Những mánh khóe buôn lậu vàng qua đường hàng không

Thứ Ba, 20/12/2016, 07:15
Sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế là nguyên nhân chính của các vụ buôn lậu vàng qua biên giới, trong đó có buôn lậu vàng qua đường hàng không. Mãi lực vàng, lợi nhuận khủng từ chênh lệch giá vàng mang lại đã khiến không ít đối tượng bất chấp, đánh đổi và nghĩ ra mọi mánh lới tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng...

Nữ tiếp viên mượn xe, mượn nhà cầm cố lấy tiền buôn lậu vàng

Từng có thời gian dài là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, nắm vững các quy định của ngành hàng không nên năm 2014, sau khi nghỉ làm dài hạn không lương, Hoàng Ngọc Anh (34 tuổi, ở khu đô thị Times City, Hà Nội) thường đi nước ngoài và liên hệ với một đối tượng tên Hà ở Hàn Quốc, cùng bàn nhau mua vàng tại Việt Nam mang sang Hàn Quốc qua đường hàng không bán kiếm lời do giá vàng ở Việt Nam thấp hơn.

Quá trình làm tiếp viên hàng không lâu năm, biết rõ các quy trình kiểm tra của an ninh hàng không, những sơ hở trong việc kiểm soát nhân viên phục vụ, vệ sinh, sửa chữa kỹ thuật khi ra vào tàu bay nên Ngọc Anh đã chọn Phạm Duy Nhuận (36 tuổi), nhân viên Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay VAECO Việt Nam (là người quen của Ngọc Anh) cùng tham gia. Nhuận có vai trò mang vàng lên tàu bay trước cho Ngọc Anh nhằm tránh sự phát hiện của Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài.

Để có tiền buôn số lượng lớn vàng, ngày 25-7-2016, Ngọc Anh cùng chồng là Nguyễn Ngọc Sang (30 tuổi) đi Hải Phòng gặp anh rể và chị gái của Ngọc Anh mượn xe ô tô Mercedes và 2 đồng hồ Rolex, sau đó mang số tài sản trên cùng 1 ô tô nhãn hiệu Toyota Yaris (mượn của em trai Sang), 1 điện thoại Vertu và 1 chiếc nhẫn tới cửa hàng cầm đồ của bạn Sang trên phố Lò Đúc để cầm cố, vay số tiền 2 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền này vẫn không đủ mua số vàng  dự định nên Ngọc Anh tiếp tục đưa mẹ chồng là bà H. đến hiệu cầm đồ này để bà H. làm thủ tục thế chấp căn hộ tập thể của bà tại phố Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, Hà Nội, vay thêm số tiền 800 triệu đồng.

Sau khi có đủ tiền, chiều 26-7, Ngọc Anh đến hiệu vàng Kim Thanh trên phố Tôn Đức Thắng đặt mua 80 cây vàng với giá 35.320.000 đồng/cây, tổng giá trị số vàng là 2.825.000.000 đồng. Ngọc Anh thanh toán tiền và yêu cầu cửa hàng chế tác 80 cây vàng thành 4 cục (mục đích để mang lên máy bay cho gọn), hẹn đến tối sẽ qua lấy vàng.

Đến 19h cùng ngày, Ngọc Anh cùng Sang nhờ người quen đi ô tô chở qua tiệm vàng Kim Thanh lấy 4 cục vàng rồi đi lên sân bay Nội Bài. Trên xe, Ngọc Anh dùng băng dính đen bọc số vàng trên, gắn nam châm đã chuẩn bị sẵn vào các cục vàng rồi liên lạc với Phạm Duy Nhuận.

Cơ quan chức năng thu giữ tang vật.

Khoảng 21h, gặp Nhuận tại cầu vượt nhà ga T1 sân bay Nội Bài, Ngọc Anh đưa 4 cục vàng trên và 2 triệu đồng tiền công. Sau đó hai vợ chồng Ngọc Anh sang nhà ga T2 để làm thủ tục xuất cảnh đi Hàn Quốc. Khi đã hoàn tất thủ tục xuất cảnh và nhận vé máy bay, Ngọc Anh nhắn tin cho Nhuận số ghế 12D của Sang để Nhuận gắn vàng vào ghế trước khi hai vợ chồng Ngọc Anh lên máy bay, chuyến bay sang Hàn Quốc.

Về phía Phạm Duy Nhuận, sau khi nhận vàng và tiền công, anh ta về Công ty VAECO đưa bọc vàng qua hàng rào sắt trước mặt khu nhà 7 tầng của công ty vào trong sân rồi đi qua cổng soi chiếu để vào khu vực hạn chế. Lúc này Lê Thành Trung là nhân viên làm việc tại khu vực soi chiếu kiểm tra người qua cổng, thấy Nhuận quay lại công ty có mặc quần áo bảo hộ, đeo thẻ đúng quy định, không mang đồ vật theo người nên Trung đã không kiểm tra.

Vào được khu vực hạn chế, Nhuận quay lại khu vực nhà 7 tầng để lấy bọc vàng và mang đến bãi đỗ - nơi đỗ tàu bay Boeing 777 số hiệu A144 thực hiện chuyến bay VN416 từ Hà Nội (Việt Nam) sang Incheon (Hàn Quốc). Nhuận mang bọc vàng lên tàu bay, gắn vàng vào dưới gầm ghế số 12D như yêu cầu của Ngọc Anh.

Xong việc, Nhuận về đội chờ đến giờ khai thác tàu bay. Đến khi tàu bay được kéo vào bãi khai thác, Nhuận đã theo xe ô tô của công ty ra bãi khai thác để kiểm tra xem có điều gì bất thường không thì báo lại cho Ngọc Anh. Khoảng 23h, tàu bay mở cửa cho hành khách lên tàu bay, Nhuận không thấy có gì khả nghi nên ra về.

Tuy nhiên, hành vi đưa vàng lên máy bay để buôn lậu sang Hàn Quốc của vợ chồng Ngọc Anh và Nhuận đã bị cơ quan Công an lật tẩy. 0h25 ngày 27-7, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không Nội Bài tiến hành kiểm tra đối với 2 hành khách Hoàng Thị Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Sang có số ghế 12D và 12G trên chuyến bay VN416 nêu trên, phát hiện thu giữ gói vàng 80 cây quấn băng dính đen dính nam châm dưới gầm ghế của Sang. Hai vợ chồng Ngọc Anh đã được mời về CQĐT làm việc cùng tang vật.

Ngày 27-7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Ngọc Sang và Phạm Duy Nhuận về hành vi buôn lậu. Riêng đối với Ngọc Anh do đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tại cơ quan Công an, Hoàng Thị Ngọc Anh và Nguyễn Ngọc Sang khai nếu mang trót lọt 80 cây vàng trên sang Hàn Quốc bán sẽ lãi được từ 45 triệu đến 60 triệu đồng. Trước đó, tháng 6-2016, với thủ đoạn trên, Ngọc Anh từng mua 20 cây vàng nhờ Nhuận vận chuyển lên tàu bay để mang sang Hàn Quốc bán kiếm lời.

Kết thúc điều tra vụ  án buôn lậu vàng qua đường hàng không trên, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị VKSND TP truy tố 3 bị can Hoàng Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Sang và Phạm Duy Nhuận về tội “Buôn lậu” theo khoản 4 Điều 153 BLHS. Đối với Lê Thành Trung do không biết mục đích của Nhuận vào khu vực hạn chế để mang vàng lên máy bay và không hưởng lợi gì từ việc này nên CQĐT không xem xét xử lý hình sự, nhưng có văn bản gửi Công ty VAECO kiến nghị xử lý kỷ luật đối với Trung về hành vi vi phạm quy trình kiểm tra an ninh.

Đồng thời, Công an TP Hà Nội cũng có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, đề nghị Bộ này chỉ đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Công ty VAECO Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an ninh, rà soát, tuyển chọn, quản lý nhân viên phục vụ trong khu vực sân bay và trên các chuyến bay; phối hợp chặt chẽ với Công an TP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và phòng chống tội phạm buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm qua đường hàng không.

Thủ đoạn mạ bạc 7 tượng vàng của 2 hành khách Nhật Bản

Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, cứ khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập/xuất lậu vàng. Bởi vàng có giá trị lớn, đặc thù nhỏ gọn, dễ vận chuyển nên chỉ cần mang trót lọt qua biên giới vài lượng vàng hết sức nhỏ gọn là có thể lãi vài triệu đồng. Còn buôn lớn số lượng vài kilogam vàng trở lên thì lãi lên đến hàng trăm triệu đồng.

Mặt khác, tại Việt Nam còn quá nhiều vàng trôi nổi nên hầu hết các vụ buôn lậu đều tập trung vào loại vàng này bởi dễ mua gom với giá “mềm” hơn so với vàng thương hiệu.

Lợi nhuận khủng từ buôn lậu vàng không chỉ hấp dẫn, làm hoa mắt nhiều đối tượng là tiếp viên, tổ lái của các hãng hàng không mà còn khiến một số người nước ngoài cũng liều lĩnh, nghĩ ra các mánh lới, thủ đoạn tinh vi để buôn lậu vàng qua đường hàng không.

Điển hình là vụ việc 2 vị khách mang quốc tịch Nhật Bản Iwamura Masakazu (45 tuổi) và Kitada Takayoshi (33 tuổi), cùng cư trú tại Takasaki, Gumma, Nhật Bản buôn lậu 7 pho tượng vàng, bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện vào ngày 3-8-2016 vừa qua.

Theo đó, ngày 3-8, qua soi chiếu hành lý xách tay của  Kitada Takayoshi có hộ chiếu cấp tại Nhật Bản, là hành khách xuất cảnh sang Nhật theo chuyến bay JL752 (Hà Nội - Narita), Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài phát hiện trong hành lý có 7 pho tượng bằng kim loại, trọng lượng 7kg nghi là vàng. Số hàng này Kitada Takayoshi không khai báo hải quan.

Cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ tang vật vi phạm để tiến hành xác minh làm rõ. Qua giám định, Viện KHHS - Bộ Công an kết luận 7 pho tượng thu giữ của Kitada Takayoshi là vàng, hàm lượng 99,99%, tổng khối lượng 6.974gr. Số vàng này vào thời điểm trên được cơ quan chức năng định giá xác định trị giá trên 6,7 tỷ đồng.

2 đối tượng người Nhật Bản trong vụ buôn lậu 7 tượng vàng và 3 đối tượng người Việt Nam trong vụ buôn lậu 80 cây vàng qua đường hàng không.

Qua điều tra làm rõ, khoảng giữa tháng 7-2016, Iwamura Masakazu bàn bạc với Kitada Takayoshi sang Việt Nam mua vàng mang về Nhật Bản bán kiếm lời. Để thực hiện ý định này, ngày 23-7-2016, 2 đối tượng cùng Nguyễn Tuấn Anh (34 tuổi), một người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản, nhập cảnh vào Việt Nam. Tuấn Anh  đưa Iwamura Masakazu và  Kitada Takayoshi đến nhà người quen là Nguyễn Mạnh Thắng (ở phường Thị Cầu, Bắc Ninh).

2 người Nhật Bản này được những người bạn Việt Nam trên đưa đến hiệu vàng S.D ở phường Tiền An, Bắc Ninh liên hệ mua vàng. Sau đó,  Iwamura Masakazu và  Kitada Takayoshi về nước để chuẩn bị quay lại Việt Nam mua vàng.

Ngày 26-7, Iwamura Masakazu tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam, đến tiệm vàng S.D gặp chủ tiệm. Thỏa thuận và thống nhất giá mua xong, Iwamura Masakazu yêu cầu chủ tiệm vàng S.D đúc số vàng thành 7 pho tượng để mang về Nhật Bản, hẹn đến ngày 2-8 sẽ đến nhận vàng. Sau đó, Iwamura Masakazu bay ngay về Nhật đưa cho  Kitada Takayoshi 32.300.000 yên Nhật để đối tượng này sẽ mang sang Việt Nam nhận vàng

 Iwamura Masakazu thỏa thuận nếu mang vàng về Nhật thành công sẽ trả cho Kitada Takayoshi 80.000 yên Nhật. Iwamura Masakazu cũng chỉ đạo Kitada Takayoshi nhận vàng xong thì thuê mạ bạc 7 tượng vàng để tránh sự kiểm tra của hải quan; trường hợp nếu bị kiểm tra, phát hiện thì khai đó là tượng bạc để được cho thông quan.

Đêm 2-8-2016, Kitada Takayoshi nhập cảnh vào Việt Nam, thuê taxi đến tiệm vàng S.D ở Bắc Ninh để đưa cho chủ tiệm vàng 32.200.000 yên Nhật, hẹn sáng hôm sau sẽ quay lại để thỏa thuận cụ thể. Khoảng 9 giờ ngày 3-8, Kitada Takayoshi quay lại tiệm vàng S.D, tính toán số tiền phải trả cho 7 pho tượng vàng là 31.555.000 yên Nhật. Kitada Takayoshi lấy lại 645.000 yên Nhật và hẹn 17h cùng ngày quay lại lấy hàng.

Nhận 7 pho tượng xong, Kitada Takayoshi mang đi mạ bạc lên rồi ra sân bay Nội Bài làm thủ tục xuất cảnh sang Nhật nhưng không làm thủ tục khai báo Hải quan sân bay. Khi Kitada Takayoshi đã làm xong thủ tục xuất cảnh để chuẩn bị lên máy bay thì bị cơ quan Hải quan phát hiện, tạm giữ cùng chiếc valy chứa 7 pho tượng vàng được mạ bạc để ngụy trang.

Biết tin, ngày 4-8, Iwamura Masakazu nhập cảnh vào Việt Nam mang theo 400.000 yên Nhật với mục đích lo giải quyết việc, lấy lại 7 pho tượng vàng. Tuy nhiên sau khi thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 16-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với Iwamura Masakazu và  Kitada Takayoshi về hành vi buôn lậu.

Tại CQĐT, Iwamura Masakazu  khai nhận nếu mang trót lọt 7 tượng vàng trên về Nhật sẽ bán cho một giám đốc người Nhật với giá 32.700.000 yên. Sau khi trừ chi phí thì Iwamura Masakazu sẽ lãi được khoảng 280.000 yên.

Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận định, Iwamura Masakazu và  Kitada Takayoshi đều là những người có nhận thức và hiểu biết pháp luật Việt Nam, biết việc mua vàng từ Việt Nam về Nhật Bản không làm thủ tục khai báo Hải quan Việt Nam là vi phạm pháp luật nhưng do hám lợi nên đã mua 7 pho tượng vàng để buôn lậu về Nhật.

Do đó, CQĐT đề nghị truy tố Iwamura Masakazu và Kitada Takayoshi về tội “Buôn lậu” theo Điều 153 BLHS Việt Nam. Đối với chủ tiệm vàng S.D và Nguyễn Mạnh Thắng không biết việc Iwamura Masakazu và Kitada Takayoshi mua 7 pho tượng vàng với mục đích buôn lậu nên CQĐT không đề cập xử lý.

Còn đối với Nguyễn Tuấn Anh do chưa đủ tài liệu chứng minh liên quan đến việc buôn lậu vàng của 2 đối tượng người Nhật nên CQĐT tách phần tài liệu của Tuấn Anh để tiếp tục điều tra, làm rõ xử lý sau.

Hương Vũ
.
.