Những nữ chiến binh dũng cảm chống tội phạm ở châu Phi

Thứ Năm, 15/03/2018, 14:54
Những người mẹ cũng như những phụ nữ trẻ bất hạnh và bị ngược đãi được tuyển chọn vào biệt đội nữ chiến binh thiện xạ giải cứu đời sống hoang dã ở thung lũng Zambezi của Zimbabwe. Họ cũng chiến đấu cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đội biệt kích toàn nữ được đặt tên là “Akashinga” (Những con người dũng cảm).

Akashinga cũng hàm nghĩa chương trình cốt lõi bảo tồn đời sống hoang dã châu Phi dựa vào sức mạnh phụ nữ.

Sứ mạng chiến đấu không là đặc quyền của nam giới

Khẩu súng trường AR-15, dễ sử dụng hơn AK-47 trong những trận cận chiến (CQC), đủ độ chính xác để hạ gục mục tiêu cách xa 500 mét. Từng được sử dụng bởi các đội biệt kích nam giới khắp châu Phi trong suốt nhiều thập niên nhưng ngày nay AR-15 trở thành vũ khí của các nữ chiến binh tinh nhuệ Zimbabwe. Vimbai Kumire, một người trong số đó, nói: “Sứ mạng chiến đấu không là đặc quyền của nam giới mà cho mọi người có thể lực và mạnh mẽ”.

Một đội Akashinga trên đường tuần tra.

Kumire là người mẹ đơn thân 32 tuổi bị chồng ruồng bỏ để chạy theo người phụ nữ khác trẻ trung hơn trong khi chị đang mang thai đứa con thứ hai. Vào mỗi buổi sáng, Kumire được huấn luyện phục kích - nằm bất động dưới bụi cây trông giống như một chấm nhỏ - trong thung lũng Zambezi. Đây là tuyến đầu chống tội phạm săn trộm động vật hoang dã quý hiếm của châu Phi.

Theo nhà sinh học bảo tồn đời sống hoang dã Victor Muposhi Đại học Công nghệ Chinhoyi, thung lũng Zambezi đã bị mất đến 11.000 con voi trong 10 năm qua. Nhưng, Muposhi tin rằng những nữ biệt kích được tuyển chọn trực tiếp từ các cộng đồng địa phương và được huấn luyện kỹ càng như Kumire sẽ thay đổi triệt để cục diện hiện nay.

Giáo sư Victor Muposhi nhận định: “Chương trình phát triển những kỹ năng bảo tồn đời sống hoang dã trong các cộng đồng còn giúp tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương. Điều đó có nghĩa là dân địa phương hưởng lợi trực tiếp từ chương trình đậm tính sáng tạo này. Đây là chương trình thực sự trao sức mạnh cho phụ nữ bởi vì đó là nhóm phụ nữ bất hạnh rất dễ bị tổn thương”.

Khi buổi tuần tra kết thúc, Primrose Mazliru trở lại với vai trò người mẹ đơn thân của mình.

Theo giáo sư, chương trình không chỉ cứu sống các loài đang gặp nguy cơ như voi mà còn bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái. Ngồi trên phiến đá nhìn về phương bắc trên một trong những vùng đất hoang dã rộng lớn của châu Phi, giáo sư Victor Muposhi giải thích rằng nghiên cứu mới đây nhất của ông cho thấy chương trình “Akashinga” được triển khai vài tháng qua đang giúp đưa những người mẹ đơn thân thất nghiệp trở thành những lãnh đạo cộng đồng.

Primrose Mazliru, 21 tuổi, nằm trong số những nữ biệt kích mới tuyển. Còn Ramrod, với vết sẹo vắt ngang môi trên - dấu vết bạo lực của người bạn trai cũ lúc say rượu - nở nụ cười kiêu hãnh: “Tôi có thể xác nhận sức mạnh chương trình đã giúp thay đổi cuộc đời tôi sang hướng tốt đẹp hơn nhiều. Hiện nay, tôi được cộng đồng tôn trọng cho dù là người mẹ đơn thân”.

Nhờ tiền lương trả cho nữ biệt kích mà Mazliru mua được mảnh đất nhỏ. Mazliru chia sẻ với tia sáng lóe lên trong mắt: “Tôi không cần người đàn ông để nuôi sống bản thân và đứa con. Tự thân tôi có thể đảm đương được”. Petronella Chigumbura, 29 tuổi, sử dụng tháng lương đầu tiên để mua đồng phục học sinh cho con cái và đóng tiền học phí.

Nữ chiến binh Tracey Basaroukwe, 19 tuổi, của Akashinga đang thực tập sử dụng khẩu súng trường tấn công AR-15.

Đơn vị nữ phi vũ trang chống tội phạm săn trộm đầu tiên trên thế giới

Cũng giống như phần lớn các quốc gia khác ở miền nam châu Phi, Zimbabwe quản lý các công viên quốc gia nổi tiếng như Victoria Falls hay Mana Pools cũng như những “vùng đệm” khác để bảo vệ động vật hoang dã. Những “vùng đệm” này là những vùng đất rộng bao la hơn cả những công viên quốc gia và được chính quyền cho phép săn bắn hạn chế đối với một số loài. Tuy nhiên, không có rào chắn giữa những khu vực được phép săn bắn và thiên nhiên hoang dã.

Damien Mander, người sáng lập chương trình Akashinga, là lính bắn tỉa trong quân đội Australia. Đơn vị chống săn bắn trộm Black Mambas là đơn vị toàn nữ từ các cộng đồng địa phương thường xuyên tuần tra công viên quốc gia Greater Kruger mà không mang theo vũ khí. Đây là đơn vị toàn nữ bảo vệ đời sống hoang dã đầu tiên trên thế giới thách thức bọn tội phạm săn bắn trộm.

Đội Black Mambas là sáng kiến của Craig Spencer, nhà sinh thái học và người quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Balule do tư nhân thành lập. Từ khi đơn vị chống săn bắn trộm Black Mambas - bao gồm 26 thành viên - được thành lập năm 2003, các thành viên không vũ trang đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra giám sát cũng như mở các chiến dịch giáo dục cộng đồng và đã gặt hái được những thành công lớn. Cho đến nay, Black Mambas đã bắt giữ được 6 tên săn trộm, phá hủy hơn 1.000 bẫy thú, xóa sổ 5 trại của bọn tội phạm.

Một buổi tập chiến đấu tay không của Akashinga.

Thành viên Collet Ngobeni cho biết: “Trong cộng đồng của tôi, nhiều người sát hại động vật hoang dã. Nhiệm vụ của tôi là giáo dục mọi người về tầm quan trọng của tự nhiên”. Với những nỗ lực đáng nể phục của mình, Black Mambas được Liên Hiệp Quốc trao tặng giải thưởng Champions of the Earth Award để ghi nhận lòng can đảm của những phụ nữ trong cuộc chiến chống kinh doanh bất hợp pháp động vật hoang dã. Ngobeni nhận định nhiều người trong cộng đồng của cô kiếm sống bằng động vật hoang dã và họ không hề có ý thức về giá trị của sự bảo tồn tự nhiên cho các thế hệ mai sau.

Balule Private Game Reserve - khu bảo tồn nằm trong Công viên Quốc gia Greater Kruger mà Black Mambas bảo vệ - là nơi sinh sống của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như là tê giác, báo, sư tử, voi, báo cheetah và hà mã. Thành viên nữ Felicia Mogakane gia nhập Black Mambas sau khi nghe thông tin giới thiệu về nhóm đặc nhiệm. Cũng giống như các đồng nghiệp nữ khác, Mogakane tuần tra khu bảo tồn, kiểm tra những rào chắn bảo vệ, tìm kiếm dấu vết của bọn săn trộm và thường đi bộ gần 20km một ngày.

Trong thời gian không thực hiện nhiệm vụ, các thành viên Black Mambas trò chuyện với người dân địa phương để thu thập thông tin về bọn tội phạm. Felicia Mogakane tâm sự: “Lúc đầu, tôi cũng thấy lo sợ, căng thẳng và nghĩ mình đang làm công việc mạo hiểm tính mạng. Sau khi được huấn luyện, tôi bắt đầu cảm thấy yêu công việc của mình”.

Black Mambas cũng nỗ lực nghiên cứu sự kết nối giữa đồng tiền, các băng nhóm tội phạm và hành vi săn trộm cũng như sự nghèo khó ở những khu vực xung quanh Công viên Quốc gia đã giúp cho hoạt động săn trộm có cơ hội phát triển như thế nào.

Ibrahim Thiaw, Phó Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), phát biểu: “Đây là hiện tượng toàn cầu, đòi hỏi phải hành động ở cấp độ quốc tế. Điều quan trọng là phải thu hút mạnh sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Có những phụ nữ can đảm sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ môi trường và tự nhiên vì chính bản thân họ và con cháu”.

Felicia Mogakane và Collet Ngobeni.

Leitah Michabela, thành viên Black Mambas đã vài năm, cho biết: “Nhiều người đặt câu hỏi tại sao tôi có thể làm việc khi là phụ nữ? Nhưng, tôi có thể làm bất cứ gì mà tôi muốn. Nhiều phụ nữ trẻ tuổi như tôi cũng muốn gia nhập đơn vị. Tôi là phụ nữ và sẽ có con. Tôi muốn con tôi nhìn thấy được một tê giác. Đó là lý do tại sao tôi bảo vệ loài này”.

Michabela cũng từng giúp bắt giữ một nhóm săn trộm trước khi chúng kịp sát hại một con tê giác. Khu bảo tồn Balule của Craig Spencer sử dụng một đội bảo vệ vũ trang gồm 29 người, 26 thành viên Black Mambas không vũ trang và một đội tình báo tìm kiếm thông tin về bọn săn trộm. Black Mambas cũng thành lập những trạm gác để lắng nghe tiếng ô tô, những giọng nói và tiếng súng nổ mà gọi đội vũ trang đến khi cần thiết.

Biệt đội nữ luôn tuân thủ chế độ ăn chay trường

Thực ra, Mander nảy sinh ý tưởng về Akashinga sau khi nghe câu chuyện về Black Mambas - đơn vị nữ phi vũ trang chống loại tội phạm săn trộm đầu tiên trên thế giới ở Công viên Quốc gia Kruger nổi tiếng của Nam Phi. Để thành lập dự án Akashinga ở Zimbabwe, Damien Mander vận động quyên góp từ một số cá nhân, đồng thời cũng nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Damien Mander cũng là người thành lập tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Chống săn trộm Quốc tế (IAPF) hoạt động tại Zimbabwe. Mander giải thích từ căn lều dựng tại địa điểm bí mật trong thung lũng Zambezi: “Khoảng 36 phụ nữ bắt đầu được huấn luyện theo chương trình giống như binh sĩ đặc nhiệm và mức độ khó khăn tăng dần và thậm chí khắc khổ hơn cả nam giới. Sau đó, chỉ có 3 phụ nữ bị loại. Tôi không thể tin được phụ nữ lại mạnh mẽ đến như vậy”.

Đặc biệt là Damien Mander và biệt đội nữ của ông luôn tuân thủ chế độ ăn chay trường. Thực ra, Mander ngưng sử dụng những thực phẩm chế biến từ động vật từ năm 2012. Kumire kể: “Tôi hoàn toàn không ăn thịt và khi về nhà tôi bảo với mọi người rằng đừng bắt tôi ăn thịt. Tôi là người ăn chay”. Đám phụ nữ ngồi xung quanh Kumire đều cười và gật đầu xác nhận.

Giáo sư Victor Muposhi cũng ăn chay được 13 năm qua và ông hy vọng chương trình Akashinga sẽ được nhân rộng. Giáo sư bình luận: “Chúng ta đang cố gắng phát triển chương trình để nó trở thành một trong những kiểu mẫu bảo tồn đời sống hoang dã hiệu quả nhất dựa trên sức mạnh phụ nữ”. Ngay từ những ngày huấn luyện đầu tiên, Mander nhanh chóng nhận thức rằng phụ nữ là nhân tố cốt lõi trong cuộc chiến bảo tồn đời sống hoang dã và chống loại tội phạm săn trộm một cách hiệu quả nhất.

Tariro Mnangagwa - con gái út của tân Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa (tuyên thệ nhậm chức ngày 24-11-2017) - cũng tham gia chương trình huấn luyện Akashinga. Tariro phát biểu: “Những phụ nữ này cho tôi thấy được niềm hy vọng”. Annette Hubschle, nhà nghiên cứu của Đại học Cape Town ở Nam Phi, cũng tin tưởng kiểu mẫu Akashinga là giải pháp đúng đắn để chấm dứt hành vi săn trộm.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.