Những vụ kiện kỳ khôi nhất

Thứ Năm, 22/10/2009, 08:20
Điều khác biệt trong các vụ kiện này là chi tiết của từng vụ việc và số tiền bồi thường (nhiều khi là bất bình thường) cho nạn nhân. Danh sách những nguyên đơn gồm có đạo diễn Woody Allen, Stella Liebeck, Anna Ayala…

Hãng thời trang American Apparel chính thức bị đạo diễn gạo cội Woody Allen kiện ra tòa vì sử dụng trái phép hình ảnh của ông phục vụ cho mục đích kinh doanh hồi cuối năm vừa rồi.  Với số tiền đòi bồi thường lên đến 10 triệu USD.  Vào ngày 18/5 vừa qua, tại Tòa án Manhattan, Hãng American Apparel đã chịu thua và đồng ý chi 5 triệu USD theo phán quyết cuối cùng của tòa án.

Tuy không đạt được số tiền bồi thường nhiều như đạo diễn Woody Allen nhưng Stella Liebeck lại đạt được một chiến thắng kép ngoạn mục hơn nhiều: bỏ túi khoản tiền tới hơn 2 triệu USD và trở thành một biểu tượng cho những vụ kiện tức cười nhất. Căn nguyên là vào năm 1992, khi đó Stella Liebeck 79 tuổi, trong lần mua cà phê tại McDonald’s, bà Stella Liebeck bị bỏng độ 3, phải ghép da và mất 2 năm điều trị.

Hai bên đã thỏa thuận rằng McDonald’s sẽ chi trả 20.000 USD cho phí điều trị, thuốc men. Những tưởng mọi việc sẽ dừng tại đó nào ngờ Stella Liebeck đùng đùng mang vụ kiện ra tòa năm 1994 khi Hãng McDonald’s chỉ trả cho bà 800 USD. Và Stella Liebeck thắng kiện. Tòa ra phán quyết rằng McDonald’s phải thanh toán chi phí tổn hại là 160.000 USD và thêm khoản phí bồi thường lên tới 2,7 triệu USD.

Sau khi kết thúc phiên tòa, Stella Liebeck còn nhận được một khoản tiền từ McDonald’s và cam kết rằng sẽ không kháng cáo. Liebeck đã trở thành biểu tượng cho những vụ “ăn vạ”. Điều đáng tiếc nhất cho Stella Liebeck là bà này chết trước khi McDonald’s thêm vào thực đơn món cà phê đá.

Kỳ khôi hơn là vụ... tự kiện mình của một tù nhân. Vào năm 1995, nhà tù Virginia tiếp nhận lá đơn viết tay dài 7 trang của Robert Lee Brock. Anh này tự kiện chính mình: “Vì vi phạm vào tôn giáo và luật dân sự, tôi muốn tự phạt mình số tiền 5 triệu USD nhưng tôi yêu cầu nhà nước phải trả số tiền này vì giờ ở trong tù, tôi không thể kiếm ra tiền”.  Quan tòa Rebecca Beach Smith dù rất hoan nghênh “sáng kiến” của Robert Lee Brock nhưng cũng phải bác đơn kiện này.

Không phải ai cũng muốn có vẻ ngoài giống như cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Michael Jordan. Allen Heckard là một ví dụ. Năm 2006, anh này đâm đơn kiện siêu sao Michael Jordan và đòi bồi thường 416 triệu USD chỉ vì “Michael Jordan có vẻ bề ngoài giống mình”.

Khác với những người thông thường sung sướng vì được giống với người nổi tiếng, Allen Heckard chỉ thấy gặp thêm phiền phức. Anh này miêu tả: “Chỉ vì có nét giống Michael Jordan mà tôi gặp rất nhiều phiền toái về tình cảm, thậm chí còn bị phỉ báng và xúc phạm. Tôi thấp hơn Jordan 6 inches và không thể tham gia vào các hoạt động tôn giáo, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay chơi thể thao trong công viên.

Anna Ayala với vụ kiện “lóng tay trong sốt chi li” của nhà hàng Wendy’s.

Mọi người nhìn thấy tôi là lầm tưởng tôi với anh ấy. Điều này gây ra rất nhiều phiền toái.  Allen Heckard còn kiện hãng cung cấp trang phục thể thao Nike với số tiền tương tự vì “tội” tiếp tay để Michael Jordan nổi tiếng như vậy. Tuy nhiên, cuối cùng thì Heckard cũng chấp nhận rút lại vụ kiện.

Cái tên Anna Ayala đã trở nên rất nổi tiếng sau khi bà này phát hiện ra một lóng tay dài 1,5 inch trong món chili tại nhà hàng Wendy’s ở San Jose (California) vào năm 2005. Anna Ayala đã kiện nhà hàng này ra tòa. Nhưng thật không may, cảnh sát trưởng của San Jose đã phát hiện ra sự gian dối: “Không thể nào mà lóng tay đó còn nguyên sau khi đã được đun ở nhiệt độ 1700C trong vòng 3 giờ đồng hồ ì- theo cách nấu món chili thông thường tại chuỗi nhà hàng Wendy’s”.

Lần theo dấu vết, cảnh sát phát hiện ra chồng của Anna Ayala là Jaime Plascencia đã từng bỏ tiền ra mua lóng tay bị đứt rời của Brian Rossiter - một người làm cùng cơ quan sau khi anh này bị tai nạn nghề nghiệp với giá 100 USD. Cặp vợ chồng Anna còn trả cho Brian Rossiter 250.000 USD để giữ bí mật kế hoạch tống tiền này.

Anna Ayala và Jaime Plascencia đã thú nhận tội lỗi. Vào tháng 9 vừa qua, tòa ra phán quyết rằng cặp vợ chồng này đã gây ra thiệt hại lên tới 2,5 triệu USD. Tại phòng xử án, Ayala khóc lóc và xin được khoan hồng nhưng cuối cùng Ayala cũng bị lĩnh án 9 năm tù, Plascencia thì 12 năm. Báo chí mỉa mai rằng: “Nếu có ý định tống tiền thì nhớ phải nấu ngón tay trước đã”.

Vụ đòi bồi thường lên đến hàng chục triệu USD chỉ vì bị giao nhầm quần là trường hợp duy nhất do Roy L. Pearson Jr. khởi xướng. Cam kết của cửa hàng Custom Cleaners là “giao hàng trong ngày” và “đảm bảo mang lại cho khách sự hài lòng” nhưng Roy thì không hề thấy như vậy. Anh này đâm đơn kiện và đòi bồi thường bằng... 67 triệu USD.

Khốn khổ thay cho cặp vợ chồng Soo và Jin Chung phải ra hầu tòa vì một khách hàng kỳ quái. Năm 2007, tòa bãi đơn và quyết định xử hai bên trắng án. Nhưng Roy không chịu thua. Anh này kháng cáo. Cuối cùng, mất 4 tháng đeo đuổi vụ kiện, Roy bị mất việc. Còn cặp vợ chồng người Hàn Quốc cũng phải đóng 2/3 cửa hàng

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.