Những vụ xuyên tạc tình hình Việt Nam của Đài Phát thanh Á châu tự do

Thứ Tư, 19/11/2008, 16:15
Thời gian gần đây, nhân trong nước xảy ra một số sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm như vụ "Tòa Khâm sứ", "Giáo xứ Thái Hà", vụ phiên tòa xét xử nguyên 2 nhà báo và nguyên 2 sĩ quan Công an…,

Bên cạnh những trang web, những tờ báo của các nhóm người Việt cực đoan  hải ngoại với những bài viết đầy ác ý, thì Đài Phát thanh Á châu tự do (RFA) cũng nhảy vào bằng những thông tin lập lờ, ngụy tạo mà mục đích không ngoài việc tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách, chủ trương của Nhà nước Việt Nam.

Vậy RFA là cái gì?

Sự ra đời của RFA

Thế chiến II kết thúc, nhân loại chưa vui mừng được bao lâu thì hai siêu cường lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô lại bước vào một cuộc đối đầu mới, mà các nhà viết sử vẫn quen gọi bằng cái tên “Chiến tranh lạnh”, trong đó nước Mỹ hạ quyết tâm tiêu diệt chủ nghĩa Cộng sản bằng nhiều hình thức mà cụ thể là yểm trợ tiền bạc, vũ khí - kể cả gửi cố vấn, lính viễn chinh đến những nơi có phong trào giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản (ĐCS) lãnh đạo như miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia..., hoặc tìm cách phá hoại các quốc gia mà ĐCS nắm chính quyền như Liên Xô, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cuba, Hungrary, Bungary, Cộng hòa Dân chủ Đức...

Giữa năm 1958, Tổng thống Mỹ Eisenhower, theo gợi ý của một số chuyên gia, cố vấn chính trị, đã ký quyết định cho phép Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thành lập một đơn vị đặc biệt với tên gọi United States Information Agency (Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ - viết tắt là USIA).

Người dân Mỹ hầu như không ai biết đến nó, không nghe gì về nó bởi lẽ USIA không hoạt động trong lãnh thổ nước Mỹ, mà đích nhắm của nó là tất cả những quốc gia thuộc khối Cộng sản hoặc có phong trào Cộng sản hoạt động.

Nhiệm vụ của USIA là tuyên truyền cho lý tưởng Mỹ, gây xói mòn lòng tin của dân chúng với chế độ, với chính quyền nơi họ đang sinh sống. Trong suốt giai đoạn của cuộc Chiến tranh lạnh, USIA có mặt tại 150 quốc gia trên thế giới với công cụ chính là 2 đài phát thanh Âu châu tự do (Radio Free Europe - RFE), và Đài Á châu tự do (Radio Free Asia - RFA). Hỗ trợ cho 2 đài này, là hàng trăm trạm tiếp sóng cùng hàng nghìn nhân viên dưới vỏ bọc là một đơn vị độc lập, không lệ thuộc vào bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào của Chính phủ Mỹ.

Năm 1972, bí mật về Đài RFE bị tiết lộ. Sau khi các nhà lãnh đạo RFE phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, nó được chuyển giao cho Bộ Ngoại giao Mỹ quản lý nhưng mục tiêu và hình thức hoạt động của USIA vẫn không thay đổi - nghĩa là ở phương Tây, nó tuyên truyền chống Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Ở phương Đông, nó "đánh" Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên, Việt Nam...

Để "đánh" Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Việt Nam, USIA sử dụng Đài RFA. Thành lập năm 1950 dưới sự quản lý của CIA, vào giai đoạn cực thịnh nó phát thanh gần 100 giờ mỗi ngày, bao gồm các thứ tiếng như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Triều Tiên..., trong đó lại có những buổi phát thanh bằng thổ ngữ như tiếng H'Mông, Êđê (Việt Nam), tiếng Choang (Trung Quốc), tiếng Karen (Myanmar)...

Năm 1971, CIA chuyển quyền điều hành Đài RFA cho "Cơ quan truyền thông quốc tế - Board of International Broadcasting - BIB". Giám đốc cơ quan này vẫn do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm và chỉ đạo.

Đến năm 1994, khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật truyền thông quốc tế, RFA chính thức trở thành "một công ty tư nhân, bất vụ lợi". Tuy có tiếng là một công ty tư nhân, nhưng ngân sách hoạt động của RFA vẫn do Quốc hội Mỹ tài trợ dưới sự điều hành của "Hội đồng quản trị truyền thông - Broadcasting Board of Governors - BBG".

Hiện tại, nhân viên ban tiếng Việt của RFA hầu hết đều là người Việt. Và nếu không phải là con em của sĩ quan, viên chức chế độ Sài Gòn cũ, thì họ cũng là những người “chống Cộng triệt để”. Chả thế mà trong các buổi phát thanh bằng tiếng Việt của RFA, họ luôn tìm cách làm xói mòn lòng tin của người dân trong nước với chế độ qua các bản tin, các bài bình luận dưới hình thức “tuyên truyền xám” - nghĩa là trộn “giả” vào “thật”.

Và những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc

Tính đến thời điểm này, RFA hàng ngày có những buổi phát thanh bằng 9 thứ tiếng (như đã nêu ở trên), đồng thời còn có những trang web trên mạng Internet cũng bằng những thứ tiếng của các quốc gia này.

Nhiệm vụ trọng tâm của nó, là "khuếch trương, duy trì tự do và dân chủ qua việc phát thanh những tin tức khách quan, chính xác, những thông tin về nước Mỹ và thế giới đến thính giả nước ngoài" để từ đó, hình thành những tổ chức đối lập, kích động người dân đứng dậy lật đổ chính quyền hiện hữu.

Đối tượng chính mà RFA nhắm đến là Trung Quốc, Việt Nam. Trong một thông điệp nói về sứ mạng của mình, RFA đã không ngần ngại công bố: "...Tiếp tục chương trình truyền thông quốc tế, Mỹ thiết lập một dịch vụ truyền thông đến người Trung Quốc cùng các nước Á châu khác, những người thiếu thốn thông tin và ý tưởng, qua đó truyền bá thông tin nhằm phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu trong chính sách ngoại giao Mỹ".--PageBreak--

Khác hẳn với những đài phát thanh bằng tiếng Việt do những nhóm người Việt cực đoan ở nước ngoài điều hành, chỉ chuyên mạt sát, chửi bới - đôi khi bằng những ngôn từ rất hạ cấp,  RFA có "nghề" hơn, bài bản hơn. Sau khi thu thập thông tin trong nước qua các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam (báo chí, phát thanh, truyền hình), một nhóm biên tập của FRA tiến hành “gia công, xào nấu” lại bằng cách "pha trộn" rất khéo léo những thông tin giả vào thông tin thật, hoặc đưa thêm một vài ý kiến bình luận mà độ tinh vi của nó rất dễ khiến người nghe lầm tưởng rằng ý kiến này là của chính tác giả bài viết.

Bên cạnh đó, khi trong nước xảy ra những vụ việc nào đó, để chứng tỏ rằng mình là vô tư, là khách quan, RFA tiến hành phỏng vấn qua điện thoại một vài quan chức Việt Nam - nhưng khéo léo lồng vào những lời lẽ xuyên tạc.

Ngày 23/10/2008, phóng viên Nam Nguyên của RFA đã có bài viết nói về tình hình xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. Sau khi trích dẫn các số liệu đã được công bố công khai trên báo chí Việt Nam, phóng viên Nam Nguyên đã phỏng vấn Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề tồn đọng lúa trong dân.

Tiến sĩ Bảnh nói: "Tới giờ này xuất chưa tới 4 triệu tấn thành ra chính phủ chưa điều chỉnh. Theo tôi biết xuất tới đó mà lượng gạo trong nước còn thì sẽ điều chỉnh. Đó là sự linh hoạt của chính phủ...". Tuy nhiên, ý kiến đúng đắn ấy đã được phóng viên Nam Nguyên chốt lại bằng một câu ở cuối bài, rằng "...điệp khúc được mùa, mất giá vẫn sẽ tiếp tục".

Không chỉ dựa vào những lời phát biểu của những người được RFA phỏng vấn rồi lồng ghép vào đó những quan điểm thù địch, RFA còn cố tình gây hoang mang cho người nghe đài bằng những cái tít giật gân, chẳng hạn như: "Kinh tế Việt Nam suy kém, trách nhiệm nơi đâu?" trong bài viết phát ngày 24/10/2008.

Tại bài này, phóng viên Việt Long của RFA đã cho rằng: "Dân chúng có vẻ như ngày càng bất mãn...", và: "Dường như những nhà lãnh đạo Việt Nam không muốn nhìn thẳng vào sự thật..." trong lúc những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đưa ra, đã phát huy tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả những mặt hàng thiết yếu.

Có thể nói, khác với những đài phát thanh của những nhóm người Việt phản động ở hải ngoại, RFA sử dụng ngôn từ rất... lịch sự. Hầu hết các chương trình do RFA thực hiện đều khai thác tối đa những vấn đề như tự do, nhân quyền, tôn giáo, và trong các bản tin đó, họ không ngần ngại dựng chuyện, chẳng hạn như “chính quyền ở Huế không cho đồng bào phật tử tổ chức lễ Phật đản”!

Khi Chính phủ Việt Nam dự định thành lập Tòa lãnh sự ở thành phố Houston, bang Texas vì theo thông lệ quốc tế, việc mở các lãnh sự quán được thực hiện trên nguyên tắc đối đẳng: Mỹ tiến hành việc mở Lãnh sự quán ở Đà Nẵng, thì việc thành lập Lãnh sự quán Việt Nam ở Houston là việc đương nhiên.

Nhưng - dưới ngòi bút của thông tín viên Hưng Yên, thuộc RFA, thì "đã có hàng trăm người do luật sư Hoàng Duy Hùng dẫn đầu, đến trao thỉnh nguyện thư lên chính quyền thành phố Houston để phản đối việc Việt Nam mở lãnh sự quán".

Ông Vinh Vu Phan, cư dân người Mỹ gốc Việt ở Houston, nói: "Ai còn lạ gì Hoàng Duy Hùng, cùng với Ngô Thị Hiền, Nguyễn Đình Thắng lập ra cái gọi là Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam. Theo hiểu biết của tôi, đại đa số người Việt ở Houston đều hoan nghênh việc Việt Nam mở lãnh sự quán vì như vậy, sẽ rất thuận tiện cho chúng tôi nếu cần đến các loại hồ sơ, giấy tờ...".

Bà Cindy Kiều, chủ tiệm làm móng chân, móng tay - cũng ở Houston nói thêm: "Hôm trước nhóm Hoàng Duy Hùng đến gõ cửa nhà tôi, đưa tôi bản thỉnh nguyện thư rồi yêu cầu tôi ký tên vào để phản đối việc Chính phủ Việt Nam mở lãnh sự quán. Tôi không ký vì đơn giản là nếu có lãnh sự quán, cần xin visa về nước thì gia đình tôi đỡ mất công lên tận San Francisco".

Một trong những "chiêu" nữa của Đài RFA, là tiến hành phỏng vấn những nhân vật cơ hội chính trị, tự xưng là "nhà dân chủ" trong nước như Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Đài, Đỗ Nam Hải...

Ngày 26/10/2008, Thanh Quang - phóng viên RFA đã điện thoại cho Trần Khuê, người từng bị xử lý nhiều lần vì lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Trong buổi phỏng vấn này, ông Trần Khuê một lần nữa lại xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam, rồi quảng cáo cho cái tổ chức "dân chủ thế kỷ XXI" do ông ta cùng một vài người khác thành lập, và đặt vấn đề "để cho nhân dân dùng lá phiếu để thay đổi nhà cầm quyền hơn, hay là phải khởi nghĩa vũ trang để lật đổ thì hơn".

Bên cạnh đó, RFA còn thực hiện những buổi "hội luận" bằng cách tổ chức cho một vài người sống ở trong nước - chủ yếu là giới trẻ, để họ thảo luận trên mạng hoặc qua điện thoại những vấn đề thời sự nóng bỏng. Tuy nhiên, người ta khó mà kiểm chứng được các "bạn trẻ" tham gia những buổi "hội luận" ấy, thực sự là khách quan hay chỉ là những “con chim mồi”, “hót” dưới sự giật dây của RFA.

Chả thế mà bà Catharin Dalpino, cựu Thứ trưởng phụ trách vấn đề nhân quyền trong Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Mỹ Clinton đã phải nói: "Tôi từng duyệt qua các chương trình của RFA. Họ nghiêng nặng về các bản tin và các báo cáo của những người bất đồng chính kiến, những tổ chức phản động lưu vong...".

Tiếp theo, bà Dalpino nhận định: "Bất cứ khi nào chúng ta (tức nước Mỹ) cảm thấy có một kẻ thù nào đó về mặt ý thức hệ, chúng ta lại thành lập một cơ sở phát thanh mang tên tự do cái gì gì đó...".

Cũng cần nhắc thêm là khi Đài RFE đóng cửa, một trí thức người Macedonia đã nói rằng: "Đây là một tin vui và cũng là tin buồn. Vui vì chúng tôi không còn nghe những bản tin chống phá Macedonia bằng chính ngôn ngữ của chúng tôi, còn buồn là có một số người mất công ăn việc làm, không còn được... vinh hạnh trong vai đầy tớ cho các ông chủ ngoại bang nữa".

Có thể thấy, kiểu cách làm truyền thông của RFA là kiểu "Chiến tranh lạnh" nên chẳng có gì ngạc nhiên khi phần lớn các chương trình phát thanh tiếng Việt đều tập trung vào mục đích tạo ra sự mất ổn định cho Việt Nam. Để quảng cáo, tạo sự tò mò và cũng để đánh bóng, RFA cho rằng "Việt Nam đã phá sóng Đài Phát thanh Á châu tự do nhằm ngăn cản người dân tiếp cận với các nguồn thông tin trung thực (?!)".

Tuy nhiên, một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện vẫn có khoảng gần 6 triệu chiếc máy thu thanh được sử dụng. Vẫn qua khảo sát, hầu hết họ nghe đài phát thanh địa phương, Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM hoặc Đài Tiếng nói Việt Nam qua các chương trình về nông nghiệp, hoặc nghe cải lương, ca nhạc - nhất là các chương trình ca nhạc của Đài FM.

Hầu hết những người được hỏi đều trả lời, rằng họ không hề biết gì về cái gọi là RFA, còn nếu có biết, thì: "Ngày ra ruộng mang theo cái radio nghe cải lương, ca nhạc, tối về coi thời sự trên VTV chứ nghe mấy cái quỷ quái đó làm gì".

Lẽ đương nhiên, dù có người nghe hay không, những ông "Mỹ con" gốc Việt ở RFA vẫn cứ phải làm tròn nhiệm vụ của mình dù trong thâm tâm, có thể có người biết rằng tất cả những việc làm của họ chỉ để phục vụ cho ý đồ của những thế lực nào đó.

Mang tiếng là "Á châu tự do" nhưng thử hỏi, với những bản tin pha trộn như thế, họ đang mang lại "tự do" cho ai bởi lẽ một nửa ổ bánh mỳ mãi mãi vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì chẳng bao giờ sẽ là sự thật

PV
.
.