Nhân viên Cơ quan Bảo vệ biên giới Mỹ: Xâm hại trẻ em nhập cư trái phép

Thứ Ba, 05/08/2014, 17:10

Tổ chức Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU) cùng với 4 nhóm bảo vệ quyền người nhập cư vừa qua đã gửi đơn kiện đồng thời công bố báo cáo chi tiết về sự việc mà họ gọi là ngược đãi, xâm hại có hệ thống trẻ em nhập cư trái phép bị giam giữ bởi các nhân viên Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) và kiến nghị Bộ An ninh Nội địa (DHS) điều tra để có biện pháp ngăn chặn điều này.

Cô gái 16 tuổi tên là G.G. cho biết đã bị nhân viên CBP ở Texas bắt giữ và bảo rằng em sẽ bị giết chết nếu cố chạy trốn. Một nhân viên còn buộc tội G.G khai gian độ tuổi. G.G. bị CBP giam giữ 9 ngày tại 5 trại giam khác nhau và điều kiện của những trại giam này rất tồi tệ. G.G nôn mửa do chỉ nhận được phần ăn là bánh mì mốc nên cô bị nhân viên CBP buộc tội mang thai và là "kẻ nói dối bẩn thỉu".

Nơi ngủ của G.G là nền đất chỉ được lót tấm giấy mỏng, phòng tắm không có cửa và những thùng rác chứa đầy giấy toilet... Thậm chí, G.G còn bị nhân viên CBP thường xuyên nhiếc mắng: "Mày chỉ là thứ rác rưởi làm ô nhiễm đất nước này".

Đây chỉ là một trong 116 trường hợp khác nhau, song mức độ kinh khủng đều giống như nhau. Những câu chuyện được nêu trong báo cáo của ACLU cho thấy tình trạng ngược đãi trẻ em nhập cư trái phép không có người lớn đi kèm của CBP, cơ quan liên bang bao gồm lực lượng Tuần tra Biên giới, có dấu hiệu lan tràn mất kiểm soát.

Dòng trẻ em phần đông từ Trung Mỹ vượt biên vào bang Texas của Mỹ trong những tháng qua đã trở thành đề tài bàn luận của nhiều người. Theo cuộc điều tra mới đây của tờ Mother Jones, từ đầu năm đến nay có đến 70.000 trẻ vị thành niên vượt biên mà không có cha mẹ đi theo.

Trẻ nhập cư trong một trại giam.

Trước tình trạng có quá nhiều trẻ em vượt biên, DHS - cơ quan mà CBP trực thuộc - đang gặp nhiều khó khăn trong giải quyết nơi tạm giữ chúng. Từ lâu, những người vượt biên bị CBP giam giữ đã lên tiếng tố cáo những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của cơ quan này.

Theo báo cáo của ACLU cùng với 4 nhóm bảo vệ nhân quyền khác, trẻ vị thành niên bị CBP giam giữ thường xuyên bị tấn công thể xác, lăng nhục và xâm hại tình dục. Còn theo báo cáo của Hội đồng Nhập cư Mỹ (AIC), 97% đơn kiện CBP không nhận được sự phản hồi nào.

Nhiều trẻ em vượt biên một mình để chạy trốn bạo lực và sự nghèo đói tại quê nhà, phần lớn là ở Trung Mỹ. Nhưng, sau khi vượt biên sang bang Texas, nhiều trẻ em đã bị xâm hại, ngược đãi. Một trong 4 trẻ vượt biên trái phép bị nhân viên CBP xâm hại tình dục, đánh đập, đe dọa giết chết, lăng nhục và thậm chí bị buộc phải chấp nhận những tư thế gây stress giống như tra tấn. Hơn một nửa số trẻ nhập cư trái phép cho biết các em không được chăm sóc y tế và khoảng 70% số trẻ bị giam giữ hơn 72 giờ theo quy định của pháp luật. Hơn 80% số trẻ không được cung cấp thực phẩm và nước uống đầy đủ và nhiều em bị bệnh do sử dụng thực phẩm kém chất lượng do CBP cung cấp.

Nhiều trẻ bị xiềng xích khi chuyển trại và tiền bạc lẫn tư trang của những trẻ được thả ra cũng không được nhân viên CBP hoàn trả. Nhưng, trong một email gửi cho tờ Arizone Republic, người phát ngôn Michael Friel của DHS vẫn tuyên bố CBP luôn cố gắng bảo vệ những trẻ vượt biên cô độc.

Nhân viên CBP trong một trại giam trẻ nhập cư trái phép.

ACLU và 4 nhóm bảo vệ quyền người nhập cư - Trung tâm Quốc gia Công lý nhập cư (NIJC), Dự án Quyền người nhập cư Esperanza (EIRP), Người Mỹ vì Công lý cho người nhập cư (AIJ) và Dự án Quyền tỵ nạn và Nhập cư Florence (FIRRP) cho biết, đã làm đơn kiện nhiều lần cũng như đã công bố vài báo cáo về vấn đề này nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ phía DHS.

Joseph Anderson, Giám đốc phụ trách luật pháp của AIJ, nhận định: "Chúng ta cần phải bảo đảm rằng những trẻ vượt biên trái phép được cư xử đàng hoàng, được tôn trọng và được hưởng sự bảo vệ của luật pháp khi bị giam giữ tại Mỹ".

CBP đã giam giữ hơn 47.000 trẻ em vượt biên trái phép từ tháng 10/2013, con số gần gấp đôi so với năm trước đó. Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng đột biến số trẻ em vượt biên có liên quan chặt chẽ đến bạo lực băng nhóm ở Trung Mỹ; bao gồm Honduras, Guatemala và El Salvador

An An (tổng hợp)
.
.