Những mắt xích quan trọng trong cuộc điều tra tham nhũng ở FIFA

Thứ Hai, 08/06/2015, 16:55
Không lâu sau cuộc bắt giữ một loạt quan chức Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tại thành phố Zurich (Thụy Sĩ), Brazil, Argentina và Australia đã nhanh chóng gia nhập cuộc điều tra tham nhũng ở FIFA mà Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Phòng chống tham nhũng Thụy Sĩ đang tiến hành. Một loạt nhân vật đình đám trong làng bóng đá của 3 quốc gia này đã bị “sờ gáy”.

Một điểm đáng chú ý là 3 nhân vật quan trọng từng dẫn đến vụ bắt giữ đã tỏ ý hợp tác để sớm phanh phui các cuộc “đi đêm” và “những ung nhọt tham nhũng” trong FIFA.

Tay trong của FBI

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố New York cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho biết, trong cuộc điều tra tham nhũng đang tiến hành tại FIFA, FBI đã phát hiện nhiều bằng chứng quan trọng cho thấy quan chức của FIFA và một số nước thành viên đã lạm dụng chức vụ và uy tín của mình để nhận hàng triệu USD tiền hối lộ.

Các nhân vật này đã sử dụng dịch vụ ngân hàng Mỹ để nhận và chuyển tiền. Những ngân hàng cho phép các giao dịch hàng trăm triệu USD bất hợp pháp của giới chức FIFA và những người liên quan đến các tài khoản trên thế giới bị coi là tiếp tay cho việc hối lộ. Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đã liệt kê 10 ngân hàng gồm: JP Morgan Chasea, Citigroup, Bank of America, Barclays, HSBC, Republic Bank RBL.TTB, Delta National Bank & Trust Co…

Công tố viên của Mỹ Kelly T.Currie cho biết, chính từ việc phát hiện ra những bất thường trong giao dịch tài chính đã giúp giới chức Mỹ tiếp cận nhân vật có vai trò quan trọng trong việc bắt giữ các quan chức FIFA.

Mặc dù Kelly T.Currie không tiết lộ nhân vật này nhưng theo nhiều tờ báo của Mỹ, đó là Chuck Blazer, Ủy viên Ban chấp hành FIFA từ năm 1996 - 2013 và là Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbea (CONCACAF) từ năm 1990-2011. Trong thời gian làm việc tại trụ sở của CONCACAF ở Mỹ, Chuck Blazer đã bị FBI để mắt và điều tra với cáo buộc rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng.

Năm 2011, sau khi Chuck Blazer thôi chức Tổng thư ký CONCACAF, FBI đã cử người tới thuyết phục ông này làm "tay trong" cho cuộc điều tra để đổi lấy mức án tù thấp hơn một khi vụ án được đưa ra ánh sáng. Sau ít nhất 3 lần thuyết phục kèm dọa dẫm, cuối cùng FBI cũng đã nhận được sự đồng ý của Chuck Blazer. Thế là, trong vòng 3 năm, từ năm 2011-2013, Chuck Blazer được FBI tạo một vỏ bọc khá an toàn sau khi đưa ra quyết định buộc ông này phải hoàn trả cho cơ quan thuế vụ 2 triệu USD tiền thuế cùng khoản tiền phạt không lớn lắm.

Chuck Blazer nổi tiếng là "Ngài 10%".

Không một quan chức nào trong FIFA nghi ngờ "tư cách" của Chuck Blazer sau vụ scandal lần đó. Vì thế, ông này tiếp tục được tham dự các cuộc họp cấp cao và có thể tự tổ chức những cuộc đối thoại, ngã giá song phương với giới chức FIFA về "những vụ làm ăn mới" trong các chương trình thi đấu của tổ chức này.

Theo tiết lộ của một nhân viên FBI, Chuck Blazer đã được FBI chỉ dẫn đeo một thiết bị ghi âm hiện đại giống móc đeo chìa khóa. Microphone cực nhỏ trong móc đeo chìa khóa này đã giúp ghi âm toàn bộ nội dung các cuộc họp của quan chức FIFA mà Chuck Blazer tham gia. Đó là chưa kể đến các cuộc gặp gỡ bên lề trong đó bàn đến việc tổ chức các giải đấu hoặc cách đưa các nhà tài trợ tham gia tuyên truyền cho FIFA. Qua Chuck Blazer, FBI không chỉ điều tra được những gì thiếu minh bạch trong cuộc vận động đăng cai World Cup 2022 ở Qatar mà còn điều tra một loạt bê bối khác ở FIFA từ năm 1990 đến nay.

Trên thực tế, Chuck Blazer có thâm niên tới 21 năm làm việc trong CONCACAF. Chuck Blazer còn có biệt danh là "Ngài 10%", tức là khoản nhận hối lộ mỗi khi CONCACAF ký hợp đồng với đối tác bên ngoài. Năm nay 70 tuổi, Chuck Blazer từng là cầu thủ bóng đá của Mỹ, khôn ngoan và biết cách kiếm tiền nên đã thăng tiến nhanh trong FIFA.

Trước khi có được vị trí chủ chốt trong CONCACAF, Chuck Blazer từng là Phó chủ tịch điều hành Liên đoàn Bóng đá Mỹ năm 1984 rồi mất ghế sau đó 2 năm. Chuck Blazer là đồng sáng lập giải bóng đá chuyên nghiệp tên là American Soccer League và bị sáp nhập vào một giải khác cũng chỉ sau 2 năm hoạt động.

Từ năm 2014 trở về trước, Chuck Blazer được coi là một trong những người quyền lực nhất trong thế giới bóng đá. Các kết quả điều tra của FBI cho thấy, Chuck Blazer đã nhận 15,3 triệu USD tiền hoa hồng từ các hoạt động tài trợ, bản quyền truyền hình, tiền bán vé và doanh thu của dịch vụ cho thuê xe siêu sang, bãi gửi xe và nhượng quyền kinh doanh các địa điểm đẹp.

Vị trí ở CONCACAF và FIFA đã đem lại cho người đàn ông này một cuộc sống siêu xa hoa khó ai có thể ngờ được. Chuck Blazer sở hữu một loạt căn hộ sang trọng tại Mỹ, châu Âu, có máy bay riêng và hàng loạt siêu xe đời mới nhất… Và mặc dù hợp tác với FBI, trong vụ án tham nhũng tại FIFA này, Chuck Blazer vẫn phải đối mặt với nhiều tội danh khác. Thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ hôm 27/5 cho thấy, cựu Tổng thư ký CONCACAF sẽ bị truy tố với các tội danh: lừa đảo qua thư điện tử, tống tiền, rửa tiền và trốn thuế với mức án có thể lên tới 10 năm tù giam.

"Lời tự thú" của Jack Warner

Mặc dù không phải là một trong số 7 quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ tại Thụy Sĩ, song chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ việc này, cựu Phó chủ tịch FIFA Jack Warner đã tự thú trước một đồn cảnh sát ở Trinidad & Tobago và hứa sẽ khai tất cả những gì ông biết về "đại án tham nhũng ở FIFA". Tại đây, Jack Warner đã được  thẩm phán đọc rõ 12 cáo buộc nhằm vào cá nhân ông cùng với khả năng bị dẫn độ về Mỹ để chịu xét xử.

Chuck Blazer và Jack Warner biết nhau từ năm 1984 và nhanh chóng trở thành bạn thân.

Sau một đêm ở lại nhà tạm giam, Jack Warner đã được cho tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh là 395.000 USD. Quyết định của tòa án ở Port-of-Spain yêu cầu Jack Warner trình diện trước cảnh sát 2 lần một tuần và buộc ông phải nộp trả hộ chiếu.

Tờ Telegraph đưa tin, Jack Warner là bạn thân của Chuck Blazer từ năm 1984, khi cả hai cùng làm việc ở CONCACAF. Chính Chuck Blazer là người đã thuyết phục Jack Warner đứng ra tranh cử chức Chủ tịch CONCACAF và vận động hành lang cho ông này. Ngay sau khi trúng cử, Jack Warner đã lập tức bổ nhiệm Chuck Blazer vào vị trí Tổng thư ký CONCACAF.

Sinh ra tại Rio Claro, phía nam Trinidad & Tobago, Jack Warner vốn làm nghề dạy học và đến khi tham gia các hoạt động bóng đá ở châu Mỹ, ông vẫn là giảng viên môn lịch sử tại Học viện Bách khoa. Tính đến nay, Jack Warner có tới 45 năm hoạt động trong lĩnh vực bóng đá và 28 năm làm việc trong FIFA. Ông là Ủy viên Ủy ban điều hành FIFA từ năm 1983 và dần dần leo lên chức Phó chủ tịch FIFA. Song song với hoạt động trong bóng đá, Jack Warner cũng tham gia chính trường Trinidad & Tobago.

Tháng 10/2007, ông được bầu làm Chủ tịch đảng Liên minh Đại hội Dân tộc Thống nhất (UNCA) và dẫn đắt đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngay sau đó, trở thành đại biểu quốc hội. Trong chính quyền mới được  thành lập sau bầu cử, Jack Warner được giao giữ chức Bộ trưởng Giao thông vận tải, rồi chức lãnh đạo an ninh quốc gia.

Đến tháng 4/2013, Warner thôi giữ các chức vụ chính quyền và nghị sĩ quốc hội. Trước đó 2 năm, ông cũng bị buộc phải từ chức Phó chủ tịch FIFA và bị cấm tham gia bóng đá vì bê bối tham nhũng, nhận hối lộ. Hiện Jack Warner vẫn đang sở hữu Câu lạc bộ bóng đá nhà nghề Joe Public ở Tunapuna, Trinidad & Tobago.

Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định, Jack Warner đã nhận 10 triệu USD từ Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cho việc bỏ phiếu ủng hộ Nam Phi làm chủ nhà World Cup 2010. Chính phủ Nam Phi không chi trả trực tiếp khoản tiền nói trên mà nhờ FIFA trả hộ rồi trừ lại trong quỹ hỗ trợ nước chủ nhà. Ông Jack Warner đã nhận 3 đợt chuyển khoản vào đầu năm 2008 từ một tài khoản của FIFA ở Thụy Sĩ đến tài khoản Bank of America.

Riêng về vụ bê bối liên quan đến việc bầu chọn Qatar đăng cai World Cup 2022 hồi tháng 4/2014, hai tờ báo của Anh là Telegraph và The Guardian đã đưa tin: Qatar chi hơn 2 triệu USD để mua sự ủng hộ từ ông Jack Warner. Số tiền này được chia làm 2 lần, một lần chuyển từ Công ty điện và cơ khí Khalid Est (KEMCO) có trụ sở tại Doha, Qatar tới tài khoản cá nhân của Jack Warner 1,2 triệu USD.

Lần chuyển thứ 2 cũng được KEMCO thực hiện nhưng lại vào tài khoản của hai người con trai của ông này với khoản tiền tổng cộng là 750.000 USD. Cùng thời điểm ấy, ông Jack Warner cũng nhận thêm 400.000 USD trong tài khoản của mình. Bên cạnh đó, các nhà điều tra còn tìm thấy một loạt hóa đơn khống do Công ty Jamad Limited (công ty riêng của Jack Warner) phát hành và gửi đến cho KEMCO. KEMCO là công ty thuộc sở hữu của Mohamed Bin Hammam, cựu quan chức bóng đá Qatar, từng là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và Ủy viên Ủy ban điều hành FIFA. Mohamed Bin Hammam được thừa nhận rộng rãi như là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất giúp Qatar vận động thành công và giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Năm 2011, Mohamed Bin Hammam cũng đã bị đình chỉ công tác và phải trả lời chất vấn của Ủy ban Đạo đức FIFA về cáo buộc hối lộ 25 người của Liên đoàn Bóng đá Caribbea số tiền 1 triệu USD, tương đương 40.000 USD/người.

Và cuộc điều tra của "người trong sạch"

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến nhân vật thứ 3 rất quan trọng, người từng tố cáo FIFA thiếu minh bạch và muốn đưa mọi chuyện phức tạp này ra ánh sáng. Đó là cựu công tố liên bang Mỹ Michael Garcia, người được chính Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đề nghị mở cuộc điều tra nội bộ quy trình đấu thầu quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 hồi tháng 7/2012.

Cựu công tố viên người Mỹ Michael Garcia đã hoàn thành báo cáo dài 430 trang về bê bối tham nhũng trong FIFA sau 19 tháng điều tra.

Sau 19 tháng điều tra với sự giúp đỡ của "phó tướng" Cornel Borbely, Michael Garcia đã thu thập nhiều tài liệu quan trọng cho thấy có những giao dịch mang tính chất hối lộ được thực hiện tại Mỹ trong giai đoạn các nước vận động quyền đăng cai World Cup. Đồng thời, Michael Garica cũng đã thẩm vấn hàng loạt quan chức FIFA và bị dọa dẫm rất nhiều.

Tháng 9/2014, Michael Garcia đã hoàn thành bản báo cáo dài 430 trang và gửi lên Ủy ban Đạo đức FIFA cho thẩm phán người Đức Hans-Joachim Ecket. Phát biểu với báo giới lúc đó, Michael Garcia tiết lộ rằng, bản báo cáo này sẽ gây hiệu ứng "như một trái bom". Và ông đã chờ hiệu ứng đó trong suốt 3 tháng. Về phía FIFA, dưới sức ép của dư luận. Cuối tháng 12-2014, FIFA đã cho công bố một bản báo cáo tóm tắt dài 42 trang với kết luận về quy trình xin đăng cai World Cup 2018 và 2022 của Nga và Qatar là hợp lệ, "mức độ vi phạm rất hạn chế".

Tuyên bố của FIFA được phát đi từ Brussels (Bỉ) đã thực sự là một cú sốc lớn đối với Michael Garcia. Chính sự thất vọng trước cung cách làm việc không thống nhất và minh bạch của FIFA mà Michael Garcia đã bí mật hợp tác với FBI, cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng mà ông đã điều tra, giúp FBI nhanh chóng có được bằng chứng để ban lệnh bắt đối với 18 quan chức, cựu quan chức FIFA và một số giám đốc doanh nghiệp có liên quan đến các hoạt động của liên đoàn này.

Cũng có nguồn tin cho rằng, Michael Garica vốn có mối quan hệ thân thiết đối với Giám đốc FBI James Comey và cả Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch nên trong thời gian điều tra, ông cũng tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị có chức năng của Mỹ. Nếu FIFA công bố cụ thể bản báo cáo của Michael Garcia thì có thể FBI sẽ không cùng một lúc đưa ra lệnh truy tố tới 18 người và lệnh bắt giữ khẩn cấp 7 quan chức FIFA ngay tại Thụy Sĩ.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.