Nhiều nhãn hàng lớn vô tình quảng cáo cho khủng bố

Thứ Sáu, 17/03/2017, 17:45
Hàng trăm thương hiệu lớn trên thế giới như Mercedes-Benz, Honda, Sandals Resort... đang bị cáo buộc vô tình tiếp tay cho những phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan và những website kêu gọi thánh chiến.

Thậm chí, các thương hiệu này còn bị xuất hiện cả trên những trang web thù địch chính phủ hoặc những đoạn video trên YouTube của những kẻ ủng hộ các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, nhóm ủng hộ phát xít tàn bạo Nazi Combat 18. Điều đáng chú ý là khi những nhóm này xuất hiện bên cạnh các thương hiệu lớn thì cũng là lúc khoản lợi nhuận trị giá tới hàng ngàn USD nhờ quảng cáo đã được chuyển về nguồn cung tài chính cho những nhóm này.

Tờ The Times của Anh đã lấy ví dụ cụ thể về quảng cáo chiếc Mercedes E-Class để chứng minh điều này. Theo đó, đoạn video quảng cáo Mercedes E-Class bị đặt ngay sau quảng cáo của IS trên YouTube và đôi khi còn có cả những hình chạy nhỏ ở thanh công cụ cho thấy lá cờ của IS. Hay như Sandals Resort thì bị đặt cạnh phần quảng cáo của tổ chức khủng bố Al-Shabaab, một chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở nước ngoài.

Quảng cáo của Sandals Resort bị chèn quảng cáo của các nhóm khủng bố.

Đại diện Sandals Resort cho biết, ngay sau khi phát hiện điều này, đội ngũ kỹ thuật của công ty đã nỗ lực hết mức để ngăn chặn sự phát tán của video quảng cáo nói trên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quảng cáo vô tình như thế bị sót lọt và thu hút lượng lớn người truy cập.

GS về thiết kế truyền thông thuộc trường The New School tại Anh, David Carroll nói: Vấn đề ở chỗ là các công ty hoặc các nhãn hàng lớn này cũng không hề biết rằng chương trình quảng cáo của họ bị đặt cạnh những đoạn video nhạy cảm nói trên. Hiện có rất nhiều công ty lớn đã tự xây dựng cho mình một hệ thống bảo mật và bảo vệ video quảng cáo trên mạng Internet nhưng để giải quyết triệt để, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các đơn vị chống khủng bố ở các nước.

Trên thực tế, quảng cáo được đặt vào video trên YouTube có thể kiếm về cho các nhà sản xuất nội dung khoảng 7,6 USD cho mỗi 1.000 lượt xem. Khi xem các video trên các trang mạng, đặc biệt là YouTube, người ta có thể dễ dàng và đôi khi khó chịu vì nhìn thấy những đoạn quảng cáo được phát trước video và những đoạn quảng cáo này đã mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ bởi có những video thu hút được con số hàng triệu người xem.

Các công ty quảng cáo lớn, thường đặt quảng cáo thương mại thay mặt cho các khách hàng, đang bị buộc tội là đã thúc đẩy các thương hiệu quảng cáo trực tuyến để gia tăng lợi nhuận cho mình và đem lại những rủi ro về quảng cáo nội dung xấu.

Hiện nay, các nhãn hàng này chỉ còn biết đổ lỗi cho những giao dịch thương mại được lập trình hóa và công tác bảo trì, vận hành kém kiểm soát đã dẫn đến vụ bê bối nghi vấn “tài trợ khủng bố” trong đó nhiều nhất phải kể đến Mercedes-Benz, Honda, Waitrose John Lewis, Lloyds Bank, Disney, HSBC và Nissan...

Chẳng hạn, quảng cáo của Nissan xuất hiện trên các trang YouTube chính thức của các đảng cực hữu bao gồm BNP và Liên đoàn bảo vệ Anh EDL trong khi quảng cáo của Sony lại ở trong một video bài Do Thái với tựa đề “Sự xảo quyệt của người Do Thái”. Quảng cáo của HSBC, Eurotunnel và JD Sports được đặt cạnh những trang web ủng hộ IS, bao gồm một trang web thúc đẩy "Ngày quên đi vụ thảm sát Holocaust” và quảng cáo cho John Lewis, Dropbox và Disney thì được nhúng vào trang sunnah-online.com - chuyên đăng các bài giảng của Abu Ameenah Bilal Philips, một nhà truyền giáo bị cấm ở Anh và Esa al-Hindi, một tên khủng bố bị kết án chung thân.

Quảng cáo của Mercedes Benz bị chèn quảng cáo của các nhóm khủng bố.

Nhiều công ty trong số này nói họ không biết gì và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với sự hiện diện của họ trên các web này. Họ đổ lỗi cho quảng cáo tự động, một hệ thống sử dụng công nghệ máy tính phức tạp để mua các quảng cáo kỹ thuật số trong một phần triệu giây mà một trang web cần tải. Nhiều công ty quảng cáo có bộ phận quảng cáo tự động riêng, thường áp dụng tăng giá cho các quảng cáo thương mại kỹ thuật số mà các thương hiệu không hay biết.

"Chuyện này thật đáng lo ngại. Rõ ràng các công ty truyền thông xã hội có thể làm được nhiều hơn để ngăn sự lây lan của các nội dung cực đoan", Chuka Umunna, một thành viên của Ủy ban lựa chọn Nội vụ Anh cho biết.

Rõ ràng, việc các quảng cáo ngày nay có thể dễ dàng được xuất hiện trên các trang web hay các video của Youtube khiến nhiều người nghi ngờ về tính an toàn của các giao dịch tự động qua mạng cũng như khả năng kiểm soát của các phương tiện truyền thông. Nhiều hãng có liên quan tới bê bối này đã phải tham khảo ý kiến từ nhiều đối tác truyền thông để tìm ra nguyên nhân.

Hiện một số thương hiệu, trong đó có Jaguar Land Rover, Thomson Reuters, Sandals và Marie Curie đã bị ngừng tất cả hoặc một phần các đoạn quảng cáo của họ sau khi những đoạn quảng cáo này bị phát hiện đặt trên các kênh YouTube và một trang web kiểm soát bởi những người ủng hộ IS và các tổ chức xã hội đen.

Lan Hà


.
.