Nhật Bản: Yakuza rút vào hoạt động ngầm?

Thứ Ba, 15/04/2014, 19:40

Lần đầu tiên trong những năm qua, mạng lưới tội phạm có tổ chức đáng sợ yakuza của Nhật Bản - gồm khoảng 3.000 băng nhóm hoạt động trên khắp Nhật Bản và ở nước ngoài - đã co cụm lại và các chuyên gia đặt câu hỏi: Do những điều luật chống tội phạm chặt chẽ hơn được thông qua năm 1992 hay yakuza chỉ rút vào hoạt động ngầm?

Theo số liệu của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), số lượng thành viên yakuza đông đảo nhất vào năm 1963 với 184.100 người. Sau khi các điều luật chống tội phạm có tổ chức được thi hành năm 1992, quân số của yakuza chỉ còn khoảng 80.000 người. Nhưng, cuối năm 2011 số lượng thành viên yakuza rút xuống chỉ còn 70.300 người trong đó bao gồm 32.700 thành viên “chính quy”.

NPA cho biết khoảng 4.600 thành viên yakuza rút lui khỏi các hoạt động tội phạm trong vòng  một năm dẫn đến việc tổng số thành viên "chính quy" và "cộng tác viên" giảm xuống còn 58.600 người vào năm 2013 so với 63.200 người năm 2012.

Các thành viên Yakuza với hình xăm trên khắp cơ thể.

Không giống như phần lớn các tổ chức tội phạm khác trên thế giới, mafia Nhật Bản nằm dưới sự kiểm soát của cảnh sát theo luật chống tội phạm có tổ chức mà không bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Do đó, các nhóm yakuza vẫn có trụ sở hoạt động công khai, danh thiếp kinh doanh, logo công ty, huy hiệu riêng và có tạp chí riêng. Yamaguchi-gumi - tổ chức yakuza lớn nhất Nhật Bản - thậm chí còn có riêng một tờ báo phát hành nội bộ và một website tuyển mộ các thành viên trẻ đồng thời quảng bá cho tổ chức.

Nguồn thu nhập của Yamaguchi-gumi đến từ  các hoạt động tống tiền, kiếm tiền phi pháp, gian lận tài chính, thao túng thị trường chứng khoán, buôn ma túy, kinh doanh các lĩnh vực giải trí, thể thao, điện ảnh và sản xuất chương trình truyền hình, cung cấp lao động và an ninh cho công nghiệp hạt nhân Nhật Bản.

Thành viên Yakuza trong lễ hội Sanja Matsuri ở Tokyo.

Trong bối cảnh hỗn loạn sau khi Thế chiến II kết thúc, yakuza hoạt động như lực lượng cảnh sát thứ 2 để giữ gìn an ninh trật tự. Lúc đó, cảnh sát gọi yakuza là "boryokudan" (các nhóm bạo lực) nhưng bọn chúng tự cho mình là "ninkyodantai" (các nhóm nhân đạo) và tuyên bố góp phần gìn giữ hòa bình ở Nhật Bản cũng như cứu trợ khẩn cấp khi đất nước gặp thiên tai.

Trong trận động đất ở Kobe năm 1995 và thảm họa sóng thần ở Tohoku năm 2011, yakuza gửi hàng cứu trợ đến cho các nạn nhân còn nhanh hơn hành động của Chính phủ Nhật Bản. NPA cho rằng yakuza đang suy thoái do cảnh sát thường xuyên trấn áp nhưng trên thực tế người ta vẫn chưa biết được các thành viên tội phạm đã biến đi đâu.

Cũng có thể chúng gia nhập các nhóm tội phạm khác mà cảnh sát chưa biết được. Các chuyên gia nhận định tỷ lệ tội phạm sẽ gia tăng khi các thành viên yakuza rút vào hoạt động bí mật và không tuân theo những quy định nào. Theo truyền thống, phần lớn các nhóm yakuza đều có luật lệ liên quan tới đạo đức riêng, trong đó cấm trộm cắp, cướp của, tấn công tình dục v.v… nhưng tống tiền được chấp nhận.

Theo số liệu NPA, Yamaguchi-gumi đã mất 2.000 thành viên năm 2013 trong tổng số 25.700 người năm 2012. Băng nhóm cạnh tranh Sumiyoshi-kai mất 1.100 thành viên năm 2013 trong tổng số 9.500 năm 2012.

Trước đây, lực lượng gọi là tekiya (những người buôn bán trên đường phố) của yakuza luôn có mặt trong các dịp lễ Shinto hay Phật giáo ở Nhật Bản, nhưng bây giờ giới trụ trì các đền chùa không cho phép tekiya buôn bán tại những nơi linh thiêng này nữa. Phần lớn các ngân hàng đều từ chối mở tài khoản cho thành viên yakuza và sẽ đóng tài khoản của bất cứ ai bị phát hiện có quan hệ với tội phạm có tổ chức.

Một cựu thành viên yakuza tên A. Kobayashi đã rời khỏi tổ chức năm 2013 cho biết: "Tôi không có được hợp đồng bảo hiểm, không được mở tài khoản ngân hàng hay gia nhập câu lạc bộ thể dục. Tôi giống như người bị đặt bên lề xã hội. Tôi khó tìm được việc làm". Một yếu tố khác khiến cho yakuza suy thoái nhanh là các thủ lĩnh phải chịu trách nhiệm pháp lý trước những thiệt hại mà cấp dưới gây ra.

Tháng 10/2012, Tadamasa Goto - cựu thủ lĩnh của nhóm Yamaguchi-gumi Goto-gumi - chấp nhận bồi thường 110 triệu yen (1,2 triệu USD) để dàn xếp vụ kiện từ gia đình nạn nhân Kazuoki Nozaki (người bị thành viên của nhóm tội phạm giết chết năm 2006 trong vụ tranh chấp bất động sản) để không phải đối mặt với bản án giết người.

Mặc dù các tạp chí của yakuza vẫn tồn tại nhưng đã giảm lượng và kỳ phát hành. Các truyện tranh manga của yakuza cũng khó bán được trong các hiệu sách. Thêm vào đó, các thủ lĩnh cấp dưới ngày càng bất mãn do buộc phải nộp hàng tháng từ 10.000 - 30.000 USD cho thủ lĩnh cấp trên.

Tadamasa Goto (giữa) - cựu thủ lĩnh của nhóm Yamaguchi-gumi Goto-gumi.

Một cựu thám tử phụ trách tội phạm có tổ chức cho biết: "Mặc dù dần dần chính thức rút khỏi tổ chức tội phạm, nhưng các cựu thành viên vẫn tiếp tục quan hệ ngầm với yakuza. Những hình xăm khắp người, những đốt ngón tay bị mất là dấu hiệu không thể chối bỏ và các cựu thành viên yakuza vẫn âm thầm giấu mặt bên trong nền công nghiệp giải trí, thể thao, công nghiệp xây dựng, bất động sản và lĩnh vực hạt nhân.

Và, kể cả trong chính trị. Ở Kyushu, nơi yakuza bén rễ rất sâu, cuộc chiến tranh băng nhóm tiếp tục leo thang. Thật ra, yakuza âm thầm biến mất khỏi cái nhìn của người dân Nhật nhưng bọn chúng vẫn tồn tại

Duy Ân (tổng hợp)
.
.