Nỗi khổ của người Rohingya ở Myanmar

Thứ Năm, 12/01/2017, 12:05
Một video clip được phổ biến trên mạng cho thấy các cảnh sát đang đánh đập người Rohingya đã khiến quốc tế lại quan tâm đến cộng đồng thiểu số đang bị đàn áp dữ dội này.

Hình ảnh 1 đứa bé nằm úp mặt chết dưới bùn lại nhắc chúng ta nhớ đến cậu bé Aylan Kurdi bị chết vì trốn chạy khỏi cuộc chiến tại Syria. Cha mẹ của chú bé Mohammed Shohayet, 16 tuổi, là người Rohingya đang chạy trốn khỏi bạo lực ở Myanmar.

Cộng đồng Rohingya Hồi giáo này có gần 1 triệu người sống tại miền bắc bang Arakan, giáp biên giới với Bangladesh. Họ không được xem như một cộng đồng thiểu số trong đất nước có 55 triệu dân với hơn 90% theo Phật giáo.

“Lập luận chủ yếu tại Myanmar nhận định thiểu số Rohingya là người nước ngoài. Họ không thuộc về dân tộc Myanmar- nhà nghiên cứu Renaud Egreteau giải thích - “Trước khi bùng phát bạo lực trong những năm gần đây, người Rohingya đã là nạn nhân của một sự phân biệt sắc tộc được khuyến khích rộng rãi trong xã hội Myanmar”.

Có gốc gác tại thung lũng Bengale, từ cuối thế kỷ XIX, cộng đồng thiểu số này đến sống tại bang Arakan. Dưới chế độ quân phiệt trước đây, họ bị mất quyền công dân. “Giấy căn cước tạm mà họ sử dụng trước đây đã chính thức bị xác nhận là hết hạn vào tháng 3-2015. Điều này khiến họ biến thành những kẻ không giấy tờ tùy thân trong đất nước của họ. Số phận của họ càng tồi tệ hơn sau những vụ bạo lực, con cái của họ không có giấy khai sinh” - nhà nghiên cứu Florence Geoffroy cho biết.       

Một số quan sát viên cho rằng quân đội đã để mặc cho những vụ tấn công diễn ra. Trong những tháng tiếp theo, sự trợ giúp nhân đạo của quốc tế dành cho người Rohingya đã làm dấy lên lòng ganh ghét của đa số người, bạo lực càng gia tăng. Trong 30 năm qua, nạn phân biệt và bạo lực đã khiến nửa triệu người Hồi giáo phải rời bỏ đất nước, chủ yếu là sang Bangladesh, Pakistan, Thái Lan và Malaysia. Có 140.000 người Rohingya cũng bị chuyển đến các trại bên trong nội địa, là những nhà tù lộ thiên đích thực.

Tình hình ngày càng tệ hại. Vào tháng 10-2016, 9 viên cảnh sát bị giết sau vụ tấn công nhiều đồn cảnh sát bởi những người Rohingya vũ trang. Quân đội mở những cuộc trả đũa mà LHQ và Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi là “trừng phạt tập thể”. Ít nhất có 50.000 người phải rời bỏ nhà cửa.

Một phụ nữ Rohingya lang thang trong ngôi làng bị thiêu rụi.

Nhiều nhân chứng kể với Tổ chức Giám sát Nhân quyền về những vụ cưỡng hiếp và giết người, Tổ chức này đã phổ biến các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều ngôi làng bị thiêu hủy. Tháng 12 vừa qua, người đại diện John McKissick của LHQ đã lên án một chiến dịch “thanh tẩy sắc tộc” trong khi một tổ chức phi chính phủ nói đến “một tiến trình diệt chủng”.

Một ủy ban chính phủ Myanmar có nhiệm vụ điều tra về những sự kiện đã bác bỏ cáo buộc về nạn diệt chủng. Ngay từ đầu các tổ chức phi chính phủ đã phản đối sự thành lập ủy ban này do 1 cựu tướng lĩnh quân đội chỉ đạo.

Các vụ đàn áp người Rohingya đã ảnh hưởng danh tiếng của người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi vốn đang thực sự điều hành chính phủ Myanmar từ tháng 4-2016. Bà hiếm khi lên tiếng về vấn đề này nên bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nhiều. Vì lý do gì “Quý bà Rangoon” lại kín tiếng như thế? “Ngay cả trong đảng Liên minh Quốc gia vì nền dân chủ của bà, người ta cũng không xem người Rohingya là các công dân” - nhà chính trị học David Camroux giải thích với tạp chí “L’Epress”.

Từ khi lên nắm quyền, bà cố duy trì sự quân bình mong manh với quân đội, tuy họ đã chính thức rời khỏi chính quyền nhưng vẫn còn chi phối bộ máy cầm quyền. “Bà Suu Kyi không có mọi chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Bà phải tìm kiếm một phương cách hành động nhất quán với quân đội, nhưng giờ thì chưa được” - nhà nghiên cứu Olivier Guillard nhận định.

Tình trạng đàn áp bạo lực có lẽ đã dẫn đến sự cực đoan hóa của một số thanh niên Rohingya. “Chính quyền đã quy trách nhiệm về những vụ tấn công cho nhóm Aqa Mul Mujahidin liên quan đến một phong trào Rohingya được thành lập  trong thập niên 80. Được huấn luyện bởi bọn taliban Pakistan, nhóm này có 400 chiến binh binh vũ trang và hô hào thanh niên dùng đến bạo lực vào tháng 10-2016” - Florence Geoffroy giải thích. Bà Aung San Suu Kyi sẽ dùng phương cách gì để chấm dứt cơn ác mộng của người Rohingya và tránh làm phát sinh một ổ thánh chiến mới?

Mê Linh (tổng hợp)
.
.