Nơi có tỷ lệ tội phạm dùng súng thấp nhất thế giới

Thứ Năm, 12/01/2017, 12:25
Một yếu tố quan trọng là luật pháp Nhật Bản cấm hoàn toàn loại súng ngắn, người muốn sở hữu súng chỉ được phép sở hữu súng săn và súng hơi. Luật pháp Nhật Bản cũng có quy định giới hạn số cửa hàng bán súng.


Luật phức tạp khiến người muốn có súng cũng nản lòng

Nhật Bản là một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm dùng súng thấp nhất thế giới. Năm 2014, chỉ có 6 cái chết liên quan đến súng được ghi nhận ở Nhật Bản so với 33.599 trường hợp ở Mỹ. Đâu là bí quyết? Nếu muốn mua một khẩu súng ở Nhật Bản, bạn cần phải kiên nhẫn chờ đợi và có sự… kiên định.

Bạn phải tham dự buổi học kéo dài trọn một ngày, làm bài thi viết tay (được tổ chức mỗi tháng một lần) và trải qua cuộc thi nơi trường bắn với yêu cầu bắn chính xác đạt ít nhất 95%. Trong các trường hợp hãn hữu, cá nhân muốn sở hữu súng phải viết đơn và đến đồn cảnh sát địa phương nộp đơn. Trong đơn, họ phải ghi rõ nguyên nhân vì sao có ý định mua súng. Người nộp đơn còn phải đến bệnh viện để bác sĩ ký xác nhận là họ hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn, không mắc chứng động kinh, trầm cảm, tâm thần phân liệt; không nghiện rượu, ma túy…

Nhật Bản gần như cấm người dân sở hữu súng ngắn và quản lý súng trường rất nghiêm ngặt. Ảnh: The Atlantic.

Cảnh sát kiểm tra rất kỹ lý lịch người nộp đơn, xem người đó có từng vi phạm pháp luật và có liên quan đến các nhóm cực đoan hay không. Thậm chí họ còn bỏ thời gian đến nói chuyện với hàng xóm của người nộp đơn xem họ có nóng tính, gặp rắc rối tài chính hay tình trạng gia đình có bất ổn hay không. Đến cả người thân cũng như đồng nghiệp tại nơi làm việc của bạn cũng chịu sự kiểm tra kỹ lưỡng của cảnh sát.

Cảnh sát Nhật Bản không chỉ có quyền từ chối cấp giấy phép sở hữu súng mà còn được luật pháp cho phép lục soát và tịch thu vũ khí. Một yếu tố quan trọng là luật pháp Nhật Bản cấm hoàn toàn loại súng ngắn, người muốn sở hữu súng chỉ được phép sở hữu súng săn và súng hơi. Luật pháp Nhật Bản cũng có quy định giới hạn số cửa hàng bán súng.

Ngoài ra, khách hàng phải giao nộp vỏ những viên đạn cũ mua lần trước đó mới được phép mua đạn mới. Cảnh sát sẽ kiểm tra những khẩu súng tư nhân 1 lần trong năm và được phép biết rõ nơi cất giữ súng và đạn (bắt buộc cất giữ riêng biệt và có khóa cẩn thận). Giấy phép sử dụng súng có thời hạn 3 năm và sau đó cá nhân tiếp tục học và thi như trước đó. Nhờ những quy định gắt gao như thế mà những vụ xả súng điên cuồng (giống như ở Mỹ) rất hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản.

Ở Nhật Bản, khách hàng phải giao nộp những vỏ viên đạn cũ mua lần trước đó mới được phép mua đạn mới.

Iain Overton, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện hành động vì bạo lực vũ trang (AOAV) đặt trụ sở tại London (Anh) và tác giả cuốn sách "Gun Baby Gun", cho biết: "Luật kiểm soát súng khắt khe của Nhật Bản ra đời từ năm 1958. Kể từ khi súng ống du nhập vào đất nước, Nhật Bản luôn có những luật khắt khe để kiểm soát. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp đặt luật kiểm soát súng đối với người dân và từ đó tôi cho rằng, đó là cơ sở để súng thực sự không là một phần trong xã hội dân sự".

Từ năm 1985, người sở hữu "vũ khí nóng" khi thông báo với nhà chức trách sẽ từ bỏ thứ "tài sản" này và giao nộp lại sẽ được nhận một khoản tiền thưởng. Chính sách này được Overton miêu tả "có lẽ là khởi đầu cho ý tưởng mua lại súng". Kết quả của một cuộc khảo sát vào năm 2007 cho thấy có một tỉ lệ rất thấp những người sở hữu súng - 0.6 súng trên 100, so với 6.2 ở Anh và xứ Wales và 88.8 ở Mỹ, theo số liệu từ Small Arms Survey. "Khi bạn có súng, bạn sẽ dễ phạm tội nhưng tôi nghĩ đó là về số lượng" - theo Overton - "Nếu có ít người sở hữu súng, chắc chắn tỉ lệ bạo lực sẽ thấp".

Ông Uchida, một công dân sở hữu súng nhận định, luật về súng của Nhật Bản rất phức tạp, gây nản lòng những người muốn sử dụng súng. "Sẽ thật là tuyệt nếu chúng tôi có được một tổ chức ủng hộ như Hiệp hội Súng trường Quốc gia của Mỹ" - ông nói - Tuy nhiên, ở Nhật Bản không có phong trào lớn nào vận động nới lỏng sự hạn chế súng đạn".

Những người mê bắn súng như ông Uchida nói rằng, họ không thích kiểu tự do súng đạn như ở Mỹ và họ cho rằng, hệ thống quản lý vũ khí của Nhật Bản chưa chắc hiệu quả nếu được áp dụng ở Mỹ. Theo họ, người Nhật Bản có xu hướng thuận theo chính quyền và coi trọng một xã hội trật tự, ít tội ác. "Chúng tôi có cách của chúng tôi, người Mỹ có cách của họ. Nhưng ở đâu thì người ta cũng đều cần quy tắc, luật lệ. Đặt một khẩu súng vào tay người xấu, nó là vũ khí chết người", ông Yasuharu Watabe (67 tuổi), người sở hữu một khẩu súng 40 năm qua, nói.

Cảnh sát Nhật Bản hiếm khi dùng đến súng mà thường vận dụng võ thuật - họ đều mang đai đen judo và thường xuyên luyện tập môn kendo (chiến đấu với kiếm tre) hơn là tập bắn súng.

Nhà báo Anthony Berteaux lập luận: "Cách đối phó hiệu quả nhất trước bạo lực và để giảm leo thang bạo lực là không bao giờ sử dụng bạo lực. Trong năm 2015, trên toàn nước Nhật, cảnh sát chỉ phải nổ súng 6 lần. Những gì cảnh sát Nhật làm là sử dụng những tấm đệm lớn để cuốn (trói) những đối tượng đang gây sự hoặc say rượu thành một cái bánh cuộn và mang họ về đồn cảnh sát để giúp họ bình tĩnh trở lại". Điều này trái ngược hoàn toàn với ở Mỹ; cảnh sát được quân sự hóa" triệt để.

Overton bình luận: "Nếu có quá nhiều cảnh sát bóp cò súng ngay từ khi đối đầu với tội phạm thì cuộc chạy đua vũ trang giữa lực lượng cảnh sát và tội phạm sẽ diễn ra không bao giờ dứt". Theo quy định, cảnh sát Nhật phải giao nộp lại vũ khí khi hết giờ làm việc. Một trường hợp chứng minh tính nghiêm minh của luật về súng ở Nhật Bản: một sĩ quan cảnh sát đã bị buộc tội vi phạm pháp luật sau khi dùng súng tự sát trong giờ làm việc!

Cách cảnh sát cẩn trọng với vũ khí nóng được phản ánh rõ trong các lực lượng tự vệ. Nhà báo Jake Adelstein có lần tham gia một buổi tập bắn súng. Khi kết thúc buổi tập, các vỏ đạn được thu gom lại và mọi người rất lo lắng khi không tìm thấy một vỏ đạn bị thất lạc. "Một vỏ đạn đã biến mất - một viên đạn đã bị dùng sai mục đích - và không ai được phép rời khỏi vị trí trước khi vỏ đạn được tìm thấy", ông kể.

Khó dùng súng thì… dùng thứ khác!

Không có sự phản đối nào với các quy định về việc chỉ được dùng súng để giải trí, Bertaux cho biết. "Việc này được bắt nguồn từ tình cảm của những người theo chủ nghĩa hòa bình rằng chiến tranh quá kinh khủng và chúng ta không thể để điều đó xảy ra lần nữa. Mọi người cho rằng hòa bình luôn luôn tồn tại và khi bạn có nền văn hóa như vậy, bạn thật sự không cảm thấy cần phải trang bị hay sở hữu bất cứ vật dụng gì có thể phá vỡ không khí hòa bình đó". 

Cảnh sát Mỹ đang được "quân sự hóa".

Trên thực tế, việc mở rộng vai trò của lực lượng tự vệ Nhật Bản trong các hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài đã gây ra lo lắng ở nhiều khu vực. Theo Ian Overton, sự phản đối đến mức gần như cấm đoán việc sử dụng súng ở Nhật Bản nghĩa là nước này đang gần trở thành một nơi hoàn hảo. Tuy vậy ông chỉ ra rằng, Iceland cũng đạt được một tỉ lệ rất thấp tội phạm liên quan đến súng, mặc dù tỉ lệ sở hữu súng cao.

Henrietta Moore, giáo sư Viện Thịnh vượng toàn cầu Đại học College London, tán thành việc người Nhật Bản không coi sự sở hữu súng là một "quyền công dân" và từ chối ý tưởng rằng, vũ khí nóng là "một cái gì đó người ta phải sử dụng để chống lại người khác để bảo vệ tài sản của họ". Nhưng đối với xã hội đen Nhật Bản, luật kiểm soát súng chặt chẽ là một vấn đề.

Tình trạng các băng nhóm tội phạm có tổ chức như Yakuza sử dụng súng đã giảm mạnh trong 15 năm qua, nhưng bọn chúng vẫn tiếp tục sử dụng "vũ khí nóng" và tìm mọi cách buôn lậu. "Bọn tội phạm đóng gói các khẩu súng bên trong cá ngừ để nó trông giống như một con cá ngừ đông lạnh"- sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu Tahei Ogawa nói - "Chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp súng được giấu trong bụng cá".

Theo phóng viên Paula Hancocks của đài CNN, việc sở hữu súng tại Nhật Bản nói riêng và các nước châu Á nói chung vì quy định và được kiểm định nghiêm ngặt nên phương thức tấn công bằng dao thường được tội phạm lựa chọn nhiều hơn! Tháng 6-2008, một người đàn ông lái xe tải tông thẳng vào đám đông, sau đó xuống xe, dùng dao đâm thêm 18 người tại khu vui chơi Akihabara ở Tokyo. 

Một tấm áp phích ở Geneva của "phe thích súng" kêu gọi mọi người nói không với sáng kiến kiểm soát súng. Ảnh: AP.

Năm 2011, một người đàn ông là công nhân vệ sinh tại Osaka dùng dao tấn công khiến 8 trẻ em thiệt mạng và 15 người bị thương nặng. Tháng 3-2015, một người đàn ông 40 tuổi cũng bị bắt giữ sau khi đâm chết 5 người tại huyện Hyogo. Ngày 26-7-2016, một người đàn ông cầm dao đã tấn công cơ sở dành cho người tàn tật ở thành phố Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, làm ít nhất 19 người thiệt mạng, 45 người khác bị thương.

Như trên đã đề cập, ở châu Âu bên cạnh Iceland, Thụy Sĩ cũng là nước có quy định sở hữu súng tương đối thoáng nhưng tỷ lệ phạm tội liên quan đến súng lại thấp. Thụy Sĩ có 8 triệu dân và số súng được đăng ký lên tới 2,3 triệu. Tuy nhiên, súng đạn chỉ được sử dụng trong 24 vụ giết người năm 2009, tức 0,3 vụ trên 100.000 dân.

Tỷ lệ này ở Mỹ cùng năm 2009 cao gấp 11 lần. Vụ đẫm máu nhất thời gian gần đây ở Thụy Sĩ là vào năm 2001, khi một người đệ đơn nổi cáu bắn chết 14 người tại một cuộc họp hội đồng bang Zug. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ phạm tội liên quan súng ở Thụy Sĩ thấp bắt nguồn từ một thực tế rằng, hầu hết súng là súng trường được phát cho nam giới khi họ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Những thập kỷ gần đây, Thụy Sĩ giảm quy mô quân đội, kéo theo tỷ lệ phạm tội liên quan đến súng cũng giảm.

Ông Martin Killias, nhà tội phạm học ở Đại học Zurich nói rằng, khi quy mô quân đội co hẹp, bạo lực súng, đặc biệt là số vụ tự tử và giết người trong gia đình giảm mạnh. Tuy nhiên, vấn đề chính là bao nhiêu người có thể tiếp cận một khẩu súng, chứ không phải là tổng số vũ khí được sở hữu ở một quốc gia. 

"Tội phạm ở Thụy Sĩ không được vũ trang đầy đủ như tội phạm đường phố ở Mỹ", ông Killias nói. Tuy vậy, những người chỉ trích quyền sở hữu súng ở Thụy Sĩ chỉ ra rằng, tỷ lệ tự sát bằng súng ở nước này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Các nỗ lực siết quản lý vũ khí và buộc lính nghĩa vụ trả lại súng sau khi được huấn luyện đã không đạt được kết quả. Trong các cuộc trưng cầu dân ý, mới đây nhất là vào năm 2012, đa số người dân Thụy Sĩ không đồng tình với việc thắt chặt quản lý súng đạn.

Những đối tượng mê súng, nhiều người là thành viên của khoảng 3.000 câu lạc bộ súng đạn ở Thụy Sĩ lập luận rằng, việc giới hạn quyền giữ súng trong nhà của William Tell (anh hùng dân gian của Thụy Sĩ, giỏi bắn nỏ) sẽ phá hủy  truyền thống và "làm suy yếu sự phòng vệ của lực lượng dân quân trước nguy cơ bị xâm lược".

Duy Minh - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.