Nữ điệp viên lừng danh của tình báo Trung Quốc

Thứ Năm, 17/01/2008, 16:00
Không phải là một phụ nữ xinh đẹp, không xuất thân từ một danh gia vọng tộc, và không phải là một điệp báo viên được đào tạo cơ bản, bà chỉ là một nữ thư ký bình thường, nhưng bằng tài năng, nghị lực và trên hết là lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bà đã lưu danh trong lịch sử tình báo Trung Quốc bởi những tin tức chiến lược quý giá.

Tới Vũ Hán để tìm Đảng

Năm 1935 khi tròn 20 tuổi, Thẩm An Na rời Thượng Hải để đến Hàng Châu. Trước đó cô đã từng là một nữ thư ký chuyên nghiệp làm việc tại trụ sở của Quốc dân đảng tại Chiết Giang. Ban đầu, cô chỉ nghĩ đó là một nghề mưu sinh nhưng thực sự suốt hơn 15 năm hoạt động bí mật trong lòng Quốc dân đảng, những gì cô làm được đã đưa cô lên hàng những tình báo viên kỳ cựu nhất không chỉ của Trung Quốc.

Trước kia không có máy ghi âm để ghi lại nội dung các cuộc họp quan trọng, việc ghi chép biên bản hoàn toàn bằng tay. Nghề tốc ký đòi hỏi vô cùng khắt khe, chỉ những ai có khả năng viết chính xác 200 chữ trong một phút mới được tuyển làm thư ký tốc ký, chuyên ghi biên bản các cuộc họp quan trọng.

Khi được tuyển dụng là thư ký cho Ban Thư ký Trung ương Quốc dân đảng tại Chiết Giang, công việc của An Na luôn ngập trong hàng loạt công văn giấy tờ quan trọng của chính phủ, cần phải có phản ứng vô cùng mẫn tiệp, đồng thời phải phát huy hết những kỹ xảo của người thư ký. Điều này vô cùng quan trọng vì ai có được nó, người đó sẽ nhận được sự sùng ái của “thượng cấp”.

Tất cả những phẩm chất, kỹ năng, kỹ xảo của một thư ký đã được An Na thể hiện rất tốt. Chỉ trong một thời gian rất ngắn cô đã giành được sự tín nhiệm từ những quan chức cấp cao của Trung ương Quốc dân đảng tại Chiết Giang. Vài tháng sau, cô chính thức được tổ chức giao nhiệm vụ.

Cùng làm nhiệm vụ với cô là một thanh niên trẻ tuổi có tên Hoa Minh, cũng là thành viên bí mật của tổ chức. Hoa Minh sau khi tới Hàng Châu  làm việc trong Sở Đường sắt tại Chiết Giang, là chỗ gần gũi để có thể hỗ trợ An Na bất kỳ lúc nào. Sau khi được tổ chức cho phép họ đã kết hôn vào mùa thu năm 1935.

Năm 1937, quân Nhật mở cuộc chiến tranh xâm lược vào Trung Quốc, chiến tranh nhanh chóng lan ra Tô Châu, Hàng Châu. An Na và Hoa Minh cùng toàn bộ cơ quan Quốc dân đảng tại Chiết Giang cùng đi sơ tán. Sau sự kiện này hai người mất liên lạc với tổ chức đảng tại Thượng Hải. Kinh tế gia đình lúc này khó khăn, Hoa Minh phải làm thêm để kiếm sống nuôi cả gia đình, còn Thẩm An Na đã từ chối công việc tại Chiết Giang để lên đường tới Vũ Hán tìm đảng.

Vũ Hán rộng lớn như vậy phải tìm đảng ở đâu? Sau mấy ngày vất vả An Na vẫn chưa biết làm thế nào, rồi cơ may cũng đến khi An Na gặp người trước kia từng giới thiệu cho Hoa Minh vào đảng, ông Lỗ Tự Thành.

Dưới sự dẫn dắt của Lỗ Tự Thành, An Na được đưa tới trụ sở của Bát lộ quân tại Vũ Hán, rồi sau đó cô đã gặp được Chu Ân Lai và Đổng Tất Võ.

Khi gặp được Chu Ân Lai cô vô cùng mừng rỡ, Chu Ân Lai cũng rất mừng và giao nhiệm vụ cho cô: “Đảng ta đang kiên trì kháng Nhật thống nhất dân tộc, để ngăn chặn những phần tử tiêu cực trong Quốc dân đảng ra sức chống Cộng, đảng cần thu thập rất nhiều tin tức tình báo từ Quốc dân đảng, hiểu được ý đồ và hoạt động chống Cộng của Quốc dân đảng, từ đó mới tiến hành cuộc đấu tranh một cách đúng đắn”.

Tiếp tục nghe Chu Ân Lai và Đổng Tất Võ phân tích, An Na hiểu được rằng, cần khai thác triệt để “mối quan hệ cũ” với Chu Gia Hoa, người hiện đang phụ trách bộ phận thư ký của Trung ương Quốc dân đảng, phải tiếp cận, phải trở lại làm việc tại đây để tiếp tục thu thập các tin tức tình báo.

“Đảng viên đặc biệt” của Quốc dân đảng

Sau cuộc gặp với Chu Ân Lai và Đổng Tất Võ, An Na liền tới Tổng bộ Trung ương Quốc dân đảng tại Vũ Hán để gặp Chu Gia Hoa. An Na từng là cấp dưới của Chu Gia Hoa nên Chu Gia Hoa dễ dàng chấp thuận việc cô trở lại làm việc. 

Mọi sự thuận lợi ngoài dự kiến, Chu Gia Hoa không chỉ sắp xếp công việc cho cô, mà để hợp thức hóa thân phận của cô tại Quốc dân đảng, Chu Gia Hoa còn dặn dò viên bí thư tại đây rằng, hãy sắp xếp để cho An Na được “vào đảng theo phương thức đặc biệt” (tức là được 3 đảng viên là ủy viên trung ương giới thiệu, tất cả mọi thủ tục đều được làm tắt nhanh chóng). Đích thân Chu Gia Hoa là người giới thiệu thứ nhất.

Tháng 8/1938, tình hình tại Vũ Hán có nhiều biến động, trụ sở Cơ quan Trung ương Quốc dân đảng lại bắt đầu chuẩn bị sơ tán về Trùng Khánh. Tuân theo chỉ thị của Đổng Tất Võ, Thẩm An Na và Hoa Minh cùng con gái cũng sơ tán theo Cơ quan Trung ương Quốc dân đảng rời Vũ Hán về Trùng Khánh.

Lúc này, toàn bộ tin tức tình báo thu lượm được đều chuyển cho Bát lộ quân tại Trùng Khánh thông qua liên lạc viên. Sau khi đến Trùng Khánh không lâu, An Na được chính thức phê chuẩn trở thành thư ký cơ yếu của Ban Thư ký cơ yếu trực thuộc Trung ương Quốc dân đảng.

Do đã từng là “người quen cũ” của Chu Gia Hoa, lại do chính tay Chu Gia Hoa sắp xếp công việc, do vậy sự tín nhiệm của An Na trong Ban Thư ký cơ yếu cũng ngày càng cao. Cô được tin cậy giao nhiệm vụ làm thư ký chính tại các cuộc họp quan trọng của Trung ương Quốc dân đảng.

Từ giờ phút đó, các quyết định về quân sự, chính trị, đường lối đấu tranh với các bên đều được chính tay cô ghi chép. Sự tin cậy của Trung ương Quốc dân đảng với An Na đã đạt tới mức tuyệt đối khi chính Tưởng Giới Thạch chỉ tín nhiệm vào mình cô. Những cuộc họp do Tưởng Giới Thạch chủ trì thì ngoài An Na không ai được phép làm thư ký. An Na đã thực sự trở thành nữ thư ký không thể thay thế của Tưởng Giới Thạch.

Công việc tiến triển vô cùng thuận lợi, mọi tin tức tình báo quan trọng của Trung ương Quốc dân đảng mà An Na thu lượm đã nhanh chóng được chính chồng cô chuyển tới tận tay Chu Ân Lai. Nhiều tin tức tình báo tuyệt mật từ cấp “chóp bu” trong Trung ương Quốc dân đảng đã tới tận tay Chu Ân Lai nhanh chóng và kịp thời. Những tài liệu này đã giúp Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tránh được tổn thất, tránh bị động và đưa ra được đường lối chính xác thì hợp tình hình cách mạng.

3 năm thất tán với tổ chức

Trăm chuyến đi đều cẩn thận như một, công việc hoạt động tình báo bí mật của An Na tuy vô cùng căng thẳng nhưng cô chưa hề mắc phải bất cứ sai lầm nào. Vào năm 1942, khi người liên lạc trực tiếp, đồng thời cũng là chỉ huy của hai vợ chồng cô là Từ Trọng Hàng bị bắt, hai vợ chồng cô đã mất liên lạc với tổ chức.

Mất sự chỉ đạo dẫn dắt của tổ chức, mất liên lạc, nhiều tin tức tình báo quan trọng không biết chuyển đến đảng Cộng sản bằng cách nào. Vợ chồng cô kiên trì chờ đợi mãi rồi cơ hội cũng đến, vào một ngày tháng 10/1945, Ngô Khắc Kiên đại diện cho Nam Phương Cục đã tới để  tái thiết lập liên lạc. Vậy là sau 3 năm, giờ đây lại được tiếp tục làm việc cho đảng Cộng sản Trung Quốc  tái thiết lập, vợ chồng An Na vô cùng vui mừng.

Trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, An Na lại cung cấp một lượng lớn tin tình báo chiến lược cho tổ chức. Mãi cho tới tháng 5/1949 khi Thượng Hải được giải phóng, những hoạt động tình báo bí mật của An Na mới chính thức kết thúc.

Nhà nước Trung Quốc mới được thành lập, An Na và chồng tiếp tục công tác trong Bộ An ninh cho tới khi về hưu. Sau khi nghỉ công tác vào năm 1985, bà cùng chồng đã tới nhiều nơi để giảng dạy về nghiệp vụ thư ký cho Hiệp hội Thư ký Trung Quốc.

Sau đó, bà còn cùng chồng làm cố vấn cho Ban An ninh của Chính phủ. Hai vợ chồng bà đã được Bộ An ninh, Nhà nước Trung Quốc tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý để ghi nhận công lao trong ngành tình báo Trung Quốc

Nguyễn Hòa (theo Quân sự văn trích)
.
.