu hoạt động của họ ở Mosul vào ngày 17-10-2016” - nghĩa là thành phố Kirkuk vẫn thuộc về người Kurd. Thế nhưng Thủ tướng Iraq là ông Haider al-Abadi phát biểu rằng cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của KRG đã trở thành “dĩ vãng”.

Việc Iraq thu hồi lại lãnh thổ là điều hoàn toàn hợp với hiến pháp; người Kurd không được phép chiếm giữ Kirkuk và chính quyền Kurdistan không có quyền ra yêu sách với Baghdad về thành phố này.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thẳng thừng rằng nước Mỹ không ủng hộ ai trong cuộc chiến giữa Peshmerga và quân đội Iraq. Ông Trump nói: “Chúng tôi không tham gia nhưng chúng tôi cũng không thích cái thực tế là họ đang va chạm nhau. Trong nhiều năm, nước Mỹ đã có quan hệ tốt với người Kurd và nước Mỹ cũng ở bên cạnh Iraq dù rằng nước Mỹ không nên ở trong đó...”.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, nếu không được người Mỹ ủng hộ, Nhà nước tự trị Kurdistan sẽ không bao giờ có cơ hội ra đời. Và nếu người Kurd vẫn cố tình theo đuổi mục tiêu của họ thì rất dễ mất tất cả trước khi kịp nhận ra rằng những thứ họ đã có, vẫn còn có thể giữ được...

Cao Trí (theo Al Jazeera)
.
.