Những tập đoàn buôn lậu ma túy và ngà voi
- Báo động buôn lậu ngà voi
- Phát hiện container chứa hơn nửa tấn ngà voi
- Ma lực từ lợi nhuận buôn lậu ngà voi châu Phi
Vào tháng 7-2016, khi một gã trung niên gốc Kenya tên Feisal Mohamed Ali bị kết án 29 năm tù giam vì tội sở hữu hơn hai tấn ngà voi, các nhà bảo tồn động vật và thú hoang xem đó là chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ voi. Thế nhưng các nhà điều tra ma túy và thú hoang dã ở Mỹ và Kenya vẫn tin rằng, Ali có thể không phải là ông trùm băng buôn lậu ngà voi, mà y chỉ là một mắt xích nhỏ trong một tổ chức tội phạm rộng lớn và khá kín kẽ, chuyên buôn lậu ma túy, ngà voi và sừng tê giác.
Hai loại tội phạm được tổ chức trong cùng một tổ chức, quả là cao siêu. Nó không những cho thấy một giao dịch heroin phi pháp từ Nam Á xuyên qua Đông Phi rồi thâm nhập vào thế giới giàu có là góp phần gây hại môi trường xuyên biên giới, mà còn chứng minh cho nhân loại thấy các lực lượng cảnh sát xứ này chỉ điều tra nửa vời việc buôn lậu các sản phẩm từ thú hoang, bởi lẽ họ xem đó là vấn đề xa vời. Sau vụ án đó, cảnh sát bắt đầu quan tâm hơn đến bọn buôn lậu, xem như một phần trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy của mình.
Những cáo buộc tích hợp hai dạng hệ thống buôn lậu như thế đến từ nỗ lực lâu dài của các công tố viên Mỹ nhắm trục xuất hai anh em người Kenya là Baktash và Ibrahim Akasha. Họ bị cảnh sát Kanya bắt cách đây hơn hai năm sau khi giao 99 kg heroin và 1 kg methamphetamine cho những nhân viên mật DEA (Sở bài trừ ma túy, Mỹ) cải trang. Cuối cùng các công tố viên cũng thỏa nguyện: Hai anh em Baktash, Ibrahim Akasha và hai đồng phạm khác của họ đã đến New York vào ngày 31-1-2017.
Tuy hai anh em bị cáo buộc tội danh buôn lậu ma túy, nhưng nhiều nguồn trong vòng cuộc điều tra khẳng định rằng cả hai sẽ còn bị luận tội buôn lậu ngà voi và sừng tê giác. Ngoài ra, Feisal Mohamed Ali là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn lậu rộng lớn đó.
Đặc vụ DEA Thomas Cindric thuộc Ban Tác chiến đặc biệt tại Washington, cho biết: "Chúng tôi biết gia đình Akasha có dính líu đến mua bán ngà voi, chúng tôi đã ghi âm các cuộc trò chuyện mà bọn họ chỉ bàn đến ngà voi. Bọn họ cũng giống như các bố già ở Mỹ, là những kẻ sống nhiều mặt. Những tên này là dân buôn lậu ngà voi và ma túy. Những nẻo đường buôn lậu ngà voi cũng giống như những nẻo đường buôn lậu ma túy vậy".
Cuộc ghi âm vào tháng 4-2014 ấy trở thành bằng chứng buộc tội những kẻ buôn ma túy và ngà voi trước tòa. Trong đoạn băng ghi âm có lời của Ibrahim như sau: "Tôi có ngà voi, sừng tê giác". Những cáo buộc bị luật sư người Kenya của hai anh em, ông Cliff Ombeta, chối bỏ. Ông ta nói với tờ The Economist rằng thân chủ của ông chưa từng liên quan đến bất kỳ cuộc mua bán ngà voi nào, và thân chủ của ông chưa từng bị bắt và bị điều tra về tội danh nào có liên quan đến ngà voi.
"Họ chẳng bao giờ lưu trữ ngà voi cho bản thân hay cho bất cứ ai khác vì bất cứ lý do nào", ông ta khẳng định. Thậm chí ông ta cũng chối bỏ mọi quan hệ kinh doanh giữa Ali và hai thân chủ của mình.
Săn lậu thú hoang là mối đe dọa không chỉ với voi Kenya mà cả trên toàn châu Phi. Một khảo sát gần đây cho thấy số lượng voi trên châu lục này sụt giảm gần 1/3 trong giai đoạn 2007-2014, chỉ còn khoảng 415.000 cá thể. Nhờ những chuyến hàng bằng tàu buôn, bọn buôn lậu vận chuyển nhiều tấn ngà voi từ các công viên thú hoang thiên nhiên đến các thị trường châu Á thông qua điểm trung chuyển "tuyệt hảo" là cảng Mombasa. Giá thị trường chợ đen ngà voi hiện nay lên tới 1.100 USD/kg.
Nó trùng hợp với một trong những tuyến đường chính cho heroin từ Afghanistan qua điểm trung chuyển Kenya và Tanzania trước khi tới châu Âu được chia thành nhiều gói nhỏ rồi theo đường hàng không thẳng tiến.
Javier Montano, chuyên gia chống tội phạm săn bắt thú hoang thuộc Văn phòng chống Tội phạm và Ma túy Liên Hiệp Quốc ở Nairobi, cho biết: "Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là dân làm ăn phi pháp, với mục tiêu tối thượng luôn là tiền, không có gì khác ngoài ma túy, vũ khí, ngà voi, giống như bán thực phẩm cấm để kiếm lời!"
Theo dấu DNA các vụ bắt giữ ngà voi cho thấy Mombasa cũng bị nghi ngờ là sào huyệt buôn lậu heroin, và nó cũng là một trong ba mạng lưới buôn lậu tham gia đưa ngà voi ra khỏi châu Phi. Hai sào huyệt khác nằm tại Entebbe ở Uganda và Lomé ở Togo. Nhà sinh vật học Samuel Wasser thuộc trường Đại học Washington ở Seattle cho rằng vụ bắt giữ hai anh em Baktash - Ibrahim Akasha thật ra chưa phản ánh đúng mức độ và sự phức tạp của buôn lậu ngà voi và ma túy. Một bản đồ DNA mà nhà sinh học này tự lập ra vào thập niên 1990 cho thấy từng có nhiều vụ bắt giữ hơn 1,5 tấn ngà voi tại sào huyệt Mombasa.
Khi chứng cứ dần phanh phui những tổ chức giống nhau, cùng buôn lậu nhiều mặt hàng cấm, sử dụng cùng mạng lưới phân phối để chuyển ngà voi, sừng tê giác và ma túy ra khỏi châu Phi, các nhà điều tra đang hy vọng những con đường mới cho việc đồng luận tội các tội danh này sẽ mở rộng ra hơn.