Những tranh cãi quanh cái chết của Kim Jong-nam

Thứ Tư, 22/02/2017, 15:45
Hơn một tuần sau cái chết của ông Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vụ án cho tới nay vẫn hoàn toàn bí ẩn. Thi thể của Kim Jong-nam hiện đang được canh giữ cẩn thận trong một nhà xác bệnh viện ở thủ đô Malaysia.

Vụ án này liên hệ tới năm quốc gia gồm Malaysia, Triều Tiên, Hàn Quốc, Indonesia, nơi có một nghi can bị bắt, Macao, nơi ông Kim sống với gia đình và Việt Nam hiện đang điều tra xem có phải một nghi can thật sự là người Việt Nam hay không.

Hãy khoan nói tới những suy đoán của các chuyên gia và giới truyền thông quốc tế. Tranh cãi đã nổ ra giữa Triều Tiên và Malaysia. Trong ngày 18-2, cảnh sát Malaysia cho hay họ bắt giữ nghi can thứ tư, một người đàn ông Triều Tiên 46 tuổi.

Vụ sát hại ông Kim Jong-nam tràn ngập báo chí và truyền hình nước ngoài cả tuần qua. Ảnh: Reuter.

Giới hữu trách Malaysia từ chối không cho biết thêm chi tiết về nghi can này. Vào khoảng gần nửa đêm cùng ngày, Đại sứ Triều Tiên ở Malaysia, ông Kang Chol, mở cuộc họp báo bên ngoài nhà xác, nói với báo chí rằng Chính phủ Malaysia “có vẻ đang tìm cách che giấu điều gì” và “cấu kết với các thế lực thù nghịch”. Đại sứ Kang nói rằng Triều Tiên hoàn toàn bác bỏ kết quả giảo nghiệm vì được thực hiện đơn phương và không có sự hiện diện của phía Triều Tiên.

Ba bị can bị bắt trước đó, nghi can thứ nhất bị bắt hôm 15-2 ngay ở trạm khởi hành là một phụ nữ mang hộ chiếu Việt Nam với tên Ðoàn Thị Hương, 28 tuổi, dân gốc tỉnh Nam Ðịnh. Nghi can thứ hai bị bắt sáng 16-2 là một phụ nữ mang sổ thông hành Indonesia tên Siti Aishah, 25 tuổi. Chiều 16-2, thêm một người đàn ông, được cho là bạn của nghi can Siti Aishah, cũng bị bắt giữ.

Cảnh sát Malaysia nói rằng họ còn đang theo dõi ba người khác nữa. Hãng tin AP nói là chưa thể xác định lý lịch của các đương sự này có đúng như trên giấy tờ hay không.

Đưa tin về vụ án này, hầu hết các cơ quan truyền thông quốc tế đều cho rằng đây là hai nhân viên mật vụ thuộc một đơn vị sát thủ của nhà nước Triều Tiên. Kênh truyền hình cáp Joseon-TV (Hàn Quốc) trích dẫn nguồn tin chính phủ giấu tên, khẳng định rằng Kim Jong-nam được cho là đã thiệt mạng tại sân bay do một vụ hãm hại bởi hai người phụ nữ dùng "kim tẩm độc".

Theo Đài Truyền hình Chosun (Hàn Quốc), thì hai phụ nữ được cho là đặc vụ Triều Tiên, sau đó đã đón xe taxi để tẩu thoát. Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc không xác nhận cũng không phủ nhận tin trên.

Ông Kim Jong-nam.

Cái chết của ông Kim Jong-nam càng ngày càng khó hiểu với thêm nhiều chi tiết. Mặc dù Triều Tiên phản đối nhưng không có lời yêu cầu chính thức, nên nhân viên pháp y Malaysia đã giảo nghiệm thi hài Kim Jong-nam và sẽ trao trả thi hài cho Triều Tiên. Kết quả giảo nghiệm không được công bố, do đó chưa thể rõ nạn nhân bị đầu độc như thế nào.

An ninh đang được thắt chặt tại tất cả các cửa ngõ ra vào Malaysia. Cảnh sát trưởng bang Selangor, ông Abdul Samah Mat, nói rằng các giới chức đang xem xét vụ án từ mọi góc độ, trong đó có việc nỗ lực làm rõ tất cả những người liên quan. Nhân viên ngoại giao Indonesia đã gặp nhưng không được nói chuyện gì với nghi can, và xác nhận Siti Aishah là công dân nước họ, gốc gác ở Banten, một tỉnh gần thủ đô Jakarta.

Liên quan đến vụ việc, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan. Tờ nhật báo The Star ngày 16-2 cho biết, nghi can khai với cảnh sát rằng cô bị bốn người đàn ông đánh lừa, nói rằng họ muốn chơi khăm một hành khách nên nhờ cô phun chất lỏng vào mặt người này trong khi một phụ nữ khác chụp khăn tay vào mặt nạn nhân. Hai cô sau đó rời sân bay bằng taxi và bốn người đàn ông tách thành hai nhóm cũng rời khỏi sân bay. Một ngày sau nhóm người kia bỏ người mang tên Ðoàn Thị Hương một mình ở khách sạn nên cô tìm cách rời Malaysia và bị bắt tại sân bay.

Hãng tin Pháp AFP cho rằng một trong các chất độc có thể được dùng trong vụ ám sát này là Ricin, hóa chất gây chết người được tìm thấy trong hạt thầu dầu, hoặc là Tetrodotoxin - chất độc từ cá nóc. Ricin gây phản ứng chậm trong khi Tetrodotoxin có khả năng làm tê liệt và giết nạn nhân nhanh chóng. Nhưng theo lời ông Porntip Rojanasunan, một chuyên gia pháp y, cố vấn cho Bộ Tư pháp Thái Lan, “máu đỏ tươi” của nạn nhân khi khám nghiệm tử thi là dấu hiệu nhiễm độc Cyanide.

Tất cả những tin tức phức tạp từ nhiều nguồn chưa thể kiểm chứng như thế, cùng với rất nhiều dự đoán khác nhau về thực trạng chính trị Triều Tiên khiến cho không thể biết rõ vì sao Kim Jong-nam bị ám hại.

Kim Jong-nam, 45 tuổi, là người con lớn nhất của cố Chủ tịch Kim Jong-il và theo bình thường phải là người kế nghiệp lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng vì Kim Jong-nam có một số tư tưởng và hành động không hợp với truyền thống của chế độ nên người em là Kim Jong-un, khi đó chưa tới 30 tuổi, được chọn vào vị trí ấy. Năm 2011, lãnh tụ Kim Jong-il chết và Kim Jong-nam tiếp tục sống lưu vong ở nước ngoài như từ nhiều năm trước, hầu hết ở Macao, Trung Quốc, và cũng có khi tới Singapore, Pháp.

Theo New York Times, Kim Jong-nam thường có mặt trong các khách sạn sang trọng và sòng bài ở Macao. Sau vụ bị mưu sát năm 2012, Kim Jong-nam ít khi bày tỏ quan điểm và ý kiến về chế độ ở nước nhà. Kim Jong-nam cũng đã từng thổ lộ là cảm thấy thời gian sống còn của mình chỉ là tạm bợ, và hiểu mình là người có thể bị săn đuổi, tuy vậy có nhiều lúc ít quan tâm tới sự tự vệ.

Một trong những nghi can của vụ án.

Theo nhiều quan sát viên, Kim Jong-nam là người không có tham vọng chính trị và không phải là mối đe dọa cho giới lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, có một lần vào năm 2012, Kim Jong-nam từng bị mưu sát tại Trung Quốc. Nguồn tin Mỹ và Hàn Quốc đều tin rằng giới lãnh đạo Triều Tiên chủ động vụ ám sát.

Các bình luận gia khác lại cho rằng có thể Kim Jong-nam được coi là lá bài có đủ điều kiện nhất đối với các phe phái muốn giữ nguyên chế độ, chỉ thay đổi nhân sự lãnh đạo. Kim Jong-nam không có thế lực gì trong nước và cũng không có quan hệ với các nhóm đối lập lưu vong ở hải ngoại. Tuy nhiên, theo NBC News, Kim Jong-nam có thái độ thân Trung Quốc và được Bắc Kinh che chở, điều này có thể trở thành vấn đề đối với thời điểm bị sát hại.

Mới tuần trước, Triều Tiên thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm trung, vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Sau một loạt những vi phạm từ các vụ thử nghiệm nguyên tử trước đó, Trung Quốc lâm vào một tình thế khó xử đối với quốc tế vì không thể làm ngơ nhưng cũng không thể có áp lực hay hành động gì mạnh hơn với Triều Tiên, một nước đồng minh thân cận trong vùng Ðông Bắc châu Á. Trong tình huống ấy, một sự thay đổi ở thành phần lãnh đạo Triều Tiên được coi như giải pháp thích đáng nhất cho Trung Quốc thoát khỏi bế tắc.

Chính quyền Bình Nhưỡng không loan tin cái chết của Kim Jong-nam cho dân chúng trong nước biết, và cũng không đưa ra lời bình luận gì. Nước này đang chuẩn bị ngày kỷ niệm sinh nhật Kim Jong-il, được coi là một trong những đại lễ quan trọng nhất hằng năm.

Phát biểu với đài Sputnik của Nga ngày 17-2, Giáo sư Đại học Tổng hợp St. Petersburg, nhà Đông phương học Vladimir Kolotov nói về vụ ám sát này: “Lịch sử thế kỷ 20 cho thấy, không phải là hiếm, nếu giả sử có một vụ giết người theo đặt hàng tương tự, thì nó sẽ được thực hiện dưới "lá cờ giả mạo". Vụ loại bỏ Kim Jong-nam đã được lên kế hoạch trước và mục tiêu đạt được qua tay kẻ nghiệp dư hành động một cách mù quáng chỉ nhằm đánh lạc hướng điều tra.

Rõ ràng là người phụ nữ với hộ chiếu công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương - không phải là một nhân viên đặc nhiệm. Một chuyên gia sẽ không giết người dưới hàng chục camera được trang bị tại sân bay ở thủ đô Kuala Lumpur, và sau đó còn quay trở lại hiện trường vụ án.

Câu hỏi đặt ra là, ai được hưởng lợi từ vụ giết người này. Đây là công việc nội bộ của hai nước Triều Tiên, nhúng tay vào vụ này có thể là do Bắc hoặc Nam Triều Tiên thực hiện. Tôi vẫn có xu hướng nghĩ rằng người ta đã dẹp đi một người có thể trở thành lãnh tụ Triều Tiên".

Nhưng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương, Viện phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Giáo sư Dmitry Mosyakov có ý kiến khác: "Tôi nghĩ vụ ám sát này được lên kế hoạch và thực hiện bởi Hàn Quốc. Đối với chính quyền Triều Tiên, Kim Jong-nam không phải là nhân vật nguy hiểm, ông đã rút lui khỏi  hoạt động chính trị tích cực và sống ở một đất nước khác. Còn Hàn Quốc đang thất vọng với tình hình được cải thiện ở Triều Tiên, việc tăng cường quyền lực của ông Kim Jong-un, và nước này đang khao khát làm suy giảm sức mạnh đó.

Bởi vậy chính quyền Hàn Quốc quan tâm đến việc thể hiện chế độ Triều Tiên trước thế giới như là một thể chế ngoài lề, đẫm máu, bạo lực, để cho không một nước nào muốn thiết lập quan hệ với Triều Tiên. Vì thế, vụ giết hại đê tiện người anh cùng dòng máu với nguyên thủ quốc gia cũng sẽ được giới thiệu như là một tội ác của Bình Nhưỡng".

Cuối cùng thì cuộc điều tra có thể cho biết vụ ám sát ở Malaysia là do đâu và như thế nào, nhưng không chắc sẽ hiểu được các nguyên nhân khiến Kim Jong-nam bị cố tình theo đuổi sát hại. Với đất nước khép kín như Triều Tiên, người ta có thể đưa ra vô số phỏng đoán về mọi chuyện mà không phải bao giờ cũng tìm thấy giải đáp. Mọi cáo buộc giờ này đều là võ đoán.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.