Những “vụ trộm thế kỷ” các kiệt tác nghệ thuật
Vụ trộm này đã lôi cuốn sự chú ý của cả thế giới. Người ta viết, nói, tranh luận, thêu dệt đủ mọi điều quanh kiệt tác hội họa bất hủ, khiến bức chân dung "Mona Lisa" trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu.
Thật khó mà liệt kê hết được những "vụ trộm của thế kỷ" trong thời đại chúng ta. Còn một trong những tác phẩm để đời của cây cọ huyền thoại người Hà Lan Rembrandt (1606-1669), bức họa "Chân dung Jacob de Gheyn III" được Sách Kỷ lục Guinness chính thức ghi nhận như là "Bức tranh bị đánh cắp nhiều lần nhất".
Kiệt tác "Chân dung Jacob de Gheyn III" của Rembrandt. |
Kiệt tác này do Rembrandt vẽ trong năm 1632 và được các chuyên gia định giá khoảng 5 triệu USD. Bức họa đã bị bọn trộm lần lượt "hỏi thăm" cả thảy tới… 5 lần, khi đang trưng bày tại Dales gallery ở vùng ngoại ô London (Anh). Lần cuối cùng bị mất là vào năm 1983 và… biệt tích luôn cho đến nay.
Trong nhiều trường hợp, những kẻ đánh cắp các kiệt tác nghệ thuật chỉ nhằm mục đích duy nhất quảng bá cho các "tiêu chí" của chúng.
Như hồi năm 1934 có kẻ đã lấy cắp nửa bức tranh của một họa sĩ Hà Lan nhằm… phản đối Hiệp ước Versailles, vốn được ký hơn một thập niên trước(!); hay như một tài xế xe tải Anh thất nghiệp đã ăn trộm bức tranh "Chân dung Bá tước Wellington", một kiệt tác của họa sĩ lừng danh người Tây Ban Nha Francisco Goya (1746-1828) dạo cuối năm 1961 tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London. Hắn cho biết lý do việc đánh cắp là do Chính phủ Anh đã giảm khoản trợ cấp cho những người về hưu có máy thu hình(?!)…
"Chân dung Bá tước Wellington" của F. Goya. |
Trong thập niên 80 thế kỷ trước, những vụ đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật xảy ra thường xuyên, đến nỗi Tổ chức Quốc tế truy tìm các kiệt tác bị mất cắp (OITSM), với trụ sở đặt tại Geneva (Thụy Sĩ) đã phải ra một nguyệt san riêng hàng tháng, với tựa đề "Chú ý! Những tác phẩm đã bị đánh cắp!", trong đó đăng tải các sản phẩm nghệ thuật vừa bị mất cùng sự mô tả chi tiết về chúng.
Giữa tháng 10-1982, bọn trộm đã nẫng đi 8 bức tranh trong Viện bảo tàng Quốc gia ở Oslo (Na Uy), trong đó có các kiệt tác của Rembrandt, F. Goya, Vincent van Gogh (1853-1890) và Pablo Picasso (1881-1973).
Theo các chuyên gia am hiểu, thì tổng giá trị của số tranh bị trộm lên tới 6 triệu USD thời giá lúc ấy. Sau 2 năm truy lùng gắt gao, cảnh sát đã tìm lại được các bức tranh gần thành phố Frankfurt trên sông Maim ở Đức.
Tháng 11-1983, tới lượt các bức họa của Raffaello và Tintoretto tại Viện bảo tàng các kiệt tác nghệ thuật ở Budapest đột nhiên… "bốc hơi". Suốt 2 năm ròng kế tiếp cảnh sát Hungary phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) mới tìm ra tang vật.
Đa phần các kiệt tác bị mất cắp không thể mua đi bán lại một cách công khai được - bởi chúng quá nổi tiếng. Đó có thể là một lý do giúp cho việc tìm lại các báu vật nghệ thuật. Nhưng với số phận của các tác phẩm "kém giá trị" hơn lại không hẳn vậy. Phần lớn chúng hiện hữu trong các bộ sưu tập tư nhân, nhưng vẫn không lọt qua được những cặp mắt ranh ma của bọn trộm. Vụ đánh cắp lớn nhất thuộc dạng này là từ bộ sưu tập của Nam tước Alfred Beit (1903-1994) ở thị trấn Blessington, phía đông Ireland.
Bức "Hoa anh túc" trị giá 56 triệu USD của danh họa Hà Lan Vincent van Gogh, thuộc "vụ trộm thế kỷ" xảy ra cuối tháng 8-2010 tại Bảo tàng Mohamed Mahmoud Khalil ở Cairo (Ai Cập). |
Giữa 19 bức họa bị mất là bức tranh đáng giá nhất: "Quý bà đang đọc cho cô hầu viết thư" của danh họa kiêm thợ kim hoàn Bỉ trứ danh Jan Wermeyen (1559-1606). Tổng trị giá số tranh là 19,2 triệu USD, được tìm lại đầy đủ tất cả trong những năm kế tiếp, do chủ sở hữu và giới hậu duệ thừa kế không tiếc tiền thuê đội ngũ thám tử tư cự phách, ráo riết săn lùng trên thị trường chợ đen quốc tế về các kiệt tác nghệ thuật, nhằm truy tìm mọi dấu vết về chúng. Trong Sách Guinness ấn bản năm 2005, vụ này được ghi nhận như là "Vụ trộm tài sản công dân kỷ lục của thế kỷ XX".
Nạn buôn bán tranh tượng ăn cắp không ngừng nở rộ và ngày càng phát triển, bởi đây chính là một công cụ béo bở mới trong lĩnh vực tẩy rửa tiền của mafia. Còn theo nguyệt san chuyên ngành nói trên, thì chỉ có chừng 10% các kiệt tác bị mất trong vòng 2 thập niên gần đây là tìm lại được.
Bức họa "Mặt trời mọc" nổi tiếng nhất của Claude Monet đã vĩnh viễn biến mất? |
Một trong những bức họa nổi tiếng nhất của cây cọ lỗi lạc người Pháp Claude Monet (1840-1926), bức "Mặt trời mọc" đã bị đánh cắp dạo cuối năm 1985 tại Viện bảo tàng Marmottan Monet ở Paris. Trong một buổi sáng đầu đông u ám, bọn cướp có vũ trang đã nẫng đi trong nháy mắt 9 bức họa - trong đó có 8 bức được coi là vô giá - như ở chỗ không người. Đây là vụ trộm nổi cộm chưa từng thấy trong bề dày lịch sử của các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp.
Tổng trị giá của cả 9 bức tranh là 12 triệu USD theo thời giá lúc ấy, thậm chí nhiều chuyên gia còn đưa ra con số 20 triệu USD. Cảnh sát thì quả quyết bọn trộm nhất định phải có tay trong nội gián, nên mới sành sỏi mọi phương thức bảo vệ tân kỳ đến vậy. Suốt 3 thập niên qua, việc truy tìm lại 9 bức họa trị giá cả trăm triệu USD ở thời điểm hiện nay vẫn hoàn toàn… vô vọng.