Nhật Bản: Mua bán sản phẩm ngà voi tràn lan trên trang web Yahoo Auctions
- Cảnh sát quốc tế bắt giữ 3 vụ buôn lậu ngà voi khủng
- Nóng bỏng cuộc chiến 'bảo vệ ngà voi' ở Tanzania
Tìm đến trang web đấu giá Yahoo Auctions được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản, người ta có thể nhìn thấy những chiếc vòng trang sức được làm từ ngà voi với giá khởi điểm chỉ từ 1 yen - tức chưa đến 1 xu (cent) tiền Mỹ. Các mặt hàng đồ trang sức khác cũng được rao bán với giá chưa đến 9 USD.
Theo số liệu đánh giá của giới bảo vệ thiên nhiên hoang dã ở Anh, hơn 12.000 kg ngà voi được rao bán công khai trên trang Yahoo Auctions Japan từ các năm 2012-2014. Số liệu này gây bối rối không ít cho ông chủ Yahoo ở Mỹ bởi vì nhà quản trị Yahoo đã cam kết không chấp nhận quảng cáo ngà voi trên trang web của mình!
Mới đây, cộng đồng nhà hoạt động bảo vệ đời sống hoang dã trên thế giới đã có kiến nghị trực tuyến đối với Công ty công nghệ Yahoo, kêu gọi các sản phẩm làm từ ngà voi phải bị cấm mua bán trên trang web này ở Nhật Bản. Chiến dịch đã thu thập được hơn 1,2 triệu chữ ký và buộc Công ty Yahoo ở Mỹ phải phát đi tuyên bố biện minh rằng, họ không sở hữu Yahoo Auctions và cũng không can dự vào chính sách của trang web này.
Tượng võ sĩ Sumo, cùng với các tượng khác, bằng ngà voi bày trong một cửa hàng ở Nhật Bản. |
Tuy nhiên, trên thực tế Yahoo Auctions Japan không là trang web duy nhất tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh ngà voi. Khi gõ cụm từ tìm kiếm "ngà voi thật" (real ivory) trên Rakuten Ichiba - trang thương mại điện tử lớn nhất ở Nhật Bản - người dùng sẽ có ngay hàng ngàn kết quả; từ "hanko" (loại con dấu cá nhân thay cho chữ ký được sử dụng ở Nhật Bản) cho đến đồ trang sức, đũa gắp thực phẩm, tượng điêu khắc, ống điếu hút thuốc và nút áo.
Thậm chí vào năm 2014, Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) - một tổ chức bảo tồn thiên nhiên Mỹ - Anh đặt trụ sở tại thành phố London nước Anh - nêu đích danh Rakuten là trang thương mại trực tuyến kinh doanh các sản phẩm làm từ ngà voi lớn nhất thế giới!
Ở Nhật Bản, cũng như tại nhiều tiểu bang của Mỹ, việc bán ngà voi châu Phi trở nên hợp pháp nếu người kinh doanh chứng minh mặt hàng được nhập khẩu trước khi lệnh cấm quốc tế thương mại hóa ngà voi có hiệu lực vào tháng 1-1990! Ở Nhật Bản, ngà voi cũng trở thành "hợp pháp" nếu chúng được mua lại từ các kho chứa ngà voi châu Phi sau khi lệnh cấm có hiệu lực nhưng với cam kết không tái xuất khẩu mặt hàng này. Do đó, hơn 100.000 kg ngà voi được đưa vào Nhật Bản theo cách này kể từ năm 1990.
Trên thực tế, ngà voi hợp pháp và bất hợp pháp xem ra khó phân biệt nổi cho nên vài trang mua sắm trực tuyến lớn nhất ở Mỹ - bao gồm Yahoo, Amazon, Google và eBay - đều đồng loạt cấm quảng cáo và bán ngà voi.
Các trang mua sắm tương đương ở Nhật Bản lại không hề có biện pháp như thế, và cũng không có một hệ thống hiệu quả nào để đánh giá hoạt động kinh doanh sản phẩm ngà voi có vi phạm luật pháp hay không. Trong cuộc điều tra tiến hành năm 2014 đối với Rakuten, Yahoo Auctions cùng một số trang web khác ở Nhật Bản, mạng giám sát kinh doanh đời sống hoang dã Traffic.org của Anh phát hiện, thông qua công cụ tìm kiếm Yahoo Japan - hơn 50 doanh nghiệp bán ngà voi mà không hề có giấy phép- một điều kiện bắt buộc cho việc kinh doanh ngà voi ở Nhật Bản. Các nhà kinh doanh cũng không hề biết hay không được cảnh báo về những quy định về xuất khẩu sản phẩm ngà voi từ Nhật Bản - hoạt động được coi là bất hợp pháp nếu không có sự cho phép của chính quyền.
Theo điều tra của Traffic.org, hơn 10% số người bán trên Rakuten và Yahoo Auctions công khai chào hàng đủ loại sản phẩm ngà voi vận chuyển bằng đường biển ra nước ngoài. Sau cuộc điều tra của Traffic.og, chính quyền Nhật Bản được yêu cầu phải có sự giám sát tốt hơn hoạt động kinh doanh trực tuyến của Rakuten và Yahoo Auctions cũng như các trang web khác trong nước này đồng thời bảo đảm rằng tất cả đều phù hợp với những quy định luật pháp. Tuy nhiên, theo EIA, những quy định ở nhật Bản dễ bị coi thường.
Đồ chạm khắc nhỏ bằng ngà voi trên trang Rakuten. |
Kết quả từ một cuộc điều tra bí mật về kinh doanh sản phẩm ngà voi ở Nhật Bản được tiến hành hồi mùa hè năm 2015 tiết lộ, 30 trong số 37 người bán ở nước này vi phạm luật pháp về hạn chế bán toàn bộ chiếc ngà voi. Theo số liệu từ EIA, chính quyền Nhật Bản đã cho phép hơn 5.500 chiếc ngà voi được bán một cách hợp pháp từ năm 2011 đến 2014 mà không đòi hỏi bằng chứng rõ ràng về nguồn gốc của chúng - một yêu cầu được luật pháp quốc tế quy định.
Giới chức EIA nhận định "Nhật Bản tràn ngập ngà voi không có xuất xứ rõ ràng" đồng thời thị trường sôi động ở quốc gia này góp phần làm suy giảm trầm trọng quần thể voi châu Phi.