Những cuộc đời biến mất

Thứ Tư, 04/01/2017, 10:30
Giáng sinh năm 2016 đang trở thành một Giáng sinh buồn ở châu Âu bởi nhiều thường dân vô tội ra đi vì hành động cực đoan của những kẻ khủng bố ở Đức, Thụy Sĩ. Cũng những ngày cuối năm 2016, loạt chiến thắng trước khủng bố ở Iraq, Syria… đã chứng minh, những kẻ khủng bố sẽ bị tiêu diệt. Cái ác sẽ bị diệt trừ. Nhân loại tiến bộ đang cho chúng thấy: Khi chúng chọn trở thành khủng bố, chúng đã là những cuộc đời biến mất.


"Rắc rối" nuôi dưỡng khủng bố

Thế giới năm 2016 đầy bất trắc. Hàng loạt sự kiện bất ngờ đã xảy ra. Nửa đầu năm là cuộc trưng cầu ý dân ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh - Brexit. Hồi giữa năm là cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến sự xoay chuyển mạnh mẽ trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Nga. Nửa cuối năm là việc ông Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ…

Những bất ngờ mang nhiều dấu hiệu cho thấy thế giới ngày càng khó đoán định, nhất là khi sự bất ngờ trong đời sống chính trị trải rộng từ châu Mỹ tới châu Âu, châu Á, Mỹ La-tinh. Song hành với những bất ngờ là những phong trào mới lên ngôi ở châu Âu đã làm cho thế giới trở lên khó đoán định. Điều này cho thấy trào lưu toàn cầu hóa đang chững lại. Các thế lực mới trỗi dậy là kết quả của những sự thay đổi lớn, đang khiến thế giới trở nên đa dạng, đa cực hóa.

Lính đặc nhiệm Iraq tấn công IS tại Mosul. Ảnh: The Japan Times.

Những "rắc rối" của đời sống chính trị, nhiều điểm nóng trên thế giới xuất hiện cục diện mới phức tạp hơn. Chiến sự và sự phức tạp ở Trung Đông có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chiến sự trực tiếp dẫn đến các dòng người tị nạn ồ ạt đổ vào châu Âu, làm gia tăng các vấn đề an ninh, an toàn, xã hội.

Năm 2016, khắp thế giới liên tiếp xảy ra các vụ tấn công khủng bố. Từ Đông Nam Á tới Trung Đông, từ Mỹ cho tới châu Âu… Những "con sói đơn độc" hay "một bầy sói" thoắt ẩn thoắt hiện, mang trong mình tư tưởng cực đoan, hận thù và những khối thuốc nổ kích hoạt "cảm tử" làm rung chuyển nhiều quốc gia. Dân lành hoang mang, cuộc sống bị đảo lộn. Sự hoài nghi, phân biệt đã xuất hiện và không ngừng tăng lên.

Tại sao vậy? Phải chăng chính sự rắc rối của thế giới do những sai lầm và thất bại của phương Tây đã  làm cho khủng bố ngày càng phát triển? Hay những rắc rối đến từ "chủ quan" từ chính sách của một số nước phương Tây như cấp tài chính cho khủng bố để tạo cớ can thiệp quân sự ra nước ngoài; can thiệp vào công việc nội bộ; tạo thuận lợi cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng kiếm lợi… đã "tạo điều kiện" để "đẻ" ra khủng bố?

Vắt kiệt phương Tây

Trong những ngày cuối năm 2016, hai vụ khủng bố trước thềm Giáng sinh 2016 ở Đức và Thụy Sĩ đã cướp đi sinh mạng và làm bị thương hàng chục người. Cách đây gần một năm, cũng vào dịp cuối năm, loạt vụ khủng bố ở Pháp, Bỉ, Anh… đã khiến cả châu Âu choáng váng. Câu hỏi đặt ra là tại sao chống khủng bố lại có nhiều khủng bố xuất hiện?

Nhà nghiên cứu Omar Ashour, Viện Nghiên cứu Trung Đông nhận định, nhiều tổ chức khủng bố, trong đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thay đổi chiến lược.

Theo tác giả, trước năm 2016, mục tiêu địa chiến lược của IS chủ yếu tập trung vào chiếm giữ các vùng đất ở Trung Đông, làm sạch và kiểm soát các vùng đất này rồi xây dựng một "nhà nước" theo những lý tưởng tôn giáo riêng. Tiếp theo, IS sẽ mở rộng lãnh thổ sang những vùng lân cận bằng việc tấn công các đối thủ xung quanh. Nhưng sau khi bị tấn công mạnh ở các "thánh địa", IS và các tổ chức khủng bố chuyển sang tấn công trực diện vào các nước phương Tây.

Tạp chí "Dabiq" của IS cho biết chiến thuật mới của IS là tập trung kích động các phần tử thánh chiến tấn công nhằm vào phương Tây. Một chỉ huy của IS viết trên Tạp chí "Dabiq", tấn công phương Tây sẽ đạt được nhiều mục đích cùng lúc, bao gồm: ngăn chặn phương Tây tấn công vào vùng lãnh thổ do IS kiểm soát; trả thù các cuộc không kích của liên minh làm chết hơn 20.000 chiến binh và phá hủy các cơ sở vật chất của IS; thúc đẩy hơn nữa sự ruồng bỏ với những người Hồi giáo phương Tây và tận dụng điều đó để chiêu mộ và huy động thêm lực lượng...

Việc duy trì được các chiến dịch khủng bố ở nhiều nơi khác nhau cũng là điểm mấu chốt trong chiến lược của IS nhằm vắt kiệt các nước phương Tây cả về tài chính và tinh thần; gây mất đoàn kết, chia rẽ; thúc đẩy căng thẳng, từ đó làm giảm sự hợp tác an ninh chiến lược giữa các nước trên thế giới.

Những bài học đắt giá

Cho đến ngày 11-9-2001, Mỹ vẫn là mục tiêu số một của các vụ tấn công khủng bố trên thế giới, châu Âu là mảnh đất tương đối an toàn. Tuy nhiên, tình hình này đã nhanh chóng bị đảo ngược hoàn toàn, các vụ tấn công khủng bố với quy mô lớn ở châu Âu xảy ra dồn dập.

Người dân Bỉ tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ khủng bố ở Brussels. Ảnh: The New Yorker.

Năm 2004, một đoàn tàu ở thủ đô Madrid bị tấn công, 191 người thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương; năm 2005 ga tàu điện ngầm ở London bị đánh bom khiến 52 người thiệt mạng; năm 2015, Pháp đã xảy ra hai vụ tấn công khủng bố vào đầu và cuối năm làm gần 200 người thiệt mạng; mới đây nhất là vụ tấn công khủng bố sân bay và ga tàu điện ở Brussels, cho đến nay nó đã khiến hơn 200 người bị thương vong. Nhìn lại nước Mỹ, ngoài một vụ tấn công duy nhất, họ đã thành công trong việc duy trì an ninh quốc gia.

Tại sao trong thời gian ngắn đã có những thay đổi lớn như vậy? Phải chăng do chính sách ngoại giao của châu Âu và Mỹ đã thay đổi? Trong quá khứ, Mỹ luôn ở tuyến đầu đối lập với Hồi giáo, can thiệp quân sự vào các vấn đề nội bộ của họ ở khắp mọi nơi. Sau đó, khi Mỹ thất bại trong việc dùng cách thức chiến tranh chính quy đối phó với chiến tranh "kiểu du kích" của khủng bố, Mỹ bắt đầu thu hẹp lại phạm vi chiến trường, ít gửi quân tham dự các cuộc chiến.

Châu Âu hoàn toàn ngược lại. Tích cực sử dụng vũ lực như cách Mỹ đã làm trước đây, chẳng hạn như tại Libya, nội chiến ở Syria, Mali, Trung Phi và Cote d'Ivoire. Việc Pháp và nhiều nước EU chủ động không kích IS, đã làm thay đổi hoàn toàn chiến lược ngoại giao truyền thống, khiến châu Âu trở thành mảnh đất "dữ". Điều này giải thích tại sao những rắc rối và sai lầm của các nước phương Tây chính là mảnh đất để khủng bố tồn tại.

Trong năm 2016, IS đã nhiều lần đe dọa các quốc gia tham gia liên minh chống IS như Bỉ, Pháp, Italy, Anh… sẽ tiếp tục chiến lược "tấn công vào nội địa các quốc gia đầu não của EU''. IS tuyên bố sẽ triển khai mô hình "Trung tâm IS" liên kết chặt chẽ với các chiến binh thánh chiến tại các quốc gia EU để tạo ra mạng lưới khủng bố khép kín và chặt chẽ ngay tại nội địa các nước EU.

Các vụ tấn công ở Paris đã minh chứng cho chiến thuật mới của IS khi sử dụng các loại vũ khí nhỏ, kết hợp với các chiến binh đeo thuốc nổ trên người trong các cuộc tấn công tự sát nhằm hạ sát được nhiều nạn nhân đã làm cho các cơ quan đảm bảo an ninh, tình báo của EU hầu như bị tê liệt và bị động.

Trong khi đó, IS lên kế hoạch xây dựng lực lượng trong giới trẻ, đặc biệt trong giới tội phạm có nguồn gốc Hồi giáo tại các nước thành viên EU với mục tiêu của các cuộc tấn công không chỉ nhằm vào các cơ quan quan trọng như trụ sở quốc hội, chính phủ, quân đội, cảnh sát… mà còn là những nơi tụ tập đông người như sân bay, bến cảng, nhà ga, địa điểm du lịch… nhằm gây ra nhiều thương vong. Thực trạng trên đã đẩy châu Âu, phương Tây và nhiều quốc gia khác vào một thách thức mới.

Thắng lợi ban đầu là chưa đủ

Năm 2016 được đánh dấu là năm có nhiều chiến thắng quan trọng trước các nhóm khủng bố. Ngày 20-12-2016, hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó tư lệnh Bộ Quốc phòng Nga, tướng Igor Konashenkov cho biết, kể  từ tháng 9 năm ngoái, Không quân Nga đã tiến hành khoảng 30.000 cuộc không kích, phá hủy hơn 62.000 cơ sở của các chiến binh khủng bố IS tại Syria.

Trong khi đó, hàng loạt cuộc tấn công trên bộ và các cuộc không kích của liên quân trong năm 2016 cũng đã tiêu diệt một lượng lớn các tay súng và thu hẹp đáng kể diện tích các vùng lãnh thổ mà IS từng đánh chiếm. Theo thống kê của Lầu Năm Góc, từ năm 2014 tới nay, ít nhất 50.000 tay súng của IS đã bị tiêu diệt, Thượng tướng Steve Townsend, chỉ huy lực lượng liên minh, ngày 14-12-2016 cho biết "gần 3 triệu người dân và hơn 44.000 km2 lãnh thổ đã được giải phóng" khỏi tay IS trong năm 2016.

IS đã bị đẩy lui khỏi Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar phía Tây Iraq, cũng như vùng Manbij ở Syria, khu vực chiến lược có ý nghĩa quan trọng trong tham vọng xây dựng một "caliphate" (Vương quốc Hồi giáo). Đầu tháng 12-2016, IS cũng đã để mất Sirte, thành trì quan trọng cuối cùng ở IS tại Libya.

Trước đó, vào tháng 10-2016, hàng chục nghìn binh sỹ Iraq, với sự hậu thuẫn của các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành một cuộc tổng tấn công nhằm giành lại Mosul, nơi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố thành lập "caliphate" hồi tháng 6-2014. Trong khi đó, một cuộc tấn công tượng tự nhằm vào Raqa tại Syria đang dồn IS tới chỗ sụp đổ tham vọng về một "caliphate".

"Nhổ tận gốc, trốc tận dễ" - khó cũng phải làm

Năm 2016 sau các cuộc truy quét và tấn công rầm rộ, IS và một số tổ chức khủng bố tuy bị đánh "tơi tả", nhưng vẫn "trụ" lại ở những địa bàn có địa hình phức tạp. Lực lượng như IS vẫn còn sở hữu nhiều kho vũ khí và đạn dược. Thêm vào đó, qua hơn hai tháng "giằng co" tại Mosul (Iraq), Aleppo, Panmyra (Syria) đã chứng minh, IS là lực lượng thánh chiến không dễ đánh bại.

IS đã vận dụng những chiến thuật thích nghi hiệu quả khi giao tranh trong các khu vực thành thị và việc chúng có một đội ngũ hùng hậu những kẻ sẵn sàng đánh bom liều chết, sẵn sàng đối phó với cả những lực lượng quân sự được trang bị vũ khí tối tân. Các nhà quan sát từ lâu đã cảnh báo rằng việc giành lại các vùng đất mà IS kiểm soát chưa đủ để đặt một dấu chấm hết cho sự tồn tại của lực lượng này.

"2016 là năm IS suy yếu song ảnh hưởng của chúng vẫn còn rất lớn bởi chúng ta vẫn chưa có một giải pháp chính trị cụ thể. Trong khi đó, tổ chức này đã và đang có những chuẩn bị để đối phó với việc để mất các vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát, coi những mất mát tại Iraq và Syria chỉ là nhất thời. Chúng vẫn khẳng định Nhà nước Hồi giáo không chỉ tồn tại về mặt tinh thần, mà đó là một thực thể cụ thể…", Giáo sư Mathieu Guidere nói.

Nguyễn Hòa
.
.