Những cung đường buôn lậu thuốc lá ở vùng biên

Thứ Sáu, 18/11/2016, 10:35
Biên giới Tây Nam, Việt Nam - Campuchia được ví là “thủ phủ” của nạn buôn lậu thuốc lá. Tại khu vực này, thuốc lá theo mọi cung đường thẩm lậu vào nước ta. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (HHTLVN), thuốc lá nhập lậu, chủ yếu là 2 nhãn hiệu Jet và Hero, hằng năm lên tới 17 tỉ điếu, gây thiệt hại cho nền kinh tế lên tới 350 triệu USD/năm.

Công tác phòng chống buôn lậu được Chính phủ đặc biệt quan tâm, tuy nhiên cuộc chiến này cực kỳ gian nan, khó có hồi kết.

1. Trên cung đường từ cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, qua đồn biên phòng Mỹ Quý Tây, tới cửa khẩu Tho Mo, thuộc huyện Đức Huệ, hay khu vực bến phà Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, hỏi bất cứ người dân nào về tình hình vận chuyển thuốc lá lậu họ cũng đều trả lời “ngày nào nài chở thuốc không rú ga chạy bạt mạng qua những cung đường này. Dưới kênh ghe chở thuốc chạy xé nước, trên bờ xe máy chạy rầm trời...”.

Những ngày cuối năm tình hình buôn lậu càng phức tạp. Dọc tuyến biên giới, chỗ nào cũng có thể làm nơi tập kết hàng hóa. Phải nói nếu muốn buôn lậu hay vận chuyển hàng, ai cũng có thể làm được, chỉ là người dân ở những khu vực giáp ranh có muốn hay không mà thôi. Nhờ một bác xe ôm đưa đường, chúng tôi đã đi khắp khu vực bến phà Lộc Giang, nơi nào “nghi” có hàng tập kết là bác chở chúng tôi tới. Vừa đi bác vừa mô tả cách thức lên xuống “hàng” của các ghe thuyền và phương thức chuyên chở của các nài chở thuốc thuê.

Kiểm tra thùng mì tôm.

Chiều muộn một ngày cuối tháng 10, chúng tôi có mặt tại bến phà Lộc Giang, huyện Đức Hòa, Long An, phía bên kia sông là địa phận xã Phước Chỉ, Tây Ninh. Nơi đây ngày 13-7 vừa qua, hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Cục Phòng chống buôn lậu (C74B) đã ập vào vị trí tập kết và bắt giữ với 3 đối tượng, cầm đầu là Huỳnh Thuận Phong (22 tuổi) cùng với hàng lậu. Tang vật thu được là 11 ghe gắn máy chở hơn 100 thùng thuốc lá lậu với số lượng lên tới 89.450 bao mang nhãn hiệu Jet và Hero.

Phải mất rất nhiều thời gian “ăn bờ ngủ bụi”, lực lượng chống buôn lậu mới thành công trong việc triệt phá ổ nhóm buôn lậu này. Tuy nhiên, chặt “vòi bạch tuộc” này “vòi” khác lại mọc ra vì thuốc lá lậu là mặt hàng siêu lợi nhuận.

Các đầu nậu tìm trăm phương ngàn kế để qua mặt cơ quan chức năng. Khi thì tập kết hàng rồi huy động lực lượng “đánh nhanh rút gọn”, khi thì xé lẻ hàng để “vượt tuyến”. Tại bến phà Lộc Giang, lúc chúng tôi tới không khí chẳng có gì giống điểm nóng buôn lậu, rất bình yên, cuộc sống thật êm đềm. Rất dễ hiểu  vì “những con chim lợn” đã phát hiện ra chiếc xe của một đài truyền hình.

Hải quan Cửa khẩu Mộc Bài kiểm tra trong gầm xe.

Không có dấu hiệu khả nghi, bác xe ôm đưa chúng tôi vòng qua phà Giồng Nổi. Nhằm khi con nước lên, phong cảnh đẹp vô cùng. Tại đây dấu vết của một đợt tập kết, vận chuyển hàng vẫn còn mới bởi những ngọn cỏ tại nơi tập kết còn bị đạp nát, nước vẫn còn ngầu đục. Bác xe ôm bảo: “Chậm mất rồi, bọn chúng vừa mới rời khỏi đây xong. Có lẽ do động bên ngoài nên bọn chúng rút vào đây”.

Chúng tôi lại nghĩ khác, có khi bác tài xế xe ôm “biết nhưng còn lâu mới nói”. Nài thuốc không là bà con ruột thịt, họ hàng xa thì cũng là hàng xóm láng giềng của bác. Chỉ vì miếng cơm manh áo nên họ mới phải làm cái việc bán mạng này.

Tại khu vực bến phà Lộc Giang, dừng chân trước một quán cà phê để hỏi thăm, bất cứ ai ở đây cũng biết chúng tôi muốn hỏi gì. Một người dân khoảng 50 tuổi, bảo: “Các anh chị đi như thế này thì sao phát hiện được buôn lậu. Bình thường ngày nào chả có vài chuyến chúng nó chạy qua đây”.

Chỉ tay qua bên đường, “thổ dân” nói: “Mấy thằng hay đi thuốc đang ngồi uống cà phê bên đó, các anh chị nói chuyện, hỏi thăm như thế “lộ hàng” hết còn đâu mà kiểm tra. Với lại giờ này (giờ công nhân tan ca) chúng không đi thuốc đâu, chạy bạt mạng như chúng nó tai nạn có ngày. Giờ ít người làm cái nghề bán mạng này lắm, chỉ còn mấy đứa không có công ăn việc làm, những đứa thích có nhiều tiền mới đi thuốc. Đi một chuyến trót lọt được mấy triệu, gấp mấy lần công nhân làm công ty nên nhiều đứa ham, đi xong về tụ tập cà phê cà pháo, bài bạc, hết tiền lại đi. Lúc trước, đi thuốc đông vì đầu nậu tên Thế chưa bị bắt, giờ không biết bọn chúng chạy cho ai...”. Đang thao thao, bác “thổ dân” bỏ lửng câu nói khi có một thanh niên bước tới từ quán cà phê bên đường.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra.

Leo lên một chiếc ghe, đồng nghiệp của tôi ở Báo Công thương kể từng làm một chuyến dọc sông. “Không biết sao thời gian này ghe chở thuốc ít tập trung ở đây. Có lẽ do vụ chống người thi hành công vụ, cướp lại hàng, gây ra cái chết thương tâm cho một nhân viên quản lý thị trường nên các ông ấy làm gắt”. Chắc biết đồng nghiệp của tôi đi thực tế tình hình buôn lậu thuốc lá nên chủ ghe “phủ đầu” luôn. Trên sông thi thoảng lại có một chiếc ghe chất đầy hàng lao vút qua. “Chắc thuốc lá?”. Chủ ghe gật đầu.

Không biết những chiếc ghe chở thuốc lá lậu kia sẽ tập kết hàng ở đâu.

2. Rời Đức Hòa, chúng tôi đi dọc kênh Thầy Cai lên tới cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Rất khó phát hiện, bởi từ ngày 16-9, xảy ra cái chết thương tâm của anh Nguyễn Kim Danh, cán bộ quản lý thị trường Long An, những đối tượng gây án đã bị bắt, cơ quan chức năng đã vào cuộc, quyết tâm ngăn chặn nạn buôn lậu hàng hóa từ biên giới Campuchia về Việt Nam, cánh buôn lậu tỏ ra cảnh giác, bí mật hơn. Trước việc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu tạm lắng, các đầu nậu tạm thời “nằm im thở khẽ”.

Nhưng không hẳn bó tay, chặn cửa này, chúng đi cửa khác. Chúng tận dụng tất cả những kẽ hở, những người có thể giúp chúng vận chuyển hàng. Chẳng hạn như lợi dụng chính sách việc làm dành cho cư dân biên giới, nhất là khu vực tiếp giáp tại tỉnh Tây Ninh như huyện Bến Cầu, các huyện lân cận khác và khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Bà con qua nước bạn làm việc, khi trở về thường được chúng nhờ xách hàng với số lượng cho phép. Hành khách xuất cảnh, nhập cảnh thường xuyên qua lại cửa khẩu với mục đích kinh doanh, mua bán, du lịch. Các bác tài, nhân viên phục vụ trên các xe bus liên vận Việt Nam - Campuchia, tài xế các xe phi thương mại thường qua lại cửa khẩu. Nhân viên phục vụ cho các casino, trường gà, vũ trường tại Campuchia.

Nài thuốc trên bộ.

Kể cả nhân viên làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Các doanh nghiệp có hoạt động xất khẩu hàng hóa qua Campuchia, doanh nghiệp kinh doanh cửa hàng miễn thuế, siêu thị miễn thuế... tất cả đều có thể trở thành những người tiếp tay cho buôn lậu. Cũng không ngoại trừ các thành phần trên là những kẻ buôn lậu... không chuyên.

Tại cửa khẩu Mộc Bài, xe tải, xe container, xếp hàng chờ thông quan. Xe khách qua Campuchia cũng nối đuôi nhau chờ đến lượt làm thủ tục. Hành khách xuất cảnh chỉ cần xuất trình giấy tờ đầy đủ, hợp lệ là được đi. Chiều về thì ngược lại. Hàng hóa, xe cộ được kiểm tra cực kỳ chặt chẽ. Hàng hóa thì được kiểm tra qua máy soi chiếu, hành khách cũng được các nhân viên kiểm tra “soi” rất kỹ bởi ngoài việc phát hiện xem hành khách có mang hàng cấm, các nhân viên còn phải kiểm tra phát hiện bệnh dịch lây lan như bệnh Zika.

Tại trạm dừng kiểm, 3 nhân viên thuộc 3 lực lượng khác nhau, hải quan, biên phòng, thú y, leo lên từng xe khách, soi tưng ngóc ngách, lật từng chiếc ghế trên xe xem có chứa hàng lậu, hàng quốc cấm...

Cư dân vùng biên giới, hầu hết là những lao động phổ thông. Khi qua nước bạn làm việc thì đi xe không, khi trở về có người chở trên xe thùng mì tôm, bao cỏ... Tất cả không qua mắt được các nhân viên kiểm soát tại cửa khẩu. Một thanh niên chở thùng mì tôm, bị các nhân viên kiểm soát giữ lại mở xem có chứa thuốc lá hay hàng lậu gì không.

Thanh niên này cho biết, ngày nào cậu cũng chở khách qua cửa khẩu 2-3 lần, khi qua đây các anh ấy kiểm tra rất kỹ. Một người dáng vẻ tu hành khi chạy xe qua cũng bị giữ lại vì trên xe của ông chở nhiều thứ nào thùng, túi. Bị chặn lại ông ta có vẻ khó chịu. Rất nhiều người buộc phải dừng lại để kiểm tra. Cần mẫn là vậy, kỹ càng là vậy nhưng hàng lậu vẫn “lọt”.

Từ Mộc Bài, chúng tôi quay ngược lại đồn biên phòng Mỹ Quý Tây. Trên quốc lộ 22, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những nài thuốc phóng xe xé gió, lạng lách trên đường. Xem “kho tang vật”, bên trong toàn là thuốc lá, chủ yếu thuốc Jet và Hero. Kiểm tra từng bao thuốc, chúng tôi không thấy bất cứ thông tin gì từ hạn sử dụng cho đến những cảnh báo bắt buộc phải có.

Một góc bến phà Giồng Nổi.

Một cán bộ biên phòng bảo bắt thuốc lá lậu vừa vất vả lại nguy hiểm. Vào mùa nước nổi, chỗ nào cũng có thể trở thành nơi tập kết hàng của những chiếc ghe nhỏ. Mùa khô thì đường mòn lối mở được tận dụng triệt để. Quả thật nhìn đâu cũng thấy mênh mông nước, lại không thông thuộc địa hình rất khó để truy bắt đối tượng buôn lậu.

Còn nữa, đối tượng buôn lậu bất kể là ai, từ người chăn bò, cắt cỏ, làm thuê đến những đứa trẻ đều có thể trở thành đối tượng buôn lậu. Họ là cư dân sống sát khu vực biên giới, mỗi người chỉ cần xách vài chục bao thuốc về là có tiền. Họ là người thân, họ hàng với nhau nên khi bắt một người, cả họ cả làng keo ra ngăn cản. Mỗi người vài chục bao, gom lại cho đầu nậu chắc chắn con số không hề nhỏ.

Cán bộ đồn biên phòng Mỹ Quý Tây còn mở kho phương tiện thu giữ được của các đối tượng vận chuyển. Toàn những xe máy được đôn nòng, khoét cốp cho rộng để chạy cho nhanh và chở cho được nhiều. Đối tượng còn dùng cả ôtô để vận chuyển hàng. Tại kho của Công an huyện Đức Huệ, Long An cũng vậy, hàng ngàn cây thuốc được tịch thu đang chờ xử lý.

Chống buôn lậu, không chỉ thuốc lá mà còn nhiều mặt hàng khác như đường, rượu ngoại... cực kỳ khó khăn, nhất là vào dịp cuối năm. Các đối tượng ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, dùng mọi thủ đoạn, phương tiện để buôn lậu. Tuy nhiên chống buôn lậu còn đang gặp những rào cản từ chính những quy định, chế tài thiếu thống nhất. Do vậy rất cần một sự thống nhất giữa các ban ngành trong việc xử lý và chế tài trong mặt trận chống buôn lậu.

* Đón đọc: Bài toán “gỡ vướng” trong chống buôn lậu

Đức Hà
.
.