Nữ công tố viên đối đầu với tội phạm cưỡng bức phụ nữ

Thứ Hai, 01/10/2012, 10:40

3.303 bộ bằng chứng cưỡng bức (gọi tắt là bộ bằng chứng) được lưu giữ trong một phòng kho bụi bặm của Sở cảnh sát Detroit suốt nhiều năm dài mà không được ai ngó ngàng tới cho đến khi một đồng nghiệp của Kim Worthy tình cờ phát hiện vào năm 2009. Kể từ đó, Worthy bước vào cuộc chiến để có được quyền khai thác các bộ bằng chứng, tiến hành xét nghiệm ADN và sau đó đưa tất cả vào ngân hàng dữ liệu ADN quốc gia.

Chỉ riêng công việc nghiên cứu các bộ bằng chứng cưỡng bức cũng đã là một dự án phức tạp bởi vì không có báo cáo nào của cảnh sát liên quan đến chúng và các đồng nghiệp của Worthy phải nỗ lực tìm kiếm tên các nạn nhân cũng như ngày tháng xảy ra vụ án. Sự xếp xó các bộ bằng chứng như thế này không chỉ là vấn đề riêng của Detroit. Các chuyên gia ước tính thực tế có đến hàng trăm ngàn bộ bằng chứng đang nằm yên dưới lớp bụi thời gian trong các phòng kho vật chứng của cảnh sát trên khắp liên bang Mỹ.

Tổng cộng có 21 tên cưỡng bức phụ nữ hàng loạt được xác định sau khi 153 bộ bằng chứng đầu tiên được xét nghiệm ADN và nhập vào ngân hàng dữ liệu quốc gia Mỹ, gọi là CODIS (Hệ thống danh mục ADN phối hợp), vào mùa hè năm 2012. 

Nhờ sáng kiến của Kym Worthy mà một vụ án đặc biệt kinh khủng - trong đó tên tội phạm tên là Shelly Andre Brooks đã cưỡng bức rồi sát hại 5 phụ nữ - được đưa ra công lý. Nếu bộ bằng chứng liên quan đến Shelly Brooks được xét nghiệm và đưa vào CODIS sớm hơn thì có lẽ hung thủ đã bị bắt giữ sớm hơn, đồng thời tính mạng của 5 nạn nhân có lẽ đã được cứu thoát kịp thời.

Bằng chứng ADN trong 153 bộ bằng chứng còn tiết lộ thêm 38 dấu hiệu ADN khác cần được điều tra ngay. Nhưng, Kym Worthy giải thích, ngoài bằng chứng ADN còn phải tìm kiếm nhân chứng cũng như một số yếu tố cần thiết khác mới có thể lôi hung thủ ra tòa. Những vụ án xảy ra đã lâu nên cảnh sát phải tiến hành tái điều tra mà đây là công việc không hề dễ dàng chút nào.

Kym Worthy cho biết, hiện thời bà rất cần được tài trợ thêm cũng như tăng cường nhân lực cho công việc tiếp tục xét nghiệm ADN của khoảng 1.600 bộ bằng chứng khác - một số nhỏ trong tổng cộng 11.303 bộ bằng chứng. 

Tình hình hiện nay cho thấy đã có một số tiến bộ trong điều tra những vụ án cưỡng bức phụ nữ. Ví dụ, Sở Cảnh sát Los Angeles đã có nỗ lực giải quyết sự tồn đọng của 12.500 bộ bằng chứng, trong khi Cảnh sát New York City đang xử lý 16.000 bộ và sau đó thông qua chính sách xét nghiệm từng bộ bằng chứng. Hơn nữa, vài dự luật cải tổ bộ bằng chứng cưỡng bức vừa được đưa ra bàn luận tại Quốc hội Mỹ.

Ở Detroit, dự án của nữ công tố Kym Worthy đã dẫn đến việc truy tố ra tòa án một vụ cưỡng bức phụ nữ vào đầu năm 2012 và một phiên tòa sắp diễn ra. Trước những kết quả khả quan, Kym Worthy hy vọng dự án của bà sẽ được nhân rộng ra khắp các thành phố nước Mỹ trong tương lai gần.

Là người mẹ đơn thân của 3 đứa con, Kym Worthy bắt đầu hành nghề luật sư tại Cơ quan Công tố hạt Wayne vào năm 1984, và sau đó trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ chức vụ công tố viên cộng tác đặc biệt. Năm 1994, Kym Worthy làm việc cho Tòa án lưu động hạt Wayne và ở cương vị mới này bà đã ngồi ghế chủ tọa xét xử hàng trăm vụ trọng án.

Năm 2004, Worthy chính thức trở thành công tố viên của hạt Wayne và được coi là phụ nữ Mỹ gốc Phi cũng như phụ nữ Mỹ đầu tiên giữ chức vụ này. Vụ án nổi tiếng nhất của Kym Worthy là bản án buộc tội tham nhũng, khai man trước tòa và cản trở cuộc điều tra vào năm 2008 đối với Kwame Kilpatrick, thị trưởng Detroit.

Cách đây khoảng 30 năm, khi đang học luật tại Đại học Notre Dame ở South Bend, bang Indianan, Kym Worthy là nạn nhân của một vụ cưỡng bức. Worthy bị tấn công khi bà đang chạy bộ buổi tối quanh khu nhà ở và sau đó vụ việc không được trình báo với cảnh sát. Worthy tâm sự, vụ tấn công tình dục đã khiến bà trở nên mạnh mẽ hơn và cương quyết đòi công lý cho những nạn nhân khác

D.A. (tổng hợp)
.
.