Nữ cảnh sát Peru chống tham nhũng

Thứ Hai, 30/06/2014, 16:45

Tham nhũng được chấp nhận như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày ở Peru, và bất cứ tài xế taxi nào cũng than phiền họ phải trả "coima" (tiền hối lộ) cho cảnh sát giao thông. Nhưng, với sự xuất hiện của lực lượng nữ cảnh sát thì tình trạng này khó có thể tiếp tục tồn tại.

Say rượu khi lái xe, những tai nạn giao thông chết người, tài xế xe buýt tấn công hành khách, tay lái môtô coi thường cảnh sát và vô vàn những tình huống phức tạp khác thường hay xảy ra trên đường phố ở Peru.

Trong 4 năm làm cảnh sát giao thông trên các tuyến đường chính ở thủ đô Lima, nữ sĩ quan cảnh sát giao thông Estefany Cerro Flores đã nhìn thấy và nghe thấy đủ mọi chuyện. Duy chỉ có một điều luôn khiến cho cô bực mình: đó là cánh tài xế nghĩ rằng họ có thể đưa tiền hối lộ để không bị xé vé phạt. Nếu như nạn tham nhũng lan tràn như bệnh dịch tại nhiều nước Mỹ Latinh có "bộ mặt công khai" thì có lẽ đó chính là những cảnh sát giao thông biến chất vòi tiền hối lộ (một khoản thật ra không nhiều nhặn gì)  để cho phép các tài xế phạm Luật giao thông không bị phạt.

Cerro Flores trò chuyện với các nhà báo: "Các cảnh sát tham nhũng đã gây tổn hại ghê gớm cho hình ảnh của lực lượng cảnh sát Peru và đất nước. Những tài xế say rượu khi cầm vô lăng có thể tước đoạt mạng sống của người vô tội và họ phải chịu trách nhiệm về điều này".

Những năm 90 thế kỷ XX, vấn nạn tham nhũng đã trở nên nghiêm trọng đến mức thành phố Mexico City của Mexico và Lima của Peru phải tiến hành cuộc thử nghiệm mới - đó là sử dụng các nữ sĩ quan cảnh sát tuần tra trên các tuyến đường. Bởi người ta cho rằng phụ nữ thường có lòng tự trọng hơn nam giới. Mặc dù gần như không có cuộc nghiên cứu hay dữ liệu vững chắc nào được thực hiện, song mọi người đều nhất trí rằng nữ cảnh sát giao thông làm việc có hiệu quả và minh bạch hơn nam giới.

Nghiên cứu năm 2012 của Proetica - chi nhánh tổ chức chống tham nhũng Transparency International (Minh bạch Quốc tế - TI) ở Peru - ghi nhận 66% sĩ quan cảnh sát nam tham nhũng so với chỉ 19% ở phái nữ. Tùy vào khu vực, song nhìn chung tai nạn giao thông rất đáng báo động ở Mỹ Latinh.

Cuộc điều tra trực tuyến do trang web Peru.com tiến hành cho biết, 69% những người tham gia trả lời đồng ý với sáng kiến nữ cảnh sát thay thế nam cảnh sát trên đường phố nhằm cải thiện tình trạng an toàn giao thông cũng như giảm bớt nạn tham nhũng. Hiện chính quyền thành phố Lima đã rút 500 nam cảnh sát ra khỏi danh sách và thay vào đó là 2.074 nữ cảnh sát.

Theo số liệu của Ngân hàng Liên Mỹ (IADB), tai nạn trên đường phố cướp đi sinh mạng của giới trẻ - từ 19 đến 29 tuổi - nhiều hơn bất cứ sự cố nào khác và không nơi đâu tồi tệ hơn Peru, nơi mà tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cao nhất trong toàn khu vực Mỹ Latinh! Nguyên nhân có thể nhìn thấy trên những tuyến đường trong thành phố Lima. Cánh tài xế thường bóp còi ầm ĩ và tăng tốc khi vượt đèn đỏ, hay bất ngờ đổi hướng mà không hề bật đèn tín hiệu. Mặt đường cũng thiếu những vạch sơn dành cho người đi bộ. Nhưng, cánh tài xế có vẻ dè chừng hơn với nữ cảnh sát - hiện chiếm đến 4/5 trong lực lượng cảnh sát giao thông Peru.

Từ tháng 8/2013, nữ cảnh sát Cerro Flores - được trả lương khoảng 700 USD/tháng - cho biết có hơn 30 tài xế cố tình đưa tiền hối lộ cho cô. Một số người cho rằng việc sử dụng nữ cảnh sát là phản lại hình ảnh phụ nữ thánh thiện theo quan điểm của người Công giáo. Ở Peru, chiến lược sử dụng nữ cảnh sát lần đầu  tiên được thực hiện dưới thời Tổng thống Alberto Fujimori (1990 - 2000) - người hiện đang ngồi tù dài hạn vì tội tham nhũng trong số nhiều tội danh khác.

Nạn dịch tham nhũng ở Peru, và cả Mỹ Latinh, thật ra có gốc rễ từ thời kỳ thuộc địa. Nhiều chuyên gia cũng chỉ trích sự thiếu ý chí chính trị trong giải quyết vấn đề. Một số nữ cảnh sát cho rằng nhận tiền hối lộ từ cánh tài xế nam giới chẳng khác nào như họ là gái mại dâm.

Một nữ cảnh sát giấu tên cho biết: "Chúng tôi làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đường phố. Cánh tài xế có thể lăng mạ chúng tôi nhưng không thể đưa tiền hối lộ". Tuy nhiên, các nữ cảnh sát cũng thừa nhận tham nhũng là vấn đề lớn nhất trong lực lượng Cảnh sát quốc gia Peru (PNP).

Hiện nay, 11% sĩ quan cảnh sát trong lực lượng PNP là nữ. Theo một cuộc điều tra thực hiện đối với các nữ cảnh sát giao thông, họ tin rằng họ có thể hoàn thành tốt các vai trò truyền thống của nam giới - như là, thực thi pháp luật, bảo vệ công dân, hòa giải xung đột hay thậm chí vai trò lãnh đạo cấp cao. Mặc dù, các sĩ quan nữ và nam cùng đảm nhận các nhiệm vụ giống nhau, song phụ nữ luôn phải đối mặt với nạn phân biệt giới tính trong lực lượng PNP. Ví dụ, phụ nữ làm việc nhiều giờ hơn (hơn 12 giờ/ngày), nhưng hưởng lương thấp hơn nam giới đồng thời phải cùng một lúc làm tròn hai sứ mạng - người mẹ và cảnh sát!

Ở nhiều quốc gia khác, vai trò của phụ nữ trong tuần tra giao thông nhằm giảm bớt tình trạng hối lộ cũng được xây dựng. Ngay sau khi Peru sử dụng nữ cảnh sát vào năm 1998, Mexico City cũng thông báo chương trình cải tổ thay thế 900 nam cảnh sát giao thông bằng nữ giới. El Salvador, Panama, Ecuador và Bolivia cũng biên chế nữ giới trong các đội cảnh sát giao thông

Thục Miên (tổng hợp)
.
.