Những ông trùm của “thị thực vàng”
Làn sóng “thị thực vàng”
Armand Arton là người gốc Armenia, năm nay khoảng 40 tuổi. Armand Arton thường xuyên đi lại từ Dubai (Saudi Arabia) đến Montreal (Canada) và có mối quan hệ rất rộng rãi, từ giới chính trị gia cho đến doanh nhân.
Nghề của ông Armand Arton là gì? Đơn giản chỉ là bán hộ chiếu. Cụ thể hơn, bán hộ chiếu cho người có nhu cầu, mang tiền về cho nước sở tại. Đương nhiên, ông nhận được “hoa hồng” sau mỗi hợp đồng.
Khách hàng của ông là ai? Người di cư. Nhưng đó không phải là những người chen chúc trên những chiếc thuyền gỉ sắt và cố dạt vào bãi biển ở Lampedusa, Italy. Khách hàng của ông là người đi du lịch thông qua một khóa học về kinh doanh. Họ sẵn sàng chi khoản tiền lớn từ vài trăm ngàn đến cả triệu USD để có thể nhận một hộ chiếu châu Âu, đảm bảo an toàn khi vượt qua sự kiểm soát của lực lượng biên phòng hay cảnh sát an ninh.
Chương trình “thị thực vàng” mang lại cơ hội cư trú cho nhiều người. Ảnh: AFP. |
Armand Arton là người sáng lập Quỹ Arton và là một trong những ông vua của chương trình "thị thực vàng". Đây là chương trình hợp pháp ở một số quốc gia. Trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi mà tiền không mang “màu cờ”, khoảng 20 quốc gia đã tạo ra những "gói quà tặng" như vậy để thu hút những người siêu giàu với hy vọng hồi phục nền kinh tế của đất nước.
Chương trình "thị thực vàng" thực tế này ra đời vào giữa những năm 1980 ở Caribbean, ở Saint Kitts và Nevis. Vào thời điểm đó, hòn đảo nhỏ bị chao đảo bởi cuộc khủng hoảng mía đường, nên quốc gia này có ý tưởng tài trợ cho các nhà đầu tư giàu có để phát triển ngành du lịch. Sở hữu một tấm hộ chiếu vàng, khách du lịch đi thăm quan mà không cần có thị thực ở hơn 100 quốc gia, kể cả ở châu Âu.
Sự thành công của chương trình “thị thực vàng” đã mang lại những thành công cụ thể: nhiều nhà tỷ phú xuất hiện ở đây, kinh tế phát triển mạnh, những bãi cát trắng được bao phủ bởi các khách sạn cao cấp, còn các kho bạc của Nhà nước tràn ngập USD. Học tập những nước Caribbean, Saint Kitts và Nevis, Dominica, Barbados, Antigua và Barbuda cũng tham gia cuộc đua “thị thực vàng”.
Đầu năm 2010, phong trào "thị thực vàng" đã lan sang các nước châu Âu. Bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng tài chính, Cyprus, Malta, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Bungaria và Hungary đều xem các chương trình này như một cơ hội tuyệt vời để mang lại nguồn ngân sách cho đất nước. “Con bài” của họ đưa ra đối với các nhà đầu tư giàu có đó là: là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), được nhận hộ chiếu và với tấm hộ chiếu đó, họ có thể đi khắp châu lục.
Chỉ cần 500.000 euro đầu tư vào bất động sản, hoặc 1 triệu euro vào một doanh nghiệp cam kết tạo ra 10 công ăn việc làm, Bồ Đào Nha có thể cấp giấy phép cư trú cho nhà đầu tư, và cho phép người này nhập quốc tịch sau 5 năm ở Bồ Đào Nha. Ngay cả một “chiếc vé” tới Bungari chỉ cần có tiền đặt cọc theo đúng quy định của Nhà nước trong 5 năm.
Kế hoạch cấp quốc tịch cho nhà đầu tư nước ngoài ở Cyprus bắt đầu từ năm 2013. Người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 2 triệu euro vào bất động sản hoặc 2,5 triệu euro vào công ty, trái phiếu chính phủ. Người được cấp quốc tịch không cần phải biết ngôn ngữ Cyprus và chỉ cần 7 năm đến nước này 1 lần.
Theo số liệu mới nhất của cơ quan xuất nhập cảnh, tại Bồ Đào Nha, hơn 5.000 thị thực vàng được cấp trong năm 2012. Từ năm 2012, gần 3,5 tỷ euro đã đổ về nước này theo chương trình “thị thực vàng”.
Tại Cyprus, hơn 4,5 tỷ euro đã được đầu tư vào hòn đảo này từ năm 2013, chủ yếu là do người Nga. "Một nửa số khách hàng của tôi là người Trung Quốc, một phần ba đến từ Trung Đông và phần còn lại của khối các nước thuộc Liên Xô cũ", Armand Arton nói. Mục đích của họ không chỉ là đi du lịch không cần thị thực mà xa hơn là sở hữu quốc tịch thứ hai trong trường hợp kinh doanh ở quê nhà không thuận lợi.
Người Trung Quốc là khách hàng thường xuyên của chương trình “thị thực vàng”. Ảnh: AP. |
Điều tra của AP còn cho biết, số người Trung Quốc tham gia các chương trình “thị thực vàng” để đổi lấy cơ hội định cư tăng gấp 3 lần trong khoảng thời gian từ giữa năm 2010 đến 2015. Trong 10 năm qua, người Trung Quốc chiếm 75% số thị thực đầu tư ở Mỹ, 70% tại Bồ Đào Nha và 85% ở Australia. Làn sóng đổi đầu tư lấy "thị thực vàng" phản ánh việc hàng chục triệu gia đình ở Trung Quốc bước vào tầng lớp trung lưu nhờ hơn 40 năm bùng nổ kinh tế (bắt đầu từ những năm 1970).
Tại Hy Lạp, chương trình “thị thực vàng” được triển khai từ năm 2013. Theo đó, nước này sẽ cấp phép lưu trú cho các công dân nước thứ 3, mà sở hữu bất động sản trị giá hơn 250.000 euro ở Hy Lạp, cũng như cho thành viên trong gia đình của các công dân này. Nếu như năm 2013, nước này chỉ trao 20 thị thực trong chương trình thì đến nay đã có khoảng 1.684 thị thực đã được cấp cho công dân nước thứ 3, trong đó công dân Trung Quốc chiếm 701.
Theo sau là công dân Nga (357 lượt), Ai Cập (84), Thổ Nhĩ Kỳ (81), Ukraine (79), Liban (78), Iraq (Iraq 53), Syria (45), Jordan (37) và Saudi Arabia (16). Chương trình “thị thực vàng” đã mang lại cho đất nước này khoảng 1,1 tỷ USD.
Trong khi đó, tại Mỹ, Chương trình Di cư của Người nhập cư EB-5 do Quốc hội tạo ra vào năm 1990 để “kích thích nền kinh tế Mỹ thông qua việc tạo ra việc làm và đầu tư vốn của các nhà đầu tư nước ngoài”.
Năm 2017, Quốc hội Mỹ đã tạo thêm cơ hội cho người nước ngoài nhận được thẻ xanh thông qua các khoản đầu tư đủ điều kiện để tạo việc làm. Loại thị thực di dân nhập cư “thứ năm” (EB-5) cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện đầu tư vào một doanh nghiệp có lợi cho nền kinh tế Mỹ bằng cách tạo ra hoặc bảo quản ít nhất 10 công việc toàn thời gian.
Số tiền ban đầu yêu cầu của người nước ngoài đầu tư là 1 triệu USD. Con số này sẽ giảm xuống còn 500.000 USD nếu đầu tư được thực hiện trong một khu vực được chỉ định là nông thôn hoặc phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao. Khoảng 10.000 thẻ xanh được cung cấp thông qua chương trình EB-5 mỗi năm.
"Tự do là vô giá", ông Philippe Gelin, người sáng lập Shorex Capital tóm tắt lại. Người đàn ông Pháp này đã có 30 năm ở London đã bắt đầu tham gia vào kinh doanh thị thực đầu những năm 2000. "Tôi chỉ cần làm khoảng năm mươi thị thực mỗi năm là đủ sống rồi", ông nói. Một trong những điểm đến ưa thích của khách hàng của ông chính là Síp. Cần phải nói rằng, trước đây Philippe Gelin chính là người sáng lập Thiên đường thuế ở London vào cuối những năm 1990, đồng thời cũng là nhà tư vấn cho chính phủ Síp.
Canh cánh nỗi lo tội phạm
Tuy nhiên, sự thành công của các chương trình “thị thực vàng” cũng tạo ra những nguy cơ về trốn thuế và rửa tiền. Một quan chức châu Âu cảnh báo, các tổ chức tham nhũng và thậm chí tội phạm có thể đứng sau những người đang được hưởng lợi từ các chương trình này. “Chúng ta đang cấp giấy phép cư trú cho những người mà không biết tài sản của họ có được từ đâu”, ông Joao Semedo, một nghị sỹ Bồ Đào Nha cảnh báo.
Thực tế, việc cấp “thị thực vàng” tràn lan cũng tạo ra những mối lo về tội phạm. Hiện một người Trung Quốc đã được cấp thẻ cư trú tại Bồ Đào Nha nhưng đang chờ dẫn độ về nước vì bị Trung Quốc truy nã về tội gian lận và các tội nghiêm trọng khác.
Dù bị cáo buộc tham nhũng, một số nhân vật siêu giàu người Nga và Ukraine vẫn nằm trong số hàng trăm người có được hộ chiếu EU thông qua chương trình "thị thực vàng" gây tranh cãi. Theo tờ The Guardian (Anh), một danh sách hàng trăm người hưởng lợi từ chương trình nói trên của chính phủ Cyprus vừa bị rò rỉ, trong đó có nhiều doanh nhân nổi tiếng, cá nhân có ảnh hưởng chính trị đáng kể. Trong số những cái tên mới có một cựu nghị sĩ Nga, những nhà sáng lập ngân hàng thương mại lớn nhất Ukraine và một tỉ phú cờ bạc.
Ali Sadr Hasheminejad, Giám đốc Ngân hàng Pilatus đã bị bắt ngày 19-3 do vi phạm luật pháp Mỹ. Ảnh: timesofmalta.com. |
Ngày 19-3, tại Washington, Ali Sadr Hasheminejad, 38 tuổi, Giám đốc Ngân hàng Pilatus đã bị bắt do vi phạm luật pháp Mỹ. Ông này bị buộc tội tổ chức chuyển 115 triệu USD từ Venezuela sang Iran thông qua ngân hàng ở Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Năm 2014, Mỹ đã phát động chiến dịch Labyrinthe với sự tham gia của gần 200 cảnh sát. Sau nhiều tháng theo dõi, cảnh sát đã triệt phá mạng lưới hối lộ khổng lồ liên quan đến việc trao tặng những tấm “thị thực vàng”. Vào thời điểm đó, hơn 10 quan chức cấp cao, bao gồm cả lãnh đạo cảnh sát biên giới, đã sa lưới.
Trong khi đó, một số chính trị gia châu Âu lo ngại những chương trình "thị thực vàng" như ở Cyprus, Bồ Đào Nha… gây hại đến khái niệm quốc tịch của EU. Nghị sĩ Bồ Đào Nha Ana Gomes mô tả việc cấp "thị thực vàng" là một hành động "vô đạo đức và bất hợp lý". "Trong khi các nước châu Âu rơi vào tình trạng di dân, thực tế là một số trong số họ bán quốc tịch cho các nhà đầu tư giàu có là hoàn toàn vô đạo đức", bà Gomes nói. Hồi năm ngoái, bà Gomes đề xuất các nước EU kiểm tra an ninh kỹ lưỡng đối với những người xin "thị thực vàng". Ủy ban châu Âu gần đây cũng điều tra xem liệu những biện pháp kiểm tra ứng viên xin "thị thực vàng" có được thực hiện nghiêm túc hay không.