Những vụ trốn thuế tai tiếng nhất nước Mỹ

Thứ Tư, 29/07/2009, 12:45
Thuế là phần nghĩa vụ bắt buộc đối với các công dân, nhất là những người có mức thu nhập đặc biệt. Nhưng không ít trong số những nhân vật nổi tiếng đó lại tìm cách trốn tránh. Trong một thời gian dài, ngân sách liên bang Mỹ bị thất thoát những khoản đáng kể. Trong số những người của công chúng bị liệt vào danh sách "đen" nổi tiếng của nước Mỹ vì tội trốn thuế có Wesley Snipes, Willie Nelson, Richard Hatch...

Al Capone là tên tội phạm khét tiếng nhất nước Mỹ. Nguyên cả vùng Chicago - thủ đô của xã hội đen, Al Capone nắm trong lòng bàn tay nhờ vào quyền lực đen cộng với cái đầu đầy mưu mẹo. Những vụ làm ăn phi pháp cũng như thanh trừng đối thủ được thực hiện trót lọt. Chính quyền dù rất muốn tóm cổ Al Capone nhưng không thể tìm ra bằng chứng. Al Capone khéo léo vượt qua mọi cái bẫy giương sẵn.

Cuối cùng, hắn chỉ bị vu cho tội trốn thuế - một tội danh nhỏ nhất trong những tội ác tày trời mà hắn đã gây ra. Hắn bị kết án 11 năm tù. Dư luận Mỹ đều không hài lòng với mức án phạt này nhưng với những lý do, hoàn cảnh khách quan, bộ máy chính quyền chỉ có thể làm được đến vậy.

 Wesley Snipes, Al Capone, Walter Anderson.

Vụ ồn ào dính líu đến thuế gần đây là của tài tử da màu Wesley Snipes - người chuyên vào vai những người hùng diệt ác phù nhân. Khán giả rất hâm mộ Wesley Snipes qua các vai diễn trong phim "Blade trilogy", "White Men Can't Jump"... Năm 2008, tòa án xác định Snipes đã trốn hơn 15 triệu USD tiền thuế bằng cách gửi tiền vào các tài khoản ở nước ngoài từ năm 1998. Snipes bị bồi thẩm đoàn kết tội danh "cố tình không khai báo thu nhập".

Tất nhiên, Snipes đưa ra rất nhiều lý lẽ để biện minh và chấp nhận đóng một khoản tiền lên tới 5 triệu USD và xin được hưởng án treo. Tuy vậy, Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) quyết định rằng "không có biệt lệ" đối với những trường hợp trốn thuế. Snipes phải nhận bản án 3 năm tù và đây chính là "thông điệp rõ ràng đối với những kẻ muốn trốn thuế".

Ca sĩ dòng nhạc đồng quê Willie Nelson cũng là một nhân vật cộm cán trong lĩnh vực trốn thuế. Năm 1990, tòa án ra phán quyết rằng Nelson phải nộp khoản truy thu thuế là 16,7 triệu USD hoặc chịu ngồi tù. Nelson đã chấp nhận bán đấu giá nhiều tài sản có giá trị.

Điều may mắn là ông có những người hâm mộ trung thành, luôn sát cánh cả trong những khi khó khăn hay hạnh phúc. Chính họ là người nộp tiền bảo lãnh tại ngoại và cũng đứng ra mua lại tài sản, tránh cho ông kết cục tài sản rơi vào tay người khác.

Sau khi mọi việc được giải quyết ổn thỏa, Nelson tung ra một album có tên "Who Will Buy My Memories?". Khán giả hâm mộ lại nhiệt tình mua đĩa đồng thời trao trả lại tài sản cho ông. Năm 1993, Nelson đã hoàn toàn thoát khỏi mọi rắc rối.

Richard Hatch là người thông minh, sáng tạo, bền bỉ nên giành được chiến thắng trong trò chơi truyền hình nổi tiếng ở Mỹ có tên Survivor-phần I. Anh chàng này suy nghĩ rất đơn giản rằng mình là người chiến thắng trong trò chơi nên cứ thế rinh món tiền thưởng triệu đô về nhà. Tuy nhiên, IRS lại không nghĩ vậy.

Họ kiện Richard Hatch ra tòa vì tội trốn thuế. Hội đồng xét xử Rhode Island kết tội Hatch 51 tháng tù. Tháng 10 tới, Hatch sẽ hết hạn và ra tù. Châm ngôn kinh điển dành cho những người có ý định trốn thuế là của tỉ phú bất động sản Mỹ Leona Helmsley: "Chúng ta không cần phải nộp thuế. Chỉ những kẻ tầm thường mới nộp thuế mà thôi".

Năm 1989, nữ hoàng hà tiện này phải nhận án 16 năm tù vì tội có chủ ý trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước trong một thời gian dài. Sự kiện Leona Helmsley vào tù được coi là cột mốc trọng đại trong ngành thuế nước Mỹ. Các nhà làm luật cùng biểu quyết thuận rằng ngày 15/4 hàng năm sẽ là Ngày thuế.

Trong danh sách "đen" này, O.J. Simpson có vẻ là người đáng thương nhất. O.J. Simpson (thường được gọi trìu mến bằng tên O.J) từng là cựu ngôi sao của môn bóng bầu dục đồng thời là diễn viên Hollywood được khán giả yêu thích. Sau này O.J bị kết tội biển thủ khoản tiền thuế lên tới 1,4 triệu USD. Không những thế, anh này còn tham gia vào vụ bắt cóc tống tiền và cướp có vũ trang. Hiện O.J vẫn đang thụ án tại nhà tù bang Nevada.

Dionne Warwick là con của một kế toán. Đáng ra bà phải biết rất rõ chuyện đóng thuế là bắt buộc nhưng lại không làm. Trong sự nghiệp ca sĩ của mình, bà kiếm được cả tá giải thưởng nhưng tiền truy thu thuế cũng không nhỏ: 2 triệu USD. Khác với những nhân vật có duyên với tòa án xuất phát từ nguyên nhân thuế má, Warwick hiện đang sống ở Brazil và bà đang cố gắng trả hết số nợ còn lại. 

Cùng mang tiếng là một trong những người nợ thuế cao nhất ở bang California như O.J. Simpson, nghệ sĩ hài Sinbad làm người khác giật mình vì khoản tiền 2,5 triệu phải nộp cho IRS. Điều đáng ngạc nhiên hơn là Sinbad không chỉ nợ thuế, anh này còn nợ rất nhiều khoản khác. Nhớ đến Sinbad, giờ đây người ta còn nhớ rằng anh không chỉ nổi tiếng về vai diễn trong "Jingle All the way" mà còn là một "chúa chổm".

Walter Anderson là một trường hợp đặc biệt. Câu kết với một mạng lưới các công ty nước ngoài, Walter Anderson che giấu tiền một cách tinh vi. Anderson còn nợ chính quyền liên bang một khoản thuế là 200 triệu USD. Cho đến thời điểm hiện tại, đây là khoản trốn thuế cao nhất lịch sử nước Mỹ. Năm 2005, mọi chuyện được dàn xếp êm đẹp khi Anderson thú nhận tội và đồng ý trả hết thuế lẫn tiền phạt. Tổng cộng gần 400 triệu USD

Bảo Phương (tổng hợp)
.
.