Nóng bỏng chống buôn lậu vùng biên Quảng Ninh

Thứ Ba, 07/01/2020, 20:23
Còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới tết Nguyên đán, những ngày này tại Quảng Ninh, có tình trạng các đối tượng buôn lậu thuê người vận chuyển hàng hóa qua biên giới cả trên bộ lẫn tuyến biển. Càng giáp tết là khi thời tiết không thuận lợi cho việc phát hiện và truy bắt tàu buôn lậu bởi gió mùa Đông Bắc làm cản trở tầm nhìn.

Đối tượng sử dụng tàu từ 6 đến 8 máy công suất 70 mã lực, lắp đặt định vị và vệ tinh, sẵn sàng lao vào tàu của lực lượng chống buôn lậu khi bị phát hiện.

Hàng cấm, khoáng sản vận chuyển trên biển

Có mặt trên tuyến biển Quảng Ninh vào những ngày giáp tết, theo ghi nhận của chúng tôi, thời tiết sương mù dày đặc là điểm gây hạn chế tầm nhìn và quan sát của lực lượng chống buôn lậu. Sương mù cũng là thời cơ thuận lợi để tàu buôn lậu chạy ra khơi xa, trốn tránh tầm kiểm soát của lực lượng chức năng.

“Chống buôn lậu trên biển phụ thuộc nhiều vào con nước và thời tiết. Từ nay tới tết chủ yếu có gió mùa Đông Bắc, sóng cấp 6 cấp 7, biển động, tàu nhỏ không ra khơi được mà phải sử dụng tàu cao tốc để tuần tra, kiểm soát. Nếu gặp thời tiết sương mù, không cẩn thận còn đi lạc đường, nếu gặp bão mà đi bằng phương tiện nhỏ thì không ra khơi được” - ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan số 2, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết.

Trước kia, tàu của Đội Kiểm soát hải quan số 2 so với một số phương tiện lắp từ 6 đến 8 máy 70 mã lực của đối tượng buôn lậu chạy ngoài khơi xa thì không đuổi kịp. Để vận chuyển hàng cấm, biết là bị bắt kiểu gì cũng bị xử lý hình sự, các đối tượng điều khiển tàu bỏ chạy, thậm chí còn liều lĩnh “cảm tử” đâm vào tàu của lực lượng chống buôn lậu để thoát thân. Để bắt được những tàu buôn lậu này không phải dễ bởi đối tượng đầu tư phương tiện rất hiện đại, lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh, dễ dàng phát hiện đá ngầm, nên chúng cho tàu chạy mà không cần điều khiển.

Từ năm 2019, Đội Kiểm soát hải quan số 2 được trang bị tàu tối tân, hiện đại, cách đây 2 tháng đã ra khơi để tuần tra, kiểm soát ngăn chặn nhiều tàu chở hàng lậu trên biển. Cũng nhờ có phương tiện hiện đại, lại lường trước được sự khắc nghiệt của thời tiết nên việc đuổi bắt những tàu buôn lậu lớn diễn ra thuận lợi.

Tàu hàng trên sông Bắc Luân, Móng Cái.

Theo ông Hùng, năm nay, do chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, tình trạng xuất lậu than trên tuyến biển giảm rất mạnh. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản trong nội địa có nơi, có thời điểm vẫn còn diễn ra. Theo thống kê, năm 2019, Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ trên 12 nghìn tấn than, trên 6,2 nghìn tấn bã xít, trên 5,2 nghìn tấn quặng sắt và trên 12 nghìn m3 cát.

Điển hình, Đội Kiểm soát hải quan số 2 trong quá trình tuần tra tại khu vực vùng biển Cửa Lục thuộc vịnh Hạ Long, đã tiến hành kiểm tra tàu QN-677, phát hiện và thu giữ trên 5,2 nghìn tấn quặng sắt không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc hợp pháp, trị giá lô hàng gần 3,4 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Nguyên Bình (chủ của lô hàng trên) với mức phạt cao nhất là 160 triệu đồng, tịch thu toàn bộ tang vật.

Từ Mũi Ngọc (Trà Cổ, Móng Cái) để ra khu vực cảng Vạn Gia, chúng tôi phải đi xuồng dịch vụ, đây là khu vực mà các tàu chở hàng, tàu buôn lậu từ vùng biển Trung Quốc muốn vào nước ta phải đi qua. Tàu HQ-119162 của Hải đội kiểm soát triên biển khu vực miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan tuần tra ở đây đã hơn 2 tháng.

Thuyền trưởng Hoàng Văn Bình cho biết, khu vực tuần tra của tàu là dọc biên giới từ vùng biển giáp ranh với Trung Quốc, đảo Trần (huyện Cô Tô) về tới Hải Phòng, đây là khu vực phức tạp về buôn lậu trong dịp tết. Thời điểm này, các mặt hàng lậu chủ lực đi trên tuyến biển là thuốc lá, rượu, xăng dầu, hải sản... Tàu chở hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc của nước ngoài đi dưới hình thức thuyền cá, bè mảng trá hình là ngư dân. Hoặc đối tượng là người nước ngoài, sử dụng tàu không số hiệu chở hàng lậu trong các khoang, phủ bạt lên trên, thuê người Việt Nam vận chuyển.

Xuồng của lực lượng Hải quan tuần tra ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam - Trung Quốc.

“Bình thường nhìn vào như tàu cá của ngư dân nhưng các tàu hay bè mảng này đều lắp máy công suất lớn (4-6 máy), khi bị phát hiện đều bỏ chạy với tốc độ rất cao, thường không đuổi được. Do vậy, kế hoạch vây bắt đều phải tính toán kỹ lưỡng” - ông Bình cho biết.

Để vận chuyển thuốc lá, các đối tượng buôn lậu sử dụng xuồng cao tốc công suất rất lớn, có màn hình định vị vệ tinh, kính hồng ngoại, đi đêm tối không va đập. Nếu bị phát hiện, ngoài tăng tốc bỏ chạy, gặp âu bến nào là chúng tấp lại, vận chuyển hàng lên bờ rất nhanh, nếu không kịp sẽ vứt hàng để chạy thoát thân.

Thuyền trưởng Hoàng Văn Bình cho biết, có vụ đối tượng không kịp tăng tốc bỏ chạy, chúng nhảy xuống biển bơi vào bờ. Hoặc chúng chống trả bằng cách chạy xuồng xung quanh để gây sóng, không cho xuồng của lực lượng tiếp cận, kiểm soát.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu, rượu ngoại qua biên giới diễn biến phức tạp. Năm 2019, các lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt giữ tổng số 96.730 bao thuốc lá điếu các loại nhập lậu và 3.194 chai rượu ngoại các loại. Lực lượng đấu tranh chống buôn lậu trên biển mỏng, phương tiện tàu, xuồng công suất nhỏ, thiết bị liên lạc, thiết bị kỹ thuật còn thiếu, lỗi thời nên việc tuần tra, kiểm soát, quan sát phát hiện phương tiện buôn lậu nhất là trong điều kiện thời tiết xấu rất khó khăn.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Hùng, trên tuyến biển năm nay nổi lên hiện tượng hàng tạm nhập tái xuất làm thủ tục xuất đi nhưng đối tượng tìm cách đưa quay trở về bán tết. Các đối tượng sử dụng hóa đơn nội địa để hợp thức hóa trong quá trình vận chuyển qua các vùng biển giáp ranh để xuất lậu. Rượu, thuốc lá là hai mặt hàng mà đối tượng dễ lợi dụng để quay vòng nhất.

Tàu HQ-119162 tuần tra trên biển nhằm phát hiện tàu chở hàng lậu.

Hàng lậu hợp thức bằng hóa đơn

Nếu trước kia, vận chuyển hàng lậu ở Móng Cái diễn ra “nhộn nhịp” thì nay trầm lắng hơn nhiều. Đi dọc bờ sông Ka Long, theo ghi nhận của chúng tôi, tàu thuyền chở hàng qua lại vắng vẻ hơn. “Phía Trung Quốc dựng hàng rào biên giới, chốt canh gác và camera lắp mỗi chốt 2 mắt cả ngày/đêm, họ cũng đi tuần tra giám sát 24/24h, tuần tra trên bộ và dưới sông để ngăn chặn hàng hóa xuất nhập lậu, người xuất nhập cảnh trái phép nên hàng hóa nhập lậu giảm dần” - chị Lý Thị Hồng, người dân TP. Móng Cái chia sẻ.

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh, trong một số thời điểm hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại Móng Cái vẫn diễn ra, đáng chú ý là các khu vực địa bàn biên giới Hải Hòa, Trần Phú, Ka Long, Ninh Dương, Hải Yên, Bắc Sơn, Vạn Gia. Nhưng do làm tốt công tác đấu tranh nên đến thời điểm này, Trung tá Lê Hồng Vân, Trưởng Công an TP Móng Cái khẳng định “trên địa bàn thành phố không hình thành điểm nóng về buôn lậụ”. 

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh, tuyến biên giới đường bộ của tỉnh dài, địa hình hiểm trở, có nhiều đường mòn hàng lậu có thể vận chuyển qua. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; các đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động và táo tợn hơn.

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm như pháo nổ, động thực vật và sản phẩm động thực vật hoang dã giảm cả về số vụ, số đối tượng và lượng tang vật vi phạm so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng hàng lậu hợp thức bằng hóa đơn đã khiến công tác đấu tranh chống buôn lậu gặp khó khăn hơn.

Cư dân biên giới mang hàng từ Trung Quốc về qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý mạnh đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại thì các đầu nậu, tiểu thương sẽ nằm im hoặc chuyển hướng sang thuê các cư dân biên giới xách hàng về. Đối tượng buôn lậu thuê cư dân biên giới mang vác hàng theo chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới, sau đó hợp thức hóa số hàng này bằng hóa đơn bán hàng của các hộ kinh doanh cá thể và vận chuyển vào nội địa.

Tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh) có nhiều hộ kinh doanh cá thể “sống” bằng nghề bán hóa đơn, có cửa hàng nhỏ mà mỗi năm xuất hóa đơn lên cả vài chục tỷ đồng.

Có mặt tại khu vực cầu Bắc Luân 1, chúng tôi thấy hàng hóa được tập kết ở hai bên cầu phía Trung Quốc, sát vạch với biên giới trên cầu phía Việt Nam. Theo đó, rất nhiều cư dân mỗi người sẽ mang vác hàng đi về qua cửa khẩu. Người thì vác nồi cơm điện, người thì lò vi sóng hay các hàng hóa tiêu dùng như quần áo, dày dép... Số hàng mang theo thường có giá trị thấp, dưới 500 nghìn đồng để không phải kê khai và đóng thuế. Sau đó hàng hóa mang qua cửa khẩu được thu gom, tập kết, hợp thức hóa bằng hóa đơn bán hàng vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, hiện số lượng cư dân hai bên biên giới mang xách hàng tại cửa khẩu Bắc Luân 1 có xu hướng gia tăng. Họ lợi dụng chính sách quản lý về hải quan đối với hành khách xuất, nhập cảnh để mang xách hàng hóa, trốn tránh lực lượng chức năng.

Trước tình hình này, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái tăng cường lượng kiểm soát và phối hợp với Hải quan Đông Hưng (Trung Quốc) để quản lý, xử lý hàng hóa do người dân tập kết tại đầu cầu... Đồng thời, quản lý chặt việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới qua các đường mòn, lối mở và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; không tham gia hoặc tiếp tay cho việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết, các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn lậu không trực tiếp ra mặt mà thuê người dân địa phương, người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đối tượng có tiền án, tiền sự để vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng chông 3 cạnh bằng kim loại để rải ra đường nhằm đánh xịt lốp xe ô tô, xe máy của lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ; dùng số đông người để uy hiếp, cản trở lăng mạ, đe dọa lực lượng chức năng nhằm cướp lại hàng hóa bị bắt giữ. Tại khu vực cửa khẩu, thường lợi dụng thủ tục hải quan thông thoáng để gian lận về số lượng, chủng loại, xuất xứ, trị giá, mức thuế suất để trục lợi.

Từ nay đến giáp tết, hoạt động buôn lậu ở Quảng Ninh có xu thế tập trung vào một số đối tượng chủ đầu nậu chính, hình thành các đường dây buôn lậu với các mặt hàng trọng điểm, như: Thuốc lá điếu, rượu ngoại, điện thoại di động, tiền, vàng, ngoại tệ, pháo nổ, động vật hoang dã... Do vậy, lực lượng chống buôn lậu Quảng Ninh cần tăng cường quản lý được địa bàn, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lưu Hiệp - Trần Hằng
.
.