Nỗ lực quốc tế ngăn chặn tàu cá bất hợp pháp

Thứ Tư, 06/03/2019, 08:18
Suốt 10 năm qua, một chiếc tàu vỏ thép gian giảo và thủy thủ đoàn của nó đã không ngừng cướp bóc tài nguyên của các đại dương trên thế giới, và nhiều lần lẩn như chạch khi đánh hơi có lực lượng tuần tra. Thế rồi một cuộc rượt đuổi ngoạn mục và đầy kịch tính đã phơi bày bản chất của sự vụ.


Sa lưới

Trong làn sương khói mù mịt của một chiều tháng tư u ám, tàu Andrey Dolgov rỉ sét cố gắng tạt đầu ngọn sóng, dầu tuôn ra từ thân tàu trong khi nó tuyệt vọng tìm cách trốn thoát. Rượt theo sau là một tàu tuần duyên hải quân được trang bị hạng nặng. Một máy bay trinh sát quần thảo trên bầu trời trong khi đó một chiếc tàu hải quân Indonesia nhanh chóng áp sát chiếc tàu cá. Cái bẫy này đã được giăng ra suốt nhiều tháng. Toàn bộ người trên tàu Andrey Dolgov giơ tay đầu hàng. 

Khó mà tin nổi rằng chiếc tàu cá ọp ẹp này lại là một trong những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất trên đại dương. Nó đã vài lần vuột khỏi những cái thòng lọng giăng sẵn. Chiếc tàu số hiệu STS-50 thuộc nhánh Sea Breez 1 mang tên  Andrey Dolgov đã “nẫng” tay trên loại tài nguyên quý giá nhất của các đại dương: cá. Sea Breez 1 chỉ là một phần nhỏ của một mạng lưới tội phạm có tổ chức quốc tế sống sót giữa các lằn ranh luật hàng hải và giới chức thủy sản tham nhũng.

Tàu cá Andrey Dolgov, số hiệu STS-50, đã đánh cá phi pháp ở Nam Băng Dương suốt 10 năm trước khi bị bắt. Ảnh nguồn: Sea Shepherd.

Việc thộp cổ tàu cá STS-50 là kết quả hợp tác quốc tế giữa cảnh sát và các giới chức hàng hải, mạng lưới thám tử và vệ tinh theo dõi. Ông Andreas Aditya Salim, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của Indonesia, đơn vị đã bắt giữ tàu cá của Andrey Dolgov kể lại: “Hết thảy đám người trên tàu STS-50 đều bất ngờ khi bị bắt giữ. Họ khăng khăng chối cãi không hề đánh cá”. 

Khi các sĩ quan cảnh sát Indonesia phục kích chiếc tàu cá STS-50 ở eo biển Malacca – tuyến đường biển huyết mạch chính nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra của Indonesia – họ đã tìm thấy 600 cái lưới đánh cá có thể trải dài tới 29km! Đống lưới cá khổng lồ đó có thể giúp cho tàu cá STS-50 thu lợi tới 6 triệu USD trị giá thủy sản, số hàng hóa đó được bán trên thị trường chợ đen, hoặc trộn lẫn với thủy sản đánh bắt hợp pháp để bán. Cuối cùng, số thủy sản nằm chễm chệ trên các kệ siêu thị, trong các nhà hàng và trên bàn ăn của người tiêu dùng.

Bà Katie St John Glew, nhà sinh học biển cả tại Trung tâm Hải dương học quốc gia của Đại học Southampton (Anh), khẳng định: “Xấp xỉ 20% tổng lượng cá đánh bắt trên toàn cầu là phi pháp, không được báo cáo hoặc không được kiểm soát. Nếu làm sụp đổ nguồn cá thì sẽ ảnh hưởng sinh kế của ngư dân trên toàn cầu”. 

Tác động xấu đang lan rộng làm ảnh hưởng tới nguồn cá, ngành công nghiệp đánh cá và lòng tin của người tiêu dùng. Trong suốt 10 năm hoạt động, tàu cá Andrey Dolgov ước tính đã thu lợi bất chính tới 50 triệu USD. Số tiền hấp dẫn này cũng đủ hiểu vì sao đánh cá phi pháp lại là khía cạnh để mắt tới của các tổ chức tội phạm. Ông Alistair McDonnell thuộc Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) giải thích: “Những chiếc tàu cá này hoạt động trong các vùng nước quốc tế ngoài chế tài xử phạt của các quốc gia”.

Tài ngụy trang siêu đẳng

Mafia cá còn liên quan đến giới chức công vụ biến chất, gian lận, rửa tiền và nô lệ - nhiều thuyền viên trên tàu cá là lao động cưỡng bức, họ bị quản thúc trên thuyền ngoài biển, thường xa gia đình tới hàng ngàn hải lý. 

Ông Matthew Camilleri, người đứng đầu ngành cá tại Quỹ Lương nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) lên tiếng cảnh báo: “Đánh cá phi pháp là một trong những mối đe dọa lớn nhất tới nghề cá bền vững. Các thiết bị đánh cá của họ làm hủy hoại các hệ sinh thái mong manh như rặng san hô”. Tàu của Andrey Dolgov thời gian đầu không phải là đi theo nghề “cá tặc”. Nó được đóng vào năm 1985 tại xưởng đóng tàu Kanasashi Zosen (cảng Shimizu, Nhật Bản), dài 54m và được dùng làm tàu đánh cá ngừ. Con tàu nặng 570 tấn hoạt động suốt nhiều năm dưới lá quốc kỳ Nhật Bản tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, làm cho Tập đoàn Thủy sản Maruha Nichiro.

Sau năm 1995, con tàu đổi chủ mới và treo lá quốc kỳ Philippines đề chữ Sun Tai 2 và đến năm 2008 thì gia nhập vào đội tàu cá của Hàn Quốc. Từ giữa các năm 2008 và 2015, chiếc tàu được tân trang để đánh bắt cá mú Nam Cực và có khả năng trữ cá lâu ngày trên tàu. Cá mú được ngợi ca tại nhiều nhà hàng trên khắp thế giới, đôi khi nó còn được ví von là “bạch kim” do giá trị của con cá và cũng đòi hỏi phải có giấy phép đặc biệt để đánh bắt chúng. 

Lần đầu tiên chiếc tàu cá của Andrey Dolgov đã được cộng đồng thế giới biết đến khi tháng 10- 2016, giới chức Trung Quốc cố gắng dỡ số cá mú do con tàu này đánh lậu. Hiện tại, chiếc tàu cá Andrey Dolgov treo quốc kỳ Campuchia nhưng công ty đăng ký nó lại nằm ở tận Belize. Nhưng trước khi giới chức Trung Quốc có hành động xa hơn thì con tàu Dolgov đã chạy một lèo sang Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, lần này nó đã bị gắn nhãn IUU (phi pháp, không báo cáo, không kiểm soát), và bị quốc gia Mauritius từ chối cho nó nhập cảng.

Tháng 1-2017, con tàu Dolgov đổi tên thành Sea Breez 1, treo quốc kỳ Togo và cũng chỉ vài tháng lại đổi tên mới là AYDA. Mỗi khi đến các cảng biển, thủy thủ đoàn khoe các giấy tờ và tuyên bố rằng nó thuộc về ít nhất 8 quốc gia bao gồm Togo, Nigeria và Bolivia. Từ Interpol, ông Alistair McDonnell giải thích: “Nó (tàu Dolgov) hay sử dụng một chiến thuật phổ biến. Nó hay làm giả danh tính bằng cách liên tục làm sai lệch các bản đăng ký. Nó chỉ đánh cá ở phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của quốc gia mà nó đánh bắt, và nó treo cờ các quốc gia không có nghĩa vụ pháp lý nghề cá để từ đó không phải tuân theo bất kỳ hiệp ước nghề cá nào”. 

Cuối cùng, vào tháng 2-2018, giới chức phát hiện con tàu Andrey Dolgov  xuất hiện tại một cảng ở Madagascar và viên thuyền trưởng chìa ra mớ giấy tờ tuyên bố con tàu có số hiệu là STS-50 – số hiệu giả mạo của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các tài liệu giả mạo.

Madagascar đã có cảnh giác về Công ước bảo vệ tài nguyên đại dương Nam Cực (CAMLR) trong đó có các quy định về đánh cá ở Nam Băng Dương quanh Nam Cực. Lại một lần nữa con tàu ma đã chạy trốn, nhưng nó để lại dấu vết. Con tàu được trang bị hệ thống pha vô tuyến hiện đại giúp ngừa va đụng giữa các con tàu trên biển. Hệ thống nhận dạng tự động này được gọi tắt là AIS, phát đi các sóng tín hiệu địa điểm và có thể bị thu lại bằng thiết bị vô tuyến và vệ tinh. 

Khi dò theo dấu vết AIS, giới chức phát hiện ra con “tàu ma” đã lẩn ra khỏi vùng biển của Falklands, Fiji và Na Uy – cách xa hàng ngàn dặm. Ông Charles Kilgour, chuyên gia phân tích nghề cá cao cấp tại OceanMind (một tổ chức phi chính phủ của Anh, chuyên phân tích dữ liệu từ các tàu cá ngoài biển), giải thích: “Chúng đã giả mạo tín hiệu AIS rất tài tình để cố che giấu danh tính của mình”.

Cuộc rượt đuổi kịch tính

Kỹ thuật giả AIS đã giúp tàu cá Andrey Dolgov xuất hiện tại 100 địa điểm khác nhau cùng một lúc. Nhưng tin chính xác báo về là con tàu Andrey Dolgov đang thật sự có mặt ở ngoài khơi Maputo (Mozambique). Dù bị đặt trong tầm ngắm, tàu Andrey Dolgov cũng rút êm. Lần này, ông Kilgour và nhóm của mình đã hạ đặt chính xác thời gian và địa điểm của tàu Andrey Dolgov. Bằng cách sử dụng vệ tinh, họ đã chụp được các hình ảnh radar về “con tàu ma” trong khi nó đang neo đậu ở Maputo. 

Kilgour kể: “Chúng tôi sử dụng thuật toán để xác định các tàu tiềm năng từ những hình ảnh radar khẩu độ thích hợp. Bất kỳ con tàu kim loại nào cũng lộ ra rõ mồn một. Kế đó chúng tôi tương quan nó với dữ liệu AIS mà chúng tôi có”.

Nhóm nghiên cứu tại OceanMind cũng sử dụng hình ảnh vệ tinh hồng ngoại cho phép họ lấy ánh sáng từ các tàu cá vào ban đêm. Với thông tin có trong tay, nhóm của ông Kilgour đã biết tỏng dữ liệu AIS nào thuộc về tàu Andrey Dolgov. Trong lúc đó, một con tàu của Tổ chức bảo tồn hải dương Sea Shepherd cùng với lực lượng của Tanzania và các quốc gia châu Phi khác đã đuổi theo con tàu Dolgov. Dưới sự chỉ huy của hải quân Tanzania, họ rượt theo Dolgov suốt vài ngày tiến tới quần đảo Seychelles. 

Ông Peter Hammarstedt, Giám đốc chiến dịch tại Sea Shepherd reo lên: “Tàu Dolgov đã rời vùng biển Mozambique để tìm chổ ẩn náu. Chuyện không thể ngờ khi mà giới chức Tanzania quyết định rời vùng biển của họ để tham gia cuộc rượt đuổi”. Nhưng vì không có thẩm quyền đuổi theo tàu khác ngoài vùng biển của mình, nên lực lượng Tanzania đành từ bỏ ý định.

Với nhiều nước, họ tỏ ra miễn cưỡng để tham gia vào các vụ rượt đuổi và tóm cổ tàu vi phạm. Rắc rối liên quan đến quyền tài phán cũng như chi phí tốn kém khi đuổi theo những con tàu mà sau đó phải tốn tiền bảo trì vì nếu không lại gây ô nhiễm, cũng như công tác hồi hương cho các thuyền viên. 

“Ngay cả các nước giàu có, cũng ngại rượt tàu vi phạm”, dẫn lời ông Bradley Soule, trưởng nhóm phân tích nghề cá tại OceanMind. May thay, con tàu Andrey Dolgov lại hướng tới một trong số các quốc gia coi đánh cá phi pháp là hành động không thể dung thứ. Indonesia, dưới thời lãnh đạo của Bộ trưởng quan hệ hàng hải về nghề cá Susi Pudjiastuti, đã bắt và phá hủy 488 tàu đánh cá kể từ năm 2014. Khi “tàu ma” Andrey Dolgov đang hướng tới vùng biển Indonesia, bà  Susi Pudjiastuti đã hạ lệnh cho tàu hải quân nước mình ra tay can thiệp. Nhưng tàu Dolgov lại tiến vào eo biển Malacca sầm uất, tín hiệu vệ tinh từ máy pha vô tuyến AIS bị thất lạc trong mớ hỗn độn tín hiệu tại khu vực này.

Bắt tại trận và điều tra

Không chịu thua, hải quân Indonesia đã sử dụng thông tin do ông Charles Kilgour cung cấp để ước tính nơi tàu Dolgov có thể xuất hiện. Indonesia đã phái tàu tuần tra duyên hải KRI Simeulue 2 nhằm chặn đứng “tàu ma”. Từ Interpol, ông Alistair McDonnell kể: “Trong vòng 72 tiếng đồng hồ, những ai tham gia vào vụ bắt giữ tàu Dolgov đều không được ngủ”. Khi tàu Andrey Dolgov lọt vào tầm ngắm, tàu tuần duyên Simeulue 2 và các trạm biên phòng trên bộ bắt đầu thu tín hiệu AIS để giữ mắt về con tàu vi phạm. 

Dữ liệu vệ tinh cho phép theo dõi mọi tàu cá trên thế giới. Ảnh nguồn: OceanMind.

Tàu Simeulue 2 đã rượt theo “tàu ma” suốt 50 hải lý tính từ mạn Đông Nam của đảo Weh (Sebang) và ra lệnh cho viên thuyền trưởng phải ngừng lẩn trốn. Khi lên boong tàu Dolgov, hải quân Indonesia phát hiện trên “tàu ma” có 1 thuyền trưởng, 5 phụ tá là người Nga và Ukraine, 20 thủy thủ đoàn là người Indonesia – những người này sau đó đã tuyên bố là họ không hề hay biết tàu Dolgov đánh cá lậu.

Thuyền trưởng tàu Dolgov là một công dân Nga tên là Aleksandr Matveev, bị kết tội đánh bắt cá bất hợp pháp, chịu 4 tháng tù và nộp phạt 200 triệu Rupiah (tương đương 10.800 bảng Anh). Những người phụ tá Nga và Ukraine khác bị trục xuất về nước. Nữ Bộ trưởng Susi Pudjiastuti tuyên bố: “Đánh cá bất hợp pháp là kẻ thù công cộng và mỗi nhà nước cần cung cấp sự hỗ trợ để tiêu trừ nó”. Trong lúc đó danh tính Andrey Dolgov lại đem đi đăng ký cho Công ty TNHH Sao Đỏ cũng nằm ở Belize; chủ nhân bị tình nghi của con tàu Dolgov là một cư dân Nga có văn phòng ở Hàn Quốc, người này đã từng tiến hành vài vụ giao dịch ngân hàng ở New York. Chiếc tàu được cho là dính dáng đến tội phạm có tổ chức Nga. Interpol đang giúp các cơ quan pháp luật truy lùng dấu vết những tên tội phạm từng điều hành tàu Andrey Dolgov.

Ông Alistair McDonnell trăn trở: “Vụ Dolgov đâu đã xong, còn đó nhiều câu hỏi nghi vấn: những tổ chức nào “chống lưng” cho nó, nó được điều hành bởi các gia đình hay một thế giới ngầm với các công ty bình phong, bọn tội phạm thành lập các doanh nghiệp ra sao, chúng biến cá thành tiền như thế nào?”. 

Tổ chức OceanMind cũng đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi các tàu cá khác có ý đồ che giấu hành tung. Hay bà Katie St John Glew tại Đại học Southampton đang sử dụng các đồng vị hóa học có trong cá để theo dõi cá ở đại dương nào bị bắt, từ đó giúp xác định các sản phẩm cá được bán nhưng đánh bắt phi pháp. Thay vì “thổi bay” tàu cá Andrey Dolgov, nữ Bộ trưởng Pudjiastuti quyết định chuyển đổi nó để gia nhập vào đội tàu thực thi pháp luật nghề cá của Indonesia.

Phan Bình (tổng hợp)
.
.